Các nước láng giềng của Burkina Faso cùng Pháp và Liên Hợp Quốc lên án đảo chính tại quốc gia Tây Phi, trong khi người dân tỏ ra vui mừng.
"Chúng tôi kêu gọi quân đội Burkina Faso ngay lập tức trả tự do cho Tổng thống Roch Marc Christian Kabore và các quan chức cấp cao khác đang bị giam giữ, đồng thời nhanh chóng trả lại trật tự hiến pháp", Ravina Shamdasani, phát ngôn viên văn phòng nhân quyền của Liên Hợp Quốc, hôm nay cho biết.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres sau đó cũng cho hay "đảo chính quân sự là điều không thể chấp nhận". "Vai trò của quân đội phải là bảo vệ đất nước và người dân, thay vì tấn công chính phủ và tranh giành quyền lực", ông nêu ý kiến.
Các bình luận được đưa ra sau khi Trung tá Paul-Henri Sandaogo Damiba, người phụ trách bảo vệ thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso, lên truyền hình quốc gia tuyên bố lật đổ Tổng thống Kabore, giải tán chính phủ, quốc hội và đóng cửa biên giới. Hiện chưa rõ tung tích của Kabore. Tổng thống 64 tuổi gần đây chịu nhiều chỉ trích do chính phủ không thể chấm dứt tình trạng phiến quân Hồi giáo cực đoan gây bất ổn.
Đây là biến động chính trị mới nhất tại Burkina Faso, quốc gia Tây Phi thường xuyên bất ổn kể từ khi giành độc lập từ Pháp vào năm 1960, đồng thời là cuộc đảo chính quân sự thứ ba tại khu vực trong chưa đầy 18 tháng, sau các sự kiện ở Mali hồi tháng 8/2020 và Guinea hồi tháng 9/2021.
Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã tổ chức hội nghị đặc biệt và ra tuyên bố cho biết họ "kịch liệt chỉ trích đảo chính quân sự". G5 Sahel, liên minh chống phiến quân Hồi giáo tại khu vực gồm các nước Chad, Mali, Mauritania, Niger và Burkina Faso, cũng "lên án mạnh mẽ nỗ lực phá vỡ trật tự hiến pháp" tại Burkina Faso.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nước này "rõ ràng vẫn như mọi khi" nhất trí với ECOWAS lên án đảo chính quân sự, đồng thời chỉ ra rằng Kabore "đã hai lần đắc cử tổng thống trong các cuộc bỏ phiếu dân chủ". "Đây là diễn biến mới nhất trong chuỗi đảo chính quân sự vô cùng đáng lo ngại, vào thời điểm ưu tiên của khu vực nên là cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo", Macron nói.
Tuy nhiên, vài trăm người đã tập trung tại Quảng trường Quốc gia ở thủ đô Ouagadougou, vẫy cờ và thổi kèn vuvuzela nhằm thể hiện sự ủng hộ quân đội Burkina Faso. Nhiều người còn bán các tấm áp phích in hình Trung tá Damiba. "Chúng tôi đã kêu gọi Tổng thống Kabore rời đi vài lần, nhưng ông ấy không nghe. Quân đội đã lắng nghe và thấu hiểu chúng tôi", nhà hoạt động Lassane Ouedrago cho biết.
"Chúng tôi không coi đây là đảo chính, mà là giải phóng đất nước khỏi sự lãnh đạo của những người bất tài", một giáo viên 30 tuổi tên Julienne Traore cho hay, trong lúc một số người hô vang "cảm ơn quân đội".
Tuy nhiên, không phải người Burkina Faso nào cũng tin mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn dưới chính quyền quân sự. Anatole Compaore, 31 tuổi, đang thất nghiệp, vẫn hoài nghi về khả năng quân đội có thể giải quyết các vấn đề của quốc gia.
Burkina Faso là một trong những quốc gia nghèo nhất ở vùng hạ Sahara, với khoảng 45% trong gần 21 triệu dân sống dưới mức đói nghèo. Khi tái đắc cử tổng thống năm 2020, Kabore đã cam kết coi cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo là ưu tiên hàng đầu, nhưng không thể kiểm soát tình hình khiến khoảng 1,4 triệu người phải sơ tán. Riêng trong năm qua, các vụ tấn công của phiến quân đã cướp đi sinh mạng của khoảng 2.000 người.
Ánh Ngọc (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét