Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

Lo ngại về phản ứng của Trump với Covid-19

Trump từng có những phản ứng quyết liệt đến mức cực đoan trước dịch Ebola cách đây 6 năm.

Khi dịch Ebola chạm tới bờ biển Mỹ hồi giữa năm 2014, Trump vẫn là một công dân bình thường. Nhưng ông đã có những ý kiến quyết liệt về cách chính phủ Mỹ nên hành động.

Lúc bấy giờ, Trump, người công khai thừa nhận mình mắc chứng sợ vi trùng, theo sát mọi diễn biến của dịch bệnh và đưa ra những bình luận giận dữ về cái mà ông cho là phản ứng nguy hiểm từ chính quyền tổng thống Barack Obama. Ông yêu cầu thực hiện các biện pháp mạnh tay như hủy chuyến bay, tiến hành cách ly bắt buộc và thậm chí ngăn các nhân viên y tế từ vùng dịch ở châu Phi trở về nước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania chuẩn bị lên chuyên cơ Air Force One để khởi hành từ Washington đi căn cứ Andrew ở Florida hôm 14/2. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania chuẩn bị lên chuyên cơ Air Force One để khởi hành từ Washington đi căn cứ Andrew ở Florida hôm 14/2. Ảnh: Reuters.

"Bệnh nhân Ebola sẽ được đưa về Mỹ trong vài ngày nữa. Giờ thì tôi biết chắc các lãnh đạo của chúng ta không đủ năng lực. Hãy giữ họ tránh xa khỏi đây", Trump tweet ngày 31/7/2014 sau khi biết một nhân viên y tế Mỹ sẽ được sơ tán từ Liberia về Atlanta. "Mỹ không thể cho phép người nhiễm Ebola trở về", ông viết vào hôm sau và thêm rằng: "Những người đi đến những nơi xa xôi để giúp đỡ đều rất tuyệt vời nhưng họ phải tự chịu hệ quả!".

Trong gần 50 dòng tweet cũng như những lần xuất hiện trên truyền hình, Trump đều lên tiếng ủng hộ việc cấm các chuyến bay và cách ly nghiêm ngặt, đồng thời gọi việc tổng thống Obama điều quân đội tới Tây Phi để chống dịch là hành động "bất công về mặt đạo đức".

Nhiều chuyên gia y tế nhận định Trump đã phản ứng quá cực đoan, lưu ý rằng các nhân viên y tế rất có thể sẽ phải đối diện với cái chết đau đớn nếu không được sơ tán đến bệnh viện Mỹ. Các quan chức chính quyền Obama cáo buộc ông gây hoang mang trên truyền thông và gieo rắc sợ hãi trong công chúng.

Giờ đây, Trump, với tư cách tổng thống Mỹ, phải đối diện với Covid-19, dịch bệnh đang lan nhanh ở Trung Quốc và trên toàn cầu, đã khiến gần 1.900 người thiệt mạng và hơn 73.000 ca nhiễm. Virus chưa lây nhiễm cho quá nhiều người ở Mỹ song giới chức y tế sợ rằng nó có thể sớm lây lan rộng.

Dù Trump hiện vẫn giữ khoảng cách với vấn đề này, các chuyên gia y tế công cộng lo ngại nỗi sợ hãi thái quá của ông với vi trùng, thái độ coi thường chuyên môn khoa học và tâm lý nghi ngờ người nước ngoài sẽ dễ trở thành một tổng hòa nguy hiểm trong trường hợp ông phải đối phó với một ổ dịch Covid-19 nguy hiểm trên đất Mỹ.

"Có một lãnh đạo đáng tin cậy, người đủ khả năng truyền đạt những thông điệp đúng đắn, nhất quán trong công bố thông tin và bằng chứng là điều cực kỳ quan trọng", Jennifer Nuzzo, học giả cấp cao tại Trung tâm Johns Hopkins về An ninh Y tế, bình luận. "Ngoài kia có quá nhiều thông tin không chính xác, vậy nên vai trò trung tâm của người lãnh đạo là phải trở thành một nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy".

Đến nay, Trump đã kiềm chế trong các bình luận về nCoV, một phần có lẽ vì sợ làm nghiêm trọng thêm vấn đề và làm xáo trộn thị trường tài chính, giới quan sát đánh giá. Thay vào đó, ông chủ yếu ủy thác trách nhiệm đưa ra phản ứng cho các quan chức y tế.

Hồi cuối tháng trước, Trump thành lập một đội đặc nhiệm chống nCoV gồm 12 thành viên do Hội đồng An ninh Quốc gia quản lý. Đội ngũ trên bao gồm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Dân sinh Alex M. Azar II, bác sĩ Anthony S. Fauci, giám đốc Viện Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm và Dị ứng cùng bác sĩ Robert R. Redfield, giám đốc Trung tâm Giám sát và Phòng ngừa Dịch bệnh.

Cả ba đều có kinh nghiệm ứng phó với các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bác sĩ Fauci, người đã tham gia đối phó với hàng loạt dịch bệnh như AIDS, SARS hay Ebola.

Trong nhiều bình luận, Trump ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngay cả khi chính quyền Trung Quốc bị chỉ trích với cáo buộc che giấu thông tin ban đầu về Covid-19 khiến dịch bệnh bùng phát không thể kiểm soát.

"Họ đã làm việc rất chăm chỉ. Tôi nghĩ họ đang làm việc rất chuyên nghiệp", Trump hôm 7/2 nói.

Phát biểu tại một cuộc họp với các thống đốc bang hôm 10/2, Trump dự đoán virus sẽ ngừng phát triển vào mùa xuân, đồng thời tiếp tục nhắc tới Chủ tịch Trung Quốc.

"Virus mà tất cả chúng ta quan tâm, nhiều người nghĩ nó sẽ biến mất vào tháng 4, với cái nóng", Trump nói. "Chúng ta đang ở trong điều kiện tuyệt vời. Chúng ta có 12 trường hợp, 11 trường hợp, và nhiều người trong số họ đang ở tình trạng tốt".

"Tôi đã có cuộc nói chuyện dài với Chủ tịch Tập hai đêm trước", Trump cho biết thêm. "Ông ấy rất tự tin. Ông ấy cũng tự tin, như tôi đã nói, rằng đến tháng 4 hoặc trong tháng đó, cái nóng sẽ giết chết virus. Vậy nên đó là điều tốt".

Các chuyên gia y tế công cộng hoài nghi về tính chính xác trong những bình luận của Trump.

"Tôi nghĩ chúng ta còn rất nhiều điều chưa biết về nCoV và tôi không nghĩ chúng ta có thể nói chắc chắn rằng nó sẽ tự tiêu tan khi thời tiết ấm hơn", bác sĩ Rebecca Katz, giám đốc Trung tâm Khoa học và An ninh Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Georgetown, đánh giá.

"Dựa vào thực tế là thời tiết sẽ ấm hơn vào tháng 4 để quả quyết virus sẽ được kiểm soát là lập luận gây tranh cãi", bác sĩ James M. Hughes, giáo sư y khoa danh dự tại Đại học Emory, nhận xét.

Những bình luận khác của Trump về dịch bệnh hầu hết cũng đều không chính xác và bị chỉ trích.

Hồi cuối tháng một, ông viết trên Twitter rằng 5 ca nhiễm nCoV được ghi nhận tại Mỹ vài giờ sau khi ca thứ 6 được công bố. Nhắc tới nCoV trong cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 2/2, ông tuyên bố: "Chúng ta gần như đã ngăn chặn chúng lây lan từ Trung Quốc và Mỹ".

Từ "ngăn chặn" Trump sử dụng có lẽ liên quan tới một sắc lệnh hành pháp ông đưa ra hai ngày trước đó, cấm công dân nước ngoài từng đến Trung Quốc trong hai tuần gần đây vào Mỹ.

Một số chuyên gia y tế quan ngại sự lạc quan quá mức của Trump sẽ khiến ông lơ là nỗ lực ngăn ngừa bệnh.

Cách Trump đưa ra các thực tế lâu nay đã là nguồn cơn hứng chỉ trích trong cộng đồng khoa học. Lần gần đây nhất Nhà Trắng phải ứng phó với tình huống khẩn cấp quốc gia là vào tháng 9 năm ngoái trong siêu bão Dorian, khi đó, Trump đã dẫn sai dự báo chính thức về đường đi của cơn bão.

"Trump có người giỏi nhưng sai bản năng và sai cấu trúc", Ronald Klain, người dẫn dắt nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng Ebola hồi năm 2014 dưới thời Obama, nói. "Chính phủ của chúng ta có những chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo y tế tốt nhất thế giới. Nhưng bản năng của Trump, phản khoa học, phản chuyên môn, biệt lập và bài ngoại, tạo ra rủi ro là ông ấy sẽ né tránh lời khuyên ở những thời điểm quan trọng".

Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới các quyết định Trump đưa ra nhằm phản ứng với dịch bệnh nằm ở nỗi ám ảnh với vấn đề vệ sinh cá nhân của ông. Tổng thống Mỹ thường xuyên đề cập đến việc ông sợ hãi cực độ vi trùng.

Trong cuốn sách xuất bản năm 2004 với tựa đề "How to Get Rich", Trump còn tự nhận mình là "người bị ám ảnh bởi vi trùng".

Kết quả là ông thường có xu hướng né tránh bắt tay đám đông sau mỗi bài phát biểu hay tại các cuộc vận độn tranh cử, đồng thời thường xuyên sử dụng nước rửa tay.

Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 1/2017, Harold N. Bornstein, bác sĩ riêng của Trump, cho biết ông luôn "tự mình thay giấy" tại phòng kiểm tra sức khỏe.

Về vấn đề này, Tổng thống Trump ít nhất có một đồng minh tạm thời là Chủ tịch Tập. Hôm 10/2, trò chuyện với người dân trong chuyến thị sát một cơ sở tuyến đầu chống nCoV ở Bắc Kinh, ông Tập đã gợi ý rằng mọi người nên bỏ qua nghi thức chào hỏi bằng cách bắt tay thông thường. "Không nên bắt tay ở vào thời điểm như hiện nay", ông nói.

Ông Tập (trái, hàng trước) trò chuyện với người dân Triều Dương ở Bắc Kinh hôm 10/1. Ảnh: Xinhua.

Ông Tập (trái, hàng trước) trò chuyện với người dân Triều Dương ở Bắc Kinh hôm 10/1. Ảnh: Xinhua.

Vũ Hoàng (Theo NYTimes)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét