Israel đang chật vật đối phó đợt tập kích rocket từ Dải Gaza, trong khi bạo lực bùng phát trong lòng nước này giữa cộng đồng người Arab và Do Thái.
Vài ngày qua, tại các thị trấn Israel có cả người Arab và người Do Thái cùng chung sống, nhiều vụ bạo lực đã bắt đầu xuất hiện. Hàng xóm đối đầu hàng xóm. Công dân Israel tấn công chính đồng hương của mình. Đợt leo thang xung đột giữa Israel và tổ chức vũ trang Hamas của người Palestine đang đào sâu rạn nứt trong lòng xã hội quốc gia Do Thái.
Đụng độ nghiêm trọng nhất diễn ra tại thành phố Lod, miền trung Israel. Thanh niên Arab phóng hỏa ô tô và giáo đường đạo Do Thái trong ngày 11/5, tấn công người Do Thái ngay tại nhà riêng. Giới chức địa phương phải áp lệnh giới nghiêm buổi tối để thắt chặt an ninh.
Tổng thống Israel Reuven Rivlin cáo buộc "băng đảng gốc Arab hiếu chiến và kích động" gây rối trật tự. Lực lượng biên phòng Israel điều động 9 đại đội từ khu vực Bờ Tây đến kiểm soát tình hình tại Lod và một số thị trấn khác. Thủ tướng Benjamin Netanyahu còn tuyên bố sẽ tái lập trật tự bằng "bàn tay sắt".
Đến đêm 12/5, nhiều thanh niên Do Thái theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tìm cách trả đũa. Họ tấn công người Arab bắt gặp trên đường phố và cửa hàng của người Arab tại một số thành phố Israel.
Tại Bat Yam, đám đông Do Thái vô cớ đánh bất tỉnh một tài xế người Arab. Truyền thông địa phương còn ghi nhận vụ việc thai phụ Arab ở Lod bị đánh trọng thương. Ở thành phố Acre phía bắc Israel, nhóm người Arab lại vây đánh một người Do Thái đến nguy kịch.
Những leo thang bất ổn trong ngày 12/5 buộc Thủ tướng Netanyahu đề cập khả năng huy động quân đội hỗ trợ cảnh sát "chấm dứt tình trạng vô chính phủ". Ông gửi thông điệp đến hai cộng đồng Do Thái lẫn Arab tại Israel: Không ai được phép vô cớ tấn công thành viên của cộng đồng còn lại và mọi người đều là công dân của một quốc gia.
Bất ổn trong lòng xã hội Israel gia tăng vào đúng giai đoạn giao tranh leo thang giữa quân đội nước này và các nhóm vũ trang Palestine trên Dải Gaza, dẫn đầu là phong trào Hamas.
Căng thẳng đã âm ỉ suốt nhiều tuần ở Jerusalem, khi tín đồ Hồi giáo Palestine và cảnh sát chống bạo động Israel liên tục đụng độ gần thánh đường Al-Aqsa, địa điểm linh thiêng thứ ba của Hồi giáo, nhằm phản đối nỗ lực trục xuất nhiều gia đình Palestine khỏi nơi sinh sống lâu năm của họ để giành chỗ cho người Do Thái.
Đây là cái cớ để Hamas đêm 10/5 phóng loạt rocket vào Israel, châm ngòi cho đợt giao tranh đẫm máu nhất giữa hai phía trong vài năm qua. Hơn 100 người Palestine và 7 người Israel đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công "ăn miếng trả miếng".
Bên cạnh tình hình chiến sự, những vụ đụng độ trong nước mang yếu tố tôn giáo và sắc tộc ngày càng được truyền thông và dư luận Israel quan tâm. Lãnh đạo lực lượng cảnh sát quốc gia Israel, Yaakov Shabtai, ngày 11/5 cảnh báo đây là làn sóng bạo lực nghiêm trọng nhất sau nhiều thập kỷ giữa các cộng đồng. "Chúng ta đang chứng kiến tình hình chưa từng có tiền lệ trong những thành phố đa sắc tộc", Shabtai tuyên bố.
Người Arab chiếm đến 20% dân số Israel. Cộng đồng này luôn cảm thấy bị chính phủ đối xử như "công dân hạng hai", không được quan tâm và khó tiếp cận nguồn tài nguyên xã hội. Đảng phái đại diện cho quyền lợi cộng đồng thiếu sức ảnh hưởng trên chính trường Israel, không thích và cũng không được mời tham gia chính quyền Do Thái.
Đảng UAL ủng hộ người Hồi giáo gần đây mới bắt đầu vận động bầu cử cùng lời hứa tham gia liên minh đối lập, sau khi cố lôi kéo sự ủng hộ từ Thủ tướng Netanyahu nhưng bất thành.
Bạo lực giữa hai cộng đồng đang khiến những chính trị gia Arab tại Israel lo ngại. Chủ tịch UAL Mansour Abbas kêu gọi người Arab kiềm chế và cảnh báo những cuộc biểu tình "đang có hướng đi rất nguy hiểm". Đối thủ chính trị của Abbas là Ayman Odeh cũng nhìn nhận bạo lực "là sai lầm nghiêm trọng". Odeh kêu gọi người biểu tình phản đối Israel chiếm đóng và bao vây Palestine, nhưng tuyệt đối không đe dọa tài sản và tính mạng người khác.
"Khủng hoảng thách thức năng lực lãnh đạo. Mọi lãnh đạo cộng đồng Arab cần phải lên tiếng ngay lúc này. Cuộc chiến với Hamas rồi sẽ kết thúc, nhưng còn chúng ta thì sao? Chúng ta vẫn gặp nhau giữa siêu thị, giữa bệnh viện", Issawi Frej, nhà lập pháp người Arab thuộc đảng Meretz, phát biểu trên truyền hình quốc gia.
Trung Nhân (Theo Foreign Policy)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét