083.888.0123 - 082.233.3555
Ấn ĐộBà Shiv Kumari, 50 tuổi, kiệt sức khi đi bộ 800 km về quê cùng con trai suốt 5 ngày, nhưng họ vẫn còn hơn 100 km phía trước.
Hàng trăm nghìn người trong số 45 triệu lao động nhập cư Ấn Độ tuần qua lũ lượt rời các thành phố lớn về quê. Lệnh phong toả dài 21 ngày nhằm ngăn chặn Covid-19 khiến họ bị mất việc làm và không có tiền để bám trụ , nơi có nguy cơ cao lây nhiễm virus.
Một số bang đã bố trí hàng trăm xe buýt đưa người lao động nhập cư về quê, gây ra cảnh tượng hỗn loạn khi hàng nghìn người đổ đến các bến xe chờ đợi. Trong ảnh, dòng người nối dài cả km tại một bến xe ở thủ đô New Delhi hôm 28/3.
Đây là cuộc di cư lớn chưa từng thấy kể từ năm 1947, khi Đế quốc Ấn Độ thuộc Anh chia tách thành Ấn Độ và Pakistan như ngày nay.
Do hệ thống giao thông công cộng và đường sắt đã tạm thời dừng hoạt động, các lao động nghèo phải tìm mọi cách chen chân lên xe buýt để về quê. Trong ảnh, tại bến xe ở New Delhi, một thanh niên cố gắng chui qua cửa sổ để vào trong, khi chiếc xe đã chật ních người.
Lượng người chen chúc trên các chuyến xe và đổ về quê lớn gây ra mối lo ngại nCoV lây lan. Hôm 30/3, Thủ tướng Narenda Modi đã yêu cầu tất cả các bang phong toả ranh giới để ngăn chặn nguy cơ đưa virus về vùng nông thôn. Giới chức cũng đang nỗ lực truy tìm hàng triệu lao động nhập cư đã quay về những ngôi làng nhỏ khắp cả nước để yêu cầu họ cách ly trong 14 ngày.
Nhiều người không thể bắt được xe không có lựa chọn nào khác là đi bộ hàng trăm km về nhà. Họ đi thành từng nhóm gia đình, có cả đàn ông, phụ nữ, trẻ em lẫn người già.
Trong ảnh, một đôi vợ chồng bế con nhỏ đi dọc đường cao tốc ở Ghaziabad, ngoại ô New Delhi hôm 28/3.
Có những người chẳng có tư trang gì quý giá ngoài đôi dép xỏ ngón như người đàn ông này. Bàn chân ông bị tróc một mảng da trên đường đi bộ từ ngoại ô thành phố Allahabad, bang Uttar Pradesh về làng hôm 30/3.
Thu nhập của các lao động nhập cư thường chỉ đủ ăn, khoảng gần 140 đến 450 rupee/ngày (1,8 - 6 USD), theo Tổ chức Lao động Quốc tế. Ngày nào không đi làm thì họ không có tiền.
Ramesh Meena, một lao động nhập cư, cõng vợ trên vai vì cô bị gãy chân, khi cả hai từ Ahmedabad, thành phố lớn nhất bang Gujarat, trở về quê ở bang Rajasthan lân cận hôm 26/3.
Người dân địa phương san sẻ nước uống cho những người đi bộ về quê tại New Delhi hôm 28/3. Nhiều người bị đói vì đã không có gì vào bụng suốt nhiều ngày. Những người khác ăn đỡ bánh quy và uống nước.
Thủ tướng Modi xin người nghèo tha thứ nhưng cho hay không còn cách nào khác ngoài phong toả toàn quốc để ngăn chặn dịch bệnh.
Chính phủ Ấn Độ hôm qua cho biết khoảng 500.000 - 600.000 lao động đã đi bộ từ các thành phố về quê. Giới chức đang nỗ lực sắp xếp phương tiện, nơi tạm trú và thức ăn cho họ. Tuy nhiên, một số người đã chết do kiệt sức, số khác thiệt mạng do tai nạn giao thông. Một số người bị cảnh sát ở các ranh giới bang đánh đập khi họ cố gắng dẹp đám đông hỗn loạn.
Trong ảnh, một người đàn ông đang ăn cơm tại trường học ở New Delhi, nơi anh bị cách ly trên đường trở về quê hôm 31/3.
Con gái của một lao động nhập cư bị cách ly cùng bố mẹ tại một trường học ở New Delhi, khi đang trên đường về làng hôm 31/3. Cô bé đang chờ bố mang về các phần thức ăn.
Một gia đình đi bộ dọc đường cao tốc Mumbai Pune hôm 29/3.
Bà Shiv Kumari, 50 tuổi, cho hay mình đã bị chủ nhà đuổi khỏi căn phòng trọ ở bang Haryana. Bà và con trai 28 tuổi phải gói ghém đồ đạc và bắt đầu hành trình 900 km đi bộ về quê.
Chiều 30/3, hai người gần như kiệt sức khi băng qua cầu trên sông Yamuna, nơi được người Hindu xem là linh thiêng. Tuy nhiên, họ vẫn còn 110 km ở phía trước.
"Chúng tôi đã đi bộ 5 ngày rồi", bà Shiv Kumari nói.
Đoàn người đi bộ ở ngoại ô New Delhi hôm 27/3.
Ấn Độ hiện ghi nhận gần 1.400 ca nhiễm, trong đó 35 người đã tử vong. Là quốc gia đông dân thứ hai thế giới, với hệ thống y tế lạc hậu và điều kiện vệ sinh cơ bản thiếu thốn, Ấn Độ được dự đoán sẽ bị dịch bệnh tàn phá nghiêm trọng nếu không có các biện pháp ứng phó mạnh tay.
Chia sẻ bài viết qua email
Đi bộ hàng trăm km về quê giữa lệnh phong toả
>
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét