Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

Ngày thứ 117 chiến sự: Ukraine nói Nga phá hủy kho lương thực ở Odessa

Quân đội Ukraine cho biết một kho lương thực ở cảng Odessa trên Biển Đen đã bị phá hủy trong cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga hôm nay.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch miền Nam Ukraine cho hay các lực lượng Nga đã phóng 14 tên lửa vào khu vực phía nam nước này trong ba giờ liên tục, làm rung chuyển Odessa vì "giận dữ trước những chiến thắng của chúng tôi".

Quân đội Nga hiện chưa đưa ra bình luận.

Trước đó, lãnh đạo Crimea Sergey Aksyonov cho biết lực lượng Ukraine đã tấn công những giàn khoan dầu ở Biển Đen của Chernomorneftegaz, công ty dầu khí đặt trụ sở trên bán đảo này.

Theo ông, vụ tấn công xảy ra khi 109 người đang làm việc trên giàn khoan. 3 người bị thương, tàu tuần tra và máy bay đang tham gia nỗ lực tìm kiếm 7 người mất tích. Hãng thông tấn Nga RIA Novosti cho biết các giàn khoan nằm cách Odessa 71 km.

Cơ sở lọc dầu gần thành phố Odessa của Ukraine trúng tên lửa ngày 3/4. Ảnh: Reuters.

Cơ sở lọc dầu gần thành phố Odessa của Ukraine trúng tên lửa ngày 3/4. Ảnh: Reuters.

Nga đang tăng cường pháo kích khu vực KharkovDonetsk, sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky cảnh báo Moskva sẽ "gia tăng những động thái thù địch" với Kiev, nhằm phản ứng việc EU có thể trao tư cách thành viên cho Ukraine.

Giao tranh cũng tiếp tục diễn ra dữ dội tại thành phố công nghiệp trọng điểm phía đông Severodonetsk. Nga hôm nay kiểm soát thêm làng Metyolkine ở gần thành phố.

Tỉnh trưởng Lugansk Serhiy Gaidai cho biết trên mạng xã hội rằng nhà máy hóa chất Azot ở Severodonetsk, nơi hàng trăm thường dân được cho là đang trú ẩn, đã bị các lực lượng Nga nã pháo "liên tục".

Tên lửa diệt hạm Nga phá hủy sở chỉ huy UAV Ukraine

Tổ hợp Bastion Nga phóng tên lửa diệt hạm P-800 Oniks nhằm vào sở chỉ huy UAV của Ukraine ở Odessa trong video công bố ngày 20/6. Video: BQP Nga.

Tổng thống Zelensky thông báo Ukraine đang tham gia vào "những cuộc đàm phán phức tạp" nhằm giải phóng các cảng của nước này khỏi bị phong tỏa bởi quân đội Nga.

Tuy nhiên, "chưa có bất kỳ tiến triển nào", ông hôm nay nói trong một bài phát biểu qua video trước Liên minh châu Phi. "Đây là lý do cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ còn tiếp diễn chừng nào xung đột chưa chấm dứt".

Phát biểu của Tổng thống Zelensky được đưa ra sau khi quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nói Nga phải "chịu trách nhiệm" nếu tiếp tục chặn xuất khẩu ngũ cốc khỏi Ukraine.

Các cảng ở Biển Đen của Ukraine, đặc biệt là cảng Odessa, đã bị phong tỏa kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự, khiến hơn 20 triệu tấn ngũ cốc ở nước này không thể xuất khẩu ra thế giới. Nga và Ukraine cung cấp khoảng 30% lúa mì cho thế giới. Liên Hợp Quốc cảnh báo việc thiếu lượng ngũ cốc xuất khẩu từ các cảng Ukraine có thể gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu trong vài tháng tới.

Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau đã rải thủy lôi ở Biển Đen, khiến tàu chở hàng không thể đến và rời cảng.

Điện Kremlin hồi đầu tháng khẳng định Moskva sẵn sàng "đóng góp đáng kể" để tránh khủng hoảng lương thực thông qua xuất khẩu ngũ cốc và phân bón, với điều kiện phương Tây dỡ bỏ "các hạn chế mang động cơ chính trị" đối với Nga.

Cục diện chiến trường Ukraine. Đồ họa: Washington Post.

Cục diện chiến trường Ukraine. Đồ họa: Washington Post.

Ukraine tiếp tục thúc giục phương Tây tăng tốc viện trợ vũ khí. "Nếu chúng tôi không có vũ khí thì cũng tốt thôi. Lúc đó chúng tôi sẽ chiến đấu bằng xẻng. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ chính mình vì đây là cuộc chiến vì sự tồn vong của chúng tôi", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói. "Chúng tôi nhận được vũ khí càng sớm thì càng có lợi. Nếu vũ khí đến muộn, chúng tôi vẫn cảm ơn nhưng sẽ rất lãng phí, và khi đó nhiều người đã chết".

Theo Ngoại trưởng Kuleba, pháo binh Nga ở Donbass nhiều hơn Ukraine 15 lần và Kiev có thể thất bại do sự chênh lệch quá lớn này. Ông cũng nói các chính trị gia phương Tây sai lầm khi cho rằng Ukraine nên nhượng bộ lãnh thổ và đồng ý giải quyết xung đột bằng thỏa thuận hòa bình do tình hình thảm khốc trên chiến trường.

Nga hôm nay cảnh báo sẽ có biện pháp để bảo vệ lợi ích quốc gia nếu Litva không dỡ bỏ lệnh cấm vận chuyển hàng hóa đến khu vực Kaliningrad của nước này.

Kaliningrad nằm kẹp giữa hai thành viên EU và NATO là Ba Lan và Litva. Vùng lãnh thổ hải ngoại này nhận nguồn cung từ Nga thông qua đường sắt và đường ống dẫn khí đốt qua Litva.

Litva đã cấm vận chuyển hàng hóa nằm trong danh sách trừng phạt của EU giữa nước này với Kaliningrad từ ngày 17/6. Than đá, kim loại, vật liệu xây dựng và công nghệ tiên tiến là những mặt hàng nằm trong danh sách cấm.

Vị trí vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga và Litva (Lithuania). Đồ họa: Google Maps.

Vị trí vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga và Litva (Lithuania). Đồ họa: Google Maps.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) ước tính 4.569 dân thường đã thiệt mạng và 5.691 người bị thương do chiến sự ở Ukraine.

Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết hơn 7,7 triệu người đã rời Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra, trong khi hơn 7 triệu người trong nước phải rời bỏ nhà cửa.

Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét