Crimea, bên sáp nhập Nga năm 2014, thông báo triển khai dịch vụ xe buýt và tàu hỏa nối bán đảo với hai tỉnh Kherson và Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine.
"Kể từ ngày 1/7, các dịch vụ xe buýt và tàu hỏa thường xuyên nối Crimea và các tỉnh Kherson, Zaporizhzhia sẽ được triển khai", lãnh đạo Crimea Sergey Aksyonov cho biết trên Telegram hôm 29/6, thêm rằng các thành viên thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga sẽ tham gia đảm bảo an toàn cho các tuyến di chuyển này.
Chính quyền thân Nga ở tỉnh Kherson cùng ngày thông báo khai trương chi nhánh của Quỹ Hưu trí Nga trong khu vực. Giới chức cũng thành lập một văn phòng của Nga để xử lý các giấy tờ đăng ký khai sinh, khai tử và kết hôn. Hộ chiếu Nga đã bắt đầu được cấp ở Kherson đầu tháng này.
Kirill Stremousov, quan chức chính quyền tỉnh Kherson do Nga kiểm soát tại miền nam Ukraine, cho biết giới chức địa phương đang chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý về sáp nhập vào Nga. "Đúng vậy, chúng tôi sẽ tổ chức nó", Stremousov đăng trên Telegram.
Stremousov nói với Reuters rằng họ chưa ấn định ngày trưng cầu dân ý, nhưng ông dự kiến cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra trong "nửa năm tới".
Các tỉnh miền nam Ukraine Kherson và Zaporizhzhia phần lớn nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ những tuần đầu tiên xung đột và ngày càng liên kết chặt chẽ vào nền kinh tế Nga.
Oleksandr Senkevych, thị trưởng thành phố tây nam Mykolaiv, nơi vẫn do Ukraine kiểm soát, cáo buộc lực lượng Nga phóng 8 tên lửa trong cuộc tập kích hôm 28/6. Senkevych nói rằng một tòa chung cư đã trúng tên lửa hành trình Kh-55, khiến ít nhất ba người thiệt mạng và 5 người bị thương.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 29/6 thông báo lực lượng không quân nước này dùng tên lửa với độ chính xác cao phá hủy "một căn cứ huấn luyện lính đánh thuê nước ngoài gần thành phố Mykolaiv", cùng một kho xăng dầu và hai kho đạn ở tỉnh cùng tên.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin chung cư ở thành phố Mykolaiv bị trúng tên lửa.
Cơ quan hàng không vũ trụ Nga Roscosmos hôm 28/6 công bố ảnh vệ tinh và tọa độ của Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, trụ sở NATO và nhiều cơ quan đầu não phương Tây để "đề phòng".
Xung đột ở Ukraine vẫn khốc liệt nhất ở mặt trận phía đông. Tỉnh trưởng Lugansk Seriy Gaiday hôm 29/6 cáo buộc các binh sĩ Nga ở thành phố Lysychansk đang gài mìn chống người (được thiết kế, sử dụng để chống lại con người, khác với mìn chống tăng dùng để chống lại các xe tăng, thiết giáp).
"Những quả mìn này được đặt ở bất cứ nơi đâu và bất kỳ trẻ nhỏ hay dân thường nào đi ra ngoài để nhận đồ viện trợ nhân đạo đều có nguy cơ dẫm lên mìn, đối mặt khả năng tử vong hay mất một chi", ông Gaiday nói.
Tỉnh trưởng Lugansk nói thêm các cuộc tấn công vào thành phố Lysychansk đang diễn ra với tần suất liên tục, cả ngày lẫn đêm. Giới chức Lysychansk cho biết còn khoảng 15.000 người trong thành phố và phần lớn trong số họ là những người "từ chối rời đi, dù liên tục được thúc giục".
Ông Gaiday cho biết rất khó để đưa ra báo cáo thiệt hại ở Lysychansk do "các cuộc pháo kích trên nhiều mặt trận của quân đội Nga". Ông cũng nhắc lại rằng Lysychansk là tiền đồn cuối cùng của tỉnh Lugansk.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 29/6 phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh NATO qua hình thức trực tuyến, nhấn mạnh đất nước của ông cần vũ khí hiện đại và thêm hỗ trợ tài chính để đối đầu với lực lượng Nga.
"Nga vẫn thu về hàng tỷ USD mỗi ngày và dành chúng cho chiến sự. Chúng tôi thiệt hại hàng tỷ USD và không có dầu hay khí đốt để trang trải", ông Zelensky nói, thêm rằng Ukraine cần khoảng 5 tỷ USD mỗi tháng cho quốc phòng.
Na Uy cùng ngày thông báo sẽ hỗ trợ Ukraine ba hệ thống pháo phản lực phóng loạt, tương tự quyết định trước đó của Anh, Đức và Mỹ. "Chúng ta phải duy trì hỗ trợ Ukraine để họ có thể tiếp tục chiến đấu vì tự do và độc lập của mình", Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjorn Arild Gram nói.
Na Uy cũng sẽ gửi thêm 5.000 quả lựu đạn cho Ukraine, sau khi đã gửi 5.000 quả trước đó.
Bộ Quốc phòng Nga trong khi đó thông báo quân đội nước này đã phá hủy 39 sở chỉ huy, 6 kho đạn, nhiều khẩu pháo và súng cối tại 68 khu vực, trong đó có một đơn vị pháo tự hành CAESAR do Pháp chuyển giao đóng trên đảo Kubansky.
Cơ quan Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 29/6 thông báo đã tiến hành trao đổi tù binh với Nga, giúp đưa 144 binh sĩ Ukraine trở về, trong đó có 95 người từng cố thủ trong nhà máy thép Azovstal ở Mariupol. 43 quân nhân trong số này thuộc tiểu đoàn Azov.
Phía Ukraine nói thêm hầu hết binh sĩ được trao đổi đều bị thương nặng và đã được nhận chăm sóc y tế khẩn cấp, phù hợp.
Denis Pushilin, lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, cũng xác nhận Ukraine đã trao trả số tù binh tương đương. "Hôm nay, 144 binh sĩ của DPR và liên bang Nga đã được trở về nhà", ông Pushilin cho biết.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) ghi nhận gần 4.800 dân thường thiệt mạng và 5.900 người bị thương sau hơn 4 tháng chiến sự ở Ukraine. Con số thực tế có thể cao hơn do tình hình chiến sự gây cản trở quá trình xác minh và thống kê.
Cao ủy LHQ về Người tị nạn (UNHCR) cho biết hơn 8 triệu người đã rời Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra, trong khi hơn 7 triệu người trong nước phải rời bỏ nhà cửa.
Ngọc Ánh (Theo AFP/Reuters/CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét