Đại sứ Mỹ nói Moskva định tăng 6 lần quân số tại Belarus, còn đại sứ Nga bác cáo buộc và cho rằng Washington làm leo thang căng thẳng.
Tranh cãi trong phiên họp bắt đầu khi đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield ngày 31/1 nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng Nga đang có kế hoạch tăng gấp 6 lần lực lượng tại Belarus trong vài ngày tới.
"Chúng tôi đã thấy bằng chứng cho thấy Nga có ý định tăng đến hơn 30.000 quân đóng gần biên giới Belarus - Ukraine, cách Kiev chưa đầy hai giờ bay về phía bắc, vào đầu tháng 2", Thomas-Greenfield nói.
Đại sứ Mỹ cho rằng đợt điều quân trên là lớn nhất tại châu Âu trong nhiều thập kỷ. "Nếu Nga tiếp tục xâm lược Ukraine, không ai trong chúng ta có thể nói rằng không thấy điều này sắp xảy ra và hậu quả sẽ rất khủng khiếp", Thomas-Greenfield cảnh báo.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia bác cáo buộc của Thomas-Greenfield và nói rằng Mỹ "đang tham gia vào những cơn cuồng loạn" bằng cách triệu tập cuộc họp của Hội đồng Bảo an về Ukraine.
Nebenzia nói không một quan chức nào đe dọa tấn công Ukraine và người dân nước này "đang bị tẩy não bởi hội chứng sợ Nga của phương Tây".
Nebenzia cho biết quân đội Nga tới Belarus để diễn tập chung, đồng thời cho rằng "Mỹ đang khơi dậy căng thẳng, ra tuyên bố và kích động leo thang". "Các cuộc thảo luận về một mối đe dọa chiến tranh là hành động khiêu khích. Các vị đang kêu gọi điều này và muốn nó xảy ra", đại sứ Nebenzia nói.
Trong khi đó, đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya kêu gọi giảm leo thang để có thể tiếp tục các cuộc đàm phán về xung đột giữa quân chính phủ và phe ly khai ở vùng Donbass. "Tổng thống Ukraine gần đây nhắc lại rằng ông sẵn sàng gặp người đồng cấp Nga", Kyslytsya nói.
"Nếu Nga có bất cứ câu hỏi nào với Ukraine, tốt hơn là nên gặp và nói chuyện, không nên đưa quân đến biên giới và đe dọa dân Ukraine", Kyslytsya cho biết. "Đối với Ukraine, ưu tiên hàng đầu hiện nay là đạt được lệnh ngừng bắn bền vững và vô điều kiện ở Donbass".
Căng thẳng leo thang sau khi Mỹ và NATO cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân sát biên giới và lên kế hoạch tiến đánh nước láng giềng. Nga nhiều lần bác bỏ thông tin này và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Nga cũng yêu cầu NATO không kết nạp Ukraine, bên cạnh loạt yêu cầu an ninh gửi tới phương Tây. Mỹ và NATO đã gửi phản hồi về các yêu cầu an ninh này, nhưng Điện Kremlin chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 28/1 tuyên bố Nga không muốn chiến tranh nhưng không cho phép ai "vùi dập hay phớt lờ lợi ích của mình". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexey Zaytsev khẳng định Nga nhiều lần tuyên bố không có ý định tấn công bất cứ ai và không chấp nhận chiến tranh với Ukraine.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét