Thứ Tư, 5 tháng 8, 2020

Giải mã động cơ của 'bác sĩ tử thần'

Thay vì cứu người, một số nhân viên y tế tại Mỹ lại phản bội nguyên tắc nghề nghiệp, gây hại cho chính bệnh nhân.

'Bác sĩ tử thần" hay "thiên thần báo tử" là tên gọi dành cho kẻ sát nhân hàng loạt cố ý tước đoạt mạng sống của người đang được chúng chăm sóc. Những kẻ này thường làm việc với tư cách chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc người chăm sóc bệnh nhân.

Hiện tượng "" được các chuyên gia tội phạm học chia ba dạng.

Đầu tiên là "thiên thần bao dung", tức kẻ sát nhân cho rằng hành vi của mình sẽ giải thoát cho bệnh nhân lớn tuổi hoặc đang mắc bệnh mãn tính, theo tiến sĩ Darrel Turner, nhà tâm lý học pháp y và cựu tư vấn viên FBI.

Chúng ảo tưởng điều mình đang làm là tốt đẹp. Nạn nhân thường là người nằm viện dài ngày và bị cho là ít có hy vọng hồi phục, đang phải chịu nhiều đau đớn, hoặc người bị chúng cho là "sống không bằng chết".

Một số kẻ có xu hướng diễn lại sang chấn tâm lý từ nhỏ, ví dụ từng chứng kiến bố hoặc mẹ vật lộn nhiều tháng trước khi mất. "Kẻ sát nhân tự nhủ mình đang giúp gia đình nạn nhân không phải trải qua chính cảm giác tuyệt vọng ấy", tiến sĩ Carol Lieberman, nhà tâm thần học pháp y và chuyên gia thường ra tòa làm chứng, cho biết.

Ví dụ cho dạng này là Donald Harvey, kẻ làm việc tại các bệnh viện quanh thành phố Cincinnati, bang Ohio vào thập niên 1970-1980. Harvey nhận tội giết 37 người trong hơn một thập kỷ song cho biết nhúng tay vào gần 90 cái chết để làm giảm đau đớn cho bệnh nhân.

Donald Harvey tại tòa vào năm 1987. Ảnh: AP.

Donald Harvey tại tòa vào năm 1987. Ảnh: AP.

Dạng thứ hai thuộc loại "người hùng ác ý", tức cố ý hãm hại, đẩy nạn nhân tới bờ vực của cái chết rồi cứu mạng vào giây phút cuối cùng. Những kẻ này có thể mắc "hội chứng người cứu tinh", muốn được coi là anh hùng trong lúc giải cứu nạn nhân, theo tiến sĩ Turner.

"Người hùng ác ý" qua đó gây ấn tượng với đồng nghiệp hoặc được thăng tiến trong công việc. Vì biết rõ căn nguyên bệnh, kẻ sát nhân thường cũng có cơ hội hoàn hảo để đưa ra biện pháp cứu mạng kịp thời, tiến sĩ Lieberman nói.

Năm 2001, Kristen Gilbert, nữ cựu y tá tại bang Massachusetts, lãnh án chung thân vì tiêm thuốc làm ngưng tim để giết bốn bệnh nhân. Theo điều tra viên, sau khi tiêm, Gilbert thường xông tới cấp cứu và cố hồi sức. Sau một thời gian, đồng nghiệp bắt đầu nhận ra mỗi khi Gilbert có mặt số vụ cấp cứu tim tăng lên.

Ngoài ra hai dạng trên, một số "thiên thần báo tử" lại thích cảm giác quyền lực đi kèm việc gây án hoặc cứu sống nạn nhân. "Chúng muốn được nắm quyền sinh quyền sát với người khác", tiến sĩ Turner giải thích.

Theo Insider, Jane Toppan có lẽ là một trong những sát nhân y tế độc ác nhất trong lịch sử. Trong giai đoạn cuối thập niên 1800, Toppan làm y tá tại thành phố Boston, bang Masschusettes và được đặt tên "Jane vui vẻ" vì vẻ ngoài ấm áp và thân thiện. Tuy nhiên, ẩn sau vỏ ngoài ấy là kẻ thường thí nghiệm trên bệnh nhân rồi tiêm thuốc quá liều...

Bị bắt vào năm 1901, kẻ này thừa nhận giết hại 31 người nhưng chỉ bị buộc chữa bệnh suốt đời do được xác định mắc bệnh tâm thần.

Theo Psychology Today, Katherine Ramsland, giáo sư tâm lý học pháp y, đưa ra danh sách gồm 22 đặc điểm của những sát nhân hàng loạt là y tá như: thích đoán thời điểm bệnh nhân tử vong, thích trực ca vắng, thích được chú ý, có hành vi lén lút,... Nếu đứng đơn lẻ, những đặc điểm trên không đủ đáng ngại. Nhưng nếu cùng lúc xuất hiện nhiều tiêu chí thì những người xung quanh cần đề cao cảnh giác.

Quốc Đạt (Theo Insider, BBC, Psychology Today)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét