Người dân tại 60 thành phố Mỹ, bao gồm San Francisco, Los Angeles, Chicago, Detroit và Portland, xuống đường phản đối bạo lực với người gốc Á ngày 27/3.
Hàng trăm người tập trung tại quận Queens, New York, hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình trên khắp nước Mỹ. "Chúng ta đã trải qua một năm đại dịch và bạo lực chống người gốc Á ngày càng gia tăng", Judi Chang, đại diện của liên minh chống chiến tranh, chống phân biệt chủng tộc ANSWER, bên tổ chức các cuộc biểu tình, nói.
Giống như nhiều nhà tổ chức khác, Chang cho rằng tâm lý kỳ thị người gốc Á gia tăng là do các luận điệu chính trị coi Trung Quốc là mối đe dọa. "Người gốc Á nào tôi quen cũng từng là nạn nhân của bạo lực hoặc quấy rối, hành hung", Chang nói tại New York. "Chúng tôi bị phỉ báng, bị quát tháo. Chúng tôi bị nhìn chằm chằm, mọi người rời đi khi chúng tôi đến".
Vụ xả súng ngày 16/3 ở Atlanta khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á, càng làm tăng lo sợ về tội ác thù ghét trong đại dịch. Một số người biểu tình ở Atlanta giơ biểu ngữ "nói không với phân biệt chủng tộc chống người gốc Á!" hay "ngừng mô tả Trung Quốc và người gốc Hoa một cách xấu xa!".
"Tôi không phải là virus, tôi không phải là kẻ thù, tôi là người Mỹ gốc Hoa và tôi yêu con người mình", một người biểu tình giơ biểu ngữ khi tuần hành cùng khoảng 100 người khác ở khu Phố Tàu của thủ đô Washington.
Irving Lee, người biểu tình ở Queens, gọi "bạo lực chống người châu Á" là "sản phẩm phụ từ chính sách đối ngoại của Mỹ".
Khi nCoV bắt đầu lan rộng khắp nước Mỹ đầu năm 2020, một số chính trị gia, bao gồm tổng thống Mỹ khi đó Donald Trump, đã gọi nCoV là "virus Vũ Hán" hoặc "virus Trung Quốc". "Tôi đã thấy rất nhiều người bị ảnh hưởng vì điều đó", Lee nói. "Họ sợ đi ra ngoài do vấn đề bạo lực đang diễn ra".
Phương Vũ (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét