Quan hệ Mỹ - Trung vốn không êm đềm vì chiến tranh thương mại và cạnh tranh siêu cường đang trở nên căng thẳng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Đến ngày 15/2, dịch viêm phổi corona (Covid-19) đã khiến 1.523 người chết và 66.492 ca nhiễm trên toàn Trung Quốc đại lục. Ở các nước khác trên thế giới, số ca nhiễm bệnh đã lên tới 366 trường hợp, trong đó có 15 ca ở Mỹ.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát dữ dội như hiện nay, đây là lúc để các chính phủ chia sẻ dữ liệu và cùng phối hợp hành động để đối phó. Nhưng với Mỹ và Trung Quốc, cánh cửa hợp tác chưa thể mở ra.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, hồi tháng 6 năm ngoái. Ảnh: AFP. |
"Lúc này, mối quan hệ Mỹ - Trung đang bị hao hụt niềm tin sâu sắc", Evan Medeiros, cố vấn về châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama, nhận xét.
Theo ông, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh luôn tồn tại một mức độ không tin tưởng nhất định. Cuộc chiến tranh thương mại vừa qua cùng những khác biệt chiến lược quan trọng đã đẩy hai nước ra xa nhau hơn bao giờ hết.
Khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và sau đó nhanh chóng xuất hiện ở 27 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, lẽ ra hai cường quốc Mỹ - Trung phải gác lại bất đồng, hạ nhiệt căng thẳng, hợp tác chặt chẽ với nhau trên cơ sở niềm tin để đối phó dịch bệnh, theo Medeiros.
"Vì Trung Quốc đã trở thành một cường quốc toàn cầu, họ và Mỹ cần hợp tác trong những vấn đề quốc tế lớn như biến đổi khí hậu, dịch bệnh hay tăng trưởng kinh tế", ông nói.
Medeiros cho hay trên thực tế, đã có vài mối hợp tác giữa các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc trong dịch Covid-19, như lập bản đồ khu vực virus lây lan hay cùng phân tích một số ca nhiễm bệnh. Tuy nhiên, để có thể chia sẻ thông tin tích cực, sâu rộng hơn, các chuyên gia Mỹ và Trung Quốc vẫn cần tới sự chấp thuận từ chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.
Dù Trung Quốc đã để nhóm công tác của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào nước này nghiên cứu, họ chưa cho phép đội ngũ chuyên gia từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tiếp cận vùng dịch ở Vũ Hán để tìm hiểu tình hình.
Robert Redfield, Giám đốc CDC, cho hay ông đã trực tiếp đề nghị hỗ trợ Trung Quốc bằng cách cử chuyên gia tới nước này từ ngày 6/1, nhưng tới nay vẫn chưa được chấp thuận. "Chúng tôi thực sự tin rằng mình là những người giỏi nhất thế giới trong lĩnh vực này và chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ họ, nhưng họ là một quốc gia độc lập, có quyền quyết định mời chúng tôi tới hay không", Redfield nói.
"Chúng tôi cảm thấy thất vọng vì vẫn chưa được mời tới đó", cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow tuần trước nói. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 14/2 cho biết Bắc Kinh "vẫn tích cực và sẵn lòng hợp tác với Mỹ".
Trung Quốc đã chấp nhận nhiều chuyên gia không thuộc chính phủ Mỹ tới nước này tìm hiểu về Covid-19. Theo tiến sĩ Ian Lipkin, nhà dịch tễ học tại Đại học Columbia, người đang cố vấn cho giới chức Trung Quốc về nCoV, Bắc Kinh rất hứng thú với việc tiếp nhận thêm những chuyên gia có thể giúp ích cho họ trong những nỗ lực họ đang theo đuổi.
"Nhưng bạn phải tham gia với tư cách một đối tác, không phải với tư cách một đế quốc", Lipkin nói. "Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, họ sẽ khước từ".
Mỹ đến nay vẫn duy trì lập trường cứng rắn trong việc đối phó với dịch Covid-19. Cuối tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho hay cuộc khủng hoảng có thể giúp tạo ra việc làm cho nước Mỹ, nếu các công ty buộc phải di chuyển khỏi Trung Quốc.
"Tôi nghĩ nó sẽ giúp thúc đẩy việc làm quay trở lại Bắc Mỹ", ông nói.
Khi được hỏi liệu mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay có khiến hai nước khó hợp tác với nhau hơn trong nỗ lực chống nCoV hay không, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho rằng nhu cầu hợp tác giữa hai nước là có bởi Covid-19 đã trở thành thách thức với toàn bộ cộng đồng quốc tế.
Y tá chăm sóc bệnh nhân nhiễm nCov tại một bệnh viện ở Vũ Hán. Ảnh: Reuters. |
"Trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình, họ đồng ý rằng hai nước nên phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm ngăn chặn virus. Chúng tôi đánh giá rất cao những hỗ trợ từ người dân cũng như doanh nghiệp Mỹ. Nhưng, có một từ 'nhưng' rất lớn. Với một số chính trị gia Mỹ, một số người xuất hiện trên truyền thông, tôi xin lỗi phải nói điều này song họ đang không thực sự giúp ích", đại sứ Thôi trả lời phỏng vấn NPR ngày 13/2.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã nâng cảnh báo du lịch tới Trung Quốc lên mức cao nhất, khuyến cáo công dân không tới Trung Quốc và yêu cầu tất cả công dân vừa trở về từ tỉnh Hồ Bắc phải cách ly trong vòng hai tuần. Mỹ cũng thông báo sẽ từ chối nhập cảnh đối với những người nước ngoài đã tới Trung Quốc trong vòng hai tuần gần nhất.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh chỉ trích chính quyền Trump, cáo buộc Washington gieo rắc sợ hãi và hoảng loạn về dịch bệnh. Nhưng Derek Scissors, nhà kinh tế học tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, lưu ý không chỉ Mỹ mà cả các quốc gia khác cũng đã ra lệnh hạn chế đi lại với Trung Quốc.
"Trung Quốc nhạy cảm với việc Mỹ đóng cửa biên giới hơn bất kỳ nước nào bởi chúng ta là một cường quốc toàn cầu", Scissors đánh giá. "Nếu Burundi, Bỉ hay Botswana đóng cửa biên giới, nó thực sự không thành vấn đề".
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien đã lên tiếng bảo vệ quyết định của chính quyền về việc áp đặt các hạn chế đối với bất kỳ ai có khả năng mang virus.
"Chúng tôi nhận thấy đây là một biện pháp quan trọng cần thực hiện để bảo vệ lợi ích và sức khỏe của người dân Mỹ", O'Brien tuần qua phát biểu tại một cuộc thảo luận của Hội đồng Đại Tây Dương.
Theo O'Brien, dịch Covid-19 có thể lây lan rất nhanh và hiện nay chưa có đủ thông tin về nó cũng như các biện pháp mà Trung Quốc đang thực hiện nhằm ngăn chặn dịch bệnh. "Chúng ta phải theo dõi tình hình cực kỳ sát sao bởi còn quá nhiều điều chưa biết và chưa được công bố", ông nói.
Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định nền kinh tế của hai nước đan xen nhiều đến mức Mỹ cảm thấy cần thúc giục Trung Quốc công bố thêm thông tin nhằm chuẩn bị phương án đối phó hiệu quả, trong khi đó, Bắc Kinh lâu nay vẫn có truyền thống kiểm soát thông tin chặt chẽ.
"Trong trường hợp này, Mỹ cần rất nhiều sự minh bạch từ Trung Quốc", ông bình luận. "Chúng ta cần điều đó để nếu chúng ta tiếp tục cho phép người dân qua lại, làm ăn với nhau, chúng ta không phải lo sợ về những hệ lụy sức khỏe".
Các nước có bệnh nhân nhiễm virus corona. Bấm vào hình để xem chi tiết. |
Vũ Hoàng (Theo NPR)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét