Trong lúc căng thẳng Mỹ - Trung dường như không hồi kết, kinh nghiệm từ Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô có thể giúp ngăn "xung đột nóng".
Hôm 27/7, cờ Mỹ bị hạ xuống tại lãnh sự quán của nước này ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Bắc Kinh cho biết quyết định đóng cửa cơ sở ngoại giao này là "hợp pháp và cần thiết", nhằm đáp lại việc Washington đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, bang Texas, với cáo buộc nơi này liên quan tới hoạt động gián điệp kinh tế và công nghệ.
Đây chỉ là một trong hàng loạt động thái "ăn miếng trả miếng" của hai nước, giữa lúc quan hệ song phương đang xấu đi nhanh chóng, làm dấy lên lo ngại về một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" giữa hai cường quốc. Sau khi Washington tước trạng thái đặc biệt của Hong Kong, áp hạn chế visa với nhiều quan chức Trung Quốc bị cáo buộc "phá hoại mức độ tự chủ cao" tại đặc khu, Bắc Kinh tuyên bố trừng phạt tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin, nhà thầu chính trong một thỏa thuận vũ khí gần đây giữa Mỹ với đảo Đài Loan.
Những dấu hiệu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới còn thể hiện trong một loạt phát biểu gần đây từ các quan chức hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Donald Trump, bao gồm Bộ trưởng Tư pháp William Barr, cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, Giám đốc FBI Christopher Wray, và gay gắt nhất là Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Đáp lại, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Mỹ "đã đánh mất lý trí, đạo đức và uy tín".
Theo tiến sĩ David Sambaugh, giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington, Mỹ, đã đến lúc thừa nhận thực tế rõ ràng là Washington và Bắc Kinh đang trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
"Giới sử học sẽ tranh luận về thời điểm bắt đầu chính xác của giai đoạn này. Tuy nhiên, các dấu hiệu đã xuất hiện từ rất lâu, trước khi đội ngũ nhân viên tại hai lãnh sự quán vội vã tiêu hủy tài liệu. Hai bên cần khẩn trương tìm cách kiểm soát Chiến tranh Lạnh mới và ngăn nó bùng phát thành xung đột nóng", Sambaugh nhận định.
Cũng như Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, cuộc đối đầu địa chính trị toàn cầu kéo dài nhiều thập kỷ, Washington và Bắc Kinh đang coi nhau là đối thủ chiến lược. Hai bên đều cạnh tranh khắp toàn cầu, triển khai hoạt động tại nhiều khu vực, đặc biệt là châu Á, nhằm "quyến rũ" các đối tác và khách hàng, ngăn họ ngả về phía đối thủ.
Cả hai cũng tổ chức các cuộc tập trận nhằm răn đe đối phương, chuẩn bị cho nguy cơ đụng độ trực tiếp hoặc xung đột ủy nhiệm, đồng thời củng cố kho vũ khí quân sự. Hai chính phủ đều nghĩ rằng phía bên kia đang tìm cách can thiệp vào hệ thống chính trị của mình. Giới chức cấp cao hai nước nghi ngại nhau sâu sắc và đều thu thập thông tin tình báo chống lại bên kia.
Căng thẳng không chỉ giới hạn giữa hai chính phủ, mà còn làm rạn vỡ quá trình trao đổi học thuật và những mối liên kết xã hội Mỹ - Trung khác. Các hãng truyền thông và người dùng mạng xã hội hai nước thể hiện thái độ ngày càng gay gắt với nhau. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tâm lý bài xích lẫn nhau giữa hai bên cao chưa từng thấy. Thương mại và đầu tư, công cụ giúp giữ thăng bằng cho quan hệ Mỹ - Trung lâu nay, giờ đây cũng phải chịu hàng loạt hạn chế bởi cuộc chiến tranh thương mại.
Hầu hết người Mỹ hiện nay coi quan hệ đối đầu với Trung Quốc là điều "bình thường mới". Ngay cả khi Joe Biden, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, đánh bại Trump vào tháng 11, cách tiếp cận chiến lược tổng thể của chính quyền mới đối với Bắc Kinh có lẽ cũng khá tương tự Trump.
Giữa tình hình căng thẳng nghiêm trọng, tiến sĩ Shambaugh đặt ra câu hỏi là làm thế nào để giữ cho cuộc Chiến tranh Lạnh mới không tăng nhiệt và kiểm soát những xung đột ngày càng leo thang. Dù bối cảnh hiện nay khác so với Chiến tranh Lạnh trước đây, khi nền kinh tế và vị thế toàn cầu của Trung Quốc mạnh hơn nhiều so với Liên Xô, Shambaugh cho rằng nhiều bài học và biện pháp cũ vẫn hữu ích.
Theo Shambaugh, Mỹ và Liên Xô đã tuân thủ một khuôn khổ kiềm chế thù địch bất chấp mối quan hệ đối đầu trong Chiến tranh Lạnh. "Do đó, ngay cả khi cạnh tranh khốc liệt, Mỹ - Trung vẫn phải thiết lập các cơ chế bảo đảm an toàn và ổn định, có khả năng kiềm chế sự thù ghét và ngăn chặn những hành vi khiêu khích", chuyên gia nêu ý kiến.
Mỹ - Trung đều là các cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, khác với quan hệ Mỹ và Liên Xô, họ không có các hiệp định kiểm soát vũ khí chiến lược song phương, hoặc bộ quy tắc quản lý xung đột. Đây được cho là yếu tố vô cùng nguy hiểm.
"Ưu tiên đặt ra phải là xây dựng cơ chế liên lạc giữa quân đội hai nước và các cơ sở an ninh quốc gia, đồng thời thiết lập những quy trình chính xác nhằm ngăn chặn một cuộc chạm trán quân sự tình cờ leo thang thành chiến tranh toàn diện. Việc hai bên cùng cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên sẽ là bước khởi đầu tốt", Shambaugh cho hay.
Trong Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, hai nước còn áp dụng nhiều biện pháp khác để xây dựng lòng tin, bao gồm những chương trình văn hóa. Các cuộc trao đổi không chính thức giữa chuyên gia hai nước cũng giúp thu hẹp những hiểu lầm lẫn nhau. Năm 1986, các chuyên gia Liên Xô đã tới Mỹ và cùng những người đồng nghiệp xem bộ phim "Dr. Strangelove".
Suốt 4 thập kỷ qua, Mỹ và Trung Quốc đã trực tiếp trao đổi các chuyên gia và sinh viên. Tuy nhiên, hoạt động này bị suy yếu nghiêm trọng vài năm gần đây và được cho là cần xây dựng lại, nhằm tăng cường gắn kết và thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.
Để "tháo ngòi nổ" căng thẳng, một số học giả Mỹ cho rằng chính phủ nước này và Trung Quốc cần đạt được một "thỏa thuận vĩ đại", như cố tổng thống Richard Nixon và cựu ngoại trưởng Henry Kissinger đã thương thuyết được với cố chủ tịch Mao Trạch Đông và thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Chu Ân Lai.
"Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Trung hiện nay quá phức tạp và ẩn chứa nhiều rủi ro khi tiến hành kế hoạch vĩ mô như vậy. Hai nước sẽ tiếp tục đối đầu trên mọi mặt và căng thẳng sẽ chỉ leo thang theo thời gian. Do đó, chúng ta cần chấp nhận Chiến tranh Lạnh mới, trong lúc nỗ lực kiểm soát và kiềm chế nó", Shambaugh kết luận.
Ánh Ngọc (Theo WSJ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét