Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

Những 'pháo đài' khó mở cửa giữa Covid-19

Nơi từng trụ vững trước sóng thần đại dịch Covid-19 gặp thách thức tái mở cửa, khi virus chưa thể biến mất trong tương lai gần.

Những chiến thắng ban đầu trước đại dịch Covid-19 lại dần trở thành chiếc áo hẹp với nhiều nền kinh tế như Singapore, Australia, New Zealand hay Hong Kong. Trong khi đó, thành phố từng khốn đốn vì dịch bùng phát như New York lại đang nối lại kiểu nhịp độ làm việc và cuộc sống bình thường.

Tại những nơi chống dịch thành công "thế hệ đầu", người dân hưởng cuộc sống gần như bình thường trong phần lớn năm qua. Tuy nhiên, việc bảo vệ "pháo đài" an toàn giữa đại dịch đòi hỏi nhiều chu kỳ phong tỏa chống lây nhiễm cộng đồng, hạn chế xuất nhập cảnh mạnh tay và chính sách cách ly nghiêm ngặt.

Khi vaccine đã được phát triển thành công, một số chuyên gia bắt đầu đặt câu hỏi liệu chiến lược xây thành trì chặn Covid-19 còn đáng để đánh đổi về dài hạn. Rupali Limaye, Giám đốc nghiên cứu khoa học hành vi và ứng dụng tại Trung tâm Tiếp cận Vaccine Quốc tế, thuộc Trường Y tế công Johns Hopkins, lưu ý viễn cảnh cả thế giới sạch bóng Covid-19 rất khó xảy ra.

Xe du lịch hạn chế hành khách tại Đài Bắc vào tháng 5/2020, khi đại dịch Covid-19 vừa bùng phát. Ảnh: Reuters

Xe du lịch hạn chế hành khách tại Đài Bắc vào tháng 5/2020, khi đại dịch Covid-19 vừa bùng phát. Ảnh: Reuters

Trong các "pháo đài" an toàn này, chiến lược được áp dụng là hành động quyết liệt ngay cả khi số ca lây nhiễm thấp, với mục tiêu cốt lõi là dập tắt mối đe dọa trước khi dịch lan rộng và buộc phải phong tỏa lâu hơn.

Chiến lược này nhìn chung đã và đang chứng tỏ hiệu quả trong công tác chống dịch. Tuy nhiên, việc tiêm ngừa tiến triển chậm cùng rủi ro mới từ biến chủng nCoV khiến các nước như vậy sẽ phải hành động ngày một quyết liệt hơn.

"Vì chúng ta đã quá thành công, chúng ta sợ rủi ro hơn trước. Chúng ta không chấp nhận để lọt bất kỳ ca Covid-19 nào. Nỗi lo sợ đã áp đảo cân nhắc rủi ro", Peter Collignon, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Quốc gia Australia, nhận định.

Tại Mỹ, chính phủ liên bang đã tự tin bỏ khuyến cáo mang khẩu trang cho người đã tiêm đủ hai liều vaccine, dù New York vẫn ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm 95 ca trên một triệu dân. Trong khi đó, Singapore đang cảnh báo tình hình "nghìn cân treo sợi tóc" khi thống kê tỷ lệ ca nhiễm mới trên một triệu dân là 4,2. Với 60 ca nhiễm cộng đồng trong tuần, Singapore đã siết kiểm soát biên giới và hạn chế tụ tập.

Đảo Đài Loan cũng ra lệnh đóng cửa phòng gym và địa điểm công cộng vì phát hiện 16 ca nhiễm trong ngày 12/5. Australia dự báo đến giữa năm 2022 mới bình thường hóa hoạt động xuất nhập cảnh.

Nếu duy trì cách tiếp cận này trong dài hạn, những vùng an toàn giữa đại dịch buộc phải chấp nhận tình trạng cô lập. Một số nơi dần học cách nới lỏng kiểm soát với điều kiện hệ thống y tế không quá tải.

Giới khoa học đã dự báo Covid-19 sẽ là vấn đề dai dẳng, tiếp tục lây nhiễm trên thế giới trong thời gian dài. Theo Donald Low, giáo sư Viện Chính sách công thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, các nền kinh tế muốn duy trì trạng thái "không Covid-19" cần áp dụng lệnh phong tỏa càng lúc càng khắt nghiệt hơn.

"Phương pháp này sẽ sớm trở nên thiếu hợp lý. Nơi khống chế Covid-19 quá tốt lại rơi vào tình thế vô cùng bất lợi, khi người dân chưa chấp nhận thực tế Covid-19 sẽ là vấn đề dai dẳng và không sẵn sàng chấp nhận nới lỏng kiểm soát nhưng phải đánh đổi bằng nguy cơ sức khỏe", Low nhận định.

Người dân Hong Kong tiêm vaccine tại trung tâm cộng đồng vào ngày 23/2. Ảnh: Reuters.

Người dân Hong Kong tiêm vaccine tại trung tâm cộng đồng vào ngày 23/2. Ảnh: Reuters.

Hong Kong và Singapore có thể chịu thiệt thòi đáng kể so với London hay New York nếu duy trì chiến lược chỉ mở cửa khi "sạch bóng Covid-19". Là trung tâm tài chính lẫn đầu mối hàng không của thế giới, họ phụ thuộc rất nhiều vào đi lại quốc tế, khác với Australia hay Trung Quốc, những nơi đủ sức duy trì tình trạng đóng cửa nhờ lực kéo cho cả nền kinh tế là xuất khẩu.

Thách thức lớn nhất để thoát khỏi "bẫy an toàn" này là tốc độ chủng ngừa Covid-19. Chương trình vaccine tại một số "pháo đài" giữa đại dịch lại tiến triển chậm vì thiếu nguồn cung hoặc người dân không có tâm lý vội vàng tiêm vaccine, khi số ca lây nhiễm trong cộng đồng được duy trì ở mức thấp. Tỷ lệ tiêm vaccine tại Australia là 5% dân số, còn ở New Zealand là 3%. Trong khi đó, Mỹ và Anh đã hoàn tất tiêm ngừa lần lượt cho 1/3 và 1/4 dân số cả nước.

Tại Hong Kong, người dân thành phố còn sợ vaccine hơn sợ virus. Vaccine chưa dùng chất đống dù tỷ lệ tiêm chủng không cao, đến mức chính quyền địa phương phải cảnh báo một phần sẽ hết hạn sử dụng vào tháng 9. Thông tin về rủi ro tác dụng phụ cộng với tình hình an toàn khiến người dân một số nơi chủ quan, muốn chờ vaccine được chứng tỏ công hiệu cụ thể hơn.

Donald Low cảnh báo nếu các "pháo đài" vẫn bế tắc trong bài toán tăng tốc tiêm chủng Covid-19, cơ hội tái mở cửa và sức cạnh tranh của họ sẽ chịu ảnh hưởng lớn. "Khi đó, chiến thắng ban đầu của những nơi này chẳng khác gì thất bại", ông nói.

Trung Nhân (Theo Bloomberg)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét