Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

Anh muốn tăng gấp đôi quân ở Đông Âu răn đe Nga

Anh sẽ đề xuất với NATO tăng gấp đôi binh sĩ và điều thêm khí tài tới Đông Âu nhằm đáp trả "thái độ thù địch của Nga với Ukraine".

Văn phòng Thủ tướng Boris Johnson ngày 29/1 cho biết đề xuất sẽ được nêu ra với các chỉ huy NATO vào tuần tới, theo đó Anh có thể tăng quân số nước này đồn trú tại Đông Âu lên hơn 2.200 người và chuyển vũ khí phòng thủ tới Estonia. Anh hiện triển khai khoảng 1.150 quân tại các nước Đông Âu.

"Điều này sẽ gửi thông điệp rõ ràng tới Điện Kremlin rằng chúng tôi không dung thứ cho hoạt động gây bất ổn của họ và chúng tôi luôn sát cánh cùng các đồng minh NATO khi đối mặt thái độ thù địch của Nga", Thủ tướng Johnson cho biết.

Johnson thông báo đã ra lệnh cho quân đội Anh sẵn sàng triển khai lực lượng trên khắp châu Âu vào tuần tới để có thể "hỗ trợ các đồng minh NATO trên bộ, trên biển và trên không". Thủ tướng Anh cảnh báo nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin chọn "đổ máu và hủy diệt ở Ukraine, đó sẽ làm thảm kịch cho châu Âu".

Xe tăng chủ lực Challenger 2 của lục quân Anh tham gia diễn tập tại Latvia tháng 10/2020. Ảnh: NATPOP

Xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 của lục quân Anh tham gia diễn tập tại Latvia tháng 10/2020. Ảnh: NATPOP

Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết động thái triển khai tiêm kích, chiến hạm, binh sĩ này sẽ củng cố khả năng phòng thủ của NATO và nhấn mạnh khả năng hỗ trợ của Anh với các các đối tác Bắc Âu và Baltic. Khoảng 900 binh sĩ Anh đang đồn trú tại Estonia, hơn 100 người tại Ukraine làm công tác huấn luyện và một đội bộ binh cơ giới khoảng 150 người tại Ba Lan.

Tàu sân bay HMS Prince of Wales của Anh đang hoạt động tại khu vực Bắc Cực thuộc châu Âu và được đặt trong chế độ sẵn sàng lên đường nếu căng thẳng gia tăng.

Các động thái quân sự này được tiến hành song song với hoạt động ngoại giao. Ngoại trưởng Anh Liz Truss và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace sẽ tới Moskva hội đàm với những người đồng cấp trong vài ngày tới. "Họ sẽ đề nghị cải thiện quan hệ với chính phủ của Tổng thống Putin và khuyến khích giảm căng thẳng", văn phòng Thủ tướng Anh cho hay.

Anh là nước đang dẫn đầu nỗ lực ở châu Âu nhằm gây sức ép với Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Căng thẳng leo thang sau khi Mỹ và NATO cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân sát biên giới và lên kế hoạch tiến đánh nước láng giềng. Nga nhiều lần bác bỏ thông tin này và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.

Nga cũng yêu cầu NATO không kết nạp Ukraine, bên cạnh loạt yêu cầu an ninh gửi tới phương Tây. Mỹ và NATO đã gửi phản hồi về các yêu cầu an ninh này, nhưng Điện Kremlin chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng.

Các thành viên NATO ở phía đông được kết nạp sau năm 1997. Đồ họa: BBC.

Các thành viên NATO ở phía đông được kết nạp sau năm 1997. Đồ họa: BBC.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 28/1 tuyên bố Nga không muốn chiến tranh nhưng không cho phép ai "vùi dập hay phớt lờ lợi ích của mình". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexey Zaytsev khẳng định Nga nhiều lần tuyên bố không có ý định tấn công bất cứ ai và không chấp nhận chiến tranh với Ukraine.

Nguyễn Tiến (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét