Tổng thống Biden trải năm đầu nhiệm kỳ nhiều thất vọng, nhưng 2022 được dự đoán còn tiềm ẩn nhiều thách thức hơn nữa với ông.
Bước vào năm đầu nhiệm kỳ, Joe Biden hiện lên với hình ảnh một chính trị gia lão luyện, ôn tồn, sẵn sàng bước khỏi vùng an toàn để hàn gắn một quốc gia đã bị chia rẽ sâu sắc dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. Một năm sau, ông bước vào năm thứ hai nhiệm kỳ giống như một chiến binh, chuẩn bị đối mặt với hàng loạt thử thách chông gai.
"Tôi đã quá mệt mỏi vì phải im lặng", ông nói hồi tuần trước trong một bài phát biểu sôi nổi trước người dân cả nước.
Biden dường như đang đề cập đến những "cuộc đối thoại thầm lặng" không mang lại kết quả ở hậu trường với các thượng nghị sĩ trong nỗ lực nhằm thông qua luật về quyền bầu cử mang dấu ấn của ông. Tổng thống Mỹ cũng có thể đang muốn tổng kết lại nỗi thất vọng và giận dữ của mình trong 12 tháng đầu tiên tại Nhà Trắng.
Nếu năm 2021 đã chứng kiến một Biden có phần khiêm nhường, dè dặt, nước Mỹ và thế giới năm 2022 có lẽ sẽ được nhìn thấy một phiên bản ngoan cường, gai góc hơn của ông trên con đường xây dựng di sản cá nhân, giới chuyên gia đánh giá.
Biden nhậm chức ngày 20/1/2021 ở tuổi 78, là người nhiều tuổi nhất từng trở thành tổng thống Mỹ. Đi kèm với đó, ông phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn.
Covid-19 mất kiểm soát, những người ủng hộ Trump chỉ hai tuần trước đó đã xông vào tòa nhà quốc hội, gây bạo loạn để tìm cách lật ngược kết quả bầu cử, nền kinh tế rơi vào "hôn mê" và các đồng minh của Mỹ trên khắp thế giới cũng đang choáng váng với những cú sốc do Trump gây ra.
Câu trả lời của Biden cho tất cả những điều đó, chưa kể đến những căng thẳng bùng nổ về vấn đề phân biệt sắc tộc là lời hứa về sự toàn tâm toàn ý, tử tế và đoàn kết.
"Tôi dốc toàn bộ tâm hồn mình vào nhiệm vụ này. Mang nước Mỹ xích lại với nhau, đoàn kết người dân chúng ta", ông nói trong bài phát biểu nhậm chức.
Ông đã đứng trước cơ hội rất lớn để làm được điều đó. Đảng Dân chủ đang kiểm soát lưỡng viện quốc hội, Trump bị Twitter "cấm cửa" và vaccine Covid-19 đã sẵn sàng.
"Nhiều người kỳ vọng rằng Biden, với kinh nghiệm và kiến thức của mình ở Washington, có thể khiến cả đoàn tàu chạy đúng giờ trở lại", Lara Brown, giám đốc Trường Cao học Quản lý Chính trị thuộc Đại học George Washington, bình luận. "Tất cả chỉ nhằm đưa nước Mỹ trở lại trạng thái bình thường".
Nhưng khi bước sang năm thứ hai của nhiệm kỳ, bị bủa vây bởi biến chủng Delta và Omicron, một nước Mỹ thậm chí còn chia rẽ sâu sắc hơn và nguy cơ đánh mất quyền kiểm soát quốc hội vào tay đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11, may mắn của Biden ở tuổi 79 dường như không còn nhiều.
Những dự luật đầy tham vọng do Biden đề xuất nhằm cứu trợ Covid-19, phục hồi kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng có khởi đầu khá thuận lợi. Nhưng đến nay, mới chỉ đạo luật cơ sở hạ tầng và cứu trợ Covid-19 được thông qua, trong khi dự luật Xây lại Tốt hơn đứng trước nguy cơ "chết yểu" tại Thượng viện.
Số phận dự luật về quyền bầu cử mà ông cho là cần thiết để cứu nền dân chủ Mỹ khỏi những người ủng hộ cựu tổng thống Trump cũng đang rất mờ mịt, trong bối cảnh Biden đã không thể kết nối được với cánh hữu hay thỏa mãn những người cánh tả trong đảng Dân chủ của mình.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông đang ở mức thấp kỷ lục. Theo cuộc thăm dò mới đây do Đại học Quinnipiac thực hiện, tỷ lệ ủng hộ Biden thậm chí còn rơi xuống 33%, mức đáng lo ngại.
Ở nước ngoài, bức tranh cũng khá ảm đạm.
Các đồng minh chắc chắn thích một nước Mỹ không do Trump điều hành, nhưng quyết định rút quân khỏi Afghanistan đầy hỗn loạn đã thổi bay hào quang của chính quyền Biden. Nga, dường như không cảm thấy bị Mỹ đe dọa, đang tập trung lượng lớn binh sĩ gần biên giới Ukraine.
Tất cả những gì đang diễn ra giống như lời cảnh tỉnh về những ngày tháng Nhà Trắng xôn xao với chủ nghĩa lý tưởng và nỗ lực xây dựng hình ảnh Biden giống như Franklin Roosevelt, thần tượng của ông, người đã đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc Đại suy thoái những năm 1930.
"Niềm lạc quan của họ, kết hợp với kỳ vọng của công chúng rằng tất cả mọi vấn đề sẽ được giải quyết, đã khiến họ trở nên tự mãn", Brown nhận xét về chính quyền Biden.
Biden vẫn có cơ hội lấy lại hào quang nếu đại dịch được kiềm chế, nền kinh tế ổn định, lạm phát giảm và với những dấu hiệu tốt đẹp như vậy, ông có thể giúp đảng Dân chủ đảo ngược những thất bại về mặt lập pháp ngay trước cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ.
Các trợ lý của Biden cũng chỉ ra rằng họ đã thành công khi khiến quốc hội thông qua Kế hoạch Giải cứu người Mỹ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, thúc đẩy phần nào nền kinh tế bị tàn phá bởi Covid-19 và khiến cuộc sống người dân bớt khốn khổ. Đảng Dân chủ thậm chí còn nhận được ủng hộ rộng rãi từ đảng Cộng hòa trong nỗ lực thông qua luật cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD.
Nhưng cơ hội "lật ngược tình thế" của Biden vô cùng mong manh. Trong năm nay, đảng Dân chủ nhiều khả năng sẽ tiếp tục đấu đá nội bộ và phe Cộng hòa sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11, giành lại quyền kiểm soát lưỡng viện quốc hội.
Nếu kịch bản trên xảy ra, Biden có thể sẽ phải đối mặt với các cuộc điều tra tại Hạ viện, khi đảng Cộng hòa tìm cách làm suy yếu hơn nữa khả năng lãnh đạo của ông, giới quan sát suy đoán.
Để hiện thực hóa lời hứa khôi phục "linh hồn nước Mỹ", Biden có lẽ còn cả quãng đường dài phải đi và con đường này chắc chắn vô cùng chông gai.
David Ignatius, bình luận viên của Washington Post, cho rằng ông "nên trở lại là con người ít hô hào và gần gũi hơn như trước kia".
Nhưng Biden, với thế dựa lưng vào tường, đang báo hiệu rằng ông sẽ gai góc hơn trong năm 2022. "Tôi không tìm kiếm cuộc chiến này", ông tuyên bố trong một bài phát biểu khác nhân kỷ niệm một năm ngày bạo loạn Đồi Capitol nổ ra. "Nhưng tôi sẽ không thu mình lại. Tôi sẽ đấu tranh".
Vũ Hoàng (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét