Bộ trưởng Habeck cảnh báo Đức có thể phải đưa ra quyết định khó khăn cho xã hội trong lúc nguồn cung khí đốt từ Nga sụt giảm.
"Khi không có đủ khí đốt, một số ngành công nghiệp cần loại nhiên liệu này sẽ phải ngừng hoạt động", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 24/6 cho biết, đồng thời dự báo một số lĩnh vực "có thể đối mặt hậu quả thảm khốc với những tác động có thể cảm nhận trong thời gian dài".
Bộ trưởng Habeck cho biết nguồn cung khí đốt từ Nga sụt giảm khiến Đức rơi vào tình trạng chưa từng có, khi cả ngành công nghiệp và các hộ gia đình nước này đều phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.
"Nếu thiếu khí đốt, Đức phải đưa ra những quyết định khó khăn cho xã hội", ông Habeck nói. "Không có quyết định tốt, chỉ có quyết định ít sai lầm hơn".
Trước đó một ngày, Bộ trưởng Habeck nâng mức cảnh báo theo kế hoạch khí đốt khẩn cấp của Đức sau khi nguồn cung từ Nga giảm. Quyết định này đưa Đức tiến gần hơn tới chính sách phân phối khí đốt theo định mức.
Theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), kế hoạch phân phối khí đốt theo định mức sẽ ưu tiên cho các hộ gia đình hơn ngành công nghiệp. Bộ trưởng Habeck nói đây là tình huống không được thiết kế cho tình trạng thiếu hụt dài hạn.
"Mục tiêu của chúng tôi là không để bất cứ ai rơi vào cú sốc nghiêm trọng", ông Habeck cho biết, đồng thời cảnh báo mùa đông khó khăn có thể đồng nghĩa với "các công ty phải ngừng sản xuất, công nhân mất việc làm và mọi người trở nên nghèo hơn".
Chính phủ Đức đã khuyến khích các hộ gia đình và ngành công nghiệp tiết kiệm năng lượng để giảm thiểu tác động của thiếu hụt khí đốt tiềm tàng. Bộ trưởng Habeck cho rằng nếu 41 triệu hộ gia đình ở Đức giảm bớt mức sưởi ấm vào mùa đông, họ sẽ tạo ra khác biệt lớn.
Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom hồi tuần trước giảm 60% lượng khí đốt chuyển qua đường ống Nord Stream do phải dừng hoạt động một tua-bin khí vì vấn đề kỹ thuật.
Tuy nhiên, giới chức Đức bác lý do của Gazprom, cho rằng quyết định này có động cơ chính trị là trả đũa phương Tây vì ủng hộ Ukraine trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Đức yêu cầu các cơ sở lưu trữ khí đốt phải lấp đầy 90% công suất vào đầu tháng 12. Tuy nhiên, các dự báo của Bộ Kinh tế Đức được công bố ngày 23/6 cho thấy khó có thể đạt mục tiêu nếu dòng chảy khí đốt tiếp tục ở mức thấp như hiện tại.
Giới chức Đức hồi tuần trước mở cửa trở lại các nhà máy nhiệt điện than đang trong tình trạng niêm cất nhằm giảm bớt gánh nặng khí đốt và đối phó tình trạng nguồn cung sụt giảm.
Bộ trưởng Habeck gọi đây là quyết định đau đớn, cho biết Đức cần thực hiện những bước tiến lớn hơn để từ bỏ nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang năng lượng tái tạo.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét