Hải quân Indonesia cho biết sẽ trục vớt tàu ngầm Nanggala chở 53 thủy thủ bị đắm ngay sau khi nhận được hỗ trợ, song chưa rõ thời gian.
Tư lệnh hải quân Indonesia Yudo Margono hôm 30/4 cho biết họ đang chờ hai tàu, gồm một tàu do Trung Quốc gửi đến, được trang bị để xử lý các hoạt động cứu hộ dưới biển sâu. Nhiều phương án đang được xem xét nhưng hiện chưa rõ làm thế nào và khi nào chiếc tàu ngầm được đưa lên mặt nước.
"Chúng tôi đang xem xét kinh nghiệm của các quốc gia khác, như nâng bằng dây thừng đặc biệt hoặc sử dụng bóng khí. Chúng tôi vẫn chưa biết nên sử dụng cách tiếp cận nào", Yudo nói với phóng viên, thêm rằng 53 thủy thủ vẫn ở bên trong tàu.
"Thật khó để nói về thời gian cụ thể, nhưng tôi có thể nói rằng ngay khi có sự trợ giúp, chúng tôi sẽ bắt đầu trục vớt", ông cho hay.
Thiếu tướng Julius Widjojono, phát ngôn viên hải quân Indonesia, trước đó cho biết giới chức đang liên hệ với cơ quan năng lượng quốc gia để xem họ có thiết bị nâng vật thể nặng dưới đáy biển hay không. Các chuyên gia cho rằng trục vớt tàu ngầm là thách thức rất lớn, đòi hỏi các thiết bị trục vớt chuyên dụng.
Một phương tiện cứu hộ dưới nước do nước láng giềng Singapore cung cấp xác nhận tàu ngầm đang nằm dưới đáy biển sâu hơn 800m. Khảng 150 thành viên gia đình nạn nhân hôm qua thả hoa từ một tàu hải quân xuống vùng biển nơi tàu ngầm gặp nạn để tưởng nhớ thủy thủ đoàn.
Tàu ngầm Nanggala liên lạc lần cuối với sở chỉ huy vào 3h ngày 21/4 để xin phép lặn xuống biển, sau đó mất liên lạc hoàn toàn từ 4h30. Tín hiệu cuối cùng từ con tàu được phát hiện từ độ sâu khoảng 840 m, vượt quá giới hạn lặn của con tàu.
Hải quân Indonesia với sự hỗ trợ của tàu cứu hộ tàu ngầm MV Swift Rescue của Singapore ngày 25/4 phát hiện nhiều mảnh vỡ lớn ở độ sâu 840 m. Nanggala được cho đã vỡ làm ba phần, hải quân Indonesia xác định toàn bộ 53 người trên tàu đã thiệt mạng.
Hải quân Indonesia bác giả nhiều thuyết nguyên nhân tàu ngầm Nanggala gặp nạn, bao gồm bảo dưỡng kém hay lỗi của thủy thủ đoàn, cho biết sẽ đưa ra kết luận cuối cùng sau khi trục vớt được xác tàu.
Trong cuộc họp báo hôm 27/4, các chỉ huy hải quân Indonesia cho biết hiện tượng "sóng nội" do chênh lệch về khối lượng riêng của nước biển giữa khu vực ngoài khơi đảo Bali và eo biển Lombok gần đó có thể đã tạo ra một đợt sóng ngầm lớn đủ mạnh để kéo tàu ngầm KRI Nanggala xuống đáy biển trong vài giây.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét