Dù là cây vợt số một thế giới, Novak Djokovic vẫn không được Australia khoan nhượng đối với các quy định chống dịch và tiêm vaccine khắt khe của mình.
Giải quần vợt Australia Mở rộng bắt đầu từ ngày 17/1 mà không có tay vợt nam hàng đầu thế giới Novak Djokovic, người đã phải "ôm hận" rời Australia vào đêm 16/1 để trở về Serbia sau thất bại trong cuộc chiến thị thực với chính quyền nước sở tại. Trong cuộc chiến này, Djokovic đã phạm một số sai lầm, tất cả đều xuất phát từ quyết định không tiêm vaccine Covid-19 của anh.
Theo luật của Australia, Djokovic có thể bị cấm đến nước này trong ba năm, dù Bộ trưởng Nội vụ Karen Andrews không loại trừ khả năng giảm nhẹ hình phạt. "Bất kỳ đơn xin giảm nhẹ nào cũng sẽ được xem xét dựa trên giá trị của nó", bà nói.
Australia không phải là nước duy nhất cấm nhập cảnh với người chưa tiêm chủng mà không thể đưa ra lý do miễn trừ hợp lý, nhưng là nước đầu tiên áp dụng luật với một người nổi tiếng như Djokovic.
Thủ tướng Scott Morrison nói chính phủ đang bảo vệ những hy sinh của người dân Australia trong đại dịch. Nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng ông cũng đang phần nào bảo vệ triển vọng chính trị của chính mình trước cuộc bầu cử liên bang sắp tới.
Chính phủ Australia đã thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng như con đường đưa đất nước thoát đại dịch, với hơn 92% người từ 16 tuổi trở lên đã tiêm chủng đầy đủ.
Sau phiên điều trần ngày 16/1, chính phủ đã coi phán quyết đối với Djokovic là chiến thắng của những công dân Australia bình thường trước những người nước ngoài coi thường luật lệ. "Ý tưởng rằng ai đó có thể đến và không cần tuân thủ quy định không thể tồn tại", Thủ tướng Morrison nói.
Australia là một trong những nước đầu tiên trên thế giới đóng biên giới vào tháng 3/2020 khi Covid-19 bắt đầu lây lan. Khi đất nước mở cửa trở lại, Australia yêu cầu tất cả người nhập cảnh phải tiêm đủ hai mũi vaccine, trừ khi được miễn trừ y tế hợp lệ.
Luật pháp Australia quy định miễn trừ y tế chỉ dành cho những người có thể chứng minh họ từng bị sốc phản vệ sau tiêm, bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vaccine hoặc bị suy giảm miễn dịch đáng kể. Khi Djokovic hạ cánh xuống Melbourne ngày 5/1, Lực lượng Biên phòng Australia cho rằng anh không đáp ứng được những điều kiện này và nhanh chóng hủy visa của anh.
Có lẽ do họ quá nôn nóng, quyết định hủy thị thực lần đầu tiên đã bị một thẩm phán đảo ngược vài ngày sau đó. Nhưng chỉ vài ngày sau, Bộ trưởng Di trú Alex Hawke sử dụng quyền lực cá nhân hủy thị thực lần hai đối với Djokovic, do lo ngại rằng tay vợt có thể trở thành "biểu tượng" cho phong trào bài vaccine, đe dọa sức khỏe và trật tự công cộng.
Quan điểm của Hawke có cơ sở, bởi Australia là nơi có phong trào bài vaccine nhỏ nhưng dai dẳng. Năm ngoái, nhiều người đã tổ chức các cuộc biểu tình trên khắp đất nước để chống lại chiến dịch tiêm chủng và các biện pháp kiểm soát đại dịch của chính phủ.
Australia cũng đang đối mặt với làn sóng Omicron, dù tỷ lệ tiêm chủng cao. Số ca nhiễm chưa thể xác định chính xác vì năng lực xét nghiệm của nước này vẫn còn hạn chế, một phần do thiếu nguồn cung vật tư.
Dù đã mở cửa biên giới, Australia vẫn duy trì những quy tắc nhập cảnh rất nghiêm ngặt. Australia đã cho phép công dân, thường trú nhân, người có thị thực Australia và thành viên gia đình họ có thể nhập cảnh. Nhưng với khách nước ngoài, Australia chỉ chấp nhận người đến từ bốn quốc gia nằm trong nhóm du lịch an toàn quốc tế gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và New Zealand.
Du khách không được miễn trừ y tế phải tiêm chủng đầy đủ bất kỳ loại vaccine nào được Cơ quan Quản lý Sản phẩm Trị liệu Australia phê duyệt, gồm AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinovac, Bharat, Sinopharm và Johnson & Johnson.
Chính phủ Australia có thể cấp miễn trừ cá nhân cho một số khách đến từ nước ngoài, gồm cha mẹ của công dân và thường trú nhân Australia, hoặc người đi kèm một công dân trong độ tuổi vị thành niên đến Australia.
Một số sinh viên quốc tế cũng được phép trở lại Australia, như sinh viên y khoa làm việc trong một số bệnh viện ở nước này. Lực lượng Biên phòng Australia còn có thể cấp miễn trừ cho một số trường hợp đặc biệt, như có thành viên gia đình qua đời hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.
Quy định của Australia nêu rõ 72 giờ trước khi khởi hành, khách đến nước này phải nộp tờ khai du lịch Australia, nêu chi tiết lịch trình di chuyển trong 14 ngày trước đó và nộp chứng nhận tiêm chủng. Ngoài ra, hành khách phải có xét nghiệm PCR âm tính trước khi khởi hành.
Điều khó khăn hơn khi đến Australia là 8 bang và vùng lãnh thổ của nước này có các quy định kiểm soát dịch khác nhau. Khách đến New South Wales (NSW), Victoria, Lãnh thổ phía Bắc và Lãnh thổ thủ đô Australia được phép đến thẳng nơi cư trú. Tuy nhiên, họ phải làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm PCR sau đó, đồng thời phải tự cách ly tới khi có kết quả âm tính. Vào ngày thứ 6 sau khi đến, họ được yêu cầu làm thêm một xét nghiệm khác.
Tuy nhiên, khi đến bang Tây Australia, khách nhập cảnh phải cách ly bắt buộc tại khách sạn 14 ngày và tự chịu chi phí. Họ còn phải xét nghiệm Covid-19 tới 5 lần, vào ngày đầu tiên sau khi đến, ngày thứ 5, 13, 17 và 21.
Ngay cả với người dân Australia, các quy định phòng dịch vẫn rất nghiêm ngặt. Dù hiện tại hầu hết các bang đã mở cửa ranh giới, một số vẫn yêu cầu xét nghiệm trước khi cho phép vào địa phận bang. Tây Australia vẫn từ chối mở cửa với phần còn lại của đất nước và thế giới đến ngày 5/2.
Khi đề cập tới quyết định hủy thị thực của Djokovic, Thủ tướng Morrison đăng dòng thông báo lên Twitter, nhấn mạnh: "Luật là luật, nhất là khi liên quan đến biên giới của chúng ta. Không ai có thể đứng trên luật".
Thanh Tâm (Theo CNN, SCMP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét