Phương Tây đề xuất nhiều giải pháp nhằm tìm đường xuất khẩu cho ngũ cốc mắc kẹt của Ukraine khi Biển Đen bị phong tỏa, song đều gặp nhiều trở ngại.
Biển Đen, tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc chính của Ukraine, gần 4 tháng qua tê liệt khi Kiev và Moskva cáo buộc nhau rải thủy lôi và triển khai tàu chiến phong tỏa các tuyến hàng hải trọng yếu, ngăn tàu hàng ra vào. Hậu quả là khoảng 25 triệu tấn ngũ cốc đang mắc kẹt ở Ukraine, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Khi các cuộc đàm phán về dỡ phong tỏa Biển Đen rơi vào bế tắc, Ukraine và các nước phương Tây đang nỗ lực tìm các tuyến đường khác để xuất khẩu ngũ cốc của nước này. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá việc tìm một con đường xuất khẩu mới bền vững và ổn định cho Ukraine không phải nhiệm vụ dễ dàng.
Thay vì sử dụng các cảng ở Biển Đen để xuất khẩu lúa mì, dầu hướng dương, ngô và những sản phẩm nông nghiệp khác của Ukraine, một số giải pháp thay thế đã được đề xuất, như chuyển bằng đường bộ sang Ba Lan hoặc chở bằng sà lan qua sông Danube, hay đến cảng Constanta của Romania trên Biển Đen rồi xuất đi thế giới.
Tổng thống Joe Biden tuần trước cho biết Mỹ đang thảo luận với các đồng minh châu Âu về khả năng xây dựng loạt kho lưu trữ ngũ cốc dọc biên giới Ba Lan - Ukraine. Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 19/6 cũng kêu gọi thực hiện những "nỗ lực lâu dài để phát triển các tuyến đường bộ sẵn có" để xuất khẩu ngũ cốc Ukraine.
Nhưng theo giới phân tích, việc xây dựng hay nâng cấp những tuyến vận chuyển thay thế có thể giúp Ukraine tăng xuất khẩu một phần ngũ cốc mắc kẹt, chúng không đủ để đáp ứng nhu cầu lương thực toàn cầu. Mặt khác, mùa vụ tiếp theo sắp thu hoạch, với hàng chục triệu tấn lương thực sẽ được trút thêm vào kho dự trữ, không cho phép họ có thời gian làm điều này.
"Phương Tây đang hối hả tìm những lựa chọn thay thế cho xuất khẩu lương thực của Ukraine", Mike Lee, chuyên gia về các dự án nông nghiệp ở Biển Đen tại công ty tư vấn Green Square Agro Consulting, Anh, nhận xét. "Nhưng con đường khả thi duy nhất là thông qua các cảng trên Biển Đen, vì không còn cách nào khác giúp họ vận chuyển số lượng khổng lồ như vậy".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng thừa nhận những hạn chế của các phương án thay thế đang được xem xét. Ông hôm 20/6 cho biết các tuyến đường mới chỉ có thể "vận chuyển một lượng rất nhỏ" lương thực mắc kẹt ở nước này và chúng cũng khiến giá ngũ cốc tăng lên rất nhiều.
Xuất khẩu ngũ cốc đã chững lại trong thời kỳ đại dịch do nền kinh tế toàn cầu sụt giảm, nhưng Ukraine thường xuất 50-60 triệu tấn nông sản mỗi năm. Hồi tháng 5, sản lượng xuất khẩu ngũ cốc của nước này đã giảm mạnh, theo số liệu từ Strategie Grains thuộc công ty nghiên cứu Tallage của Pháp.
Ukraine cung cấp khoảng 15% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu vào năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát. Nhưng Andrée Defois, phó giám đốc điều hành Strategie Grain, cho biết tỷ lệ trên giờ đây có thể giảm xuống còn khoảng 6%, nếu không có "phép màu nào xảy ra".
Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 5 vạch kế hoạch đảm bảo các tuyến xuất khẩu mới cho ngũ cốc Ukraine, còn Ngoại trưởng Hungary hồi đầu tuần đề nghị biến quốc gia này thành "kho tập kết" để xuất khẩu ngũ cốc Ukraine.
Phát biểu trước EU tuần trước, Thứ trưởng Nông nghiệp Ukraine Markian Dmytrasevych đưa ra các yêu cầu cụ thể, trong đó có biện pháp năng lực vận chuyển qua cảng tại Constanta, Romania, và thúc đẩy tuyến vận chuyển bằng sà lan qua sông Danube.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng các trở ngại với kế hoạch này vẫn rất lớn. Khổ đường sắt của Ukraine khác với hầu hết các nước khác trong EU, khiến ngũ cốc chuyển bằng tàu sẽ phải bốc dỡ, trung chuyển ở biên giới. Việc xây dựng các kho lưu trữ dọc biên giới Ba Lan cũng sẽ mất nhiều thời gian và có thể không kịp cho vụ mùa tiếp theo.
Ukraine cũng có quá ít phà trên sông Danube để phục vụ việc vận chuyển nông sản, trong khi cảng Constanta quá nhỏ để có thể xử lý lượng lớn lương thực chuyển đến từ Ukraine.
Nỗ lực thu hút các khoản đầu tư từ lĩnh vực tư nhân để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các giải pháp xuất khẩu ngũ cốc mới cũng là một khó khăn lớn, một phần vì không rõ Biển Đen sẽ tiếp tục bị phong tỏa trong bao lâu, chuyên gia Mike Lee từ tổ chức Green Square Agro Consulting lưu ý.
Tuyến xuất khẩu qua Biển Đen chỉ có thể được khơi thông khi Ukraine đạt được thỏa thuận với Nga. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian với hy vọng đạt được thỏa thuận này đến nay vẫn không mang lại kết quả rõ ràng, trong khi giao tranh trên Biển Đen vẫn tiếp diễn với các đòn tập kích bằng tên lửa của hai bên nhắm vào nhau.
Vũ Hoàng (Theo NY Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét