Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

Thủ tướng Netanyahu: Israel sẽ tấn công Rafah bất chấp thỏa thuận đình chiến

Thủ tướng Israel tuyên bố quân đội nước này sẽ tiến công thành phố Rafah để xóa sổ các tiểu đoàn Hamas, dù có thỏa thuận đình chiến hay không.

"Chúng tôi sẽ tiến công Rafah vì không còn lựa chọn nào khác", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 30/4 cho biết. "Chúng tôi sẽ xóa sổ các tiểu đoàn Hamas tại Rafah và hoàn thành mọi mục tiêu của chiến dịch, trong đó có đưa tất cả con tin về nhà".

Ông Netanyahu khẳng định dân thường tại Rafah sẽ được sơ tán. Israel chưa công bố thời gian mở chiến dịch nhằm vào thành phố ở miền nam Dải Gaza, nơi khoảng 1,5 triệu người từ các khu vực khác tới lánh nạn.

"Ý tưởng về việc chúng tôi dừng chiến dịch trước khi đạt được tất cả mục tiêu là phi lý", ông Netanyahu nói. "Chúng tôi sẽ tiến vào Rafah và xóa sổ các tiểu đoàn Hamas tại đây, dù có thỏa thuận hay không, để đạt được chiến thắng toàn diện".

Binh sĩ, thiết giáp Israel tham chiến ở Dải Gaza ngày 28/4. Ảnh: IDF

Binh sĩ, thiết giáp Israel tham chiến ở Dải Gaza ngày 28/4. Ảnh: IDF

Khi được hỏi về tuyên bố nói trên của Thủ tướng Netanyahu, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken không bình luận trực tiếp về vấn đề. Thay vào đó, ông khẳng định trọng tâm của Mỹ là đạt thỏa thuận đình chiến do Ai Cập và Qatar làm trung gian, đồng thời nhấn mạnh Israel đã bày tỏ thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán.

Ông Blinken kêu gọi Hamas chấp nhận thỏa thuận đình chiến và thả con tin, không trì hoãn hay đưa ra thêm lý do nào nữa. Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ mong muốn thấy thỏa thuận được thực hiện trong vài ngày tới.

"Thỏa thuận đình chiến là cách tốt nhất và hiệu quả nhất để giảm bớt đau khổ, cũng như tạo ra môi trường mà chúng ta có thể hy vọng sẽ dẫn tới điều gì đó thật sự bền vững, mang lại hòa bình lâu dài cho những người đang mong mỏi điều này", Ngoại trưởng Blinken nói.

Hamas đang cân nhắc kế hoạch mới được đề xuất trong cuộc đàm phán ở Cairo với phái đoàn Mỹ, Ai Cập và Qatar. Nhóm cho biết đang xem xét lệnh đình chiến kéo dài 40 ngày và trao đổi con tin lấy các tù nhân người Palestine.

Theo một nguồn tin thân cận với Hamas, phái đoàn của nhóm sau khi trở về từ Cairo sẽ thảo luận "về những ý tưởng và đề xuất" với các thành viên ở Qatar. Một quan chức Israel cho biết chính phủ nước này "sẽ đợi câu trả lời cho tới tối 1/5", sau đó sẽ quyết định có cử phái đoàn đến Cairo, Ai Cập hay không.

Mỹ ủng hộ Israel sau khi nước này mở chiến dịch quân sự tại Dải Gaza để trả đũa vụ tấn công vào đầu tháng 10/2023 của Hamas. Tuy nhiên, Washington đang gây áp lực buộc Tel Aviv kiềm chế kế hoạch tiến công thành phố Rafah, trong lúc cộng đồng quốc tế lo ngại chiến dịch sẽ gây ra thảm họa cho dân thường tại đây.

Vị trí thành phố Rafah, miền nam Dải Gaza. Đồ họa: BBC

Vị trí thành phố Rafah, miền nam Dải Gaza. Đồ họa: BBC

Nguyễn Tiến (Theo AFP, AP)

Adblock test (Why?)

Phe Dân chủ bảo vệ Chủ tịch Hạ viện Mỹ trước nguy cơ bị phế truất

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện tuyên bố họ sẽ không ủng hộ đề xuất phế truất Chủ tịch Mike Johnson, người thuộc đảng Cộng hòa.

Sau cuộc họp kín thường lệ giữa các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện ngày 30/4, lãnh đạo phe Dân chủ Hakeem Jeffries cho biết đảng sẽ bảo vệ Mike Johnson trước nỗ lực lật đổ của hạ nghị sĩ Cộng hòa Marjorie Taylor Greene.

"Nếu đề xuất loại bỏ Chủ tịch Hạ viện của Greene được đưa ra bỏ phiếu, bà ấy chắc chắn sẽ không thành công", tuyên bố của các lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện cho hay.

Bà Greene đầu tháng này cảnh báo sẽ đệ trình kiến nghị bỏ phiếu phế truất Chủ tịch Hạ viện nếu ông để dự luật viện trợ Ukraine được thông qua. Hạ viện Mỹ hôm 20/4 thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, trong đó có gần 61 tỷ USD cho Ukraine.

Bà Greene sau đó kêu gọi ông Johnson phải từ chức, cáo buộc ông "làm việc cho đảng Dân chủ". Tuy nhiên, nhiều đảng viên Cộng hòa vẫn ủng hộ Chủ tịch Hạ viện Johnson. Cựu tổng thống Donald Trump, người vẫn duy trì sức ảnh hưởng trong đảng Cộng hòa, cũng bày tỏ ủng hộ Johnson, nói ông đã làm tốt công việc trong những thời điểm khó khăn.

"Các thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện đặt nhân dân cao hơn những vấn đề chính trị và tìm ra điểm chung lưỡng đảng với các thành viên Cộng hòa truyền thống để mang lại kết quả thực sự", ông Jeffries cho hay, đề cập việc Mỹ hôm 23/4 thông qua gói viện trợ nước ngoài 95 tỷ USD.

"Bên cạnh đó, đảng Dân chủ tại Hạ viện cũng quyết đẩy lùi chủ nghĩa cực đoan MAGA. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc đó", ông nêu thêm, đề cập khẩu hiệu "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" của cựu tổng thống Trump.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson tại cuộc họp báo ở quốc hội ngày 30/4. Ảnh: AFP

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson tại cuộc họp báo ở quốc hội ngày 30/4. Ảnh: AFP

Ông Johnson, 52 tuổi, được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ thứ 56 hồi tháng 10/2023, kết thúc ba tuần hỗn loạn sau khi ông McCarthy bị phế truất. Theo quy định được thông qua vào đầu năm ngoái, bất kỳ nghị sĩ nào cũng có thể đưa ra kiến nghị, yêu cầu bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện và cơ quan này sẽ phải bỏ phiếu về đề xuất đó trong vòng hai ngày. Ông Johnson sẽ cần ít nhất 218 phiếu ủng hộ trong số 435 hạ nghị sĩ để giữ được chức vụ.

Đảng Cộng hòa hiện giữ 217 ghế tại Hạ viện trong khi đảng Dân chủ giữ 212 ghế, 6 ghế đang bỏ trống. Đến nay chỉ có hai nghị sĩ ủng hộ quan điểm của bà Greene. Điều đó đồng nghĩa ông Johnson không thể bị phế truất khi có sự ủng hộ của đảng Dân chủ.

Ong Johnson bày tỏ bất ngờ về thông báo của phe Dân chủ. "Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói về việc này", ông nói khi đang chủ trì cuộc họp báo ở quốc hội. "Tôi phải làm công việc của mình. Chúng ta phải làm những gì chúng ta tin là đúng đắn. Đất nước cần một quốc hội hoạt động hiệu quả".

Ông nhắc lại việc Hạ viện phải đóng cửa ba tuần khi người tiền nhiệm Kevin McCarthy bị phế truất cuối năm ngoái. Johnson cũng bác ý kiến cho rằng ông đã đạt được thỏa thuận với Jeffries để đổi lấy sự ủng hộ từ đảng Dân chủ.

"Chẳng có thỏa thuận nào. Tôi không yêu cầu ai hỗ trợ mà chỉ tập trung hoàn thành công việc và thông qua các dự luật", ông nói.

Phản ứng trước động thái của đảng Dân chủ, bà Greene đăng trên mạng xã hội X rằng ông Johnson "chính thức là Chủ tịch của đảng Dân chủ tại Hạ viện", kêu gọi ông "từ chức và chuyển sang đảng khác".

Huyền Lê (Theo Reuters, Hill)

Adblock test (Why?)

Vụ lính Mỹ bắn chết đặc vụ Italy thổi bùng căng thẳng năm 2005

Nhóm lính Mỹ bắn chết một đặc vụ Italy đang hộ tống con tin ở Iraq năm 2005, trở thành sự cố ngoại giao nghiêm trọng giữa hai nước.

Giuliana Sgrena, sinh năm 1948, là phóng viên của nhật báo cánh tả Italy Il Manifesto. Sgrena bị bắt cóc tháng 2/2005 khi đang phỏng vấn gần Đại học Baghdad, Iraq. Những kẻ bắt cóc sau đó công bố video bà Sgrena cầu cứu chính phủ Italy và kêu gọi các lực lượng nước ngoài dừng "chiếm đóng" Iraq.

Lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu đã đưa quân đến Iraq vào tháng 3/2003, tiến hành cuộc chiến chống lại chính quyền Saddam Hussein. Chưa đầy một tháng sau, chế độ của tổng thống Hussein sụp đổ. Tổng thống Mỹ George W. Bush ngày 1/5/2003 tuyên bố "nhiệm vụ tác chiến hoàn thành", chuyển sang giai đoạn "xây dựng chế độ dân chủ" ở Iraq. Baghdad tiến hành cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi Mỹ tiến hành chiến dịch vào tháng 1/2005. Lực lượng Mỹ sau đó duy trì hiện diện tại Iraq cho đến khi rút khỏi đây vào năm 2011.

Sgrena được trả tự do sau hơn một tháng. Bộ trưởng Nông nghiệp Italy khi đó là Giovanni Alemanno ám chỉ nước này "sẵn sàng chịu tổn thất tài chính hơn là sinh mạng con người hoặc một cái giá chính trị nếu rút quân theo lời đe dọa". Một nghị sĩ Iraq nói Italy đã trả khoản tiền chuộc 1 triệu USD, trong khi truyền thông Italy đưa ra con số 8 triệu USD.

Để hộ tống con tin về nước, tình báo quân đội Italy cử đặc vụ Nicola Calipari và Andrea Carpani đến Iraq. Trên đường ra sân bay quốc tế Baghdad ngày 4/3/2005, xe chở Sgrena đã bị các binh sĩ Mỹ tại một điểm kiểm soát nổ súng. Calipari che chắn cho Sgrena và thiệt mạng, nữ phóng viên cùng tài xế Carpani bị thương. Bà Sgrena cùng thi thể Calipari được đưa về Rome hôm sau.

Vụ nổ súng đẩy căng thẳng Mỹ - Italy leo thang, khiến sự việc trở thành một trong những sự cố ngoại giao nghiêm trọng nhất giữa hai nước kể từ năm 1998. Khi đó, một phi cơ của Thủy quân Lục chiến Mỹ đã bay thấp bất thường và cắt đứt dây cáp treo tại vùng Cavalese, miền bắc Italy, khiến 20 người chết.

Nicola Calipari

Đặc vụ Nicola Calipari. Ảnh: Times of Malta

"Sự việc có thể gây ra hậu quả chính trị nghiêm trọng", nhật báo Italy La Stampa bình luận trên trang nhất. "Chính phủ Italy đã thông báo chi tiết cho phía Mỹ khi chiến dịch chuẩn bị bắt đầu. Sự hiện diện của một đại tá Mỹ cùng các sĩ quan Italy chờ Sgrena ở sân bay Baghdad cho thấy chiến dịch được điều phối hài hòa".

Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi đã triệu đại sứ Mỹ Mel Sembler tới văn phòng, động thái được cho là hiếm thấy, và yêu cầu Mỹ "không bỏ sót ngóc ngách nào khi điều tra sự việc". Tổng thống Mỹ George W. Bush lập tức điện đàm với ông Berlusconi và cam kết về một cuộc điều tra toàn diện.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Italy Gianfranco Fini ngày 5/3/2005 nói "liên minh bền chặt với Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng".

Quân đội Mỹ cho biết vụ nổ súng vào xe chở Sgrena chỉ là tai nạn. Phương tiện này đã lao nhanh về phía điểm kiểm soát, bất chấp họ đã bắn cảnh cáo. "Kết quả điều tra cho thấy các binh sĩ không làm gì sai. Họ đã tuân thủ đúng quy tắc giao chiến", một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc nói.

Theo báo cáo điều tra của Mỹ, các binh sĩ đã được đào tạo về quy tắc giao chiến, quy định cách họ phản ứng với các mối đe dọa, trước khi được triển khai đến Iraq. Trong số này có "chủ động nhận dạng", đòi hỏi binh sĩ có "lý do chắc chắn" rằng mục tiêu họ tấn công là "mục tiêu quân sự hợp pháp".

Báo cáo nêu binh sĩ Mỹ khi đó phụ trách điểm chặn, không phải điểm kiểm soát giao thông. Khác với điểm kiểm soát, điểm chặn được thiết lập nhằm đảm bảo không phương tiện nào đi qua vị trí này, trong trường hợp trên là chặn con đường đến sân bay Baghdad. Việc xe chở Sgrena tăng tốc khiến binh sĩ Mỹ lo ngại về một vụ tấn công của phiến quân.

Tổng thống Italy Carlo Azeglio Ciampi chạm tay vào quan tài đặc vụ tình báo Nicola Calipari tại sân bay Ciampino, Rome ngày 6/3/2005. Ảnh: Reuters

Tổng thống Italy Carlo Azeglio Ciampi chạm tay vào quan tài đặc vụ tình báo Nicola Calipari tại sân bay Ciampino, Rome ngày 6/3/2005. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, các nhà điều tra Italy cáo buộc giới chức Mỹ đã không thông báo về điểm chặn trên đường đến sân bay Baghdad. Họ kết luận áp lực, mệt mỏi và sự thiếu kinh nghiệm là yếu tố đã dẫn đến sự cố, không phát hiện bằng chứng cho thấy binh sĩ Mỹ cố tình sát hại Calipari.

Báo cáo của Italy cho thấy phía Mỹ không giữ nguyên hiện trường, không đánh dấu vị trí trước khi kéo các phương tiện liên quan ra nơi khác. "Điều này khiến việc xác định bối cảnh cụ thể, như tốc độ xe, khoảng cách chặn xe về mặt kỹ thuật là bất khả thi", nhóm điều tra viên Italy kết luận.

Italy bác bỏ thông tin xe chở Sgrena di chuyển với tốc độ hơn 80 km/h, cho rằng vận tốc của phương tiện khi đó chỉ khoảng 40 km/h. Các nhà điều tra Italy không ký vào báo cáo của Mỹ với nội dung cho rằng binh sĩ nước này không phải chịu trách nhiệm. Nhưng họ cũng không phản đối hầu hết thông tin Mỹ đưa ra.

Sgrena khẳng định xe chở họ không tăng tốc khi đến điểm chặn của Mỹ. "Tôi lập tức nhớ đến điều những kẻ bắt cóc nói với mình, rằng họ cam kết trả tự do cho tôi, nhưng tôi cần phải thận trọng 'bởi người Mỹ không muốn cô quay về'", Sgrena kể lại. "Khi đó, tôi còn nghĩ đây là những lời dư thừa, nhưng vào thời khắc bị bắn, với tôi, đó lại là sự thật cay đắng".

Truyền thông Italy phát đoạn ghi âm được cho là của nhóm bắt cóc, cáo buộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) muốn hạ Sgrena vì Mỹ phản đối chính sách thương lượng với kẻ bắt cóc của Italy. Nhóm bắt cóc nói họ không nhận tiền chuộc, dù đã được đề nghị trả một khoản.

Nhà Trắng bác cáo buộc phía Mỹ muốn sát hại Sgrena. "Thật lố bịch khi đưa ra những thông tin như vậy, rằng quân nhân Mỹ sẽ cố tình nhằm vào dân thường vô tội", phát ngôn viên Nhà Trắng khi đó là Scott McClellan trả lời báo giới.

Bộ Quốc phòng Mỹ và Italy sau đó kết luận sự việc là tai nạn ở vùng chiến sự. Calipari được ca ngợi là anh hùng ở Italy vì hy sinh bản thân để bảo vệ bà Sgrena. Giới chức Italy an táng Calipari theo nghi lễ cấp nhà nước tại Rome ngày 7/5/2005, với khoảng 20.000 người đến viếng, và truy tặng huân chương dũng cảm.

Bà Giuliana Sgrena tại Rome ngày 29/11/2006. Ảnh: Reuters

Bà Giuliana Sgrena tại Rome ngày 29/11/2006. Ảnh: Reuters

Như Tâm (Theo NBC News, DW, Times of Malta)

Adblock test (Why?)

Ông Trump bị phạt 9.000 USD vì vi phạm lệnh cấm phát ngôn

Thẩm phán Merchan phạt cựu tổng thống Trump 9.000 USD vì tội coi thường tòa án và chỉ trích những người liên quan vụ án bất chấp lệnh cấm.

Juan Merchan, thẩm phán chủ trì phiên xét xử vụ chi tiền bịt miệng của cựu tổng thống Donald Trump, ngày 30/4 tuyên phạt ông Trump vì 9 hành vi vi phạm lệnh cấm phát ngôn. Ông Trump vốn bị cấm chỉ trích công khai nhân chứng, bồi thẩm đoàn, nhân viên tòa án và người thân của họ. Mỗi vi phạm đều chịu mức phạt 1.000 USD.

Đồng thời, ông Merchan cũng yêu cầu cựu tổng thống xóa 7 bài đăng vi phạm khỏi tài khoản trên mạng xã hội riêng Truth Social và 2 bài trên trang web tranh cử. Thẩm phán cảnh báo ông Trump có thể bị bỏ tù nếu tiếp tục vi phạm lệnh cấm phát ngôn.

"Bị cáo đã được cảnh báo rằng tòa án sẽ không tha thứ cho việc tiếp tục cố tình vi phạm các mệnh lệnh hợp pháp. Và nếu cần, tòa sẽ áp dụng hình phạt giam giữ", thẩm phán Merchan nói.

Cựu tổng thống Donald Trump trình diện tòa hình sự Manhattan, New York ngày 23/4. Ảnh: AP

Cựu tổng thống Donald Trump trình diện tòa hình sự Manhattan, New York ngày 23/4. Ảnh: AP

Công tố viên New York trước đó đệ trình bằng chứng về 10 vi phạm của ông Trump, đề nghị tòa xử phạt cựu tổng thống và nhắc nhở cựu tổng thống về hậu quả nghiêm trọng hơn nếu tiếp tục vi phạm. Thẩm phán Merchan sẽ cân nhắc có áp thêm hình phạt bổ sung đối với các tuyên bố vi phạm khác của ông Trump trong phiên xử ngày 2/5.

Ông Trump trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị xét xử với cáo buộc chi 130.000 USD bịt miệng sao khiêu dâm Stormy Daniels, ém thông tin bất lợi khi tranh cử năm 2016.

Cựu tổng thống bác cáo buộc. Nhóm pháp lý của ông Trump nói rằng những cáo buộc này "không có cơ sở về mặt luật pháp hoặc thực tế và nên bị bác bỏ".

Cựu tổng thống Trump, 77 tuổi, đang đối mặt loạt vấn đề pháp lý trước thềm bầu cử tháng 11, liên quan tới nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 và xử lý không đúng cách tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng.

Thanh Tâm (Theo Reuters, AFP)

Adblock test (Why?)

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

Cơn sốt vàng từng khiến Australia 'lột xác'

Năm 1851, những người tìm vàng từ khắp nơi trên thế giới bắt đầu đổ về các vùng đất của Australia, lúc bấy giờ còn là thuộc địa của Anh. Cơn sốt vàng đã làm tăng đáng kể dân số, thúc đẩy kinh tế và thay đổi cả nền văn hóa Australia.

Bức tranh tái hiện một bãi đào vàng ở Ballarat, Australia, năm 1853. Ảnh: National Museum Australia

Bức tranh tái hiện một bãi đào vàng ở Ballarat, Australia, năm 1853. Ảnh: National Museum Australia

Một bài viết trên báo vào tháng 10/1851 mô tả như sau: "Có khoảng 1.000 chiếc thùng đãi vàng hoạt động trong hơn 1,5 km tính từ Golden Point ở Ballarat. Có 50 chiếc như vậy gần Black Hill, cách đó khoảng 2,5 km và tại khu Brown Hill, có khoảng 300 đến 400 chiếc nữa, chưa kể đến hàng trăm chiếc chưa hoạt động. Mỗi thùng đãi vàng cần 5 người, như vậy, dân số trong bán kính 8 km phải rơi vào khoảng 7.000 người".

Đã có nhiều phát hiện về vàng trước khi cơn sốt nổ ra. Năm 1841, mục sư William Branwhite Clarke, một trong những nhà địa chất đầu tiên tại Australia, đã tình cờ tìm thấy những hạt vàng gần Hartley ở dãy núi Blue Mountains.

Năm 1844, mục sư đề cập vấn đề trên với Thống đốc George Gipps, người được cho là đã nói với ông rằng "hãy quên nó đi Clark, nếu không tất cả chúng ta sẽ bị cắt cổ".

Gipps lo ngại sẽ có một cơn hỗn loạn xảy ra nếu người dân New South Wales lúc bấy giờ, phần lớn là những người bị kết án hoặc từng bị kết án, biết được rằng họ có thể dễ dàng tiếp cận vàng đến thế.

Năm 1848, nhà khoáng vật học William Tipple Smith tìm thấy vàng gần Bathurst và một năm sau, ông tiết lộ phát hiện này cho Thư ký Thuộc địa New South Wales Edward Thomson, cấp dưới của Thống đốc Charles FitzRoy. Tuy nhiên, phát hiện của ông bị từ chối công nhận.

Thái độ của chính phủ đối với việc khám phá ra vàng đã thay đổi vào năm 1848 với tin tức về cơn sốt vàng ở California. Cơ hội đổi đời khiến hàng nghìn người rời bỏ Australia để đi tìm vận may, gây ra tình trạng thiếu lao động và suy thoái kinh tế.

Thống đốc Charles FitzRoy đã nghe thấy tin đồn về việc tìm thấy vàng ở New South Wales và tin rằng việc phát hiện ra vàng tại đây có thể đảo ngược tình trạng suy thoái kinh tế.

Những mỏ vàng chính trong cơn sốt vàng những năm 1950 ở Australia. Ảnh: Encyclopedia Britannica

Những mỏ vàng chính trong cơn sốt vàng ở Australia. Ảnh: Encyclopedia Britannica

Năm 1849, ông thuyết phục chính phủ Anh bổ nhiệm một nhà địa chất học phụ trách nghiên cứu khai thác vàng ở New South Wales và treo thưởng cho bất kỳ ai tìm thấy vàng đủ tiêu chuẩn giao dịch.

Edward Hargraves được ghi nhận là người đã thổi bùng lên cơn sốt vàng của Australia. Ông thành thạo mọi nghề, từ nông dân, thủ kho, công chức, thợ bóc ngọc trai đến thủy thủ.

Năm 1849, Hargraves khởi hành từ Sydney lên đường tới California để hòa vào cơn sốt vàng tại đây. Tuy nhên, ông không tìm được vận may của mình. Khi trở lại New South Wales vào năm 1851, ông lập tức lao vào tìm vàng. Trong vòng vài tuần, Hargraves và vài người khác đã tìm thấy một lượng vàng nhỏ ở nơi mà ông đặt tên là Ophir, theo tên một thành phố cảng giàu có được nhắc đến trong Kinh Cựu Ước.

Ông được Thống đốc trao giải thưởng trị giá 10.000 bảng Anh. Tin tức về việc tìm thấy vàng nhanh chóng được đăng trên tờ Sydney Morning Herald và đến ngày 15/5/1851, 300 thợ đào vàng đã đến Ophir. Cơn sốt vàng bắt đầu từ đây.

Nhiều người ở vùng thuộc địa mới thành lập Victoria (nay là bang Victoria, bang đông dân thứ hai đất nước sau New South Wales với thủ phủ là Melbourne), rời khỏi nơi này để tràn về phía bắc, tới các mỏ vàng của New South Wales. Để níu giữ người dân, chính quyền Victoria treo thưởng 200 bảng Anh cho bất kỳ ai có thể tìm thấy vàng trong phạm vi 320 km quanh Melbourne. Chỉ trong vòng 6 tháng, vàng được phát hiện ở Clunes, sau đó là ở Ballarat, Castlemaine và Bendigo. Vào những năm 1850, Victoria sản xuất 1/3 lượng vàng của thế giới.

Việc phát hiện ra vàng đã khởi đầu một loạt cuộc chạy đua làm biến đổi các khu vực khác của Australia. Một lượng vàng đáng kể cũng được phát hiện ở Tasmania vào năm 1852, ở Queensland vào năm 1857 và ở Lãnh thổ Bắc Australia vào năm 1871.

Đến những năm 1890, một loạt cơn sốt vàng mới lại nổ ra khi những mỏ vàng được tìm thấy tại Kalgoorlie và Coolgardie ở Tây Australia.

Trữ lượng vàng khổng lồ của Australia đã khiến nước này trở thành điểm đến của không ít người từ khắp nơi trên thế giới. Tới cuối thế kỷ 19, cơn sốt vàng giúp tạo ra một xã hội giàu có, tự do với mức sống khiến cả thế giới phải ghen tị.

Từ năm 1851 đến 1871, dân số Australia đã tăng gấp 4 lần từ 430.000 người lên 1,7 triệu người khi những người di cư từ khắp nơi trên thế giới đổ đến nơi đây để tìm vàng.

Người Trung Quốc là nhóm thợ đào vàng lớn nhất không đến từ châu Âu. Họ hầu hết là những lao động khổ sai, bị phân biệt đối xử. Người ta ước tính rằng vào năm 1855, có tới 20.000 người Trung Quốc làm việc trên các bãi đào vàng ở Victoria.

Bức tranh tái hiện cảnh đào vàng ở Ophir năm 1851. Ảnh: National Museum Australia

Bức tranh tái hiện cảnh đào vàng ở Ophir năm 1851. Ảnh: National Museum Australia

Cuộc sống trên các mỏ vàng vô cùng khó khăn. Không có gì đảm bảo rằng các thợ đào sẽ tìm thấy đủ vàng để sinh lời. Những cuộc tranh giành mỏ vàng, căng thẳng chủng tộc và cơn giận dữ liên quan đến giấy phép khai thác đã dẫn đến tình trạng bạo lực tại những mỏ vàng.

Nhưng trong dòng người di cư đến Australia cũng có không ít người mang đến những ý tưởng chính trị mới về cách xã hội nên được quản lý và điều hành.

Ban đầu, chính quyền thuộc địa chống lại lối suy nghĩ tiến bộ như vậy vì coi đó là mối đe dọa đối với quyền lực của họ. Tuy nhiên, nhiều thử nghiệm đã được tiến hành và góp phần thay đổi cả xã hội Australia, như quy định bỏ phiếu kín, ngày làm việc 8 giờ hay sự ra đời của Công đảng.

Vũ Hoàng (Theo National Museum Australia)

Adblock test (Why?)

Mỹ kêu gọi Hamas chấp nhận đề xuất ngừng bắn của Israel

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Hamas nhanh chóng chấp nhận đề xuất của Tel Aviv về lệnh ngừng bắn ở Gaza và thả các con tin Israel.

"Hamas đang đứng trước một đề xuất cực kỳ, cực kỳ hào phóng từ phía Israel", Ngoại trưởng Blinken ngày 29/4 nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở thủ đô Riyadh, Arab Saudi. "Điều duy nhất đứng chắn giữa người dân Gaza và lệnh ngừng bắn là Hamas. Họ phải quyết định và phải quyết định nhanh chóng. Tôi hy vọng họ sẽ đưa ra quyết định đúng đắn".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tham dự một cuộc họp cấp bộ trưởng ở thủ đô Riyadh, Arab Saudi, ngày 29/4. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tham dự một cuộc họp cấp bộ trưởng ở thủ đô Riyadh, Arab Saudi, ngày 29/4. Ảnh: AFP

Những nhà đàm phán của Hamas cùng ngày dự kiến gặp các nhà hòa giải Qatar và Ai Cập tại Cairo để phản hồi về đề xuất ngừng bắn theo từng giai đoạn mà Israel đưa ra hồi cuối tuần.

Một nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay trong bản đề xuất của mình, Tel Aviv muốn Hamas thả nhiều nhất 40 người trong 130 con tin được cho là vẫn bị giam ở Gaza để đổi lấy tự do cho những người Palestine đang ngồi tù ở Israel.

Giai đoạn thứ hai của thỏa thuận ngừng bắn sẽ hướng đến một "thời kỳ bình ổn kéo dài". Đây là phản ứng của Israel trước yêu cầu từ phía Hamas về lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.

Theo thống kê của Israel, tổng cộng 253 con tin bị bắt sau cuộc đột kích của Hamas vào miền nam nước này ngày 7/10/2023, trong đó khoảng 1.200 người Israel đã thiệt mạng.

Israel đã trả đũa bằng chiến dịch tấn công quy mô lớn vào Gaza, đến nay khiến khoảng 34.500 người Palestine thiệt mạng, theo cơ quan y tế khu vực.

Người Palestine đang phải chịu tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men trầm trọng trong cuộc khủng hoảng nhân đạo do chiến dịch tấn công của Israel gây ra.

Tại Arab Saudi, Ngoại trưởng Blinken cũng nhắc lại rằng Mỹ không thể ủng hộ cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Rafah nếu Tel Aviv không có kế hoạch đảm bảo an toàn cho dân thường.

Hơn một triệu cư dân Gaza phải sơ tán đang chen chúc ở Rafah, thành phố cực nam của khu vực, để ẩn náu trước các cuộc bắn phá từ Israel. Tel Aviv tuyên bố sẽ sớm mở một cuộc tấn công vào Rafah để "diệt trừ tận gốc" những tay súng Hamas mà họ cho là đang trà trộn trong dân thường tại đây.

Vũ Hoàng (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

Tham vọng xây dựng lực lượng hỗn hợp giữa người và robot của lục quân Mỹ

Lục quân Mỹ thử nghiệm xây dựng các đội hình tác chiến kết hợp giữa robot và con người, nhằm chuẩn bị cho kịch bản xung đột trong tương lai.

Một thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ (drone) màu đen giống như trực thăng đồ chơi bay lên từ khu nhà gạch của một ngôi làng, tạo ra những âm thanh rất nhỏ trong lúc bay. Nó dừng lại một lúc trước khi bay lên cao hơn và biến mất trong những đám mây, theo sau là một chiếc tương tự.

Chúng là mẫu drone Ghost-X do tập đoàn quốc phòng Anduril Industries của Mỹ chế tạo. Tuy nhìn có vẻ nhỏ và không mấy nguy hiểm, mẫu drone này thực chất là "đôi mắt" của một đại đội bộ binh Mỹ đang ẩn nấp trên các ngọn núi xung quanh, sẵn sàng tái chiếm ngôi làng đang bị "đối thủ" kiểm soát.

Hai chiếc drone này không hoạt động một mình. Một đội robot chiến đấu, gồm cả thiết bị trên không và hoạt động dưới đất, sau đó đồng loạt xuất hiện, nổi bật là một chiếc drone 8 cánh quạt có gắn đạn ở phần bụng.

Nó quần thảo trên bầu trời rồi lần lượt thả ba quả đạn cối 60 mm xuống một mái nhà và các "throwbot" nhỏ có hình trụ tròn xuống mặt đất. Throwbot là một dạng robot có thể ném được và thường được dùng với nhiệm vụ trinh sát.

Tham vọng xây dựng lực lượng hỗn hợp giữa người và robot của lục quân Mỹ

Robot trang bị súng máy nã đạn tại cuộc diễn tập. Video: USDM

Tiếp đó, một số phương tiện chiến đấu robot trang bị súng máy .50 và M240 được đưa ra chiến trường. Chúng liên tục nã đạn về vị trí của "đối thủ" để yểm trợ trong lúc các binh sĩ Mỹ tiến vào làng. Cùng lúc đó, một chú chó robot 4 chân bước ra từ đám khói dày đặc, đóng vai trò như camera quan sát giúp các binh sĩ Mỹ ở vòng ngoài có thể theo dõi tình hình thực địa.

Đây là hình ảnh trong cuộc diễn tập quy mô lớn mang tên Dự án Hội tụ (Project Convergence) của lục quân Mỹ, được tổ chức hồi tháng 3 tại Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Mỹ (NTC), khu vực an ninh nghiêm ngặt có diện tích 2.400 km 2 ở Fort Irwin, bang California.

Mục đích của cuộc diễn tập là thử nghiệm hoạt động phối hợp tác chiến giữa con người và robot, qua đó tiến tới xây dựng các lực lượng hỗn hợp trong tương lai.

Tướng James Rainey, chỉ huy Bộ Tư lệnh Tương lai Lục quân Mỹ, cho biết robot sẽ được tích hợp sâu rộng vào các lực lượng của quân chủng này trong thời gian tới, giúp giảm thiểu rủi ro đối với các binh sĩ.

Tuy nhiên, giới chức quân đội Mỹ thừa nhận việc thành lập các lực lượng hỗn hợp như vậy không phải điều dễ dàng. Nó đòi hỏi xây dựng một mạng lưới dễ sử dụng và hoạt động hiệu quả, được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công mạng và đảm bảo các hệ thống có mức độ tự chủ vừa đủ.

Giới chức Mỹ cũng cho rằng thách thức lớn nhất không phải là yếu tố công nghệ, mà là các quy trình mua sắm đã lỗi thời. Chúng khiến quân đội Mỹ không thể tiến hành các thương vụ mua sắm một cách nhanh chóng, cũng như làm chậm tốc độ chuyển giao sản phẩm cho các binh sĩ để áp dụng vào thực chiến.

"Các mối đe dọa và công nghệ đang phát triển với tốc độ nhanh hơn nhiều. Chúng tôi sẽ không thể thành công nếu tiếp tục mua sắm hay phát triển công nghệ với tốc độ như hiện nay", Joseph Welch, giám đốc Trung tâm C5ISR của lục quân Mỹ, nhận định.

Binh sĩ Mỹ và chó robot trong cuộc diễn tập. Ảnh: Lục quân Mỹ

Binh sĩ Mỹ và chó robot trong cuộc diễn tập. Ảnh: Lục quân Mỹ

Lục quân Mỹ tổ chức cuộc diễn tập Dự án Hội tụ sau nhiều tháng nỗ lực thúc đẩy việc tích hợp con người và robot vào một đội hình chiến đấu. Sự kiện là dịp để giới chức xem xét những mặt được và chưa được của mô hình này, qua đó nâng cấp, cải thiện để có thể chuẩn bị cho kịch bản đối đầu với kẻ thù có năng lực hiện đại trong tương lai.

Trong bản đề xuất ngân sách cho năm tài khóa 2025, lục quân Mỹ lần đầu tiên yêu cầu được cấp kinh phí để xây dựng các lực lượng hỗn hợp giữa robot và con người, gọi là H-MIF. Giai đoạn đầu tiên dự kiến tiêu tốn khoảng 33 triệu USD, nhằm bước đầu cung cấp năng lực này cho các đội hình bộ binh và thiết giáp hiện hành.

Văn phòng Công nghệ Quan trọng và Năng lực Nhanh chóng của lục quân Mỹ là cơ quan dẫn đầu nỗ lực này. Văn phòng đang tạo ra các sản phẩm thử nghiệm bằng cách tận dụng các chương trình robot sẵn có, đồng thời tích hợp thêm các năng lực phổ biến về cấu trúc, mạng lưới và liên lạc.

Lục quân Mỹ cho biết khoản kinh phí mà quân chủng này yêu cầu trong đề xuất ngân sách sẽ được dùng để chế tạo các mô hình thử nghiệm, cũng như cho phép binh sĩ có thể đánh giá mức độ hiệu quả của các sản phẩm này trong các cuộc diễn tập thực tế.

Tại cuộc diễn tập Dự án Hội tụ, lục quân Mỹ đã triển khai lượng lớn robot, cảm biến và các cỗ máy khác để hỗ trợ binh sĩ, trong đó các mẫu robot trên không và dưới đất, drone có dây, hệ thống chống drone và một thiết bị mô phỏng tín hiệu radio để gây rối kẻ thù.

Lục quân Mỹ đã sử dụng tổng cộng hơn 240 sản phẩm công nghệ trong cuộc tập trận, bao gồm cả sản phẩm của các nước đồng minh như Anh, Canada, Australia, Pháp và Nhật Bản.

Binh sĩ Mỹ sử dụng kính thực tế ảo để phát hiện mối đe dọa trong cuộc diễn tập. Ảnh: Lục quân Mỹ

Binh sĩ Mỹ sử dụng kính thực tế ảo để phát hiện mối đe dọa trong cuộc diễn tập. Ảnh: Lục quân Mỹ

Alexander Miller, giám đốc công nghệ dưới quyền tham mưu trưởng lục quân Mỹ Randy George, cho biết việc tích hợp robot vào đội hình chiến đấu là lựa chọn bắt buộc, nếu lực lượng Mỹ không muốn "bị tụt lại phía sau".

"Có những kẻ xấu sẵn sàng sử dụng robot, nên nếu chúng tôi không đẩy mạnh nghiên cứu về lĩnh vực này và bị tụt lại phía sau, các thành viên của chúng tôi sẽ gặp nguy hiểm", Miller nêu quan điểm.

Một động lực khác giúp thúc đẩy việc tích hợp robot vào các đội hình chiến đấu là sự "thay đổi về văn hóa", theo Miller. Trong 12-18 tháng gần đây, họ không còn coi robot như phương tiện thay thế một - một với binh sĩ, mà đang xem xét sử dụng chúng cho các nhiệm vụ ngoài chiến đấu, cũng như triển khai một cách độc lập mà không cần người điều khiển, ví dụ như việc rà phá mìn.

Sự tiến bộ của các công nghệ thương mại cũng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình mới cho việc tích hợp con người và robot. Theo Welch, công nghệ trí tuệ nhân tạo đang trở nên thông minh hơn, cảm biến ngày càng nhỏ gọn, nhẹ và linh hoạt hơn, các giải pháp kết nối trở nên phong phú hơn và khả năng sử dụng các công nghệ trên không, trên mặt đất và trong không gian cũng trở nên dễ dàng hơn.

Dù vậy, giới chức lục quân Mỹ nhận định vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể tích hợp robot và binh sĩ trên chiến trường. Theo Miller, cuộc diễn tập Dự án Hội tụ đã cho thấy "mọi thứ sẽ trở nên rất phức tạp" nếu họ triển khai lượng lớn robot giá thành thấp cùng một lúc, điều có thể gây ra các sự cố về công nghệ.

Cụ thể, trong cuộc diễn tập đã xuất hiện trường hợp "quân ta đánh quân mình", khi hệ thống tác chiến điện tử của lục quân Mỹ gây nhiễu một đàn drone của họ và làm chúng bị rơi xuống đất.

Ngoài thách thức về kỹ thuật, quân chủng này còn phải thuyết phục quốc hội thay đổi quy trình mua sắm để có nhiều ngân sách hơn, cũng như có thể đáp ứng nhu cầu về khí tài, thiết bị của các binh sĩ một cách nhanh chóng hơn. Họ cũng phải đảm bảo rằng ngành công nghiệp phòng Mỹ có khả năng sản xuất đủ linh kiện, thay vì phải tìm mua chúng ở nước ngoài, điều có thể dẫn tới rủi ro về an ninh.

Benjamin Jensen, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết ông "lạc quan" về kế hoạch xây dựng lực lượng hỗn hợp giữa người và robot của lục quân Mỹ, song cho rằng quá trình này có thể kéo dài lâu hơn so với dự kiến.

"Phần lớn mọi người đều đánh giá quá cao tốc độ phát triển các khái niệm mới", ông nói. "Trong trường hợp không xảy ra xung đột lớn, sẽ phải mất nhiều năm để xây dựng các đội hình và cấu trúc hoàn toàn mới".

Phạm Giang (Theo Defense News, Reuters, AFP)

Adblock test (Why?)

Tổng tư lệnh Ukraine: Nga dồn quân gần Kharkov

Tổng tư lệnh Syrskyi thừa nhận tình hình chiến trường đang tệ đi và Nga đang dồn quân gần Kharkov, thành phố lớn thứ hai Ukraine.

"Chúng tôi phát hiện đối phương dồn quân và tái tập hợp lực lượng trên hướng Kharkov", tổng tư lệnh quân đội Ukraine, thượng tướng Oleksandr Syrskyi ngày 28/4 cho biết. "Quân đội Ukraine đã điều các đơn vị xe tăng, pháo binh tới củng cố những nơi dễ bị đe dọa nhất".

Kharkov là thành phố lớn thứ hai Ukraine, nằm ở phía đông bắc nước này, có 1,3 triệu dân và cách biên giới Nga 30 km. Kharkov gần đây hứng nhiều đợt không kích của Nga, giới chức Ukraine cáo buộc đây là hành động nhằm biến thành phố "thành nơi không thể sinh sống".

Vị trí Kharkov. Đồ họa: FT

Vị trí Kharkov. Đồ họa: FT

Tướng Syrskyi thừa nhận tình hình đối với Ukraine trên mặt trận đang xấu đi, trong khi quân đội Nga đạt một số bước tiến. Lực lượng Ukraine phải rút khỏi một số khu dân cư ở tỉnh Donetsk tới phòng tuyến xa hơn về phía tây, trong lúc Nga điều 4 lữ đoàn tham gia tiến công.

"Đối phương nhìn chung đạt được những thành công về mặt chiến thuật tại khu vực này, song không thể đạt lợi thế tổng thể toàn chiến dịch", ông Syrskyi tuyên bố và cho biết quân đội Ukraine đã điều quân tăng viện để thay thế các đơn vị bị tổn thất.

Ukraine đang trông chờ hàng tỷ USD vũ khí viện trợ từ Mỹ để có thể chấm dứt tình trạng thiếu thốn đạn dược suốt nhiều tháng và củng cố tình hình ở tiền tuyến. Tuy nhiên, nhiều quan chức Ukraine lo ngại tình hình có thể tệ đi trước khi họ nhận được viện trợ.

Lực lượng Nga với lợi thế về nhân sự và đạn dược những tháng qua dần dần tiến về phía tây và kiểm soát thêm nhiều khu dân cư. Kyrylo Budanov, lãnh đạo cơ quan tình báo quân đội Ukraine, cảnh báo hình chiến trường có thể trở nên tồi tệ hơn đối với lực lượng nước này từ giữa tháng 5 tới đầu tháng 6.

Binh sĩ Ukraine trong cuộc diễn tập gần Kharkov hôm 29/2. Ảnh: Reuters

Binh sĩ Ukraine trong cuộc diễn tập gần Kharkov hôm 29/2. Ảnh: Reuters

Ngọc Ánh (Theo AFP, Reuters)

Adblock test (Why?)

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2024

Israel nói thỏa thuận con tin có thể giúp trì hoãn chiến dịch Rafah

Ngoại trưởng Israel cho biết nước này có thể tạm dừng kế hoạch tấn công thành phố Rafah ở Gaza nếu đạt thỏa thuận thả con tin với nhóm Hamas.

"Giải cứu con tin là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi", Ngoại trưởng Israel Katz của Israel nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Channel 12 ngày 27/4.

Khi được hỏi liệu điều này có bao gồm khả năng trì hoãn chiến dịch tấn công thành phố Rafah, nơi mà Israel xem là thành trì cuối cùng của Hamas ở Gaza, ông Katz trả lời "có".

"Nếu đạt thỏa thuận, chúng tôi sẽ trì tạm dừng chiến dịch", ông nói.

Bình luận của ông Katz đưa ra khi các nhà đàm phán quốc tế thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza sau 6 tháng giao tranh ác liệt. Mặc dù Katz là thành viên nội các an ninh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, ông không phải là thành viên nội các chiến tranh của Israel, nhóm giám sát chiến dịch ở Gaza.

Ông Israel Katz tại Tel Aviv, Israel hồi tháng 3/2023. Ảnh: Times of Israel

Ông Israel Katz tại Tel Aviv, Israel hồi tháng 3/2023. Ảnh: Times of Israel

Israel đã phát động chiến dịch ở Gaza để đáp trả cuộc tấn công của Hamas vào miền nam nước này hồi đầu tháng 10/2023. Tel Aviv cho biết Rafah là nơi có 4 tiểu đoàn chiến đấu của Hamas, được tăng cường với hàng nghìn chiến binh rút khỏi các khu vực khác ở Gaza, và họ phải đánh bại những đơn vị này để giành chiến thắng cuối cùng.

Tuy nhiên, Rafah, thành phố giáp biên giới Ai Cập, hiện là nơi trú ẩn cho khoảng 1,5 triệu người Palestine. Nhiều đồng minh của Israel và cộng đồng quốc tế cảnh báo chiến dịch vào Rafah sẽ gây ra thảm họa cho dân thường ở đây.

Liên quan tới vòng đàm phán mới nhất vẫn do Ai Cập và Qatar làm trung gian, một quan chức Ai Cập tiết lộ Israel không bổ sung thêm điều kiện nào mới cho đàm phán ngừng bắn với Hamas, song sẵn sàng nhượng bộ giảm số lượng con tin cần được trao trả từ 40 người còn 33 người. Hamas trước đó từng đề xuất thả 20 con tin để đạt thỏa thuận ngừng bắn và bị Israel từ chối.

Mỹ cùng 17 quốc gia khác tuần trước kêu gọi Hamas thả tất cả con tin của Israel như một cách giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Gaza. Hamas muốn bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên sẽ đặt dấu chấm dứt hoàn toàn cho xung đột hiện tại, trong khi Israel muốn theo đuổi cuộc chiến cho đến khi "xóa sổ" Hamas.

Vị trí thành phố Rafah, miền nam Dải Gaza. Đồ họa: BBC

Vị trí thành phố Rafah, miền nam Dải Gaza. Đồ họa: BBC

Israel ước tính sau thỏa thuận trao đổi con tin tháng 11/2023, 129 trong số khoảng 250 người bị Hamas bắt cóc vẫn còn ở Gaza. Quân đội cho biết 34 người trong số họ đã chết.

Hơn 1.100 người ở Israel đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Hamas hồi tháng 10 năm ngoái. Xung đột ở Dải Gaza trong 6 tháng qua khiến hơn 34.000 người thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Thanh Tâm (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Ngoại trưởng Mỹ mua album Taylor Swift ở Trung Quốc

Ông Blinken mua một album của ca sĩ Mỹ Taylor Swift và một album của rocker Trung Quốc Đậu Duy trong chuyến công du ở Bắc Kinh.

Trên đường tới sân bay sau chuyến công du ở Bắc Kinh ngày 26/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ghé qua cửa hàng băng đĩa Lipi, mua album Midnights năm 2022 của Taylor Swift và album của Đậu Duy.

Ông Blinken mô tả âm nhạc của Swift là "mặt hàng xuất khẩu" thành công của Mỹ. Năm 2019, album Lover của Swift phá kỷ lục nghệ sĩ quốc tế tại Trung Quốc khi đạt hơn một triệu lượt phát trực tuyến, lượt tải xuống và doanh thu trong vòng một tuần từ khi phát hành. Đây là album quốc tế được tiêu thụ nhiều nhất từ trước tới nay ở Trung Quốc trong khoảng thời gian ngắn như vậy.

Ngoại trưởng Mỹ trò chuyện với chủ cửa hàng băng đĩa Lipi ở Bắc Kinh ngày 26/4. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ trò chuyện với chủ cửa hàng băng đĩa Lipi ở Bắc Kinh ngày 26/4. Ảnh: Reuters

Taylor Swift, 34 tuổi, được mệnh danh "công chúa nhạc đồng quê" của nền âm nhạc Mỹ khi mới vào nghề. Cô ra mắt vào năm 2006 và sớm gặt hái nhiều thành công. Bên cạnh giọng ca hay, Swift còn tạo dấu ấn với tài năng sáng tác và là nhạc sĩ chính của các bài hát trong sự nghiệp.

Sau 10 album, Swift nhận 12 giải Grammy, 29 giải Billboard và thành công với nhiều chuyến lưu diễn quốc tế. Năm ngoái, cô khởi động The Eras Tour, đến nay đạt doanh thu hơn một tỷ USD, giúp Swift trở thành tỷ phú duy nhất có tài sản phần lớn dựa vào âm nhạc, theo Forbes.

Đậu Duy, 55 tuổi, người Bắc Kinh, là ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng. Ông được coi là một trong số những nghệ sĩ tiêu biểu nhất của làng nhạc rock and roll Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ, biết sáng tác và chơi guitar, gọi âm nhạc là "thứ kết nối tốt nhất, bất kể địa lý". Khi chủ quán hỏi ông thích loại nhạc nào, ông Blinken, 62 tuổi, cho hay yêu mến tất cả các thể loại nhưng "thích nhất âm nhạc thập niên 1970".

Hồng Hạnh (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

Lý do nhà Thanh yêu cầu đàn ông cạo đầu, tết tóc đuôi sam

Thứ bảy, 27/4/2024, 01:00 (GMT+7)

Trung QuốcNam giới Mãn Châu cạo đầu để thích nghi với môi trường sống lạnh giá và tết tóc đuôi sam theo truyền thống tạo điểm đặc trưng để phân biệt giữa các bộ tộc.

Tại sao nhà Thanh bắt đàn ông cạo đầu, tết đuôi sam?

Video: Kanjian

Adblock test (Why?)

Tư lệnh Anh: Ukraine sẽ tăng tập kích sâu vào lãnh thổ Nga

Tư lệnh quân đội Anh nhận định Ukraine chuẩn bị tăng cường các cuộc tập kích sâu vào lãnh thổ Nga sau khi nhận vũ khí tầm xa từ phương Tây.

Đô đốc Tony Radakin, tư lệnh lực lượng vũ trang Anh, ngày 25/4 cho biết Ukraine đang đối mặt với giai đoạn khó khăn trước đà tiến công của Nga. Tuy nhiên, ông nhận định điều này không phản ánh "các xu hướng dài hạn có lợi hơn cho Ukraine".

Theo Radakin, những lợi thế mới bao gồm các gói viện trợ quân sự mới từ Mỹ và châu Âu, chiến dịch tập kích tầm xa ngày càng thành công của Ukraine và việc Nga "thất bại hoàn toàn" trong ngăn hoạt động xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.

Mỹ mới nối lại viện trợ quân sự cho Ukraine sau gần nửa năm gián đoạn. Trong 6 tháng qua, quân đội Ukraine rơi vào tình trạng cạn kiệt đạn dược và vũ khí, còn lực lượng Nga đẩy mạnh tiến công, đạt nhiều bước tiến và liên tục tấn công đối phương bằng pháo hạng nặng, tên lửa và máy bay không người lái (UAV).

Tên lửa Shadow/SCALP EG trên cường kích Su-24 của Ukraine. Ảnh: BQP Ukraine

Tên lửa Shadow/SCALP EG trên cường kích Su-24 của Ukraine. Ảnh: BQP Ukraine

Để giành lại thế chủ động trên chiến trường, Ukraine liên tục đề nghị phương Tây cung cấp thêm vũ khí tầm xa công nghệ cao. Ukraine cũng nhiều lần tập kích hạ tầng sản xuất và năng lượng nằm sâu trong lãnh thổ Nga, trong đó có các nhà máy lọc dầu.

Mỹ hồi tháng 3 bí mật chuyển biến thể tên lửa ATACMS với tầm bắn 300 km cho Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden vẫn yêu cầu các quan chức Nhà Trắng đảm bảo Ukraine không dùng tên lửa này để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Ukraine - Mỹ bất đồng về đòn tập kích cơ sở lọc dầu Nga

Trong khi đó, đô đốc Radakin bày tỏ không lo ngại trước chiến dịch tập kích của Ukraine trong lãnh thổ Nga. "Khi Ukraine có năng lực tập kích tầm xa, khả năng tổ chức các chiến dịch thọc sâu của họ sẽ trở thành một đặc trưng trong xung đột và chắc chắn có tác dụng", ông nói.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 22/4 cam kết viện trợ cho Ukraine hơn 3,7 tỷ USD. Giới chức Anh cũng ký hợp đồng dài hạn với các công ty quốc phòng, cho phép Bộ Quốc phòng Anh rút thêm vũ khí từ kho dự trữ để chuyển cho Ukraine, trong đó có hơn 1.600 quả tên lửa phòng không và tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP EG.

UAV tầm xa Ukraine tập kích nhà máy lọc dầu Ryazan của Nga ngày 13/3. Ảnh: X/Igor Shushko

UAV tầm xa Ukraine tập kích nhà máy lọc dầu Ryazan của Nga ngày 13/3. Ảnh: X/Igor Shushko

Sau nhiều tháng phương Tây thể hiện không chắc chắn về chiến lược đối với Ukraine, đô đốc Radakin bày tỏ lạc quan khi tất cả thành viên NATO "đều bàn về việc chi nhiều tiền hơn". Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng "Nga có thể mở những đợt tập kích tầm xa nhằm vào Ukraine hiệu quả hơn năm ngoái".

Ông Radakin bác chỉ trích cho rằng phương Tây không có "giải pháp thần kỳ" để giúp Ukraine giành chiến thắng, thay vào đó chỉ cung cấp đủ viện trợ để ngăn họ thất bại. "Đừng mong đợi ai công khai nói đây là kế hoạch A, B và C sắp sửa diễn ra. Mọi yếu tố trong chiến lược quân sự của Ukraine sẽ được giấu kín", ông nói.

Nguyễn Tiến (Theo FT, Reuters, AFP)

Adblock test (Why?)

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

Anh áp thêm trừng phạt với Iran vì vụ tập kích Israel

Anh công bố lệnh trừng phạt mới với 6 cá nhân, tổ chức cùng lệnh cấm thương mại liên quan tới ngành sản xuất UAV và tên lửa của Iran.

Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung (FCO) của Anh ngày 25/4 cho biết gói trừng phạt mới nhắm vào hai cá nhân và bốn công ty liên quan mạng lưới sản xuất máy bay không người lái (UAV) của Iran. FCO cũng áp lệnh cấm đối với xuất khẩu linh kiện mà Tehran sử dụng trong sản xuất UAV và tên lửa.

"Cuộc tấn công nguy hiểm của Iran vào Israel có nguy cơ gây thương vong cho hàng nghìn dân thường và leo thang căng thẳng lớn hơn trong khu vực. Cùng với các đối tác, chúng tôi tiếp tục kiềm chế khả năng phát triển và xuất khẩu những vũ khí chết người của Iran", Ngoại trưởng Anh David Cameron cho hay.

Anh đã áp tổng cộng hơn 400 lệnh trừng phạt với Iran, bao gồm các biện pháp chống lại toàn bộ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và những người chịu trách nhiệm vụ tấn công quy mô lớn vào Israel.

UAV do Iran sản xuất trong buổi duyệt binh ở thủ đô Tehran ngày 17/4. Ảnh: AFP

UAV do Iran sản xuất trong buổi duyệt binh ở thủ đô Tehran ngày 17/4. Ảnh: AFP

Iran ngày 13/4 phóng hơn 300 tên lửa, UAV vào lãnh thổ Israel, tuyên bố đáp trả vụ tập kích vào đại sứ quán Iran ở Syria hồi đầu tháng mà Tehran cáo buộc do Tel Aviv thực hiện. Đây là cuộc tấn công trực diện đầu tiên của Iran vào lãnh thổ Israel sau hàng chục năm đối đầu căng thẳng.

Khoảng 99% vũ khí của Iran đã bị Israel cùng các đồng minh, trong đó có Anh, bắn hạ, giúp Tel Aviv giảm thiểu tối đa thiệt hại trong vụ tấn công. Tuy nhiên, những lời đe dọa ăn miếng trả miếng của hai bên khiến khu vực trải qua những ngày đứng bên bờ vực xung đột toàn diện. Tình hình hạ nhiệt sau khi Israel được cho tiến hành vụ đáp trả kiềm chế vào Isfahan của Iran và Tehran không tuyên bố trả đũa sau đó.

Bộ Tài chính Mỹ ngày 25/4 cũng áp thêm loạt trừng phạt mới nhắm vào chương trình UAV quân sự của Iran, trừng phạt hơn chục cá nhân, công ty và tàu mà Washington cáo buộc đóng vai trò "tạo điều kiện và tài trợ" quan trọng giúp Bộ Quốc phòng Iran bí mật bán UAV.

"Phối hợp chặt chẽ với Anh và Canada, Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng mọi phương tiện sẵn có để chống lại những kẻ tài trợ cho hoạt động gây bất ổn của Iran", Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố.

Canada cùng ngày trừng phạt Bộ trưởng Quốc phòng cùng một chỉ huy cấp cao của Iran.

Thanh Tâm (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Cuộc chiến để có chỗ ở của người vô gia cư Mỹ

Từ một người vô gia cư, Jameson được hỗ trợ chỗ ở, song gặp nhiều rắc rối với ban quản lý tòa nhà và hàng xóm, khiến cô có nguy cơ bị đuổi ra ngoài.

Năm 2021, khi đang sống trong một căn lều tạm, Staci Jameson nhận được voucher hỗ trợ nhà ở, điều mà hàng nghìn người vô gia cư ở Washington, thủ đô Mỹ, ao ước. Với voucher này, người phụ nữ 38 tuổi chuyển đến căn hộ một phòng ngủ trong tòa nhà ở trung tâm thành phố, nơi chính phủ chi trả toàn bộ tiền thuê nhà hàng tháng.

Nhưng một năm sau, Borger Management, công ty quản lý tòa nhà, khởi động quy trình pháp lý để trục xuất Jameson. Họ cáo buộc Jameson đe dọa nhân viên vận hành tòa nhà, khỏa thân tại hành lang và có hành vi ngả ngớn với một cảnh sát tới điều tra khiếu nại về cô.

Gần hai năm sau, vụ án vẫn trong giai đoạn xử lý, và Jameson vẫn sống trong tòa nhà. Cô không biết ai là người phụ trách vụ kiện, không thể hiểu các thuật ngữ pháp lý, cũng không đủ tiền thuê luật sư. Các luật sư tình nguyện chuyên nghiệp từ chối tiếp nhận sự việc của cô.

Theo Washington Post, đây là một trong những trường hợp nổi bật, phản ánh loạt thách thức khi người vô gia cư Mỹ được chính quyền cấp nơi ở, cũng như các hỗ trợ khác.

Tòa nhà nơi Jameson thuê sau khi có phiếu nhà ở. Ảnh: Washington Post

Tòa nhà nơi Jameson thuê sau khi có voucher nhà ở. Ảnh: Washington Post

Cơ quan Quản lý Dịch vụ Nhân sinh từ chối cung cấp thông tin cụ thể của Jameson do quy định về quyền riêng tư.

Nhưng quan chức Rachel Pierre cho biết cơ quan có phân công một nhân viên quản lý hồ sơ đến thăm người được cấp voucher nhà ở hai lần mỗi tháng, với nhiệm vụ đảm bảo người này nắm rõ hợp đồng thuê nhà và hiểu rằng có thể bị trục xuất nếu vi phạm các quy định.

Bà Pierre kêu gọi hàng xóm của những người hưởng voucher nhà ở kiên nhẫn với hành vi của họ. "Chỉ cần ai đó thoát khỏi tình trạng vô gia cư, họ vẫn xứng đang được chào đón như bất kỳ người hàng xóm nào", bà nói.

Trong khi đó, hội cư dân tòa nhà nơi Jameson ở phản ứng gay gắt với cô. "Thật vô lý khi cư dân tòa nhà phải chịu đựng những hành vi gây rối, đe dọa không thể chấp nhận được", hội cho biết trong một tuyên bố.

Theo dữ liệu pháp lý, các chủ nhà dựa vào luật sư để giải quyết 80% quy trình trục xuất, trong khi chỉ khoảng 4% người thuê nhà có sự hỗ trợ tương tự.

Staci Jameson trong phiên xử đầu tiên hồi tháng 4/2023. Ảnh: Washington Post

Staci Jameson trong phiên xử đầu tiên hồi tháng 4/2023. Ảnh: Washington Post

Emily Benfer, phó giáo sư luật tại Đại học George Washington, cáo buộc các quan chức tòa án chỉ chú trọng tốc độ xử lý vụ án, thay vì tập trung vào tính công bằng của người thuê nhà đang đối mặt nguy cơ bị đuổi ra đường.

"Tòa xử lý 100 vụ mỗi ngày, ưu tiên giải quyết càng nhiều càng tốt", Benfer nói, cảnh báo quyết định trục xuất có thể ảnh hưởng học tập, công việc, gây bất ổn cho cả một gia đình, thậm chí gây ra những trường hợp thương tâm. "Tôi từng trò chuyện với những người bị đuổi khỏi nhà lúc nhỏ, họ vẫn ám ảnh đến ngày nay".

Jameson cho biết cô từng nghiện heroine. Sau thời gian vật lộn, ra vào trại cai nghiện, cô chuyển đến một khu lều trại của người vô gia cư ở Washington. Đó là lần đầu tiên Jameson sống trên đường phố, nhưng còn "thoải mái hơn" ở căn hộ sau khi nhận voucher nhà ở. Cô nói rằng những người sống ở khu lều trại không soi mói, phán xét cô như các hàng xóm trong tòa nhà.

Giờ đây, Jameson phải đơn độc tiến hành cuộc chiến để giữ được ngôi nhà mà cô khó khăn lắm mới được chuyển vào.

Trong phiên tòa đầu tiên xét xử vụ tranh chấp hồi tháng 4/2023, Jameson đến muộn do nhầm địa chỉ. Khi cô đang loay hoay tìm đường bên ngoài, thẩm phán đã ra phán quyết định thắng kiện hiển nhiên cho nguyên đơn, do bị đơn không có mặt. Chỉ khi một phóng viên tìm thấy Jameson ở hành lang, cô mới có thể vào phòng xử án và giải thích tình hình, khiến thẩm phán hủy phán quyết.

Theo báo cáo của cảnh sát, Jameson bị cáo buộc tấn công tình dục năm 2021, sau khi hít chất bột trắng trong thang máy tòa nhà, rồi sàm sỡ một cư dân, cởi quần áo ở hành lang và sàm sỡ cảnh sát có mặt ở hiện trường.

Sau khi xem xét các bằng chứng, tòa bác các cáo buộc hồi năm ngoái. Jameson cũng khẳng định "không nhớ về sự việc", phủ nhận việc mình cởi quần áo ở hành lang tòa nhà.

"Tôi không làm gì sai, nhưng có nguy cơ bị đẩy ra đường, không thể ở trong nhà của chính mình. Họ có vấn đề với vẻ ngoài của tôi", Jameson nói, cho rằng cô bị phân biệt đối xử do sử dụng voucher nhà ở và có bạn trai da màu.

Jameson đứng tại hành lang tòa nhà. Ảnh: Washington Post

Jameson đứng tại hành lang tòa nhà. Ảnh: Washington Post

Cassandra Lee, nhân viên ban quản lý tòa nhà, kể rằng Jameson từng tìm cách xin chữ ký cư dân trong tòa nhà để tranh cử thị trưởng, "vung vẩy một cây gậy trên tay, tự nhận là Chúa Jesus", điều mà Jameson phản bác.

Trong phiên xử thứ hai, Jameson cho rằng có thể tông giọng và tính cách của cô là vấn đề. "Nhưng đây là giọng nói của tôi, là vấn đề cả đời, tôi không thích nhưng sẽ dùng giọng này. Tôi không phải người xấu, không đáng bị đuổi khỏi nhà".

Thẩm phán mất 50 phút để ra phán quyết trục xuất Jameson khỏi căn hộ. "Thật vớ vẩn!", Jameson lao khỏi phòng xử án, la hét dọc hành lang. Nhiều tháng sau, cô nộp đơn kháng cáo và vẫn ở trong căn hộ. Vụ án sau đó ghi nhận bước ngoặt đáng chú ý.

Sau khi Jameson kháng cáo, một thẩm phán nhận ra vấn đề kỹ thuật trong thủ tục giấy tờ của Borger Management. Thông báo trục xuất phải giải thích rằng nạn nhân bạo lực gia đình có thể ở lại căn hộ nếu hành vi vi phạm liên quan bạo lực gia đình. Jameson không được thông báo về điều khoản này.

Do đó, vụ kiện chống lại Jameson bị hủy vào tháng 6/2023.

Paul Di Blasi, người điều hành trung tâm luật sư tình nguyện Washington, đã tư vấn cho Jameson trước phiên xử năm ngoái, nhưng không thể đứng ra bào chữa cho cô. Một liên minh gồm các tổ chức phi lợi nhuận và công ty luật cũng khởi động sáng kiến đảm bảo người thuê nhà ở Washington được tiếp cận luật sư miễn phí, nhưng dường như không có tác dụng khi có quá nhiều công ty quản lý khởi kiện người thuê nhà.

Các luật sư lưu ý cơ quan cấp voucher nhà ở phải can thiệp khi người thuê gặp khó khăn trong cuộc sống tại nơi ở mới, bởi các luật sư rất khó can thiệp. "Kết quả là những người từng vô gia cư phải loay hoay với vụ kiện và đối mặt nguy cơ ra đường lần nữa, thực sự không thể làm gì khác", một luật sư nói.

Đức Trung (Theo Washington Post)

Adblock test (Why?)

Ông Putin thăm Trung Quốc tháng 5

Tổng thống Nga Putin cho biết ông sẽ thăm Trung Quốc trong tháng 5, nhưng chưa nêu thời điểm cụ thể.

"Chuyến thăm đã được lên kế hoạch vào tháng 5", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp ở Moskva hôm nay.

Điện Kremlin, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa lên tiếng về thông tin.

Thông tin về việc ông Putin thăm Trung Quốc từng xuất hiện hồi tháng 3. Các nguồn thạo tin nói chuyến thăm có thể diễn ra vào nửa cuối tháng 5, trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu. Điện Kremlin khi đó cho biết họ sẽ thông báo cụ thể khi gần đến ngày khởi hành.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Đại hội Liên minh Các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga (RSPP), Moskva ngày 25/4. Ảnh: AFP

Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại Đại hội Liên minh Các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga (RSPP), Moskva ngày 25/4. Ảnh: AFP

Nga và Trung Quốc nhất trí về mối quan hệ đối tác chiến lược "không giới hạn" hồi tháng 2/2022. Hai bên sau đó nhiều lần khẳng định sức mạnh mối quan hệ, với kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng.

Giới chuyên gia nhận định Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau hơn trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây ngày càng gia tăng. Hồi tháng 9/2023, ông chủ Điện Kremlin cũng mô tả quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh đã đạt đến "mức độ chưa từng có" và sẽ tiếp tục tăng cường.

Trong bối cảnh châu Âu tìm cách cắt quan hệ năng lượng với Nga, Moskva đang hướng đông để xuất khẩu dầu khí. Tuy củng cố quan hệ về kinh tế, lãnh đạo Nga và Trung Quốc nhiều lần khẳng định hai nước không muốn không tìm cách lập liên minh quân sự hay chính trị, bác bỏ lo ngại từ phương Tây.

Như Tâm (Theo AFP, Interfax)

Adblock test (Why?)

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

Lầu Năm Góc triển khai gói viện trợ một tỷ USD cho Ukraine

Lầu Năm Góc công bố đợt viện trợ đầu tiên cho Ukraine trong gói ngân sách mới được ông Biden thông qua, tập trung vào đạn dược và thiết giáp.

Gói viện trợ một tỷ USD được Lầu Năm Góc công bố sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành đạo luật viện trợ gần 61 tỷ USD cho Ukraine. Đợt viện trợ bao gồm tên lửa RIM-7 và AIM-9M cho các hệ thống phòng không mặt đất, tên lửa phòng không vác vai Stinger, súng bộ binh và đạn dược đi kèm, trong đó có đạn 12,7 mm để đối phó máy bay không người lái (UAV).

Mỹ cũng sẽ bổ sung đạn dược cho các hệ thống pháo trong biên chế Ukraine, gồm pháo phản lực HIMARS, lựu pháo và pháo tự hành cỡ nòng 155 mm, 105 mm và cối 60 mm, tên lửa chống tăng TOW, Javelin và AT-4, đạn dẫn đường cho chiến đấu cơ và nhiều loại mìn.

Lính Ukraine cùng đạn pháo 155 mm tại mặt trận Zaporizhzhia hồi tháng 1. Ảnh: Reuters

Lính Ukraine cùng đạn pháo 155 mm tại mặt trận Zaporizhzhia hồi tháng 1. Ảnh: Reuters

Washington cũng sẽ cung cấp thêm xe chiến đấu bộ Bradley, xe kháng mìn MRAP và thiết giáp đa dụng Humvee.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố gói viện trợ mới "phát thông điệp mạnh mẽ về sức mạnh của giới lãnh đạo Mỹ trong nỗ lực hỗ trợ cuộc chiến của Ukraine", khẳng định Washington sẽ tiếp tục phối hợp với liên minh gồm hơn 50 quốc gia để duy trì giúp đỡ Kiev.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngày gửi lời cảm ơn đến người đồng cấp Biden và người dân Mỹ. "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để bù đắp 6 tháng chờ đợi những cuộc thảo luận", ông nói.

Trong gói viện trợ gần 61 tỷ cho Ukraine, khoảng 23 tỷ USD sẽ được Mỹ sử dụng để bổ sung kho dự trữ vũ khí, tạo điều kiện để tiếp tục chuyển giao khí tài cho Ukraine. 14 tỷ USD dành cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, cho phép Lầu Năm Góc trực tiếp mua vũ khí từ các nhà thầu Mỹ và chuyển cho Kiev.

11 tỷ USD sẽ dành để tài trợ cho hoạt động quân sự hiện tại của Mỹ trong khu vực. Khoảng 8 tỷ USD dành cho hỗ trợ phi quân sự, giúp chính phủ Ukraine duy trì các hoạt động cơ bản như trả lương và lương hưu.

Đạo luật viện trợ được thông qua là động thái tăng cường đáng kể sĩ khí cho quân đội Ukraine, nhưng nhiều quan chức và chuyên gia phương Tây vẫn cảnh báo những gói cung cấp vũ khí mới có thể không đủ để cản đà tiến quân của Nga trong những tuần tới.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuần trước nói rằng quân đội Nga đang liên tục tiến công và gói viện trợ của Mỹ sẽ không thay đổi được cục diện chiến trường, nhấn mạnh điều này sẽ chỉ gây thêm đau khổ cho Ukraine và khiến nhiều người thiệt mạng hơn.

Vũ Anh (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Lỗ hổng khiến Anh có thể đã nhập hàng triệu thùng dầu Nga

Khoảng 2,7 tỷ USD dầu tinh chế từ Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước được Nga cung cấp dầu thô, chảy vào Anh trong năm 2023.

Anh bị cáo buộc "giúp Nga có tiền trang trải cho cuộc chiến ở Ukraine" bằng cách tiếp tục nhập khẩu lượng dầu tinh chế cao kỷ lục từ các nước sử dụng dầu thô Nga.

Dữ liệu chính phủ được trang tin môi trường Desmog phân tích chỉ ra lượng dầu tinh chế mà Anh nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ lên tới 2,7 tỷ USD trong năm 2023, cùng mức tăng như năm 2022 và tăng mạnh so với con số gần 540 triệu USD trong năm 2021. Nga là bên cung cấp dầu thô hàng đầu cho ba nước này.

Mỹ, Anh cùng nhiều đồng minh đã tăng cường trừng phạt Nga vì xung đột Ukraine. Chính phủ Anh chính thức cấm nhập khẩu sản phẩm dầu Nga từ ngày 5/12/2022.

Tuy nhiên, một lỗ hổng pháp lý đã cho phép dầu Nga tiếp tục chảy vào Anh bất chấp loạt lệnh trừng phạt. Dầu được tinh chế ở quốc gia khác sẽ không được coi là có nguồn gốc từ Nga, tạo điều kiện để Moskva có thể lách lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhóm vận động Global Witness ở Anh cáo buộc đây là quá trình "rửa tiền" làm suy yếu chiến dịch chống Nga của Ukraine.

Tàu chở dầu neo tại vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka, Nga ngày 4/12/2022. Ảnh: Reuters

Tàu chở dầu neo tại vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka, Nga ngày 4/12/2022. Ảnh: Reuters

Lượng dầu tinh chế xuất khẩu từ Ấn Độ sang Anh tăng đáng kể sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát. Năm 2021, Anh chỉ nhập gần 500 triệu USD dầu tinh chế từ Ấn Độ, song con số này tăng lên 2,2 tỷ USD vào năm 2022 và khoảng 1,8 tỷ USD trong năm 2023.

Nhập khẩu dầu tinh chế từ Trung Quốc tăng 20 lần kể từ năm 2021, từ mức 37 triệu USD lên hơn 490 triệu năm 2022 và khoảng 825 triệu năm 2023. Nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng hơn 30 lần, từ 2,2 triệu USD năm 2021 lên gần 75 triệu USD năm 2023.

"Hàng triệu thùng nhiên liệu làm từ dầu Nga tiếp tục đổ vào Anh. Chỉ riêng năm ngoái, giao dịch này đã mang lại cho Điện Kremlin hơn 100 triệu USD. Nếu lỗ hổng này không bị bịt lại, Anh sẽ giúp Nga trang trải một phần cuộc chiến với Ukraine", Lela Stanley, nhà điều tra cấp cao tại Global Witness, nói.

Global Witness ước tính trong năm 2023, Anh nhập khẩu khoảng 5,2 triệu thùng dầu tinh chế được sản xuất từ dầu thô Nga, trong đó nhiên liệu máy bay chiếm phần lớn với 4,6 triệu thùng. Giới phân tích ước tính nhiên liệu liên quan tới Nga được sử dụng cho 1/20 chuyến bay ở Anh.

Hồ sơ của chính phủ Anh cho thấy nhập khẩu dầu trực tiếp từ Nga đã giảm từ 1,8 tỷ USD trong quý đầu năm 2022 xuống 0 vào năm sau đó. Điều này khiến Anh phải tăng nhập khẩu từ các nước khác.

Anh đã chi khoảng 24 tỷ USD để nhập khẩu dầu và khí đốt từ Algeria, Bahrain, Kuwait, Libya, Qatar, Arab Saudi và UAE trong năm tài khóa tính tới tháng 3/2023, tăng 60% so với năm trước.

Đồng thời, Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng tăng cường mua dầu tinh chế từ Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Global Witness phát hiện EU đã nhập khẩu 130 triệu thùng dầu tinh chế từ các nhà máy lọc dầu sử dụng dầu thô Nga trong năm 2023. Nhóm ước tính những giao dịch này có thể giúp Nga thu về hơn 1,1 tỷ USD.

Thanh Tâm (Theo Guardian)

Adblock test (Why?)

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

Lãnh đạo Chechnya đăng video tập gym giữa tin đồn 'sức khỏe xấu'

Lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov đăng video tập thể hình sau khi một tờ báo đăng thông tin sức khỏe của ông đang xấu đi nhanh chóng.

Novaya Gazeta, tờ báo tiếng Nga tại Latvia, hôm 22/4 đưa tin ông Ramzan Kadyrov, 47 tuổi, được chẩn đoán bị viêm tụy vào năm 2019 và tình hình sức khỏe gần đây trở nên tệ hơn, khiến Điện Kremlin phải tìm kiếm người có thể kế nhiệm, duy trì ổn định ở Chechnya.

Tờ báo còn cho biết vào tháng 9 năm ngoái, ông Kadyrov bị hôn mê do dùng thuốc an thần quá liều và được điều trị tại bệnh viện ở Moskva. Thời điểm này, một số thành viên cấp cao chính quyền Chechnya tới thăm bệnh viện, làm dấy lên suy đoán ông Kadyrov có thể đang nguy kịch.

Vài giờ sau khi Novaya Gazeta xuất bản bài viết, ông Kadyrov đăng trên mạng xã hội VKontakte video ông tập luyện thể lực, đẩy tạ và tập đấu vật trong phòng gym.

"Kết thúc một ngày bận rộn bằng bài tập và tinh thần tích cực. Hãy nhớ chăm sóc sức khỏe chính là đầu tư cho tương lai", lãnh đạo Chechnya viết.

Lãnh đạo Chechnya đăng video tập thể hình giữa tin đồn về sức khỏe

Lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov đăng video tập thể hình. Video: VK/Ramzan Kadyrov

Ông Kadyrov hồi tháng 9/2023 cũng đăng video khuyến khích mọi người luyện tập thể thao, dường như nhằm dập tắt những đồn đoán về sức khỏe của ông. Từ năm ngoái, ông gây chú ý khi tăng cân nhanh và bị phù mặt.

Kadyrov là con trai của Akhmad Kadyrov, người từng giữ chức tổng thống Chechnya trước khi bị ám sát trong vụ đánh bom tháng 5/2004. Tháng 2/2007, ông được Tổng thống Nga Vladimir Putin bổ nhiệm làm lãnh đạo nước cộng hòa Chechnya.

Ông được đánh giá là đồng minh thân cận của Tổng thống Putin. Kadyrov đã bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đưa vào danh sách trừng phạt, vốn nhắm vào nhiều cộng sự thân cận của ông chủ Điện Kremlin.

Ngọc Ánh (Theo Guardian/Politico/Moscow Times)

Adblock test (Why?)

Thách thức với ông Trump nếu bị kết án trước ngày bầu cử

Nếu bị tòa New York kết tội trước ngày bầu cử, ông Trump sẽ đối mặt trở ngại đáng kể, làm suy yếu động lực trên đường đua Nhà Trắng.

Phiên tòa hình sự đầu tiên xét xử một cựu tổng thống Mỹ đang diễn ra ở Manhattan, New York, đặt ra các câu hỏi về việc bản án mà thẩm phán có thể tuyên sẽ tác động như thế nào đến Donald Trump khi ông tranh cử vào Nhà Trắng.

Việc bị tòa hình sự New York, nơi Trump đang phải đối mặt với 34 cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền bịt miệng sao khiêu dâm, kết án sẽ không ngăn được ông tham gia cuộc đua tổng thống, nhưng nó vẫn có thể tạo trở ngại rất lớn với chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông, giới quan sát đánh giá.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước báo giới bên ngoài Tòa án Hình sự Manhattan ở New York ngày 22/4. Ảnh: AFP

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước báo giới bên ngoài Tòa án Hình sự Manhattan ở New York ngày 22/4. Ảnh: AFP

"Nếu ông ấy bị kết án với 34 tội danh, điều đó sẽ gây thiệt hại lớn ngay cả đối với một người nổi tiếng như Donald Trump", Stephen Saltzburg, giáo sư luật từ Đại học George Washington, nhận xét.

Vụ án liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, trong giai đoạn Trump đang chạy đua tranh cử. Luật sư của ông khi đó, Michael Cohen, khai đã chi 130.000 USD cho diễn viên khiêu dâm Stormy Daniels để ém nhẹm thông tin ông từng quan hệ tình dục với cô khoảng 10 năm trước.

Trump, người phủ nhận sự việc, được cho là đã hoàn lại số tiền trên cho Cohen và hồ sơ kinh doanh công ty của ông ghi nhận những khoản đó vào chi phí pháp lý. Công tố viên quận Manhattan cho rằng hành động này là trái pháp luật và nếu bị tuyên có tội, Trump có thể đối mặt mức án tới 20 năm tù.

Các chuyên gia cho biết về mặt pháp lý, Trump vẫn có thể tranh cử ngay cả khi bồi thẩm đoàn quyết định kết tội ông gian lận hồ sơ kinh doanh. Hiến pháp Mỹ không cấm những người bị kết tội hình sự ra tranh cử tổng thống.

Về mặt chính trị, khi Trump liên tục gọi những bê bối pháp lý liên quan đến ông là một cuộc "săn phù thủy", phiên tòa ở New York và phán quyết cuối cùng ít có khả năng thay đổi suy nghĩ của các cử tri trung thành với cựu tổng thống.

"Trump dường như là người duy nhất ở Mỹ có thể bị buộc tội trong 4 vụ án mà mức độ nổi tiếng vẫn gia tăng, bởi cơ sở ủng hộ của ông luôn tin rằng cựu tổng thống là mục tiêu bị nhắm đến", Saltzburg nói.

Dù vậy, việc bị kết án sẽ khiến Trump bị coi là một phạm nhân và điều này có thể khiến các cử tri độc lập và các đảng viên Cộng hòa có lập trường thượng tôn pháp luật quay lưng với ông.

"Nếu Trump trở thành tội phạm bị kết án sau phiên tòa, tôi không nghĩ điều đó sẽ tác động tốt tới các cử tri độc lập, dù họ có thể không phải nhóm lớn", Saltzburg nhận định. "Tôi nghĩ họ sẽ do dự khi bỏ phiếu cho một tội phạm".

Một cuộc thăm dò mới của Yahoo News/YouGov cho thấy ngày càng có nhiều cử tri độc lập tin vụ án chi tiền bịt miệng sao khiêu dâm liên quan đến "hành vi phạm tội nghiêm trọng". 51% số người tham gia cuộc thăm dò nói rằng Trump sẽ không được phép lãnh đạo đất nước nếu bị kết tội. 16% trong số này là cử tri Cộng hòa.

Cuộc thăm dò khác được Bloomberg và Morning Consult công bố hồi đầu năm cũng cho thấy 53% cử tri ở các bang chiến trường quan trọng sẽ từ chối bỏ phiếu cho Trump nếu ông bị kết tội và con số đó tăng lên 55% nếu ông phải nhận án tù.

"Chúng ta đang ở thời điểm chưa từng có trong nền chính trị Mỹ", chiến lược gia đảng Cộng hòa Matthew Bartlett bình luận. "Các phiên tòa xét xử đang xung đột với chiến dịch tranh cử".

"Những người ghét Trump nghĩ rằng ông ấy đã phạm tội và 'không ai được phép đứng trên pháp luật", Bartlett nói. "Những người yêu mến Trump lại nghĩ ông không nên bị buộc tội, ông đang bị bức hại. Bạn sẽ thấy tình trạng này tiếp tục diễn ra và ngày càng sâu sắc hơn, thu hút chú ý và gây phẫn nộ ở cả hai phía. Chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra với những người ở giữa".

Cùng lúc, cuộc thăm dò của Yahoo News/YouGov cho thấy ít cử tri coi vụ án chi tiền bịt miệng là nghiêm trọng khi so sánh với ba tội danh khác mà Trump bị cáo buộc.

Cựu tổng thống bị truy tố vào năm ngoái về các cáo buộc hình sự liên bang liên quan đến việc xử lý sai tài liệu mật sau khi kết thúc nhiệm kỳ tại Nhà Trắng và nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. Trong một vụ án ở Georgia, ông và các bị cáo khác bị cáo buộc có âm mưu làm thay đổi kết quả bỏ phiếu tại bang này.

Ngoài ra, việc bị kết án có thể khiến Trump bị bẽ mặt ngay chính trên quê hương mình, khi ông không thể bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay tại Florida nếu bị tòa kết án.

"Thật là mỉa mai nếu ông ấy không thể bỏ phiếu", Tamara Lave, giáo sư luật tại Đại học Miami, cho hay. "Nhưng hãy tưởng tượng cách Trump lật ngược tình thế đó, khi tuyên bố rằng 'tôi không thể bỏ phiếu, vì vậy các bạn hãy bỏ phiếu hộ tôi'".

Nửa năm trước ngày bầu cử, Trump sẽ phải hầu tòa 4 ngày một tuần trong suốt thời gian phiên tòa tại New York diễn ra, buộc chiến dịch của ông phải tận dụng tối đa các sự kiện cuối tuần để vận động tranh cử. Đây là điểm bất lợi rõ ràng mà ông phải chịu trước Tổng thống Joe Biden, người có thời gian biểu thoải mái hơn.

Tổng thống Biden "chắc chắn phải tận dụng những gì đang diễn ra", Lave nói, song lưu ý rằng ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm cũng cần cảnh giác trước những cáo buộc "săn phù thủy" từ đối thủ đảng Cộng hòa.

Có lẽ phải mất một thời gian nữa bồi thẩm đoàn Manhattan mới đưa ra quyết định có kết tội Trump hay không. Phiên tòa dự kiến kéo dài vài tuần và có thể xảy ra những rắc rối về mặt pháp lý cũng như chậm trễ trong quá trình xét xử.

Đảng Dân chủ đang hy vọng một phiên tòa kéo dài sẽ làm suy giảm thêm động lực của Trump và mang lại cho Tổng thống Biden cơ hội củng cố tỷ lệ ủng hộ trên con đường tranh cử.

Theo giới quan sát, nếu bồi thẩm đoàn quyết định kết tội, cựu tổng thống Trump có khả năng phải ngồi tù, điều sẽ cản trở đáng kể nỗ lực quay trở lại Nhà Trắng của ông.

"Chắc chắn việc bị kết án hoặc thậm chí ngồi tù không thể cản đường ông ấy tranh cử tổng thống hay thậm chí được bầu", Ilya Somin, giáo sư luật tại Đại học George Mason, cho biết. "Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ tổng thống sẽ gặp nhiều khó khăn nếu người được bầu phải ngồi tù".

Tổng thống Mỹ có thể tự ân xá cho mình với các tội danh liên bang, nhưng sẽ không thể làm vậy với án tù do tòa án cấp bang phán quyết.

Phần lớn các chuyên gia dự đoán vụ án chi tiền bịt miệng sao khiêu dâm sẽ kết thúc trước ngày bầu cử và một số người nói rằng nhiều khả năng một bản cáo trạng hình sự khác của Trump sẽ được chuyển tới bồi thẩm đoàn trước tháng 11.

Theo Will Thomas, giáo sư luật kinh doanh tại Đại học Michigan, những cáo buộc mà Trump phải đối mặt cũng đáng chú ý ở chỗ "tất cả chúng đều liên quan đến hành vi của ông với tư cách một chính trị gia".

"Chúng ta chưa bao giờ có một tổng thống nào bị truy tố trước đây, dù là đương nhiệm hay đã thôi chức vụ. Hiện tại, chúng ta có một tổng thống đang phải đối mặt 4 cáo trạng hình sự và có khả năng bị kết án với một hoặc hai cáo trạng trước khi thực sự có cơ hội nhậm chức, nếu ông ấy đắc cử", Thomas nhấn mạnh.

Vũ Hoàng (Theo Hill, AFP, Reuters)

Adblock test (Why?)

Công tố viên đề nghị phạt ông Trump vì vi phạm lệnh cấm phát ngôn

MỹCác công tố viên đề nghị thẩm phán Merchan phạt cựu tổng thống Trump vì vi phạm lệnh cấm phát ngôn nhằm ngăn ông chỉ trích những người liên quan vụ án.

Trong phiên xử ngày 23/4, công tố viên New York Christopher Conroy trao cho thẩm phán Juan Merchan bằng chứng về 10 tuyên bố trên mạng xã hội Truth hoặc trang web vận động tranh cử cho thấy cựu tổng thống Mỹ Donald Trump "vi phạm lệnh cấm phát ngôn". "Bị cáo nhiều lần vi phạm lệnh này và không dừng lại", công tố viên Conroy nói.

Các công tố viên yêu cầu thẩm phán Merchan phạt ông Trump vì chỉ trích sao khiêu dâm Stormy Daniels và Michael Cohen, người từng là luật sư của cựu tổng thống. Họ cho biết ông Trump từng chỉ trích thành viên bồi thẩm đoàn nói dối để được ngồi vào vị trí này và kết tội ông.

Thẩm phán Merchan có thể phạt ông Trump 10.000 USD cho mỗi hành vi vi phạm lệnh cấm phát ngôn theo đề xuất của các công tố viên. Họ cũng đề nghị thẩm phán Merchan nhắc nhở ông Trump về hậu quả nghiêm trọng hơn nếu tiếp tục vi phạm.

Cựu tổng thống Donald Trump trong phiên xử ngày 23/4 ở New York, Mỹ. Ảnh: AP

Cựu tổng thống Donald Trump trong phiên xử ngày 23/4 ở New York, Mỹ. Ảnh: AP

Lệnh cấm phát ngôn ngăn ông Trump chỉ trích công khai nhân chứng, quan chức tòa án và thân nhân của họ. Cựu tổng thống cho rằng đây là hành vi vi phạm quyền tự do ngôn luận theo hiến pháp mà ông được hưởng.

Ông Trump bị cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh để che đậy khoản tiền 130.000 USD nhằm bịt miệng sao khiêu dâm Daniels và ém thông tin bất lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Theo các công tố viên, hành động này là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm che giấu thông tin bất lợi của ông Trump.

Trong phiên xử ngày 22/4, luật sư bào chữa của ông Trump là Todd Blanche tuyên bố thân chủ không phạm tội. "Không có gì sai trong nỗ lực gây ảnh hưởng trong một cuộc bầu cử. Đó là dân chủ", ông Blanche nói.

Theo luật sư Blanche, ông Trump cố gắng bảo vệ gia đình và danh tiếng của bản thân, đồng thời cáo buộc sao khiêu dâm Daniels cố gắng trục lợi bằng thông tin giả rằng họ có quan hệ với nhau.

Quá trình xét xử sẽ kéo dài ít nhất 6 tuần và ông Trump phải có mặt tại tòa 4 ngày làm việc mỗi tuần, trừ các thứ tư. Nếu bị kết án, ông có khả năng phải đối mặt với án tù, nhưng các nhà quan sát pháp lý cho rằng trường hợp này khó xảy ra. Tuy nhiên, điều này vẫn giáng đòn mạnh vào nỗ lực tranh cử của cựu tổng thống.

Nguyễn Tiến (Theo R

euters)

Adblock test (Why?)

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2024

Gói viện trợ Mỹ tác động đến chiến trường Ukraine thế nào

Gói viện trợ gần 61 tỷ USD sau nhiều tháng mắc kẹt được cho là sẽ giúp Ukraine củng cố lực lượng, vực dậy sĩ khí và cản bước kế hoạch tấn công của Nga.

Trung úy Oleksandr đang chỉ huy đơn vị pháo binh Ukraine chống Nga ở mặt trận miền đông. Vũ khí họ có là lựu pháo M777 mà Mỹ cung cấp cùng các loại pháo khác. Khi trở về căn cứ tối 20/4, Oleksandr nhận được thông tin mà anh và hàng triệu người Ukraine mong đợi.

"Tôi vừa bước vào căn cứ sau khi thay ca thì mọi người thông báo rằng gói viện trợ cuối cùng đã được Hạ viện Mỹ thông qua. Chúng tôi hy vọng nó sẽ đến tay càng sớm càng tốt", anh nói.

Thượng viện Mỹ dự kiến bỏ phiếu về gói viện trợ vào ngày 23/4, trước khi chuyển cho Tổng thống Joe Biden ký thành luật. Quá trình này được dự đoán diễn ra nhanh chóng.

Việc chậm trễ phê duyệt ở Hạ viện trước đó gây trở ngại lớn cho nỗ lực chống Nga của Ukraine, song giới chuyên gia lạc quan rằng chưa quá muộn để xoay chuyển tình thế.

"Gói viện trợ chắc chắn sẽ tạo ra sự khác biệt. Nó sẽ cho người Ukraine thời gian và nguồn lực để củng cố lực lượng, huấn luyện và tái vũ trang cho các đơn vị, chuẩn bị cho cuộc phản công vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới", William Taylor, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, nói.

Franz-Stefan Gady, thành viên Viện Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, đồng tình rằng khoản viện trợ giúp Ukraine có thêm thời gian để giải quyết các vấn đề hiện tại, như bổ sung binh sĩ cho lực lượng chiến đấu.

Lựu pháo 2C22 Bohdana của đơn vị Ukraine khai hỏa ở Kharkov ngày 21/4. Ảnh: AFP

Lựu pháo 2C22 Bohdana của đơn vị Ukraine khai hỏa ở Kharkov ngày 21/4. Ảnh: AFP

Trong gói viện trợ gần 61 tỷ USD cho Kiev, 23 tỷ USD trong gói chi tiêu sẽ được dùng để lấp đầy kho dự trữ vũ khí của quân đội Mỹ, tạo điều kiện để nước này có thể chuyển giao thêm khí tài cho Ukraine.

14 tỷ USD sẽ được chi cho chương trình Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, trong đó Lầu Năm Góc sẽ mua vũ khí đời mới cho Kiev từ các nhà thầu quốc phòng trong nước. Hơn 11 tỷ USD dùng để tài trợ các hoạt động quân sự hiện tại của Mỹ ở khu vực, nâng cao năng lực của quân đội Ukraine và thúc đẩy hợp tác tình báo giữa Kiev và Washington.

Khoảng 8 tỷ USD là hỗ trợ phi quân sự, như giúp chính phủ Ukraine trang trải các hoạt động cơ bản, gồm trả lương cho công viên chức và lương hưu.

Tác động trực tiếp lớn nhất của gói viện trợ là giúp Ukraine "cầm cự và ổn định tình hình", theo một trợ lý đảng Cộng hòa ở Thượng viện Mỹ.

"Điều này cho phép Ukraine giữ vững những gì họ có, giữ vững phòng tuyến, bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng, đồng thời khiến Nga phải chịu tổn thất lớn khi họ đang cố giành nhiều bước tiến hơn", Max Bergmann, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, nói.

Giới chuyên gia tin nguồn viện trợ mới sẽ tác động rất lớn tới tinh thần binh sĩ, điều đã trở thành vấn đề lớn đối với Ukraine trong những tháng gần đây. "Tăng sĩ khí có thể là lợi ích quan trọng nhất của gói viện trợ", Taylor nói.

Ukraine đã không thể lên kế hoạch cho các hoạt động quân sự tương lai trong 6 tháng vì cạn kiệt nguồn lực, khiến Nga có cơ hội đạt nhiều bước tiến trên chiến trường. "Nếu bạn không chuẩn bị cho cuộc phản công khác, Nga sẽ làm điều đó", Tổng thống Volodymyr Zelensky nói tháng trước.

Hiện tại, các thành phần cụ thể trong gói vũ khí viện trợ Ukraine chưa được công khai. "Chúng tôi cho rằng ưu tiên sẽ là pháo và đạn pháo, cùng các hệ thống phòng không và tên lửa để bổ sung cho kho dự trữ cạn kiệt vì đối phó với các cuộc không kích của Nga, đặc biệt là những đòn tập kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine", Matthew Savill, giám đốc khoa học quân sự tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nói.

Jimmy Rushton, nhà phân tích quốc phòng Anh ở Kiev, đồng tình với quan điểm này và cho rằng "thứ tự ưu tiên là tên lửa phòng không và đạn pháo".

Binh sĩ Ukraine nói đạn chùm của Mỹ rất quan trọng để giúp đối phó với những cuộc tấn công ồ ạt của xe tăng, xe bộ binh Nga. Rocket cho các hệ thống pháo tầm xa HIMARS cũng cần thiết để Ukraine có thể tấn công chính xác vào trung tâm chỉ huy và tiếp tế của Nga.

Mick Ryan, thiếu tướng Australia đã nghỉ hưu, cho rằng gói viện trợ cũng sẽ bao gồm những thứ khác như phụ tùng thay thế cho xe tăng và xe bọc thép Mỹ, máy bay không người lái, súng cối, radio, thiết bị kỹ thuật.

Cục diện chiến trường Ukraine. Đồ họa: Axios

Cục diện chiến trường Ukraine. Đồ họa: Axios

Một số mặt hàng như đạn pháo có thể được chuyển tới Ukraine tương đối nhanh, song cả chỉ huy Ukraine và giới phân tích quân sự cảnh báo sẽ mất vài tuần trước khi thấy được những tác động trực tiếp từ gói viện trợ.

"Do đó, tình hình tiền tuyến có thể xấu đi trong thời gian đó, đặc biệt nếu lực lượng Nga tăng cường tấn công để tận dụng khoảng trống trước khi viện trợ Mỹ tới nơi", nhóm phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington nhận định.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh cảnh báo lực lượng Ukraine có thể chịu thêm thất bại trong những tuần tới trong khi chờ đợi hỗ trợ an ninh phát huy tác dụng.

Giới quan sát cho rằng ổn định và giữ vững mặt trận hiện là mục tiêu và điều có thể hy vọng nhất của Ukraine. Không ai ảo tưởng rằng khoản viện trợ mới đủ sức để Ukraine nhanh chóng tấn công đáp trả Nga.

Kể từ khi viện trợ Mỹ ngừng chảy vào Ukraine trong năm nay, Nga đã kiểm soát hơn 360 km2 lãnh thổ nước láng giềng, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh.

Quân đội Nga hiện lớn hơn 15% so với trước khi mở chiến dịch vào Ukraine, theo tướng Christopher Cavoli, người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ. Nga đang tìm cách tiếp tục bổ sung tân binh cho lực lượng chiến đấu.

Franz-Stefan Gady thừa nhận ngay cả khi có viện trợ, Ukraine vẫn đối mặt thách thức về phòng không trong nhiều tháng tới. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Mỹ sẽ tạo điều kiện để các nước châu Âu có thời gian đẩy mạnh sản xuất vũ khí, tăng nguồn cung cho Ukraine.

Quan chức Ukraine cảnh báo Nga đang tạo tiền đề cho cuộc tấn công lớn hơn vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè. Gói viện trợ có thể góp phần giúp Kiev cản trở kế hoạch của Moskva.

Trung tá Oleksii Khichenko, chỉ huy lữ đoàn Ukraine ở mặt trận phía nam, cho biết vũ khí mới sẽ giúp lực lượng của họ chiến đấu quyết liệt hơn.

"Chúng sẽ cứu sống những người lính của chúng tôi và củng cố tinh thần chiến đấu trên toàn chiến tuyến. Chúng tôi sẽ sử dụng hỗ trợ này để tăng cường sức mạnh quân đội và chấm dứt cuộc chiến, khiến Nga thua cuộc", anh nói.

Thanh Tâm (Theo Telegraph, Axios, AFP)

Adblock test (Why?)