Trung Quốc Tiêu Nhã, giáo viên tiểu học 40 tuổi ở Vũ Hán, thỉnh thoảng vẫn thấy khó thở dù đã xuất viện vài tuần, sau khi phải nằm viện một tháng vì nhiễm nCoV.
Thậm chí nấu một món cháo đơn giản cũng trở nên khó khăn với Tiêu Nhã. Do đó, trong khoảng thời gian cách ly bắt buộc tại nhà, cô chỉ sống dựa vào những đồ ăn gọi bên ngoài.
Bệnh nhân Covid-19 ôm tạm biệt nhân viên y tế trước khi xuất viện tại bệnh viện dã chiến Fangcang ở Vũ Xương, thành phố Vũ Hán hôm 10/3. Ảnh: People’s Daily. |
Nhưng Tiêu Nhã vẫn thấy mình rất may mắn. Không chỉ vì bản thân cô sống sót, bố mẹ cô cũng đã bình phục sau khi nhiễm nCoV và hiện cách ly ở một khách sạn. Cô đang chờ đợi ngày được đoàn tụ với họ. Gia đình Tiêu Nhã phải tạm chia cắt nhau nhiều tuần sau khi cả ba người đều nhiễm nCoV và được điều trị tại các cơ sở khác nhau.
"Tôi điều trị ở bệnh viện dã chiến Fangcang tại một trung tâm triển lãm và thỉnh thoảng lại có tiếng khóc bất chợt vang lên. Sau đó tôi mới biết đó là tiếng khóc của người vừa mất đi người thân. Tôi thường nói chuyện với những bệnh nhân khác và nhận ra mình là người may mắn. Cả bố mẹ và tôi đều thoát chết. Đó là điều quan trọng nhất", cô nói.
Tiêu Nhã có thể giữ được tinh thần lạc quan trong suốt giai đoạn khó khăn này là nhờ nhận được nhiều sự chia sẻ và cảm thông từ những bệnh nhân cùng điều trị và nhân viên bệnh viện.
Cuối tháng 1, khi Tiêu Nhã bắt đầu thấy chán ăn và sốt nhẹ, người bố 70 tuổi của cô đã bị ho 10 ngày và mẹ cô gần như không ăn gì suốt một tuần. Cô đo thân nhiệt cho cả hai người và phát hiện họ cũng bị sốt nhẹ. Hình ảnh chụp cắt lớp cho thấy bố mẹ cô bị viêm phổi cấp. Tiêu Nhã không nghĩ tới việc kiểm tra cho mình, bởi trong đầu cô lúc đó chỉ nghĩ tới việc tìm cách giúp bố mẹ nhập viện.
Bố mẹ Tiêu Nhã đã quá yếu để có thể đi lại, nên lúc đầu cô một mình lo liệu mọi chuyện, từ chạy tới vài bệnh viện để tìm chỗ xét nghiệm và giúp bố mẹ đáp ứng đủ điều kiện của ủy ban tổ dân phố, cho tới xếp hàng đợi giường bệnh. Nhiều lần Tiêu Nhã phải lang thang bên ngoài khi đã quá nửa đêm để tìm bệnh viện cho bố mẹ. Cô đã điền vô số mẫu đơn và không bỏ qua bất kỳ hy vọng nào dù nhỏ nhất.
Đó là thời điểm đầu tháng 2, khi thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân bị phong tỏa và hệ thống y tế sụp đổ trước số lượng bệnh nhân quá lớn. Nhiều người thậm chí phải xếp hàng bên ngoài các cơ sở y tế qua đêm để đợi giường nhưng không được. Lúc đó, Vũ Hán cũng chưa có nhiều bệnh viện dã chiến để phục vụ bệnh nhân Covid-19.
Nhân viên y tế hướng dẫn bệnh nhân Covid-19 tập thể dục tại một bệnh viện dã chiến ở thành phố Vũ Hán hôm 25/2. Ảnh: Xinhua. |
Covid-19 bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 12 và được cho là bắt nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Khi số ca nhiễm không ngừng tăng trong những tháng sau đó, hai bệnh viện dã chiến đã được xây dựng thần tốc trong vài tuần và các bệnh viện dã chiến khác được nhanh chóng thiết lập từ các trung tâm triển lãm.
"Tôi từng rất đau khổ và thấy thật bất công khi cả gia đình đều nhiễm bệnh. Cuộc sống của chúng tôi rất đơn giản, chỉ loanh quanh ở cửa hàng tạp hóa và về nhà. Chúng tôi không ăn thịt động vật hoang dã và chưa từng đặt chân tới chợ hải sản đó", cô chia sẻ.
Tiêu Nhã biết cơ hội bố mẹ cô được nhập viện là rất thấp. Trong khi cô chạy khắp nơi tìm giường bệnh, một đồng nghiệp của cô, 28 tuổi, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự và phải điều trị ngoại trú, hàng ngày tới viện truyền thuốc tới tận khuya khi liên tục bị sốt.
"Rất nhiều người cố gắng giúp đỡ chúng tôi bằng cách chia sẻ mọi thông tin có được. Truyền thông nhà nước giờ đóng vai trò thật quan trọng. Lúc đó tôi cũng quá yếu để có thể cầm chắc điện thoại trong tay. Tôi đã phải nhờ một đồng nghiệp giúp mình", cô nhớ lại.
Sau 3 ngày xếp hàng chờ giường, bố mẹ cô cũng được tiếp nhận vào hai bệnh viện khác nhau. Sau đó, Tiêu Nhã mới có thời gian đi chụp lồng ngực để kiểm tra bệnh tình. Lúc này, các bệnh viện dã chiến Fangcang bắt đầu hoạt động và cô được gửi tới một trong những cơ sở đó.
"Ba ngày đầu tiên mọi thứ rất hỗn loạn. Nhân viên y tế ở đó đều đến từ tỉnh Sơn Đông và họ không chắc phải làm gì. Bệnh nhân vội vã lấy hộp thức ăn và chúng đã bị nhiễm bẩn từ phần thức ăn thừa. Không có nhân viên vệ sinh nên bác sĩ và y tá phải tự tay dọn dẹp mọi thứ", cô kể.
Khi có thêm nhân viên y tế đễn hỗ trợ và bệnh viện đã hoạt động ổn định hơn, Tiêu Nhã, người mắc chứng rối loạn lo âu, mới có thể thấy thư giãn hơn nhờ sự tư vấn của đội ngũ y tế.
"Họ cố gắng dạy tôi cách suy nghĩ tích cực và nâng cao tinh thần. Họ hướng dẫn chúng tôi nhảy hoặc tập thể dục nhẹ nhàng. Họ thậm chí còn gấp hạc giấy và viết những lời động viên lên tưởng để cổ vũ tinh thần cho chúng tôi", cô cho biết.
Trong khi đó, bố mẹ của Tiêu Nhã một mình ở khu cách ly chưa bao giờ thôi lo lắng. Cô phải gọi điện mỗi ngày để trấn an họ.
Nhìn lại giai đoạn đó, Tiêu Nhã cho biết gia đình cô đã nhận giúp đỡ từ nhiều người, nhưng chính chính phủ sau đó đã mang tới cho họ sự giúp đỡ to lớn nhất, đó là tìm được giường bệnh. Cô chia sẻ mình cảm thấy rất biết ơn những nhân viên y tế đã từ Sơn Đông tới Vũ Hán để giúp đỡ họ.
"Những y bác sĩ luôn túc trực bên cạnh chúng tôi. Bất kỳ khi nào thức giấc, tôi đều thấy họ đang kiểm tra cho bệnh nhân. Khi tôi đi vệ sinh vào nửa đêm, tôi vẫn thấy họ liên tục theo dõi tình hình của mọi người trong viện. Tôi cảm thấy an tâm khi có họ bên cạnh", cô nói.
Để giữ gìn bộ đồ bảo hộ, nhân viên y tá không ăn uống và đi vệ sinh trong suốt ca trực 6 tiếng. Khi nhìn thấy kính bảo hộ của họ mờ đi và bộ quần áo bảo hộ đẫm mồ hôi, Tiêu Nhã thực sự thấy cảm động.
"Có lần khi đang đi bộ cùng một y tá, cô ấy bảo tôi đi chậm lại vì cô ấy mệt đứt hơi và không thể đi lại thoải mái trong bộ đồ bảo hộ nặng trịch. Tôi cảm thấy thật xót xa", cô kể.
Mỗi bác sĩ và y tá mà Tiêu Nhã từng gặp đều kết bạn WeChat với cô, trong khi mẹ cô cũng chụp nhiều bức ảnh về tất cả nhân viên y tế từng giúp đỡ bà và chia sẻ lên nhóm riêng của gia đình trên ứng dụng này.
"Mẹ tôi nói muốn ghi nhớ tất cả họ, dù thậm chí bà không thể nhận ra họ là ai sau lớp áo bảo hộ. Mỗi ngày, mẹ đều gửi cho tôi những tin nhắn với nội dung như 'cô y tế tên như này vừa tiêm cho mẹ'", cô cho hay.
Khi Tiêu Nhã và những bệnh nhân cùng điều trị được chuyển tới bệnh viện Hỏa Thần Sơn, họ liên tục cúi chào các nhân viên y tế đi cùng họ và không ngừng khóc.
Nhân viên y tế khám cho bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện dã chiến ở thành phố Vũ Hán hôm 15/2. Ảnh: Xinhua. |
Tiêu Nhã cuối cùng cũng được xuất viện vào ngày 10/3, trước bố cô ba ngày. Cô trở về nhà và tự cách ly thêm 14 ngày, sau khi cách ly 14 ngày đầu tiên ở một khách sạn, giống bố mẹ cô hiện giờ. Mẹ cô xuất hiện ngày 21/3 và hiện được cách ly tại một khách sạn khác. Họ không phải chi trả bất kỳ chi phí điều trị nào.
Từ ban công của phòng cách ly ở khách sạn, bố của Tiêu Nhã có thể nhìn thấy ngôi nhà của họ. Tuần tới, ông sẽ được về nhà để đoàn tụ với vợ và con gái.
"Bố tôi nói rằng tất cả những gì ông muốn làm khi về nhà là nấu một nồi súp củ sen, món ăn đặc trưng của người Vũ Hán, để cả gia đình cùng ăn. Và ngày nào ông cũng nói với tôi về điều đó", Tiêu Nhã kể.
Thanh Tâm (Theo SCMP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét