Những bê bối trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump đều liên quan đến Ukraine, có thể đã khiến cựu tổng thống mất dần thiện cảm với Kiev.
Cựu tổng thống Donald Trump gần đây giữ thái độ quyết liệt với Ukraine, cho rằng Mỹ nên tập trung vào các vấn đề trong nước thay vì viện trợ cho Kiev. Ngày càng nhiều nghị sĩ, cử tri bảo thủ ủng hộ quan điểm này, phần nào khiến dự luật viện trợ Ukraine mắc kẹt tại quốc hội Mỹ suốt nhiều tháng.
"Ông Trump ghét Ukraine", doanh nhân người Mỹ gốc Ukraine Lev Parnas, cựu đồng sự của Rudy Giuliani, người từng là luật sư của ông Trump, nói. "Trump và những người xung quanh tin Ukraine là nguyên nhân dẫn đến mọi rắc rối mà ông gặp phải".
Duyên nợ của ông Trump với Ukraine có thể bắt đầu từ sau phong trào biểu tình Euromaidan ở Ukraine năm 2014, khiến tổng thống Viktor Yanukovych, một chính trị gia thân Nga, bị lật đổ. Cố vấn Paul Manafort từng làm việc cho Yanukovych trước khi trở thành quản lý chiến dịch tranh cử cho ông Trump.
Trong thời gian biểu tình Euromaidan lan rộng ở Ukraine, trụ sở đảng Các khu vực của Yanukovych bị phóng hỏa. Một nhà hoạt động Ukraine sau đó tìm thấy một "sổ cái đen" liệt kê các khoản chi bí mật từ đảng Các khu vực cho quan chức, người nổi tiếng, nghị sĩ và phóng viên Ukraine.
Theo cơ quan chống tham nhũng quốc gia Ukraine, tên của Manafort xuất hiện ít nhất 22 lần trong cuốn sổ, nhận tổng cộng khoảng 12,7 triệu USD từ đảng Các khu vực.
Manafort bác bỏ cáo buộc, nhưng truyền thông Mỹ đã đưa tin về sự việc tháng 8/2016, vài tháng trước khi ông Trump đối mặt bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Mối liên hệ giữa Manafort và Ukraine sau đó đeo bám ông Trump suốt nhiệm kỳ tổng thống.
Các đồng minh của Trump cho rằng cuốn "sổ cái đen" là giả, là âm mưu của đảng Dân chủ để làm suy yếu đối thủ.
"Không thể chứng minh tính xác thực của chữ ký bên cạnh tên Manafort trong cuốn sổ", cựu tổng công tố Ukraine Yuriy Lutsenko nói. "Chẳng ai lại ký tên cạnh một khoản chi tiền bí mật".
Manafort bị truy tố với 12 tội danh rửa tiền, trốn thuế và vi phạm vận động hành lang năm 2017 nhưng không liên quan đến "sổ cái đen".
Theo Parnas, ác cảm của Trump với Ukraine còn bắt nguồn từ việc ông tin rằng Kiev can thiệp bầu cử Mỹ, không phải Nga.
"Ác cảm xuất hiện khi Russiagate bắt đầu", Parnas nói, nhắc đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 nhằm giúp ông Trump có thêm lợi thế trước đối thủ Hillary Clinton. "Các thành viên trong chiến dịch tranh cử nói với Trump rằng người Ukraine mới là bên can thiệp bầu cử, không phải người Nga".
Bộ Tư pháp Mỹ chỉ định công tố viên đặc biệt Robert Mueller để điều tra cáo buộc này. Các cơ quan tình báo cùng nhà điều tra liên bang Mỹ sau đó xác nhận Nga đã tấn công mạng vào hòm thư điện tử Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, rồi công bố nội dung các bức thư để gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh bà Clinton.
Trump khi đó thường xuyên nêu giả thiết Ukraine là bên tấn công mạng rồi đổ lỗi cho Nga, và Kiev vẫn đang che giấu một máy chủ chứa dữ liệu, dù không có bằng chứng nào.
Năm 2018, Giuliani, luật sư của Trump, bắt đầu tìm hiểu về mối liên hệ giữa ông Joe Biden và Ukraine. Giuliani cho rằng ông Biden khi làm phó tổng thống Mỹ từng tìm cách ép tổng thống Ukraine khi đó là Petro Poroshenko sa thải công tố viên Viktor Shokin vì người này đang điều tra Hunter Biden, con trai ông, người từng tham gia ban lãnh đạo tập đoàn năng lượng Burisma của Ukraine.
Tuy nhiên, không có bằng chứng nào chứng minh cáo buộc của Giuliani. Ông Biden từng tìm cách loại bỏ Shokin, nhưng đây là nỗ lực phối hợp giữa Mỹ và Liên minh châu Âu do lo ngại Shokin cản trở điều tra tham nhũng ở Ukraine. Shokin không điều tra Hunter hay tập đoàn Burisma vào thời điểm này.
Parnas cho biết cả Giuliani và ông Trump đều tin vào cáo buộc trên và đây có thể là lý do ông Trump tìm cách gây sức ép với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc điện đàm tháng 7/2019.
Một người tố giác giấu tên cáo buộc ông Trump trong cuộc điện đàm này đã đe dọa ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine để gây áp lực buộc Kiev điều tra cha con Joe Biden, đối thủ của Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Cuộc điện đàm với ông Zelensky được ông Trump mô tả là "hoàn hảo", nhưng lại là trở thành yếu tố then chốt cho bê bối khiến ông bị luận tội.
Phe Dân chủ kiểm soát Hạ viện hồi tháng 12/2019 mở cuộc điều tra Trump liên quan đến cuộc điện đàm và trình điều khoản luận tội ông với cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội. Tuy nhiên, Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát đã tha bổng cho ông.
Ông Zelensky khi đó cam kết sẽ xem mình có thể làm gì, nhưng Ukraine sau cùng không mở cuộc điều tra. "Do đó, ông Trump có lý do để ghét ông Zelensky", theo Parnas. "Và ông Zelensky biết điều đó".
Ukraine chưa bao giờ có bằng chứng ông Biden hay con trai Hunter vi phạm luật nước này, cựu tổng công tố Lutsenko thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn.
Kể từ đó, Trump ngày càng đưa ra nhiều phát biểu cứng rắn với Ukraine. Cựu tổng thống tin rằng những bê bối ông vướng phải trong nhiệm kỳ đầu, từ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử cho đến điều tra luận tội, đều ít nhiều có bóng dáng của Ukraine.
Ngay cả khi đã rời Nhà Trắng, ông Trump tiếp tục khiến Ukraine lo ngại khi phản đối viện trợ quân sự cho nước này. Ông còn nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt chiến sự trong 24 giờ bằng cách buộc lãnh đạo Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán. Tổng thống Zelensky đã bày tỏ hoài nghi về điều này, cho rằng nếu tái đắc cử, Trump có thể gây áp lực để buộc Ukraine chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ trước Nga.
Trong nhiều tháng qua, ông Trump còn kêu gọi các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện không ủng hộ dự luật viện trợ cho Ukraine, cho rằng Mỹ đã làm quá nhiều cho nước này. Dự luật chỉ được Hạ viện thông qua nhờ sự quyết liệt của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cũng như sự ủng hộ của phe Dân chủ.
Chứng kiến thái độ hoài nghi của các nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ Trump, Kiev đang cố gắng thuyết phục họ rằng giúp đỡ Ukraine cũng là vì lợi ích quốc gia Mỹ.
"Tôi không tin người đại diện đảng Cộng hòa, dù là ai đi nữa, sẽ bỏ rơi Ukraine", Andriy Yermak, chánh văn phòng tổng thống Ukraine, nói hồi đầu tháng. Ukraine cũng đang cố gắng tự lực cánh sinh nhiều nhất có thể, như tăng cường sản xuất vũ khí và đa dạng hóa nguồn viện trợ quân sự.
Yermak có quan điểm tích cực hơn về kịch bản ông Trump đắc cử nhiệm kỳ hai. "Thứ nhất, đội ngũ của ông Trump sẽ đổi mới, không còn là những người trong nhiệm kỳ trước. Hơn nữa, lưỡng đáng đều ủng hộ Ukraine và chúng tôi thường xuyên trao đổi với các đại diện của họ".
Nhưng Parnas vẫn có thái độ bi quan về tương lai Mỹ tiếp tục viện trợ Ukraine nếu ông Trump đắc cử. "Zelensky và Yermak hiểu rằng họ không chỉ đang đối phó Nga mà còn cả với đảng Cộng hòa", ông nói. "Nếu Trump thua, Ukraine sẽ dễ dàng nhận được nguồn viện trợ và vũ khí họ cần. Nếu Trump thắng, mọi thứ sẽ rất tệ".
Như Tâm (Theo Politico, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét