Nga cho rằng căng thẳng với người Serb gia tăng ở Kosovo là "đáng báo động", cáo buộc chính quyền ở Pristina "đang đùa với lửa".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong họp báo ở Moskva hôm 12/12 cáo buộc chính quyền Kosovo thực hiện "loạt hành động khiêu khích với sự đồng lõa" của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), sử dụng "bạo lực có động cơ sắc tộc" để nhắm vào những người Serb sinh sống tại Kosovo.
Theo bà Zakharova, lãnh đạo cơ quan hành pháp Kosovo Albin Kurti đang tìm cách chuyển hướng dư luận khỏi "thất bại trong chính sách đối nội" bằng cách "đùa với lửa, kích động hội chứng chống người Serb" và căng thẳng đang leo thang tại đây đã "tiến gần đến xung đột vũ trang".
Bình luận được bà Zakharova đưa ra trong bối cảnh căng thẳng tại Kosovo gia tăng sau khi nhóm vũ trang không rõ danh tính ném lựu đạn gây choáng và đấu súng với cảnh sát Kosovo trên tuyến đường dẫn tới trạm kiểm soát ở ranh giới giữa khu vực này với Serbia.
Trước đó, người Serb sống ở miền bắc Kosovo đã đậu xe tải, xe container chắn ngang các tuyến đường chính dẫn tới hai cửa khẩu lớn với Serbia. Cuộc biểu tình này nổ ra sau khi cảnh sát Kosovo bắt một cựu sĩ quan cuối tuần trước.
Cựu sĩ quan này là một trong nhiều nhân viên người Serb rời khỏi lực lượng cảnh sát Kosovo sau khi Pristina yêu cầu người dân tại đây từ bỏ biển số xe của Serbia được cấp trước khi chiến tranh Kosovo nổ ra năm 1998-1999.
Kosovo, với diện tích khoảng 10.800 km2, là vùng lãnh thổ ly khai nằm ở phía tây nam Serbia. Kosovo tuyên bố độc lập năm 2008, song Serbia không công nhận và tuyên bố chủ quyền với khu vực này. Kosovo có 1,8 triệu dân, chủ yếu là người gốc Albania. Khoảng 120.000 người Serbia sống tại miền bắc Kosovo không công nhận chính quyền ở Pristina. Họ trung thành về mặt chính trị với Serbia, nước vẫn cung cấp hỗ trợ tài chính cho nhóm dân tộc này.
Phần lớn các nước phương Tây công nhận độc lập của Kosovo, song vùng ly khai chưa được trao ghế tại Liên Hợp Quốc, do Nga và Trung Quốc phản đối. Nga cáo buộc phương Tây làm gia tăng căng thẳng giữa Serbia và Kosovo, trong khi Kosovo đổ lỗi cho Nga về tình hình leo thang hiện nay, cho rằng Moskva đang tìm cách đánh lạc hướng chú ý của dư luận khỏi cuộc chiến ở Ukraine.
Căng thẳng tại Kosovo gần đây gia tăng khi chính quyền địa phương dự kiến tổ chức bầu cử tại các đô thị nơi đa số người gốc Serbia sinh sống vào ngày 18/12. Các vụ nổ súng đã xảy ra vào đầu tuần trước, khi cơ quan bầu cử Kosovo thiết lập các điểm bỏ phiếu, khiến một sĩ quan gốc Albania của cảnh sát Kosovo bị thương. Lãnh đạo Kosovo Vjosa Osmani sau đó thông báo hoãn cuộc bỏ phiếu.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, chỉ có sự kiên nhẫn của người Serb và chính phủ ở Belgrade mới ngăn mọi thứ lan rộng thành bạo lực.
"Chúng tôi đoàn kết với giới lãnh đạo của Serbia", bà Zakharova nói, đồng thời tán thành quan điểm của Belgrade rằng người Albania ở Kosovo và phương Tây "phớt lờ Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng như các thỏa thuận của EU và Mỹ".
Nghị quyết 1244 của Liên Hợp Quốc quy định về sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình NATO tại Kosovo sau chiến dịch không kích Serbia năm 1999, trong khi thỏa thuận Brussels năm 2013 trao quyền tự trị cho những người dân tộc Serb còn lại ở Kosovo.
Theo bà Zakharova, Nghị quyết 1244 cho phép Serbia triển khai lực lượng an ninh tới Kosovo và Nga "sẽ tiếp tục giúp Belgrade bảo vệ lợi ích quốc gia hợp pháp liên quan Kosovo".
Tháng trước, EU và Mỹ thuyết phục Kosovo từ bỏ kế hoạch cấm biển số xe của Serbia. Tuy nhiên, tình hình chỉ yên tĩnh trong chưa đầy hai tuần, trước khi các cuộc biểu tình và nổ súng tiếp tục diễn ra.
Josep Borrell, cao ủy về đối ngoại của EU, ngày 12/12 tuyên bố EU sẽ tăng cường lực lượng cho Sứ mệnh Pháp quyền của EU tại Kosovo (EULEX) nhằm đối phó với căng thẳng gia tăng.
Huyền Lê (Theo RT, AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét