Quá trình EU kết nạp Ukraine sẽ tạo ra nhiều thay đổi trong cấu trúc an ninh châu Âu, nhưng Kiev sẽ đối mặt nhiều thách thức trên con đường gia nhập.
Bốn ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, Ukraine ký đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU), lựa chọn mà Kiev trì hoãn nhiều năm qua do lo ngại phản ứng từ Moskva. Ngày 17/6, Ủy ban châu Âu đề xuất trao tư cách ứng viên EU cho Ukraine sau khi đánh giá Kiev sẵn sàng tiến hành thêm nhiều cải cách để phù hợp với loạt tiêu chuẩn của tổ chức.
Các thành viên EU dự kiến thảo luận trao tư cách ứng viên cho Ukraine khi họp thượng đỉnh ngày 23-24/6 tại Brussels. Hiện chỉ có 5 quốc gia được công nhận là ứng viên EU, gồm Albania, Cộng hòa Bắc Macedonia, Montenegro, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ.
EU nhiều năm qua bị chỉ trích rằng họ không còn mặn mà với triển vọng tăng danh sách thành viên, theo Bruno Lete, nghiên cứu viên cấp cao về an ninh và quốc phòng cho Quỹ German Marshall có trụ sở ở Brussels. Lần gần nhất EU tăng thành viên là vào năm 2013, khi kết nạp Croatia, quốc gia đã phải chờ đợi và đàm phán 10 năm kể từ lúc gửi đơn xin gia nhập.
Việc lá đơn xin gia nhập của Ukraine được xử lý suôn sẻ có thể được xem là dấu hiệu tích cực cho những nước đang gặp khó khăn trong đàm phán với EU như Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia và quan chức châu Âu đã nhiều lần cảnh báo ngay cả khi được EU bật đèn xanh làm ứng viên, Ukraine sẽ phải đối mặt với nhiều chông gai trên con đường trở thành thành viên của khối. Quá trình đáp ứng đầy đủ điều kiện để được kết nạp vào EU sẽ mất nhiều năm, thậm chí vài thập kỷ mà không thể có bất cứ ngoại lệ nào.
Tình hình chiến sự và bất ổn càng khiến Kiev khó đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu khắt khe từ EU, từ xây dựng nền kinh tế thị trường cạnh tranh đến đảm bảo dân chủ và pháp quyền theo tiêu chuẩn của tổ chức. Lete nhận định đàm phán sẽ diễn ra rất phức tạp và không ai có thể đảm bảo Ukraine chắc chắn sẽ trở thành thành viên EU.
Thổ Nhĩ Kỳ là ví dụ thực tế cho con đường gian nan vào EU. Quốc gia được xem là cửa ngõ châu Âu với Trung Đông đã được chọn làm ứng viên vào năm 1999, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất đàm phán.
Lợi thế của Kiev lúc này là sử dụng đòn bẩy ngoại giao trong chiến sự với Nga để tăng tốc đàm phán. Lãnh đạo bốn nước Pháp, Đức, Italy và Romania khi đến thăm Kiev hôm 16/6 đã tuyên bố ủng hộ Ukraine tham gia EU. Thủ tướng Đức Scholz nhấn mạnh "Ukraine thuộc đại gia đình châu Âu", còn người đồng cấp Italy Mario Draghi thừa nhận thông điệp lớn nhất trong chuyến công du là "Italy muốn Ukraine vào EU".
Các lãnh đạo châu Âu đang tranh thủ nỗ lực gia nhập EU của Ukraine để thể hiện tinh thần đoàn kết giữa bối cảnh khủng hoảng an ninh giữa Nga và phương Tây ngày càng gay gắt. Dù vậy, Will Daniel, phó giáo sư tại Đại học Nottingham của Anh, lưu ý những thông điệp mang tính ngoại giao của các quan chức EU không nhất thiết đảm bảo cho Ukraine rộng đường gia nhập khối.
"Cách EU tuyên bố Ukraine sẽ trở thành ứng viên có thể được một số người diễn giải chệch khỏi ý nghĩa thực tế của hành động đó", ông chia sẻ lo ngại.
Giới quan sát vẫn băn khoăn về các khoản tài trợ từ EU cho Ukraine sẽ thay đổi ra sao một khi khối này nhất trí trao tư cách ứng viên cho Kiev. Tính đến nay, EU đã viện trợ Ukraine khoảng 2,1 tỷ USD mua sắm trang thiết bị quân sự, trong đó lần phê chuẩn viện trợ gần nhất là hơn 522 triệu USD.
Daniel nhận định tư cách ứng viên của Ukraine, nếu được thông qua, khó tác động trực tiếp đến viện trợ quân sự cùng những hình thức hỗ trợ khác, vốn đang và sẽ diễn ra trong vài tháng tới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17/6 tuyên bố Nga không ngăn cản Ukraine gia nhập EU vì đây là liên minh kinh tế, mang tính chất khác với liên minh quân sự NATO. Tuy nhiên, cục diện chiến sự vẫn là yếu tố cản trở đáng kể mong muốn bước chân vào EU của Ukraine.
Lete lưu ý toàn vẹn lãnh thổ không phải yêu cầu chính thức để trở thành thành viên EU, "nhưng ai cũng hiểu một nước phải kiểm soát được lãnh thổ" của mình trước khi gia nhập tổ chức. Ông nhận định Nga tăng đà tiến tại đông Ukraine có thể vì nhận ra rào cản về lãnh thổ sẽ kìm hãm tốc độ đàm phán gia nhập EU của Kiev.
Chiến sự sẽ mở ra vô số khó khăn về thể chế cho chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky lẫn những người kế nhiệm. Quá trình khôi phục và cải thiện thể chế, pháp luật Ukraine để đáp ứng tiêu chí của EU sẽ tốn thêm nhiều năm.
"Ukraine phải dành phần lớn tâm trí và nguồn lực cho chiến sự. Nguồn lực đầu tư cho đàm phán gia nhập EU sẽ vơi đi", Lete dự báo.
Mặt khác, mô hình vận hành của EU cũng là một lý do khiến các nước thành viên băn khoăn trong quá trình phê chuẩn tư cách ứng viên cho Ukraine. Nghị viện châu Âu có 750 ghế nghị sĩ được phân bổ cho các quốc gia thành viên dựa trên quy mô dân số. Ukraine có hơn 40 triệu dân, đồng nghĩa việc họ gia nhập EU sẽ khiến những nước khác giảm số ghế nghị sĩ và tiếng nói trong nghị viện khối.
Lete nhận định ngay cả khi 27 nước thành viên EU thống nhất trao tư cách ứng viên cho Ukraine, kết nạp quốc gia Đông Âu làm thành viên chính thức lại là câu chuyện khác. "EU vẫn chia rẽ trong chủ đề này", ông nói.
Thanh Danh (Theo Al Jazerra)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét