Với năng lực quân sự mạnh cùng quan hệ vốn đã lạnh nhạt với Nga, Anh trở thành nước châu Âu đầu tiên cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Cuối tuần qua, Bộ Ngoại giao Anh đưa ra động thái bất thường khi cáo buộc Điện Kremlin "âm mưu cài lãnh đạo thân Nga ở Ukraine". Một quan chức Anh giấu tên am hiểu vấn đề cho biết cáo buộc này dựa trên phân tích tình báo từ một số quốc gia, trong đó có Mỹ.
Theo Bộ Ngoại giao Anh, Nga đang coi cựu nghị sĩ Ukraine Yevhen Murayev, người phản đối Ukraine hội nhập với phương Tây, là ứng viên tiềm năng để đứng đầu một ban lãnh đạo thân Nga, nhưng không đưa ra bằng chứng. Nga đã phủ nhận cáo buộc.
Theo bình luận viên Max Colchester của WSJ, sự hăng hái bất thường của Anh còn được thể hiện khi London trở thành cường quốc châu Âu đầu tiên tham gia cùng Mỹ trong nỗ lực cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, khi căng thẳng với Nga leo thang.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết họ đã cung cấp "những hệ thống vũ khí hạng nhẹ, chuyên chống tăng thiết giáp và mang tính phòng thủ" để giúp Ukraine tự vệ trong trường hợp bị Nga tấn công.
Jack Watling, chuyên gia về tác chiến trên bộ tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh, đánh giá lô hàng gồm khoảng 2.000 tên lửa chống tăng mà Anh chuyển cho Ukraine sẽ gây thêm khó khăn đáng kể cho Nga nếu nước này có ý định tấn công Ukraine bằng xe tăng. "Chúng còn có thể khiến Tổng thống Vladimir Putin nghĩ rằng họ sẽ không chiến thắng dễ dàng", Watling nói.
Tình cảnh đối đầu giữa Moskva và London không phải mới, mặc dù ít được chú ý hơn kể từ khi Liên Xô tan rã vào cuối năm 1991. Trước đó, Anh đã có cách tiếp cận với Liên Xô cứng rắn hơn so với những đồng minh châu Âu khác như Đức. "London vốn có lịch sử đối đầu chiến lược tích cực với Moskva", Lawrence Freedman, giáo sư tại Đại học King ở London, cho hay.
Không khí căng thẳng dường như đã tăng nhiệt trở lại trong vài năm gần đây. Năm 2018, chính phủ Anh cáo buộc Nga liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal trên lãnh thổ nước này. Thủ tướng Anh Boris Johnson, khi đó giữ chức ngoại trưởng, đã cho trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga tại phương Tây để trả đũa. Moskva phủ nhận liên quan đến vụ đầu độc.
Anh hiện dẫn dắt một nhóm tác chiến đa quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Estonia để củng cố sườn phía đông của châu Âu, đồng thời là quốc gia châu Âu đầu tiên điều công binh đến hỗ trợ quân đội Ba Lan khi nước này phải xử lý dòng người nhập cư bất hợp pháp đột ngột đổ đến từ Belarus, đồng minh của Nga, hồi cuối năm ngoái. Anh còn nằm trong số những nước châu Âu đầu tiên tuyên bố trừng phạt tài chính, thương mại với chính phủ Belarus.
Nhờ sở hữu lực lượng quân sự hàng đầu tại Tây Âu, Anh được đánh giá có nhiều lựa chọn trong hành động. Thêm vào đó, họ không phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga như những quốc gia châu Âu khác. Đây dường như cũng là lý do khiến London không ngần ngại cứng rắn với Moskva như Berlin và Paris.
Thủ tướng Johnson đã công khai phản đối dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2), đường ống dẫn khí đốt từ Nga tới Đức mới được xây dựng và chưa đi vào hoạt động. "Một lựa chọn sắp được đưa ra, giữa bơm ngày càng nhiều khí đốt của Nga vào những đường ống khổng lồ mới và bảo vệ Ukraine, ủng hộ hòa bình và ổn định", ông cho biết năm ngoái.
Hôm 24/1, Johnson gửi thông điệp cứng rắn tới Nga, tuyên bố động thái tấn công vào Ukraine dưới bất kỳ hình thức nào "đều sẽ phải trả giá và sẽ có thương vong". Một ngày sau, Thủ tướng Anh tiếp tục cảnh báo rằng Mỹ và các đồng minh châu Âu "đã nhất trí sẽ đồng loạt đáp trả bất cứ cuộc tấn công nào của Nga vào Ukraine bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế phối hợp và hà khắc, nặng nề hơn mọi động thái chống lại Nga trước đây".
Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, Anh cũng đã giúp Ukraine củng cố quân đội thông qua chương trình huấn luyện có tên Chiến dịch Orbital, bắt đầu từ năm 2015 và đã huấn luyện khoảng 22.000 binh sĩ Ukraine về các kỹ năng y tế, tháo gỡ mìn và chiến thuật bộ binh, trong đó có ứng phó lính bắn tỉa.
Tương tự nhiều quốc gia châu Âu khác, Anh từng tỏ ra kiềm chế, không cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine do lo ngại thổi bùng căng thẳng với Nga. Tuy nhiên, lập trường của Anh dần trở nên quyết liệt hơn. Năm ngoái, nước này đã ký thỏa thuận với chính phủ Ukraine để hỗ trợ họ phát triển một căn cứ hải quân trên Biển Đen, đồng thời nhất trí giúp đóng tàu hải quân để bảo vệ bờ biển Ukraine.
Năm ngoái, Hải quân Hoàng gia Anh đã triển khai khu trục hạm HMS Defender đến Biển Đen nhằm thể hiện cam kết sát cánh cùng Ukraine, làm dấy lên chỉ trích từ chính phủ Nga. Giới chức Anh cho biết họ có thể cung cấp thêm nguồn lực cho Ukraine nếu cần, trong khi các lệnh trừng phạt tài chính được cân nhắc áp đặt lên Nga.
"Các biện pháp này sẽ khiến họ phải dừng lại và suy nghĩ về những điều họ đang làm", Bộ trưởng Wallace cho biết.
"Đằng sau loạt nỗ lực đối đầu với Nga, chính phủ Anh thể hiện mong muốn tích cực bảo vệ những chính quyền thân thiện với họ, đồng thời chứng minh với Mỹ rằng họ là một đồng minh đáng tin cậy", bình luận viên Colchester nhận định.
Ánh Ngọc (Theo WSJ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét