Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

Thế khó của phi công Ukraine khi đối đầu UAV Nga

Phi công quân sự Ukraine cho biết UAV tự sát Nga rất khó phát hiện và gần như không thể bắn hạ bằng các vũ khí trên tiêm kích MiG-29.

"Không may là tôi chưa bắn hạ được mục tiêu nào vì hàng loạt lý do", phi công tiêm kích MiG-29 Ukraine có biệt danh "Juice" cho biết trong cuộc phỏng vấn được chuyên trang quân sự War Zone công bố hôm 14/12.

Juice cho hay là một phi công trực chiến và luôn sẵn sàng cất cánh để đối phó các đòn không kích Nga, anh và các đồng đội không thiếu cơ hội tiếp cận mục tiêu, nhất là trong những đợt Nga tập kích quy mô lớn bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình.

Tuy nhiên, các phi công MiG-29 thường gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực tác chiến do vấn đề kỹ thuật và diễn biến tình hình trên không liên tục thay đổi.

"Tôi nhiều lần xuất kích đối phó UAV tự sát, nhất là trong tháng 10. Có những đợt chúng tôi tiếp cận và phát hiện được mục tiêu, thậm chí đã sẵn sàng khai hỏa. Tuy nhiên, UAV khi đó lại bay trên khu dân cư, khiến tôi không thể phóng đạn do lo ngại gây tổn hại tới dân thường bên dưới và phải đình chỉ nhiệm vụ", Juice nói.

Tiêm kích MiG-29 Ukraine trước một chuyến xuất kích. Ảnh: Drive.

Tiêm kích MiG-29 Ukraine trước một chuyến xuất kích. Ảnh: Drive.

Các phi công Ukraine thường phải để UAV tự sát bay tiếp và trông chờ phòng không mặt đất bắn hạ sau đó. "Đây là tình huống rất thường gặp và đặt ra nhiều thách thức cho phi công", Juice cho hay.

"UAV còn khó đánh chặn hơn cả tên lửa hành trình, đặc biệt là vào ban đêm. Rất khó tìm kiếm, bám bắt và tấn công mục tiêu như chúng", Juice nói. Trong nhiều trường hợp, tín hiệu đàn UAV tự sát trên màn hình radar không khác gì một đàn chim.

Tên lửa hành trình thường có tốc độ cao, cho phép radar đối không của MiG-29 phát hiện và bám bắt nếu ở vị trí thuận lợi. Trong khi đó, UAV tự sát bay chậm hơn nhiều, khiến radar không thể phân biệt chúng với nhiễu địa vật bên dưới. Trong nhiều trường hợp, radar bị mất dấu UAV bay trên các mái nhà, hoặc nhầm chúng với những xe tải di chuyển trên đường.

Một trong những phi công Ukraine gặp may trong cuộc đối đầu với UAV tự sát Nga là Vadym Voroshylov, người bắn hạ được 5 mục tiêu trước khi phải phóng ghế thoát hiểm do máy bay gặp sự cố hôm 12/10.

"Ba chiếc đầu tiên bị bắn rơi ban ngày, đây là điều rất khác thường vì chúng thường chỉ xuất hiện ban đêm. Voroshylov gặp may khi phát hiện chúng bằng mắt thường, xác nhận đó là UAV tự sát và lập tức bắn hạ. Hai chiếc còn lại bị đánh chặn trong đêm và ở khu vực được đánh giá là an toàn", Juice nhận xét, thêm rằng tìm kiếm UAV tự sát trong đêm là nhiệm vụ rất khó khăn, nhất là trong điều kiện không có nguồn sáng dưới mặt đất.

"Các thị trấn gần như tối đen, không có cột mốc nào để làm chuẩn. Chúng tôi phải dùng hệ thống định vị vệ tinh GPS để xác định có làng mạc nào ở xung quanh hay không. Quá trình bay phải phụ thuộc hoàn toàn vào thiết bị trong buồng lái, vì phi công không thể nhìn thấy bất kỳ thứ gì dưới mặt đất", Juice nhớ lại.

Phi công Ukraine thừa nhận các tên lửa của tiêm kích MiG-29 không thể đánh chặn UAV tự sát từ khoảng cách xa, nên họ thường phải tiếp cận và khai hỏa ở khoảng cách vài km.

"Trong chuyến xuất kích của Voroshylov, không may là vụ đánh chặn diễn ra ở khoảng cách quá gần, nhiều mảnh vỡ tên lửa và UAV văng trúng chiếc MiG-29, phá hủy phần mũi và gây cháy trong buồng lái. Cánh đuôi ngang cũng hư hỏng, khiến phi cơ mất điều khiển và buộc Voroshylov phóng ghế thoát hiểm", Juice giải thích.

UAV tự sát Nga tập kích mục tiêu tại thủ đô Kiev của Ukraine hôm 17/10. Ảnh: AP.

UAV tự sát Nga tập kích mục tiêu tại thủ đô Kiev của Ukraine hôm 17/10. Ảnh: AP.

Tiêm kích MiG-29 không có nhiều vũ khí để đối phó UAV tự sát. Tên lửa đối không tầm trung R-27R dẫn đường bằng radar có tầm bắn hơn 70 km, nhưng hạn chế về radar đối không của MiG-29 và đầu dò tên lửa khiến máy bay phải tiếp cận ở khoảng cách gần để bảo đảm bám bắt mục tiêu.

UAV tự sát dùng động cơ cánh quạt cỡ nhỏ, tỏa lượng nhiệt ít hơn nhiều so với động cơ tuabin của máy bay và tên lửa hành trình, khiến tên lửa đối không tầm ngắn R-73 khó khóa được mục tiêu từ khoảng cách tối ưu. Trong khi đó, pháo 30 mm có tầm bắn tương đối ngắn, khiến phi công chỉ có vài giây để khai hỏa trong điều kiện tầm nhìn tối ưu.

Phòng không Ukraine cũng gặp nhiều thách thức trong nỗ lực đối đầu UAV tự sát Nga, vì họ không đủ năng lực để giám sát liên tục toàn bộ không phận trước những phi cơ không người lái khó phát hiện và đánh chặn như vậy.

"Chúng tôi có thể bao quát vùng trời ở độ cao lớn và trung bình, nhưng không thể theo dõi toàn bộ không phận ở độ cao nhỏ hoặc cực nhỏ. Điều đó là phi thực tế, cả về mặt kỹ thuật và kinh tế", Juice thừa nhận.

Vũ Anh (Theo Drive)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét