Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

Syria tố lính Mỹ trộm lúa mì

Hàng chục xe tải quân sự Mỹ bị tố chở nhiều tấn lúa mì "đánh cắp từ các kho chứa" ở tỉnh Hasakah, đông bắc Syria, chuyển sang Iraq.

Hãng thông nhà nước Syria SANA ngày 24/5 dẫn các nguồn tin địa phương cho hay 35 xe tải quân đội Mỹ chở đầy lúa mì "đánh cắp từ kho chứa Tal Alou" tại khu vực al-Yaarubyia, tỉnh Hasakah chuyển qua cửa khẩu al-Waleed để tới khu vực tự trị của người Kurd tại Iraq.

Vài giờ sau, một đoàn xe tải 11 chiếc khác của quân đội Mỹ cũng chạy sang lãnh thổ Iraq qua ngả cửa khẩu al-Waleed của Syria.

Trước đó một ngày, đoàn xe tải 86 chiếc chở theo khí tài, vật tư hậu cần được hàng chục thiết giáp Mỹ hộ tống đi từ miền bắc Iraq, qua cửa khẩu al-Waleed và tiến vào căn cứ quân sự Kharab al-Jir ở quận Yarubiyah thuộc tỉnh Hasakah của Syria.

Đoàn thiết giáp Mỹ dừng bên quốc lộ M4 đoạn chạy qua thị trấn Tal Tamr của tỉnh Hasakah, Syria tháng 1/2020. Ảnh: AFP.

Đoàn thiết giáp Mỹ dừng bên quốc lộ M4 đoạn chạy qua thị trấn Tal Tamr của tỉnh Hasakah, Syria tháng 1/2020. Ảnh: AFP.

Lầu Năm Góc điều binh sĩ và trang thiết bị tới đông bắc Syria để ngăn các mỏ dầu trong khu vực rơi vào tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, giới chức Syria cáo buộc Mỹ triển khai quân tại khu vực nhằm "cướp đoạt tài nguyên" của nước này.

Bassam Tomeh, Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Syria, ngày 18/3 nói "Mỹ cùng các nhóm khủng bố Hồi giáo đồng minh đang cướp dầu mỏ" từ quốc gia Trung Đông này, cho biết Washington đang kiểm soát 90% trữ lượng dầu thô ở vùng đông bắc giàu dầu mỏ.

"Người Mỹ và các đồng minh của họ đang nhắm vào thịnh vượng đến từ dầu mỏ của Syria. Các đoàn xe bồn chở dầu của họ không khác gì lũ cướp cạn", Tomeh nói.

Giới chức Mỹ lần đầu xác nhận buôn dầu của Syria trong phiên điều trần tại Thượng viện hồi cuối tháng 7/2020, với sự tham gia của thượng nghị sĩ Lindsey Graham và cựu ngoại trưởng Mike Pompeo. Trong phiên họp với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Pompeo lần đầu xác nhận một công ty dầu mỏ Mỹ sẽ hoạt động ở đông bắc Syria, nơi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) kiểm soát.

Chính phủ Syria lên án mạnh mẽ thỏa thuận và cho rằng điều này nhằm "cướp đoạt tài nguyên thiên nhiên" của họ, bao gồm dầu mỏ và khí đốt, được chính quyền cựu tổng thống Mỹ Donald Trump hỗ trợ và tài trợ.

Mỹ hồi tháng 6/2020 ban hành đạo luật Caesar, áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề nhất nhằm vào Syria với mục đích cắt giảm nguồn thu ngân sách của chính phủ nước này.

Vị trí tỉnh Hasakah ở đông bắc Syria. Đồ họa: Wikipedia.

Vị trí tỉnh Hasakah ở đông bắc Syria. Đồ họa: Wikipedia.

Lệnh trừng phạt của Mỹ cấm các công ty nước ngoài làm ăn với Syria, khiến nền kinh tế của quốc gia Trung Đông bị tê liệt. Mỹ và châu Ấu cấm xuất khẩu hoặc đầu tư vào Syria, đồng thời chặn mọi giao dịch liên quan đến dầu mỏ và các sản phẩm hóa dầu.

Syria cáo buộc các biện pháp trên gây áp lực lên người dân nước này và sinh kế của họ, gọi đây là "nỗ lực vô nhân đạo nhằm bóp nghẹt dân thường". Các quan chức Syria cho biết việc tăng cường buôn lậu những tài nguyên chiến lược của Syria "là thủ đoạn vô nhân đạo mới nhất lợi dụng nhu cầu cơ bản của dân chúng làm công cụ gây áp lực với chính phủ".

Nguyễn Tiến (Theo Press TV)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét