Sau nhiều tuần yên tĩnh, Nga tập kích tên lửa vào Ukraine với mật độ lớn bất thường, dường như nhằm gửi thông điệp "dằn mặt" tới phương Tây.
Quân đội Nga hôm 26/6 bất ngờ phóng tên lửa từ ba hướng, tập kích hàng loạt mục tiêu ở miền bắc và miền tây Ukraine, trong đó có thủ đô Kiev. Đây là đợt tập kích với quy mô lớn nhất mà Kiev ghi nhận từ tháng 4. Trong những ngày tiếp theo, Nga tăng cường phóng tên lửa vào hàng loạt mục tiêu của Ukraine.
Theo đánh giá ngày 28/6 của cơ quan tình báo quốc phòng Anh, trong những ngày cuối tuần qua, Nga triển khai "hàng loạt đợt tập kích quyết liệt bất thường khắp Ukraine bằng tên lửa tầm xa".
"Nga muốn gửi thông điệp: Chúng tôi có thể phóng tên lửa suốt ngày và các người không đủ sức ngăn cản", Ben Hodges, cựu tư lệnh lực lượng Mỹ đồn trú tại châu Âu, nhận định về động thái của Moskva. "Nga đang muốn răn đe và làm bẽ mặt giới lãnh đạo phương Tây".
Loạt vụ tập kích diễn ra sau khi một số quan chức phương Tây cho rằng Nga đang cạn kho tên lửa tầm xa sau hơn 4 tháng giao tranh với Ukraine và hứng chịu loạt lệnh trừng phạt chưa từng có, khiến nguồn cung vật tư cho ngành công nghiệp quốc phòng nước này bị tổn hại.
Theo các nguồn tin chính phủ Ukraine, trong đợt không kích ngày 26/6 ở Kiev, quân đội Nga đã sử dụng tên lửa hành trình Kh-101 phóng từ oanh tạc cơ Tu-95 và Tu-160 trên biển Caspi, cách mục tiêu khoảng 1.500 km. Giới quan sát cho rằng cách Nga triển khai các khí tài và vũ khí giá trị cao cho chiến dịch tập kích thể hiện ý định "phô diễn sức mạnh" trước những hoài nghi của phương Tây về năng lực tên lửa của Moskva.
Trong loạt đòn tấn công mang tính "dằn mặt" này, lực lượng Nga chủ yếu sử dụng tên lửa diệt hạm Kh-22, vũ khí được phát triển từ thời Liên Xô, và mẫu hiện đại hơn là Kh-101, biến thể mới của tên lửa hành trình mặt đất Kh-55 mang đầu đạn thông thường. Đây là những vũ khí thường được dùng cho các mục tiêu có giá trị chiến lược quan trọng.
Thông điệp của Nga còn được thể hiện rõ hơn bởi loạt vụ tập kích này diễn ra trong bối cảnh các lãnh đạo phương Tây tổ chức nhiều cuộc gặp cấp cao, mở đầu là hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), nơi các lãnh đạo khối trao tư cách ứng viên cho Ukraine, rồi tiếp nối là hội nghị thượng đỉnh G7. Hội nghị thượng đỉnh NATO cũng sắp khai mạc ở Tây Ban Nha, nơi các lãnh đạo của khối nhiều khả năng sẽ thảo luận về phương án tăng sức ép với Moskva và hỗ trợ vũ khí cho Kiev.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), trụ sở tại thủ đô Washington của Mỹ, cho rằng đây là những "đòn đánh mang tính biểu tượng" của Nga, nhằm khiến phương Tây hiểu rằng "Moskva sẽ không khuất phục trước các lệnh trừng phạt".
Giới chức Lầu Năm Góc cũng cho rằng ngoài gửi thông điệp tới các lãnh đạo phương Tây, Nga còn muốn răn đe Mỹ và Ukraine sau khi Washington chuyển cho Kiev các tổ hợp pháo phản lực tầm trung HIMARS. Những khẩu HIMARS đầu tiên đã bắt đầu tham chiến và được kỳ vọng sẽ giúp Ukraine san bằng cách biệt về hỏa lực pháo binh với Nga.
Bộ Quốc phòng Nga từng đe dọa sẽ tấn công "các mục tiêu chưa từng bị tập kích" nếu Mỹ chuyển cho Ukraine các khí tài tiên tiến. Những đòn tập kích tên lửa này dường như là cách để Moskva chứng minh rằng mình "không nói suông" trên chiến trường Ukraine.
Tuy nhiên, Ben Hodges nhận định ngay cả khi Nga có rất nhiều tên lửa, kho dự trữ của họ không phải là vô tận. Các đòn tập kích tên lửa có thể giúp Moskva phát đi thông điệp răn đe, nhưng dường như không phát huy hiệu quả như mong đợi.
Bất chấp các cuộc tập kích tên lửa dày đặc, Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm nay vẫn đến Kiev trong nỗ lực thực hiện "sứ mệnh hòa bình". Giới quan sát cho rằng sự xuất hiện của lãnh đạo nước chủ tịch G20 ở Kiev cho thấy tác dụng răn đe của tên lửa Nga không được như Moskva mong đợi.
"Nga phải chấp nhận chi phí cao khi sử dụng những tên lửa hiện đại", một quan chức Lầu Năm Góc nói. "Câu hỏi hiện nay là Nga có thể duy trì chiến thuật tập kích tên lửa này trong bao lâu".
Thanh Danh (Theo AP, ISW, CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét