Chỉ trong một tuần, Trump bị tòa tối cao bác đơn về hồ sơ bạo loạn Đồi Capitol và vướng hàng loạt rắc rối, dẫn đến thách thức pháp lý lớn.
Tòa án Tối cao Mỹ hôm 19/1 bác bỏ kiến nghị của cựu tổng thống Donald Trump nhằm ngăn công khai hồ sơ của Nhà Trắng về vụ bạo loạn Đồi Capitol. Điều này đồng nghĩa những tài liệu liên quan đến sự kiện ngày 6/1/2021 có thể được Cục Lưu trữ Quốc gia chuyển cho Ủy ban 6/1, nhóm phụ trách điều tra vụ bạo loạn do Hạ viện Mỹ thành lập.
Trump gửi đơn lên Tòa án Tối cao Mỹ sau khi tòa phúc thẩm liên bang tại thủ đô Washington tháng trước kết luận quốc hội có đặc quyền làm rõ những diễn biến vụ bạo loạn. Theo Cục Lưu trữ Quốc gia, các tài liệu Trump muốn ngăn công khai gồm nhật ký tổng thống, danh sách người đến thăm, bản thảo diễn văn và ghi chép tay liên quan diễn biến ngày 6/1 từ cựu chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows.
Đến ngày 20/1, Ủy ban 6/1 gửi trát triệu tập Ivanka, con gái của Trump, để hỗ trợ cuộc điều tra. Ủy ban cho biết họ có bằng chứng Ivanka đã cầu xin cựu tổng thống yêu cầu đám đông ủng hộ ông chấm dứt vụ bạo loạn, nên muốn cô cung cấp lời khai. Trump đã bày tỏ tức giận trước động thái này, gọi đây là "tình huống rất bất công" với các con của ông.
Trước đó vào ngày 18/1, văn phòng Tổng chưởng lý New York Letitia James thông báo với tòa án rằng các nhà điều tra tìm thấy bằng chứng Tập đoàn Trump đã sử dụng định giá tài sản "gian lận hoặc gây hiểu lầm" để nhận các khoản vay và lợi ích về thuế.
Tòa án cho biết chính quyền bang chưa quyết định khởi kiện dân sự, nhưng các điều tra viên cần thẩm vấn Trump cùng hai con lớn là Donald Trump Jr. và Ivanka. Cựu tổng thống và đội ngũ luật sư của ông cho rằng cuộc điều tra này mang động cơ chính trị.
Giới quan sát đánh giá sự việc gây tổn hại nhất giữa loạt sóng gió đổ ập lên Trump chỉ trong một tuần là Fani Willis, công tố viên hạt Fulton thuộc bang Georgia, hôm 20/1 gửi thư yêu cầu thành lập một đại bồi thẩm đoàn đặc biệt để hỗ trợ cuộc điều tra về nỗ lực gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 ở Georgia của Trump.
Cuộc điều tra của Willis được cho là thách thức lớn nhất mà Trump phải đối mặt ở Georgia, sau khi ông bị ghi âm gọi điện gây áp lực lên Tổng thư ký Brad Raffensperger của bang này nhằm lật ngược kết quả bầu cử dựa trên những tuyên bố gian lận phiếu bầu vô căn cứ. Tuần tồi tệ của Trump kết thúc với vụ rò rỉ tài liệu cho thấy ông từng cân nhắc sử dụng quân đội phục vụ nỗ lực "lật kèo" chiến thắng của Joe Biden.
Theo bình luận viên Richard Luscombe của Guardian, đây là tuần nhiều biến động nhất mà Trump từng gặp phải kể từ khi rời Nhà Trắng, có thể trở thành thảm họa tiềm tàng với cựu tổng thống, đặt ra thách thức to lớn.
"Trump có lẽ từng nghĩ những người ủng hộ ông ấy sẽ không thay đổi bất kể chuyện gì xảy ra, nhưng tôi ngày càng cho rằng cựu tổng thống đang mắc kẹt giữa hàng loạt rắc rối", Kimberly Wehle, giáo sư luật tại Đại học Baltimore, nhận định.
Theo Wehle, rắc rối nhãn tiền nhất với Trump là khả năng thành lập đại bồi thẩm đoàn ở Georgia, bởi có đoạn ghi âm cuộc gọi trong đó cựu tổng thống tìm cách buộc Tổng thư ký bang Georgia "tìm" phiếu bầu. "Theo những gì tôi đọc trong luật bầu cử Georgia, hành vi đó có thể cấu thành tội danh", giáo sư cho biết.
Wehle chỉ ra một câu hỏi ngày càng lớn là "liệu Trump có bị truy tố liên quan đến vụ bạo loạn Đồi Capitol hay không", đồng thời đánh giá đây là bước ngoặt lớn nhất của sự việc.
"Bộ Tư pháp Mỹ tin rằng họ có bằng chứng ngoài những nghi ngờ hợp lý về một thỏa thuận hay sự nhất trí lật ngược kết quả cuộc bầu cử hợp pháp. Có rất nhiều người giữ vị trí cấp cao liên quan, trong đó có thể gồm Donald Trump. Bây giờ ông ấy không phải tổng thống, nên dĩ nhiên không được miễn tố nữa", Wehle nhận định.
Bình luận viên Luscombe cũng đánh giá cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ về vụ bạo loạn Đồi Capitol, song song với nỗ lực của Ủy ban 6/1, tiềm ẩn mối đe dọa pháp lý nghiêm trọng nhất với Trump. Một số người tin rằng những cáo buộc nổi loạn mà Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra với các thành viên nhóm cực hữu Oath Keepers cho thấy cuộc điều tra đã chuyển sang giai đoạn cao hơn.
"Bộ Tư pháp vẫn giữ cam kết buộc tất cả những kẻ gây ra vụ bạo loạn ngày 6/1, ở bất cứ cấp độ nào, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, dù là những người hiện diện vào hôm đó hay phạm tội hình sự khác vì tấn công nền dân chủ của chúng ta", Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland phát biểu trong cuộc họp báo hồi đầu tháng.
Trong khi đó, cuộc điều tra của Ủy ban 6/1 được cho là có khả năng gây tổn hại chính trị với Trump nhanh chóng hơn, khi ông dường như ấp ủ kế hoạch tái tranh cử tổng thống. Trát triệu tập Ivanka hôm 20/1 đã đưa cuộc điều tra đến vùng trung tâm trong vòng tròn thân cận với Trump. Jamie Raskin, thành viên của ủy ban, hứa hẹn những tiết lộ về hành vi của Trump trong các cuộc điều trần được chiếu trên TV vào khung giờ vàng "sẽ gây choáng váng".
Quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ hôm 19/1 cũng là chiến thắng lớn cho Ủy ban 6/1, khi hơn 700 trang hồ sơ của Nhà Trắng về vụ bạo loạn sẽ được giao cho họ. "Các tài liệu không nói dối. Một nhân chứng có thể bảo là họ không nhớ và trả lời quanh co, nhưng tài liệu thì không. Thêm vào đó, các tài liệu sẽ giúp thu thập lời khai từ nhiều người hơn, trong đó có Ivanka Trump", giáo sư Wehle chỉ ra.
Trump đã im lặng một cách bất thường về tuần sóng gió vừa qua, ngoài hai tuyên bố công kích công tố viên Willis vì yêu cầu thành lập đại bồi thẩm đoàn hỗ trợ cuộc điều tra của cô ở bang Georgia. "Những người săn lùng tội phạm đang bị truy lùng, còn những kẻ phạm tội lại được bảo vệ", cựu tổng thống cho biết.
Giáo sư Wehle đánh giá diễn biến tuần qua đóng vai trò quan trọng không chỉ với Trump, mà còn với cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ dự kiến diễn ra vào tháng 11, trong đó đảng Cộng hòa quyết tâm giành lại thế đa số trong quốc hội Mỹ.
"Ủy ban 6/1 có thể đang cố gắng cung cấp thông tin cho các cử tri trước tháng 11 về những nghị sĩ có thể muốn tái đắc cử. Câu hỏi quan trọng nhất không hẳn là Trump có bị truy tố hay không, mà nghị sĩ đương nhiệm nào trong quốc hội có khả năng dính líu đến âm mưu này", Wehle nói.
Ánh Ngọc (Theo Guardian)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét