Thế giới ghi nhận hơn 127 triệu người nhiễm, gần 2,8 triệu người chết do nCoV, giới chức y tế toàn cầu đã tiêm hơn 500 triệu liều vaccine, chủ yếu ở Mỹ và Ấn Độ.
Thế giới đã ghi nhận 127.254.418 ca nhiễm nCoV và 2.788.534 ca tử vong, tăng lần lượt 590.884 và 10.072, trong khi 102.488.985 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Theo AFP, hơn 508 triệu liều vaccine đã được tiêm toàn cầu, trong đó 133 triệu liều ở Mỹ và 91 triệu liều ở Ấn Độ. Các quốc gia nghèo tụt lại rất nhiều so với nước giàu. Tuy nhiên, các nước châu Âu vẫn triển khai chậm chiến dịch. Đức nói rằng họ sẽ sử dụng vaccine Nga Sputnik V nếu nó được cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu cấp phép.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 30.912.749 ca nhiễm và 561.969 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 59.266 và 744 trường hợp so với một ngày trước đó.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 25/3 đặt mục tiêu tiêm 200 triệu liều vaccine Covid-19 cho người dân Mỹ trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ, gấp đôi con số ban đầu ông đưa ra. Thay đổi được thông báo sau khi giới chức Mỹ hoàn thành mục tiêu 100 triệu liều hồi tuần trước, sớm hơn một tháng so với kế hoạch. Tính đến 26/3, Mỹ đã tiêm được gần 137 triệu liều.
Tuy nhiên, quá trình tiêm chủng vaccine Covid-19 nhanh chóng dường như đã làm nảy sinh tâm lý chủ quan với nhiều người dân Mỹ, khiến họ lơ là các biện pháp chống dịch. Thành phố Miami Beach, bang Florida, cuối tuần qua phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi người dân lũ lượt kéo về bãi biển vui chơi tới mức mất kiểm soát giữa đại dịch.
Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 12.490.362 ca nhiễm và 310.550 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 83.039 và 3.224 ca.
Tổng thống Jair Bolsonaro hôm 24/3 thông báo thành lập ủy ban chống khủng hoảng với 27 thống đốc để đối phó đợt sóng Covid-19 đang tàn phá đất nước, đánh dấu sự thay đổi trong cách tiếp cận khi ông đang chịu thêm nhiều áp lực. Bolsonaro đã bị chỉ trích vì hạ thấp mức nghiêm trọng của đại dịch, phản đối các biện pháp phong tỏa của địa phương và lên tiếng chống lại vaccine.
Ấn Độ là vùng dịch thứ ba thế giới với 11.971.004 ca nhiễm và 161.586 ca tử vong, tăng lần lượt 62.631 và 311. Ca nhiễm ở Ấn Độ tăng trở lại trong những tuần gần đây, khiến một số khu vực phải áp hạn chế tụ tập đông người. Các điểm nóng như bang phía tây Maharashtra và thủ phủ Mumbai tiến hành xét nghiệm bắt buộc tại chỗ ở những khu vực đông đúc.
Ấn Độ sẽ bắt đầu tiêm chủng cho tất cả những người trên 45 tuổi kể từ ngày 1/4. Các chuyên gia cho biết Ấn Độ đã tiêm chủng cho gần 50 triệu người nhưng chương trình với mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người trước cuối tháng 7 đang bị chậm so với kế hoạch.
Hiện chỉ những nhân viên tuyến đầu trong lĩnh vực y tế và các lĩnh vực khác, cùng với người trên 60 tuổi và người trên 45 tuổi có bệnh nền mới đủ điều kiện để tiêm vaccine AstraZeneca hoặc vaccine nội địa Bharat Biotech.
Pháp, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận 4.508.575 ca nhiễm và 94.465 ca tử vong. Số ca mới hàng ngày ở Pháp đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu tháng.
Pháp thừa nhận tình hình là "nguy cấp" và ngày 27/3, họ bổ sung thêm ba khu vực vào 16 khu vực đã áp đặt biện pháp hạn chế khắt khe. 20 triệu người ở Pháp, bao gồm Vùng đô thị Paris, được coi là sống trong các khu vực lây nhiễm cao.
Tổng thống Macron hôm 23/3 cho biết sẽ đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng kể từ tháng 4. Pháp đang đối phó sóng Covid-19 thứ ba, nhưng tụt hậu so với nhiều nước phương Tây về số lượng người được tiêm chủng. Pháp hiện tiêm được 9,8 triệu liều, so với hơn 32 triệu ở Anh và hơn 12 triệu ở Đức.
Xu hướng tiêm chủng tăng nhanh những tuần gần đây, song ca nhiễm cũng tăng đột biến. Với việc các bệnh viện ở một số khu vực bị quá tải, chính phủ đặt 1/3 dân số vào tình trạng phong tỏa và công bố kế hoạch thành lập 35 trung tâm tiêm chủng đại trà. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy ngày càng nhiều người dân mệt mỏi với các lệnh phong tỏa.
Anh báo cáo 4.329.180 người nhiễm và 126.573 người chết, tăng lần lượt 4.715 và 58 trường hợp. Ca nhiễm mới ở nước này có xu hướng liên tục giảm trong những ngày gần đây.
Kể từ 29/3, Anh nới lỏng biện pháp phòng dịch, cho phép các nhóm lên đến 6 người gặp nhau ngoài trời. Chính phủ cũng có kế hoạch cho phép uống rượu ngoài trời và mở lại dịch vụ không cần thiết như tiệm làm tóc kể từ ngày 12/4.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.492.002 ca nhiễm, tăng 4.461, trong đó 40.364 người chết, tăng 198.
Philippines hôm 27/3 thông báo Manila và các tỉnh lân cận sẽ siết chặt hạn chế phòng dịch từ 29/3 đến 4/8, tác động đến hơn 24 triệu người. Người dân sẽ phải làm việc tại nhà trừ khi họ được coi là lao động thiết yếu, phương tiện giao thông công cộng sẽ bị dừng hoạt động. Tất cả cuộc tụ tập đông người đều bị cấm, lệnh giới nghiêm vào ban đêm từ 18h đến 5h được thực thi và các cơ sở kinh doanh không thiết yếu sẽ bị đóng cửa.
Philippines ngày 27/3 ghi nhận 9.595 ca mới - mức cao thứ nhì kể từ khi địch dịch bắt đầu, nâng tổng ca nhiễm lên 712.442. Thêm 10 người chết do nCoV, nâng số ca tử vong lên 13.159.
Một nhóm nghiên cứu của Đại học Philippines cảnh báo rằng Philippines có thể ghi nhận lên tới 10.000-11.000 ca mỗi ngày vào cuối tháng ba. Tuy nhiên, cứ 10 người Philippines thì có 6 người không muốn tiêm chủng do lo ngại về an toàn, theo cuộc khảo sát của Pulse Asia với 2.400 người được hỏi trong khoảng thời gian ngày 22/2 - 3/3. Trong một cuộc thăm dò tương tự vào tháng 11/2020, chỉ 47% nói rằng họ sẽ từ chối tiêm chủng.
Philippines bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ ngày 1/3. Họ đã tiêm cho 508.000, chưa bằng 1% mục tiêu tiêm cho 70 triệu người trong năm nay.
Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng một và đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 181,5 triệu người trong vòng một năm. Khoảng 10 triệu người đã được tiêm vaccine.
Phương Vũ (Theo AFP/Reuter)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét