Tình hình Covid-19 ở Gaza mới chuyển biến tích cực một tuần trước, nhưng xung đột Israel - Hamas có nguy cơ dập tắt hy vọng mong manh này.
Số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 hồi tháng 4 tại Dải Gaza tăng cao đến mức kỷ lục trong đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch. Do các con số gần đây có chiều hướng giảm, Hamas, nhóm dân quân Palestine đang kiểm soát Gaza, quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Tuy nhiên, giữa lúc một số khu điều trị Covid-19 vẫn đông đúc, một tai họa khác lại giáng xuống. Quân đội Israel những ngày qua tiến hành hàng trăm vụ không kích tại Gaza, đáp trả việc phong trào Hamas không ngừng phóng rocket về phía lãnh thổ của họ, khi căng thẳng giữa Israel và Palestine ngày càng leo thang.
Các cơ quan viện trợ cảnh báo cuộc chiến có thể làm tê liệt hệ thống y tế vốn đang gồng mình đối phó đại dịch tại Dải Gaza, dẫn đến những đợt bùng phát Covid-19 mới giữa cảnh giao tranh hỗn loạn.
Theo Bộ Y tế Palestine, ít nhất 103 người dân nước này đã thiệt mạng và hơn 580 người bị thương vì những cuộc tấn công của Israel tại Gaza. Các tòa nhà cao tầng, nhà máy và trụ sở của dân quân Hamas trong khu vực đã bị phá hủy trong các đợt không kích.
Tình trạng bạo lực để lại hậu quả ngay lập tức. Dựa vào mức độ nguy kịch, các cơ sở y tế buộc phải ưu tiên chữa trị cho hàng loạt người bị thương vì bom đạn, khiến phần lớn phải ngừng xét nghiệm nCoV và tiêm vaccine Covid-19, theo đội ngũ tiến hành công tác nhân đạo. Nhiều bệnh nhân Covid-19 gần bình phục được cho xuất viện để nhường chỗ cho số người bị thương ngày càng tăng.
"Đường phố Gaza giờ đây vắng tanh, chỉ có những xe cứu thương gấp rút chuyển các nạn nhân chiến tranh đến bệnh viện và trung tâm y tế. Đội ngũ y bác sĩ đang không thể chiến đấu với Covid-19", Raja Musleh, giám đốc chương trình tại Gaza của MedGlobal, nhóm nhân đạo trụ sở tại Mỹ, cho biết.
Một cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và Hamas được cho là sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc về nhân đạo, như khả năng chống Covid-19 của Gaza về lâu dài. Vùng lãnh thổ gồm khoảng 2 triệu người vốn đã đối mặt tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng những loại thuốc cơ bản, thiết bị y tế và y bác sĩ có trình độ.
"Ngay cả trước đại dịch, Gaza đã gặp những vấn đề nghiêm trọng trong hệ thống y tế, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Covid-19 khiến hệ thống vốn mong manh đó bị đẩy đến bờ vực", Suhair Zakkout, phát ngôn viên Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế tại Gaza, cho hay.
"Nếu xung đột leo thang, hệ thống y tế của Gaza sẽ không thể ứng phó được. Số người bị thương và bệnh nhân Covid-19 gia tăng có nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn, hoặc gần như vậy", Zakkout cảnh báo.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Gaza đã ghi nhận hơn 103.000 ca nhiễm nCoV, trong đó ít nhất 930 người tử vong kể từ đầu đại dịch. Đợt bùng phát mới nhất xảy ra hồi tháng 3, khi biến chủng từ Anh, có khả năng lây lan dễ dàng hơn, càn quét những khu dân cư đông đúc của Gaza và dẫn đến các ca nhiễm cao kỷ lục.
Mặc dù số ca nhiễm tại Gaza dường như đã đạt đỉnh, WHO tuần trước cho biết tỷ lệ dương tính với nCoV vẫn ở mức cao, tới 28%. Theo MedGlobal, trong số 330 mẫu xét nghiệm PCR được xử lý tại Gaza hôm 13/5 cho ra 92 kết quả dương tính.
"Các vùng lãnh thổ người Palestine sinh sống, bao gồm Gaza, nằm trong số những nơi chứng kiến tình hình Covid-19 tồi tệ nhất thế giới. Số ca nhiễm được báo cáo ở mức cao, và con số không được báo cáo cũng vậy", Sasha Muench, giám đốc phụ trách về Palestine thuộc nhóm nhân đạo Mercy Corps của Mỹ, đánh giá.
Tuần trước, ngay trước khi giao tranh Israel - Hamas bùng phát, gần một nửa số giường chăm sóc tích cực (ICU) của Gaza đã được dùng để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, theo WHO. Liên Hợp Quốc cho biết mới chỉ 39.000 người tại Gaza tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, trong khi khoảng 100.000 liều đã được đưa tới đây.
"Công tác tiêm chủng đã phải dừng lại vì cuộc chiến", Zakkout cho hay. Một lô vaccine cho Gaza từ chương trình Covax của WHO cũng phải ngừng vận chuyển hôm 13/5 do những lo ngại về an toàn trong chiến sự.
"Hiện nay, không có hàng hóa hoặc người nào có thể vào Gaza bởi các đường biên đều bị đóng. Điều này đồng nghĩa với việc vật tư y tế, bao gồm vaccine, cũng không thể được chuyển vào", Muench chỉ ra.
"Ngoài ra, nhiên liệu để chạy máy phát điện cũng không thể được đưa vào, trong khi giới chức Gaza cảnh báo tình trạng mất điện sẽ gia tăng, gồm cả các bệnh viện. Gaza có khả năng mất điện hoàn toàn trong vài ngày tới", bà nói thêm. Tình trạng mất điện tại các bệnh viện có thể gây gián đoạn việc cung cấp oxy cho bệnh nhân Covid-19 và người bị thương do bom đạn.
Một mối lo ngại khác là những cụm Covid-19 mới sẽ bùng phát khi các gia đình di tản tìm đến người thân hoặc hàng xóm để ẩn náu, tránh các cuộc không kích. Tại Gaza, phần lớn các gia đình nhiều thế hệ sống cùng nhau, dẫn đến việc giãn cách xã hội và các biện pháp phòng tránh Covid-19 khác không thể được đảm bảo.
"Chúng tôi không biết mọi thứ sẽ kéo dài bao lâu, hệ thống y tế sẽ ra sao, và con số thương vong chúng tôi sắp phải đối mặt sẽ đến mức nào", Hellen Ottens-Patterson, lãnh đạo phụ trách Palestine thuộc tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, cho biết.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét