Cơ quan Y tế Scotland xác nhận có gần 2000 người nhiễm Covid-19 đã tham dự sự kiện Euro 2020, và có những người đã đến cả sân vận động Wembley - nơi vợ chồng Hoàng tử William từng tới cổ vũ cho tuyển Anh.
Theo Cơ quan Y tế Scotland, đã có gần 2000 người dân ở quốc gia này từng đi xem VCK UEFA Euro 2020/2021 trong khi đang nhiễm Covid-19.
Cụ thể, hàng ngàn người Scotland đã tới London vào ngày 18/6 để theo dõi trận đấu giữa đội tuyển của họ đối đầu với tuyển Anh. Họ đến sân vận động Wembley, hoặc tập trung tại các quán bar nơi trung tâm thành phố và khu vực fanzone của sân Hampden (Glasgow) để theo dõi trận đấu.
Theo số liệu điều tra, Cơ quan Y tế xác nhận được 1991 người tham dự các sự kiện liên quan đến Euro 2020 trong khi đang nhiễm bệnh. Trong đó, 1294 người tới London, 397 người đến sân Wembley - nơi gia đình vợ chồng Hoàng tử William từng tham dự. Tuy nhiên, trận đấu duy nhất Hoàng tử William tới sân Wembley theo dõi tại vòng bảng là giữa đội tuyển Anh và CH Czech, không phải với Scotland. Hơn nữa thời điểm này sân Wembley cũng chỉ cho 30% khán giả vào sân.
Reuters đưa tin, có 38 trường hợp xác nhận đã tới xem trận bóng giữa Scotland và Croatia, 37 trường hợp xem trận giữa Scotland và CH Czech.
Vụ án giết người này đã để lại nhiều nỗi ám ảnh với người dân Nhật Bản bởi tính tàn độc của nó. Ngoài ra, nó còn được cho là có liên quan đến truyền thuyết đô thị "Lời nguyền căn phòng đỏ".
Vụ giết người gây chấn động Nhật Bản
Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 1/6/2004, nữ sinh 11 tuổi, được gọi là "Girl A", đã giết chết bạn học của mình, Satomi Mitarai, 12 tuổi, bằng dao rọc giấy trong một phòng học trống tại trường tiểu học Okubo, Sasebo, Nagasaki, Nhật Bản, nơi cả hai đang theo học, vào giờ ăn trưa. Sau đó, Girl A trở lại phòng học với bàn tay và quần áo dính đầy máu.
Ngôi trường nơi xảy ra vụ việc.
Nạn nhân Satomi Mitarai, 12 tuổi, bị bạn học giết hại.
Khi được giáo viên tra hỏi thì Girl A nói rằng đó không phải là máu của em rồi chỉ tay về phòng học ở cuối hành lang. Trước đó, giáo viên đã để ý không thấy Girl A và Mitarai trong lớp nên nhìn thấy bộ dạng của nữ sinh 11 tuổi khiến cô càng thêm lo lắng, vội chạy về phía phòng học kia để kiểm tra. Khi đó, trước mắt nữ giáo viên là thi thể của Mitarai nằm bất động giữa vũng máu, cô liền hoảng loạn gọi cảnh sát.
Nhận được tin buồn về con gái, bố Mitarai đã lập tức chạy đến hiện trường.
"Khi tôi đến nơi, Mitarai đã nằm đó. Tôi không thể tin những gì đang diễn ra trước mắt mình. Không từ ngữ nào có thể diễn tả được tâm trạng của tôi lúc đó. Tôi không thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra" - bố Mitarai kể lại.
Người đàn ông này cho biết từ trước đến giờ, ông chưa bao giờ nghe con gái nói về bất đồng với bạn bè cùng lớp, rõ ràng là mối quan hệ giữa các học sinh vô cùng chan hòa.
Sau khi bị bắt giữ, Girl A đã thừa nhận hành vi giết bạn học và liên tục nói: "Cháu xin lỗi, cháu xin lỗi". Vào đêm bị bắt ở đồn cảnh sát, nữ sinh này đã không ngừng khóc và từ chối ăn uống. Ban đầu, Girl A nói rằng em không có động cơ giết người. Thế nhưng, không lâu sau, thiếu nữ này đã thay đổi lời khai, thừa nhận với cảnh sát là cả hai đã cãi nhau vì những tin nhắn đăng trên internet. Girl A nói rằng Mitarai đã nhục mạ mình bằng những lời lẽ chê bai ngoại hình, cân nặng.
Ngày 15/9/2004, tòa án gia đình Nhật Bản đã đưa ra phán quyết buộc tội Girl A, bất chấp tuổi tác của hung thủ vì xét đến mức độ tàn độc của vụ án. Sau đó, nữ sinh 11 tuổi bị đưa đến một trường giáo dưỡng ở tỉnh Tochigi trong vòng 2 năm. Tháng 9/2006, bản án dành cho Girl A được gia hạn thêm 2 năm sau khi tòa án thực hiện một cuộc kiểm tra đánh giá tâm lý. Ngày 29/5/2008, chính quyền địa phương thông báo họ không yêu cầu bất cứ bản án bổ sung nào.
Dù gây ra tội ác khó dung thứ nhưng danh tính và hình ảnh của Girl A được truyền thông giữ kín vì nữ sinh này chưa đủ 14 tuổi. Vụ án này càng làm dấy lên tranh cãi về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự ở Nhật Bản, đã trải qua một lần điều chỉnh từ 16 tuổi xuống còn 14 tuổi vào năm 2000 sau khi bé trai 14 tuổi ra tay giết 2 đứa trẻ nhỏ hơn năm 1997. Ngoài ra, việc Girl A được đánh giá là một đứa trẻ bình thường, cư xử đúng mực, trước khi ra tay giết người, càng khiến xã hội thêm lo lắng.
Sau đó, một bức ảnh chụp tập thể được cho là có sự góp mặt của Girl A và nạn nhân Mitarai được lan truyền trên mạng. Trong đó, Girl A mặc chiếc áo hoodie có chữ "Nevada", từ đó, sát nhân nhí này được người ta gọi là "Nevada-tan". Điều đáng cảnh báo là "Nevada-tan" bỗng trở thành xu hướng đối với những người trẻ. Nó đã truyền cảm hứng cho hội đam mê cosplay ở Nhật tạo ra trang phục Girl A.
Bức ảnh chụp tập thể được cho là có sự góp mặt của hung thủ và nạn nhân.
Truyền thuyết đô thị ghê rợn
Bên cạnh đó, vụ án này khiến người Nhật Bản nhớ rõ hơn khi nó được cho là có liên quan đến một truyền thuyết đô thị ghê rợn mang tên "Lời nguyền căn phòng đỏ" được lan truyền rộng rãi vào những năm 2000. Đó là câu chuyện về một cửa sổ pop-up bất ngờ xuất hiện trên màn hình vi tính của nạn nhân bất kỳ. Cửa sổ pop-up ấy chứa hình ảnh cánh cửa, đồng thời một giọng nói được thu sẵn vang lên: "Bạn có thích căn phòng màu đỏ không?".
Cửa sổ pop-up này sẽ không đóng lại cho đến khi giọng nói kia đọc hết câu hỏi. Những người nhìn thấy cửa sổ pop-up ấy đều sẽ chết trong khoảng thời gian ngắn sau và căn phòng của người chết sẽ được sơn đỏ bằng một cách nào đó.
Mọi chuyện chỉ dừng lại ở những lời truyền miệng không có căn cứ cho đến khi xảy ra vụ án Girl A giết chết bạn học vào năm 2004. Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện Girl A đã đánh dấu trang (bookmark) "Lời nguyền căn phòng đỏ" trong máy tính của mình. Điều này làm dấy lên sự lo ngại về những tác động tiêu cực của truyền thuyết đô thị với cuộc sống đời thực.
Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản tại quảng trường Thiên An Môn sáng nay với bài phát biểu quan trọng của ông Tập.
Khoảng 30 trực thăng xếp thành hình số 100 bay qua bầu trời, trong khi đám đông hàng chục nghìn người reo hò cổ vũ tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo đất nước ngồi trên khán đài ở thành nam của Tử Cấm Thành chứng kiến buổi lễ.
Ông Tập sau đó có bài phát biểu quan trọng tại Thiên An Môn, nơi đã được bố trí an ninh nghiêm ngặt.
"Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ ai bắt nạt, đàn áp hoặc khuất phục Trung Quốc. Bất cứ ai có ý định như vậy sẽ va phải bức tường thép được rèn bởi 1,4 tỷ người", ông Tập nói. "Sự chấn hưng vĩ đại của đất nước Trung Quốc đang vào guồng quay lịch sử không thể đảo ngược. Chúng ta là những người làm cho đất nước trở nên hùng cường".
"Nhân dịp đặc biệt này, tôi vinh dự thay mặt đảng và nhân dân tuyên bố rằng: Bằng nỗ lực không ngừng của toàn đảng, toàn dân, chúng ta đã thực hiện được mục tiêu thế kỷ đầu tiên là xây dựng xã hội khá giả về mọi mặt. Chúng ta đã đưa ra giải pháp lịch sử cho vấn đề nghèo đói ở Trung Quốc, và chúng ta đang hướng tới mục tiêu thế kỷ thứ hai là trở thành xã hội thịnh vượng hơn", Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh.
Ông Tập điểm lại lịch sử bị xâm lược của Trung Quốc, đồng thời ca ngợi sức mạnh đoàn kết của đảng và nhân dân trong chấn hưng quốc gia, tái thiết đất nước thông qua cách mạng xã hội chủ nghĩa.
"Người Trung Quốc không chỉ giỏi đập bỏ thế giới cũ mà còn giỏi xây dựng thế giới mới. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới cứu được Trung Quốc, và chỉ có chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc mới có thể phát triển được Trung Quốc", ông Tập nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng một quốc gia mạnh phải có quân đội mạnh để đảm bảo an ninh quốc gia, và Quân Giải phóng Nhân Trung Quốc (PLA) đã đạt "những thành tựu không thể xóa nhòa", là "trụ cột vững chắc" trong bảo vệ đất nước. Ông đồng thời khẳng định đảng phải duy trì "quyền lãnh đạo tuyệt đối" với quân đội, quân đội phải được phát triển và nâng tầm "lên đẳng cấp thế giới".
Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc phục hồi nhanh chóng sau đợt bùng phát Covid-19 và có lập trường quyết đoán hơn trên trường toàn cầu, dù Bắc Kinh cũng phải đối mặt với những chỉ trích về các cáo buộc ở Hong Kong và Tân Cương, đồng thời phải đối mặt với nguy cơ già hóa dân số.
Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập năm 1921 và lên nắm quyền năm 1949 dưới thời Mao Trạch Đông, ban đầu chỉ kết nạp nông dân và công nhân, nhưng đã mở rộng để đi theo đường lối thị trường và kinh tế "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc".
Dữ liệu công bố hôm 30/6 cho thấy hàng ngũ đảng viên tăng 2,43 triệu người năm 2020, mức tăng hàng năm lớn nhất từ khi ông Tập lên nắm quyền, nâng tổng số đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc lên hơn 95 triệu.
Ông Tập đầu tuần này chủ trì các buổi biểu diễn tại Sân vận động Quốc gia "Tổ chim" với hàng nghìn người tham dự. Cuối buổi biểu diễn, khán giả đứng dậy hát bài "Không có đảng Cộng sản, không có Trung Quốc mới".
Trump thăm đoạn biên giới Mỹ - Mexico ở Texas, cảnh báo hàng triệu di dân không giấy tờ đang tràn vào đất nước do các chính sách lỏng lẻo của Biden.
"Giờ chúng ta có một biên giới mở, thực sự nguy hiểm, nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đất nước. Chúng ta nên quay trở lại các biện pháp trước đây thật nhanh", cựu tổng thống Trump nói ngày 30/6 sau khi trao đổi với cảnh sát trưởng tại Cục An toàn Công cộng tại thị trấn Weslaco, Texas.
"Hàng triệu người đang đến", Trump nói khi thăm đoạn biên giới ở Pharr, Texas. "Biden đang phá hủy đất nước chúng ta và tất cả bắt đầu bằng một cuộc bầu cử giả dối. Nếu bạn không có những cuộc bầu cử tốt và biên giới vững chắc, bạn không có đất nước".
Số người di cư bị giam ở Mỹ đã lên mức cao nhất trong 15 năm vào tháng ba, những người chỉ trích Biden cho rằng ông đã hạ thấp mức nghiêm trọng của tình hình. Tuy nhiên, con số này lên tới hàng trăm nghìn chứ không phải hàng triệu người như Trump nói và nhiều người di cư đang bị trả về Mexico.
Tháp tùng Trump trong chuyến thăm là Thống đốc Texas Greg Abbott, thuộc đảng Cộng hòa, người đã cam kết hoàn thành tường biên giới của Trump dọc theo biên giới bang của ông, nhưng bằng các khoản đóng góp tư nhân chứ không phải hỗ trợ liên bang.
Cựu tổng thống bày tỏ niềm tự hào về nỗ lực xây khoảng 650 km tường biên giới và giảm thiểu số lượng người di cư vượt biên vào Texas, New Mexico, Arizona, California. "Chúng tôi đã làm rất tốt", Trump nói.
Trump, người có thể tái tranh cử vào năm 2024 nhưng chưa công bố kế hoạch, đã nhiều lần công kích Biden vì khủng hoảng biên giới. Trong khi đó, đảng Dân chủ nói rằng đảng Cộng hòa đã đưa "màn trình diễn hề" đến biên giới để đánh lừa cử tri.
Tuần trước, Biden cử Phó Tổng thống Kamala Harris, người ông giao nhiệm vụ giám sát các nỗ lực kiểm soát người di cư, đến khu vực biên giới. Bà nhấn mạnh cam kết của chính quyền đối với các chính sách nhập cư "có trật tự và nhân đạo". Harris đến thăm El Paso nhưng hứng chịu nhiều lời chỉ trích vì thành phố biên giới nằm cách "tâm chấn" của làn sóng di cư hàng trăm km.
Chính quyền Myanmar hôm 30/6 trả tự do cho hơn 2.000 người biểu tình phản đối đảo chính từ các nhà tù khắp đất nước.
Sau khi giới chức thông báo thả tù nhân, một nhóm ít nhất 200 người đã tụ tập bên ngoài nhà tù Insein, có từ thời thuộc địa ở Yangon, với hy vọng trông thấy người nhà. Họ áp sát rào chắn, nhiều người cầm ô che mưa. Một phụ nữ cầm hoa, một người đàn ông đợi con gái và bày tỏ "rất tự hào về con".
"Tôi sẽ khuyến khích cháu chiến đấu tới khi giành thắng lợi", ông nói.
Đến tối, khoảng 2.296 người biểu tình đã được phóng thích khỏi nhà tù, theo thông báo của chính quyền quân sự Myanmar. Nhà báo Kay Zon Nway của tờ Myanmar Now cũng nằm trong số những người được phóng thích khỏi Insein. Cô cho biết đã trải qua "nhiều chuyện" trong nhà tù, nhưng sẽ giải thích sau.
Nhà báo Mỹ Danny Fenster vẫn bị giam tại Insein sau khi bị bắt hôm 24/5. Không có người nước ngoài nào nằm trong số những người được phóng thích khỏi Insein hôm 30/6, một quan chức nhà tù cho biết.
Ye Myo Khant, phóng viên ảnh 20 tuổi của Cơ quan Báo chí Myanmar, được trả tự do hôm 30/6 sau 120 ngày bị bắt giam. "Tôi đang đưa tin thì họ ập tới bắt giữ tôi vô cớ", anh nói.
Richard Horsey, cố vấn cấp cao về Myanmar cho Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nhận định việc phóng thích sẽ được các cá nhân và gia đình hoan nghênh, nhưng "nó sẽ không thể làm giảm sự phản đối của người dân với chính quyền quân sự".
Hồi tháng hai, chính quyền đã trả tự do cho 23.000 tù nhân, khi một số nhóm nhân quyền lo ngại động thái này nhằm giải phóng không gian để lấy chỗ giam những người chống đối quân đội.
Myanmar lâm vào khủng hoảng sau khi quân đội đảo chính ngày 1/2, bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các quan chính phủ. Phong trào biểu tình phản đối đảo chính đã lan rộng cả nước. Theo một nhóm giám sát địa phương, hơn 880 dân thường thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh, gần 6.500 người bị bắt.
Thủ tướng Johnson ngày 29/6 nói "nhiều khả năng" Anh "có thể trở lại cuộc sống thời kỳ trước Covid" vào thời gian này.
Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn vô cùng thận trọng, bắt đầu áp đặt các quy tắc kiểm soát khắt khe hơn với người đến từ Anh trong nỗ lực nhằm ngăn chặn biến chủng Delta xâm nhập.
Đức tuần trước mở cửa biên giới với khách nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ song Anh không nằm trong danh sách. Đặc khu Hong Kong hôm qua có động thái tương tự, xếp Anh vào những địa điểm "cực kỳ rủi ro".
Ngay cả bên trong nước Anh, một số chuyên gia lo ngại giới chức đang phớt lờ những bài học quan trọng về biến chủng Delta. Họ kêu gọi các quốc gia khác theo dõi sát sao tình hình ở Anh để rút ra kinh nghiệm cho chính bản thân mình.
"Những gì chúng ta đang thấy là sự nguy hiểm của chiến lược chỉ dựa vào vaccine", Gurdasani nói. "Vaccine chắc chắn là một phần rất quan trọng trong phản ứng của chúng ta nhưng ta cũng cần bảo vệ vaccine và giảm lây truyền".
Biến chủng Delta hiện gây ra hầu hết các ca nhiễm mới ở Anh. Tại Mỹ, cứ ca nhiễm lại có một ca mang biến chủng Delta và giới chức nước này đang cân nhắc tái áp dụng các biện pháp hạn chế ngay cả với những người đã tiêm chủng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong khi đó cảnh báo Liên minh châu Âu đang ở vào tình thế "đứng trên lớp băng mỏng" trong cuộc chiến với Delta, lo ngại biến chủng này sẽ đập tan mọi nỗ lực của châu lục suốt thời gian qua nhằm giảm thiểu tốc độ lây nhiễm.
Trước mức độ nguy hiểm của biến chủng Delta, các chuyên gia ở Anh đang thúc giục chính phủ và cộng đồng thay đổi nhận thức về Covid-19. Chuyên gia chỉ ra những bằng chứng mới cho thấy các ca nhiễm hiện nay có triệu chứng khác so với năm ngoái.
"Nhiều người có các triệu chứng giống như cúm mùa hay thậm chí như dị ứng phấn hoa", Gurdasani nói. "Chúng ta cần mở rộng các tiêu chí xét nghiệm và thông báo điều này tới người dân. Sẽ có những người thậm chí bị nhiễm bệnh mà không hay biết".
Một số quốc gia đã bổ sung những triệu chứng mới của việc nhiễm Covid-19. Ví dụ Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã thêm các dấu hiệu bao gồm sổ mũi, đau họng và mệt mỏi vào danh sách 11 triệu chứng chính thức.
Nhưng tại Anh, ba triệu chứng Covid-19 cần tiến hành xét nghiệm vẫn không thay đổi kể từ khi dịch bùng phát đến nay, gồm sốt, ho và thay đổi vị giác hoặc khứu giác.
Điều này khác xa với dữ liệu trên ứng dụng nghiện cứu triệu chứng Covid-19 ZOE của nhà dịch tễ học Tim Spector. Theo đó, các triệu chứng phổ biến nhất được báo cáo hiện nay là nhức đầu, sổ mũi, hắt hơi và đau họng.
"Chúng ta đang nhìn thấy hàng loạt triệu chứng khác nhau và nhiều người sẽ không nhận ra họ đang mắc Covid-19 nếu chỉ dựa vào những dấu hiệu do chính phủ đưa ra", Spector nói. "Hiện tại, chúng ta không bắt gặp triệu chứng mất khứu giác thường xuyên như trước đây nữa. Chúng tôi không biết tại sao lại như vậy".
Vì virus đang lây lan mạnh sang các nhóm tuổi trẻ hơn, giới chuyên gia kêu gọi giới chức tập trung chiến lược kiểm soát vào một mục tiêu mới: Trường học.
"Rõ ràng có rất nhiều ca lây truyền bên trong các trường học. Chúng ta chưa có biện pháp đối phó với điều đó", Gurdasani lưu ý.
Bộ Giáo dục Anh cho biết tại các trường công lập, cứ 30 học sinh lại có một em nghỉ học vì lý do liên quan đến Covid-19 trong tuần thứ hai của tháng 6, tăng từ tỷ lệ 1/83 ở tuần trước đó.
Những lý do bao gồm nhiễm Covid-19 hoặc phải tự cách ly do tiếp xúc gần với người dương tính với Covid-19. Song chính phủ Anh đã dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học từ hồi tháng 5.
"Nó đã trở thành một loại virus của những người trẻ tuổi và chúng ta khiến việc này xảy ra vì không ngăn chặn sự lây truyền trong các môi trường như trường học", Gurdasani nói.
Các ổ dịch biến chủng Delta gần đây xuất hiện trong trường học của Israel, một quốc gia khác có tỷ lệ tiêm chủng cao, càng làm gia tăng mối lo ngại.
"Chúng ta cần tập trung lại toàn bộ chiến lược của mình vào việc giảm thiểu khả năng lây truyền", Gurdasani cho hay. "Tất cả các nước cần tập trung lâu dài vào khẩu trang và máy thở cũng như chiến lược dập dịch khi chúng bùng phát".
Triều Tiên hiếm khi tiết lộ thông tin về sức khỏe của các lãnh đạo và nhiều đồn đoán từng dấy lên về tình trạng của họ.
Nhiều suy đoán đang được đưa ra về sức khỏe của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, 37 tuổi, khi ông có vẻ đã sụt cân đáng kể sau hơn một tháng không xuất hiện trước công chúng.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên đề cập đến vấn đề này vào tuần trước, dẫn lời một người dân Bình Nhưỡng nói rằng mọi người đều lo lắng khi thấy lãnh đạo "tiều tụy". Đây là động thái bất thường vì sức khỏe của lãnh đạo là một trong những bí mật được giữ kín nhất của Triều Tiên và truyền thông rất hiếm khi nhắc đến vấn đề này.
Kim Nhật Thành, ông nội của Kim Jong-un, từng có một khối u to bằng quả bóng tennis, không thể phẫu thuật ở sau gáy, khiến truyền thông nhà nước cấm quay phim ông từ một số góc độ nhất định.
Báo chí Hàn Quốc từng đưa tin sai về sức khỏe của Kim Nhật Thành, thậm chí loan tin không đúng sự thật về việc ông qua đời. Ngày 16/11/1986, Chosun, báo lớn nhất Hàn Quốc, đăng một tin ngắn từ phóng viên tại Tokyo, cho biết có tin đồn ở Nhật Bản rằng ông Kim Nhật Thành đã qua đời. Hôm sau, phát ngôn viên quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên thông báo qua loa phóng thanh ở biên giới rằng lãnh đạo Kim Nhật Thành đã bị ám sát.
Chosun vốn không ra báo vào thứ hai nhưng tờ này đã phá lệ, phát hành thêm một số vào thứ hai, ngày 17/11/1986 để đăng thông tin này. Trong số báo ra ngày 18/11/1986, họ mô tả "vụ ám sát" Kim Nhật Thành trên 7 trang báo. Các báo khác cũng theo chân Chosun đăng tin tương tự.
Tin đồn thất thiệt này sau đó bị xóa tan khi Kim Nhật Thành xuất hiện tại một sân bay ở Bình Nhưỡng để chào đón một phái đoàn Mông Cổ. "Kim Nhật Thành bị bắn chết" trở thành một trong những tựa đề tai tiếng nhất lịch sử báo chí Hàn Quốc.
Chosun không đăng tin đính chính nhưng đã xin lỗi về sự cố này vào tháng 3/2020, khi kỷ niệm 100 năm thành lập tờ báo. Ông Kim Nhật Thành qua đời vì đau tim vào tháng 7/1994.
Tháng 10/2008, các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết Kim Jong-il, bố của ông Kim Jong-un, có thể đã bị đột quỵ vài tháng trước đó. Một bác sĩ người Pháp từng điều trị cho Kim Jong-il ở Bình Nhưỡng nói với báo địa phương rằng Kim Jong-il đã bị đột quỵ nhưng không phải phẫu thuật và sau đó đã bình phục.
Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Triều Tiên sau đó nói rằng các tin đồn về sức khỏe của Kim Jong-il sai sự thật. Một năm trước đó, Kim Jong-il tuyên bố tin đồn ông bị bệnh là "hư cấu".
Khi Kim Jong-il qua đời vào ngày 17/12/2011, thế giới bên ngoài không có manh mối nào cho đến khi truyền thông nhà nước Triều Tiên thông báo hai ngày sau.
Năm 2014, ông Kim Jong-un vắng bóng trước công chúng trong 40 ngày. Nhiều đồn đoán dấy lên khi truyền hình Triều Tiên nói rằng ông "cảm thấy khó ở", được coi như thừa nhận ngầm rằng ông bị bệnh.
Trong một bộ phim tài liệu được truyền thông nhà nước ghi hình từ trước, Kim Jong-un dường như đi lại khó khăn. Tuy nhiên, trong một chuyến thăm tới Hàn Quốc, một quan chức cấp cao Triều Tiên đã bác bỏ việc Kim Jong-un bị ốm, nói rằng ông "không có vấn đề gì cả".
Đầu năm 2020, đồn đoán về sức khỏe của Kim Jong-un "bùng nổ" sau khi ông không xuất hiện trên truyền thông nhà nước vào dịp kỷ niệm sinh nhật ông nội Kim Nhật Thành ngày 15/4.
Truyền thông Triều Tiên không bao giờ đề cập hoặc giải thích về sự vắng mặt này của Kim Jong-un, bất chấp nhiều đồn đoán trên truyền thông quốc tế. Trang Daily NK chuyên đưa tin về Triều Tiên dẫn nguồn tin giấu tên nói rằng ông Kim trải qua ca phẫu thuật tim ngày 12/4/2020 tại khu nghỉ dưỡng Hyangsan, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng. Còn có tin đồn ông "rơi vào tình trạng nghiêm trọng sau phẫu thuật".
Tuy nhiên, cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết Kim Jong-un vẫn thực hiện nhiệm vụ bình thường, nhưng đã giảm hoạt động công khai do lo ngại về Covid-19. Cuối cùng, Kim Jong-un tái xuất vào ngày 1/5 khi dự lễ khánh thành một nhà máy phân bón sau 20 ngày vắng mặt, đập tan những tin đồn về tình trạng sức khỏe của ông.
Xoay quanh việc Kim Jong-un giảm cân, Jenny Town, giám đốc dự án 38 North có trụ sở tại Mỹ, cho biết hiện vẫn chưa rõ việc ông Kim gầy đi là do mắc bệnh hay do ông chủ động giảm cân.
Nếu sức khỏe của ông Kim suy giảm, bộ máy chính quyền Triều Tiên có thể rơi vào hỗn loạn. "Ông ấy giảm rất nhiều cân, sức khỏe của ông ấy là điều rất quan trọng đối với hoạt động và số phận đất nước, đó là lý do mọi người theo dõi chặt chẽ vấn đề này", Town nói.
Giới chức phát hiện thêm 4 thi thể trong đống đổ nát của chung cư 12 tầng bị sập ở Florida, nâng số người chết lên 16.
Tính đến trưa 30/6 (tối 30/6 giờ Hà Nội) 16 thi thể đã được đưa ra hiện trường vụ sập chung cư Champlain Tower South ở thị trấn Sufside. 147 người vẫn chưa được tìm thấy, Thị trưởng Miami-Dade Daniella Levine Cava nói trong cuộc họp báo hôm nay ở Florida.
Hoạt động tìm kiếm và cứu hộ lớn đã bước sang ngày thứ sáu. Giới chức chưa đưa người nào sống sót ra khỏi đống đổ nát nhưng họ vẫn hy vọng tìm thấy người còn sống.
Hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn đến vụ sập một phần tòa chung cư đã chống chọi những trận cuồng phong hàng thập kỷ ngày 24/6. Sở cảnh sát Miami-Dade đang dẫn đầu cuộc điều tra, song lưu ý không có bằng chứng nào về hành vi phá hoại. Nhưng một báo cáo kỹ thuật năm 2018 về chung cư 12 tầng, 136 căn hộ, được chuẩn bị trước quy trình tái chứng nhận an toàn của tòa nhà, đã phát hiện ra những khiếm khuyết về cấu trúc, hiện là trọng tâm của cuộc điều tra.
Quan chức lực lượng cứu hộ Miami-Dade Raide Jadallah cho biết họ đang đào bới đống đổ nát với những khối bê tông có kích thước bằng quả bóng rổ, bóng chày, đồng thời nhấn mạnh "công việc này sẽ mất thời gian, không thể diễn ra trong một sớm một chiều".
Các máy móc hạng nặng hơn đã được triển khai tại hiện trường để xử lý các khối bê tông lớn hơn. Jadallah nhấn mạnh cuộc tìm kiếm diễn ra vô cùng khó khăn, lực lượng cứu hộ hiểu nỗi lo của các gia đình nạn nhân nhưng hoạt động này rất lớn và nguy hiểm.
Các nguồn tin thân cận cho biết, cả hai anh em Hoàng tử William và Harry không hề có ý nghĩ sẽ hàn gắn rạn nứt dù chuẩn bị cùng tham dự sự kiện quan trọng về người mẹ quá cố.
Tờ Dailymail dẫn lời một người bạn thân của cả hai cho biết, Hoàng tử Harry hiện đã trở về Anh để chuẩn bị tham dự lễ khánh thành bức tượng người mẹ quá cố, Công nương Diana. Tuy nhiên, theo nguồn tin này, Hoàng tử William và em trai Harry không hề có ý định làm lành với nhau dù rằng hiện cả hai đang ở gần nhau nhất trong nhiều tháng qua.
Nguồn tin từ Sunday Times cho biết, chính những người bạn chung của hai anh em nói rằng, họ không tin cả hai có thể hàn gắn rạn nứt - mặc dù lần đầu tiên họ ở cùng một nơi kể từ sau đám tang của ông nội là Hoàng thân Philip vào ngày 17/4.
Anh em Hoàng tử Anh "xa cách" trong đám tang Hoàng thân Philip.
"Không ai trong số hai người thể hiện ý định muốn chấm dứt những bất đồng. Tôi sợ rằng tình hình cũng sẽ tương tự như ở lễ tang Hoàng thân Philip, chỉ là cái gật đầu chào và đó là tất cả", một người bạn cho biết.
Một nguồn tin khác lại cho rằng "vào ngày trọng đại đó thì cả hai sẽ khó có thể tách rời bởi "tất cả mọi thứ đều đã chuẩn bị sẵn cho sự tốt đẹp nhất" trong sự kiện này với mục đích tôn vinh những di sản của người mẹ quá cố của cả hai, Công nương Diana.
Những rạn nứt giữa hai anh em Hoàng tử Anh được cho là bùng nổ sau cuộc phỏng vấn bom tấn kéo dài 2 giờ đồng hồ của Harry và vợ Meghan với "nữ hoàng truyền hình" Mỹ Oprah Winfrey, được phát sóng hồi tháng 3 trên đài CBS. Trong cuộc phỏng vấn, Harry đã đề cập đến mối quan hệ của mình với anh trai William và không ngần ngại thừa nhận có khoảng cách rất lớn với anh trai.
Công nương Diana cùng các con trai William và Harry trong kỳ nghỉ với Hoàng gia Tây Ban Nha tại Cung điện Marivent ở Palma de Mallorca, Tây Ban Nha, tháng 8/1987 (Ảnh: Getty)
Hoàng tử Harry nói với người dẫn chuyện: "Như tôi đã nói trước đây, tôi yêu quý William. Anh ấy là anh trai của tôi. Chúng tôi đã trải qua những thời khắc tồi tệ cùng nhau... Nhưng chúng tôi đang đi trên những con đường khác nhau".
Hoàng tử Harry hiện đang tự cách ly tại Dinh thự Frogmore ở Windsor sau khi từ Mỹ bay về Anh vào cuối tuần qua. Đây là chuyến trở về nhà đầu tiên của Harry kể từ sau khi về dự đám tang của ông nội 10 tuần trước.
Sự trở về lần này của Harry để tham dự sự kiện khánh thành bức tượng người mẹ quá cố, Công nương Diana đã trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông và người dân Anh. Nữ hoàng Anh Elizabeth II mới đây được cho là cũng có động thái bất ngờ khi tự lái xe đến Dinh thự Frogmore để thăm cháu trai.
Kể từ khi công nương Diana qua đời vào tháng 8/1997, Hoàng tử William và Hoàng tử Harry đã nỗ lực không ngừng nghỉ để bảo tồn di sản của bà.
Tháng 1/2017, cả hai đã công bố ra mắt bức tượng để vinh danh cuộc đời người mẹ quá cố. Bức tượng Công nương Diana được đặt làm để đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày mất của bà và ghi nhận những ảnh hưởng lớn của Công nương xứ Wales nổi tiếng một thời ở Vương quốc Anh và trên toàn thế giới. Kế hoạch ban đầu là sẽ khánh thành vào cuối năm 2017 nhưng sau đó dời đến tháng 8/2020 cho đến nay.
Bức tượng sẽ được đặt trong Khu vườn Sunken của Cung điện Kensington vào ngày 1/7 tới, đánh dấu sinh nhật lần thứ 60 của Công nương Diana. Nhà điêu khắc bức tượng là Ian Rank-Broadley, nổi tiếng với những tác phẩm điều khắc về Nữ hoàng, vốn đã xuất hiện trên tất cả các đồng xu ở Vương quốc Anh và Khối thịnh vượng chung từ năm 1998. Ông cũng thiết kế một đồng tiền vàng đánh dấu năm Đại lễ kỷ niệm đám cưới kim cương của Nữ hoàng vào năm 2012.
Bác sĩ nghi ngờ có dấu hiệu bạo hành trẻ em nên báo cảnh sát và vạch trần hành vi tàn ác của bà mẹ.
Cảnh sát thành phố Sapporo, tỉnh Hokkaido (Nhật Bản) mới đây đã bắt giữ một phụ nữ 20 tuổi vì tội bạo hành trẻ em. Cô ta đã phạt cậu con trai 2 tuổi bằng cách nhốt đứa trẻ vào tủ quần áo dẫn đến tử vong.
Tờ báo Sankei Shimbun đưa tin đứa trẻ được đưa đến bệnh viện trong tình trạng tim ngừng đập hôm 22/6. Các bác sĩ đã dốc hết sức lực cứu chữa nhưng cậu bé đã tử vong hôm 23/6 do chết não. Ngay sau cái chết của cậu bé, các bác sĩ nghi ngờ có dấu hiệu bạo hành nên báo cảnh sát và vạch trần hành vi tàn ác của bà mẹ tên Aika Matsubara, một bà mẹ đơn thân 20 tuổi.
Truyền thông Nhật Bản đưa tin cậu bé Reia bị mẹ ruột bạo hành dẫn đến tử vong.
Theo thông tin do cảnh sát cung cấp, Aika Matsubara đã nhốt con trai Reia (2 tuổi) của mình vào tủ quần áo trong 30 phút, bắt đầu từ khoảng 1 giờ 20 chiều 22/6 tại căn hộ nơi 2 mẹ con sống ở phường Kita, thành phố Sapporo. Khi mở tủ ra thì đứa trẻ đã bất tỉnh. Các nhà điều tra nghi ngờ có thể cậu bé bị nhốt trong tủ quá lâu dẫn đến thiếu oxy và ngạt thở.
Bà ngoại của cậu bé Reia đã gọi tới số 119 yêu cầu trợ giúp sau khi bà nhận được cuộc gọi từ con gái nói rằng Reia đã "ngã quỵ và không còn sự sống" trên sàn nhà.
Matsubara hiện đã bị cảnh sát bắt giữ để điều tra vì tội bạo hành trẻ em.
Cảnh sát cho biết Matsubara đã thừa nhận nhốt cậu bé trong tủ quần áo vì cậu bé không chịu nghe lời. Cảnh sát và trung tâm phúc lợi trẻ em địa phương cho biết họ chưa từng nhận được bất kỳ báo cáo nào trước đây về việc lạm dụng trẻ em liên quan đến cậu bé Reia.
Hiện Matsubara đã bị cảnh sát bắt giữ để điều tra về tội bạo hành trẻ em. Chưa rõ bản án dành cho người mẹ trẻ này sau cái chết tức tưởi của con trai nhưng sự việc này đang gây phẫn nộ trong dư luận.
Các đại sứ EU nhất trí kéo dài các biện pháp trừng phạt kinh tế đã áp đặt với Nga từ năm 2014 vì khủng hoảng Ukraine.
Lệnh trừng phạt sẽ được gia hạn thêm 6 tháng, đến cuối tháng 1/2021. Các ngoại trưởng EU sẽ chính thức ký lệnh tại cuộc họp ở Brussels ngày 12/7. Chúng nhắm vào các lĩnh vực ngân hàng, năng lượng và quốc phòng chủ chốt của Nga.
Các biện pháp này được áp đặt vào năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine. Kế hoạch hòa bình cho miền đông Ukraine, được thống nhất giữa Moskva, Kiev, Berlin và Paris vào năm 2015, không đạt được tiến bộ nào. Giao tranh lẻ tẻ vẫn xảy ra giữa lực lượng Ukraine và phe ly khai do Nga hậu thuẫn. Điện Kremlin đã làm gia tăng căng thẳng vào đầu năm nay bằng cách triển khai hàng chục nghìn binh sĩ tới biên giới nước láng giềng.
EU đang tìm cách sửa đổi chiến lược đối phó với Nga. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng chính sách trừng phạt của khối đã "đi đến giới hạn".
Đức và Pháp tuần trước đề xuất tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Putin, hoạt động đã bị đóng băng kể từ năm 2014. Tuy nhiên, các lãnh đạo EU phản đối. Họ yêu cầu người đứng đầu chính sách đối ngoại Josep Borrell và Ủy ban châu Âu "đưa ra lựa chọn về các biện pháp hạn chế bổ sung, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt kinh tế" với Nga nếu quan hệ trở nên xấu thêm.
Sách Kỷ lục Thế giới Guinness công bố Emilio Flores Marquez, từ Puerto Rico, 112 tuổi, trở thành người đàn ông sống lâu nhất thế giới.
Marquez, sinh ra ở Carolina, phía đông thủ đô San Juan của Puerto Rico vào năm 1908, đã sống 112 năm 326 ngày. Sách Kỷ lục Thế giới Guinness trao tặng Marquez chứng nhận tại nhà và thông báo trên web hôm nay.
"Cha tôi đã nuôi nấng tôi bằng tình yêu thương và dạy tôi phải yêu thương mọi người. Ông ấy luôn khuyên tôi và các anh chị em làm điều tốt, chia sẻ mọi thứ với người khác. Ngoài ra, tôi luôn đặt Chúa trong tim", Marquez chia sẻ về bí quyết sống lâu.
Là con thứ hai trong số 11 anh chị em, Marquez làm việc trong trang trại mía của gia đình và chỉ học đến lớp ba. Andrea Pérez De Flores, người vợ đã chung sống với ông 75 năm, đã qua đời năm 2010. Họ có với nhau 4 người con.
Người đàn ông thọ nhất trước đây được Sách Kỷ lục Thế giới Guinness công nhận là Dumitru Comănescu, từ Romania, qua đời vào ngày 27/6/2020, hưởng thọ 111 tuổi 219 ngày.
Sau khi Comănescu qua đời, Guinness nhận được bằng chứng Marquez đã sinh sớm hơn người giữ kỷ lục trước đó ba tháng. "Chúng tôi luôn vinh dự khi được tôn vinh những con người phi thường này, năm nay chúng tôi nhận được hồ sơ của không chỉ một mà hai ứng viên cho danh hiệu người đàn ông sống thọ nhất", Craig Glenday, tổng biên tập của Sách Kỷ lục Thế giới Guinness, cho biết.
Sau giai đoạn đen tối của Covid-19 tại Mỹ, Andrea Valencia, một người truy vết tiếp xúc, lại đứng trước nhiệm vụ quan trọng khi biến chủng Delta trỗi dậy.
Hồi tháng một, thành phố Richmond thuộc bang Virginia, Mỹ, ghi nhận tới 500 ca nhiễm nCoV mới mỗi ngày, khiến Valencia và các đồng nghiệp tại cơ quan y tế cộng đồng địa phương phải làm việc cật lực bên điện thoại. Họ chỉ có vài phút để ghi lại lịch trình của mỗi người, nếu liên lạc được, thậm chí không kịp hướng dẫn cách ly hoặc đảm bảo người được gọi sẽ làm vậy.
Giờ đây, chỉ với khoảng 10 ca nhiễm mới mỗi ngày, Valencia có thể gọi điện cho tất cả ca nhiễm cùng những trường hợp tiếp xúc gần với họ, kêu gọi cách ly và đề nghị giúp đỡ. "Đôi khi chúng tôi gọi điện cho một người nhiều lần trong tuần. Chúng tôi có thể cùng họ vượt qua", điều tra viên y tế cộng đồng 35 tuổi cho biết.
Hồi mùa xuân năm ngoái, giới chức y tế và các học giả dự đoán Mỹ sẽ cần 100.000 - 300.000 người đảm nhiệm việc truy vết các ca nhiễm nCoV và những người tiếp xúc với họ nhằm ngăn virus lây lan, trong bối cảnh Mỹ trở thành vùng dịch nghiêm trọng nhất thế giới.
Adriane Casalotti, một lãnh đạo trong Hiệp hội Quốc gia của Quan chức Y tế Hạt và Thành phố, cho biết không rõ cuối cùng có bao nhiêu nhân viên truy vết đã được tuyển, nhưng đánh giá họ "dường như chưa bao giờ đạt được số lượng người cần thiết trên toàn quốc".
Theo cuộc khảo sát do các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) dẫn đầu, công tác truy vết tiếp xúc từ tháng 6 đến tháng 10/2020 không đủ để giảm mức độ lây nhiễm virus trong hầu hết cộng đồng, bởi cứ ba ca nhiễm thì hai người không liên lạc được, hoặc không liệt kê bất kỳ tiếp xúc nào khi được phỏng vấn.
Tuy nhiên, giới chức cho biết số ca nhiễm nCoV mới tại Mỹ giờ đây giảm mạnh đến mức nhu cầu nhân lực truy vết tiếp xúc thấp hơn nhiều. Các cơ quan y tế cộng đồng, bao gồm ở Richmond, đang cắt giảm số lượng nhân viên truy vết tiếp xúc, để họ rời đi hoặc trở lại công việc thông thường trước đây trong hệ thống y tế.
Giữa lúc tình hình đại dịch hạ nhiệt, biến chủng Delta, lần đầu xuất hiện tại Ấn Độ và có khả năng lây nhiễm mạnh hơn, lại trở thành mối đe dọa mới. 20% số ca nCoV mới tại Mỹ hiện nay là nhiễm biến chủng này, tăng mạnh so với mức 10% hai tuần trước. Delta được dự đoán sẽ sớm trở thành biến chủng trội tại Mỹ.
Do đó, Crystal Watson, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cho biết công tác truy vết tiếp xúc lại trở nên đặc biệt quan trọng. "Chúng ta có thể giảm tỷ lệ lây nhiễm xuống thấp hơn nữa và tăng cường sự bảo vệ đối với những người chưa được tiêm chủng", cô đánh giá.
Giới chức y tế cũng hy vọng xác định được tất cả trường hợp nhiễm hoặc tiếp xúc, ghi lại lịch trình và thuyết phục họ tránh xa những người khác. Valencia cho biết nhóm của cô giờ đây hướng đến mục tiêu chặn đứng các đợt bùng phát mới nhờ việc truy vết, nhiệm vụ được cho là nằm trong tầm với.
Các quỹ liên bang mới, bao gồm 7,4 tỷ USD từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, đang giúp đào tạo nhân lực phản ứng nhanh chóng với các cụm dịch Covid-19 và những bệnh khác. Sở Y tế Cộng đồng San Francisco, bang California, cho biết họ có 216 nhân viên chuyên điều tra các ca nhiễm và truy vết tiếp xúc vào lúc cao điểm của đợt bùng phát hồi mùa đông, giúp giám sát trung bình 240 ca nhiễm và 156 trường hợp tiếp xúc mới mỗi ngày.
Từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, Sở chỉ phải theo dõi trung bình 17 ca nhiễm mới và 19 trường hợp tiếp xúc mới mỗi ngày. Tiến sĩ Stephanie Cohen, quyền giám đốc phụ trách kiểm soát và phòng chống dịch bệnh tại cơ quan này, cho biết 35 nhân viên của họ đang theo dõi các ca nhiễm nCoV và một nhóm nòng cốt sẽ được duy trì.
Cohen cho hay họ đang đặc biệt tập trung vào những người đã tiêm vaccine Covid-19, bởi đối tượng này vẫn có nguy cơ nhiễm biến chủng Delta đáng lo ngại. Khoản trợ cấp liên bang 5 năm giúp họ tuyển thêm các chuyên gia xử lý dịch bệnh và cải thiện hệ thống dữ liệu, nhằm phát hiện và ứng phó các cụm lây nhiễm.
Trong khi đó, bang Virginia điều chỉnh chiến lược truy vết tiếp xúc, triển khai các nhóm nhỏ hơn đã được đào tạo thêm về y tế cộng đồng nhằm xây dựng mối quan hệ trong trường học, doanh nghiệp, nhà tù và những cơ sở khác có thể bùng phát dịch. "Họ đang đóng vai trò là các nhà dịch tễ học cơ sở", Elena Diskin, quản lý về dịch tễ học cho chương trình truy vết tiếp xúc bang Virginia, cho biết.
Virginia sở hữu ứng dụng truy vết tiếp xúc riêng, giúp người dùng biết họ có tiếp xúc với ca nhiễm hay không hoặc báo cáo y tế. Tuy nhiên, công cụ này không dùng để thay thế đội ngũ nhân viên y tế cộng đồng, mà là "sự bổ sung thực sự tuyệt vời", Diskin nhận xét.
Valencia, người di cư từ Colombia đến Mỹ từ nhỏ, tập trung vào các cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha tại thành phố Richmond. Trong đợt bùng phát hồi mùa đông, nhiệm vụ của cô là gọi điện cho mọi người để thông báo họ đã nhiễm nCoV, cung cấp thông tin và các dịch vụ.
Đôi khi việc liên lạc gặp khó khăn. Trong số những người nhấc máy, nhiều trường hợp cần hỗ trợ, nên nhóm của Valencia đã sắp xếp giao đồ ăn cho họ, hoặc gọi dịch vụ giặt là cho hộ gia đình bị cách ly. Giờ đây, ngày càng nhiều người đáp lại cuộc gọi.
"Tôi hy vọng cộng đồng đã tin tưởng chúng tôi một chút, hiểu rằng chúng tôi muốn giúp đỡ họ", cô cho biết.
Putin phản đối việc bắt buộc người dân cả nước tiêm phòng Covid-19, dù Nga báo cáo ca tử vong tăng kỷ lục ngày thứ hai liên tiếp.
"Tôi không ủng hộ tiêm chủng bắt buộc", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong phiên hỏi đáp trực tuyến hàng năm với người Nga trên truyền hình hôm nay.
Đề cập quyết định của một số chính quyền địa phương về tiêm chủng bắt buộc, Tổng thống Nga nhắc lại luật liên quan có hiệu lực từ năm 1998, cho phép chính quyền các vùng có quyền buộc một số nhóm công dân phải tiêm phòng trong bối cảnh gia tăng ca nhiễm.
Putin cho biết khoảng 23 triệu người Nga đã được tiêm phòng và xác nhận ông đã tiêm vaccine Sputnik V được sản xuất trong nước hồi đầu năm nay. Ông cũng kêu gọi người Nga lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia và đi tiêm phòng để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
"Các chuyên gia đã nói điều này nhiều lần, cả trên TV và Internet, chúng ta chỉ có thể ngăn chặn dịch lây lan bằng cách tiêm vaccine. Chúng ta có cơ hội này, chúng ta có 4 loại vaccine công nghệ cao, an toàn và hiệu quả. Vì vậy, tôi hy vọng định kiến của một số công dân sẽ biến mất khi quá trình tiêm chủng tiếp tục diễn ra", Putin nói.
Bình luận của Putin được đưa ra khi Ủy ban ứng phó Covid-19 của chính phủ Nga hôm nay báo cáo thêm 21.042 ca nhiễm và 669 ca tử vong, nâng số người nhiễm và tử vong do Covid-19 tại vùng dịch lớn thứ năm thế giới lên lần lượt 5.514.599 và 135.214. Ca tử vong mới cao hơn con số kỷ lục 652 được ghi nhận hôm qua.
Nga đang phải vật lộn đối phó sự gia tăng ca nhiễm do biến chủng Delta và tỷ lệ tiêm chủng thấp vì người dân chần chừ tiêm vaccine. Một trong những điểm nóng của đại dịch là thành phố St. Petersburg, nơi sẽ diễn ra trận tứ kết Euro 2020 cuối tuần này với sự tham dự của hàng nghìn cổ động viên, phần lớn đến từ các quốc gia khác.
Trong vài tuần qua, St. Petersburg và thủ đô Moskva đã chứng kiến ca nhiễm tăng đột biến, khiến giới chức phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và thúc đẩy quá trình tiêm chủng. Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin nói rằng biến chủng Delta chiếm 90% ca nhiễm mới ở thủ đô.
Moskva là thành phố đầu tiên ở Nga thực hiện tiêm chủng bắt buộc, yêu cầu ít nhất 60% nhân viên ngành dịch vụ phải được tiêm vaccine đầy đủ vào giữa tháng 8. Một số vùng của Nga có động thái tương tự, yêu cầu một số nhóm công dân nhất định phải tiêm một trong những loại vaccine được sản xuất trong nước.
Chính quyền quân sự Myanmar xóa cáo buộc kích động nổi loạn với 24 người nổi tiếng từng bị truy nã vì ủng hộ biểu tình chống đảo chính.
Myawaddy, đài truyền hình do quân đội Myanmar quản lý, hôm nay cho biết cáo buộc chống lại 24 người nổi tiếng được xóa bỏ do chính quyền xác nhận họ bị "các yếu tố bên ngoài tác động".
Đây là những diễn viên, vận động viên và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Myanmar, từng bị đưa vào danh sách truy nã của quân đội vì tội "kích động nổi loạn chống chính quyền" cùng hàng trăm người khác.
"Tôi mừng cho họ, nhưng tôi lo rằng họ sẽ phải im lặng sau vụ này", nhà hoạt động Myanmar Khin Sandar nói.
Kể từ khi đảo chính quân sự nổ ra ở Myanmar hôm 1/2, nhiều người nổi tiếng nước này, bao gồm các hoa hậu, người mẫu, đã ủng hộ các cuộc biểu tình phản đối quân đội và kêu gọi khôi phục chính quyền dân sự.
Cựu hoa hậu Htar Htet Htet hôm 11/5 thông báo gia nhập phiến quân ở khu vực biên giới và sẵn sàng cầm súng đấu tranh chống chính quyền quân sự. Trong khi đó, các hoa hậu Thuzar Wint Lwin và Han Lay mượn đấu trường nhan sắc quốc tế để "khẩn thiết kêu gọi thế giới" hỗ trợ đất nước.
Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết lực lượng an ninh Myanmar đã bắt hơn 5.200 người và phát lệnh truy nã gần 2.000 người biểu tình chống đảo chính.
Yu Chen, 23 tuổi, cảm nhận tim đập bất thường và thấy khó thở sau hai tuần liên tục tăng ca tới quá nửa đêm.
Chen suýt chết vào nửa đêm một ngày tháng 2. Khoảng 3h sáng, Chen vẫn làm việc tăng ca tại nhà. Hơn hai tuần liên tục, anh thức khuya nhưng vẫn dậy sớm vào sáng hôm sau. Cứ buồn ngủ là Chen lại châm một điếu thuốc, giữ cho mình tỉnh táo.
Nhưng đêm hôm đó, trái tim của Chen không chịu làm thêm giờ. Chen cảm thấy không khỏe, ngả lưng một chút để nghỉ ngơi nhưng đầu óc vẫn quay cuồng nghĩ về công việc. Anh cảm thấy tim mình ngừng đập trong giây lát, rồi đập lại nhưng rất chậm.
Chen bắt đầu khó thở, mắt hoa lên, nhìn thấy những chấm nhỏ li ti. Anh ngồi dậy, hít thở sâu, nằm xuống sau vài phút nhưng lại tiếp tục thấy khó thở. "Phải chăng tim mình sắp ngừng đập?", ý nghĩ này lóe lên trong đầu Chen.
Anh từng xem nhiều bản tin về thanh niên đột tử do suy tim. Muốn gọi xe cấp cứu nhưng sợ cả nhà lo lắng, Chen quyết định mặc áo khoác, lái xe tới phòng cấp cứu gần nhất.
"Thật đáng tiếc nếu mình chết đi như thế này, mình tiết kiệm bao nhiêu tiền mà chưa có lúc nào để tiêu", Chen tự nhủ trong lúc lái xe.
Tới viện, bác sĩ chẩn đoán Chen bị đánh trống ngực, chỉ định ít thức khuya, hạn chế cà phê và thuốc lá. Nhưng nhiều người Trung Quốc không may mắn như Chen.
Ngày 3/12/2020, một nhân viên 27 tuổi của hãng điện tử gia dụng Gome đột tử trong hội nghị tổng kết cuối năm. 6 ngày sau, một nhân viên 47 tuổi công ty SenseTime, doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo, chết trên ghế băng ngoài phòng tập thể dục của công ty ở Thượng Hải.
Cuối năm 2020, một nữ nhân viên 22 tuổi làm ở bộ phận mua hàng của trang thương mại điện tử Pinduoduo đột tử trên đường đi làm về lúc 1h30 sáng.
Những cái chết do đột tử xảy ra ở một số ga tàu điện ngầm tại Bắc Kinh, trong khi những ca tương tự xảy ra trong văn phòng của Alibaba, ByteDance, JD, Meituan và những công ty Internet khác, lĩnh vực buộc người lao động thường xuyên làm việc quá sức, đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông.
Một nhân viên làm việc quá sức đột tử trong phòng tắm khách sạn lúc đi công tác, trong khi một người khác lại qua đời khi đang chơi thể thao sau giờ làm việc. Một người chết lúc đang đi bộ quanh nhà, một người thức dậy lúc 2h sáng, kêu rên đau ngực và bắt đầu sùi bọt mép. Người nữa ngồi trước máy tính, khi tim ngừng đập, tin nhắn vẫn tiếp tục nhảy đến qua WeChat.
Đột tử thường do mất chức năng tim cấp tính, như đau tim hoặc ngừng tim, có thể do hút thuốc, rượu bia, thức khuya, làm việc nhiều giờ hoặc căng thẳng.
Ngày trước, đây là căn bệnh "của người già", nhưng trong thập kỷ qua, tuổi đời nạn nhân ngày càng trẻ. Li Yuehua, bác sĩ hơn 40 năm công tác tại bệnh viện Tân Hoa Thượng Hải, cho biết trong những năm 1980, bệnh nhân đau tim mà bà điều trị thường ngoài 60, 70 tuổi. Sau đó là 40 và 50. Gần đây, có người mới 26 tuổi.
Theo một nghiên cứu năm 2006 được tiến hành với hơn 670.000 người tại 4 thành phố lớn ở Trung Quốc, các chuyên gia phát hiện 284 ca đột tử do ngừng tim trong số 2.983 ca tử vong.
Một nhà kinh doanh thiết bị y tế ước tính số người đột tử do ngừng tim mỗi năm "chắc chắn phải trên một triệu", nhưng không có thống kê chính xác. Thông thường, bác sĩ không thể chẩn đoán kịp thời ngừng tim là nguyên nhân tử vong.
Khi gặp sự cố về tim, Chen đang làm việc cho một công ty nhà nước nhưng nhận thêm việc thiết kế đồ họa 3D lúc rảnh rỗi. Làm xong việc cơ quan lúc 16h, Chen tiếp tục làm các dự án hoạt hình tới 2-3h sáng. Sau đó, anh sẽ ngủ vài tiếng trước khi bắt đầu làm việc bình thường lúc 8h.
Bây giờ Chen đã nghỉ việc, mở xưởng phim hoạt hình riêng. Dù hiện tại chỉ làm một công việc, lối sống của Chen không thay đổi nhiều.
"Nếu tôi không thể thích ứng với lối sống này ở độ tuổi 20, nó sẽ chỉ tệ hơn khi tôi già đi. Nếu tôi không thể sống quá 30 tuổi, thì hãy cứ để vậy đi", Chen nói.
Một nghiên cứu tại bệnh viện Trung Nam, thành phố Vũ Hán, cho thấy bệnh nhân được điều trị trong vòng ba phút sau khi ngừng tim đột ngột có tỷ lệ sống sót hơn 70%, còn sau 4 phút, tế bào não bắt đầu chết đi. Sau 5 phút, tỷ lệ sống sót giảm còn 60% và sau 10 phút, giảm xuống gần bằng 0%.
Ở Trung Quốc, xe cấp cứu mất trung bình 15 phút từ bệnh viện tới nơi có bệnh nhân, quá muộn để cứu chữa người bệnh. Nhưng người có mặt ở hiện trường có thể giúp đỡ kịp thời. Khi cơn đau tim đột ngột xảy ra, các tín hiệu điện giữ cho tim đập đúng nhịp bị nhiễu, khiến cơ tim nhầm lẫn và sợi cơ tim đập không đồng bộ, dẫn tới tim co giật.
Máy khử rung tim tự động AED phát đi xung điện tử mạnh, giúp loại bỏ tín hiệu gây nhầm lẫn, giúp tim đập lại đúng nhịp và ai cũng có thể vận hành.
AED được thúc đẩy tại nhiều nước phát triển suốt nhiều năm, nhưng rất hiếm ở Trung Quốc. Theo một báo cáo tháng 8/2020 của Tạp chí Y học Cấp cứu Trung Quốc, Mỹ có 700 AED cho mỗi 10.000 người, Nhật Bản là 276. Thâm Quyến có mật độ AED cao nhất Trung Quốc, với 17,5 thiết bị trên 10.000 dân.
Những người mong muốn người dân Trung Quốc biết tới AED nhiều hơn cho hay việc quảng bá công nghệ rất khó khăn. Một nhân viên bán AED, người đồng thời chỉ dạy kỹ thuật sơ cứu, cho biết "nhiều công ty mua AED chỉ để làm màu".
Một số công ty lắp đặt thiết bị này để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, sau đó khóa lại, giao chìa cho nhân viên bảo quản. Nhiều công ty khác lắp đặt AED mà không lập kế hoạch huấn luyện cho nhân viên, bao gồm khóa học cơ bản và bồi dưỡng hàng năm, khiến thiết bị này không khác gì vật trang trí.
AED tại nơi công cộng thậm chí còn hiếm hơn. Năm 2019, nhật báo Kinh doanh Bắc Kinh đưa tin tiến sĩ Tian Ying, Trung tâm Tim mạch bệnh viện Triều Dương, Bắc Kinh, đã hợp tác với các nhà sản xuất AED, đề xuất tặng một lô AED lắp đặt cho các trạm tàu điện ngầm nhưng cuối cùng chỉ nhận được câu trả lời: "Không có chính sách, không có giấy phép, không có nơi đặt máy". Từ đó, mỗi khi xảy ra bất kỳ ca tử vong nào tại tàu điện ngầm, các chuyên gia sơ cứu đều đề nghị gia đình nạn nhân kiện công ty tàu điện ngầm.
Kể cả một số trạm tàu điện ngầm ở Bắc Kinh có trang bị AED, không phải hành khách nào cũng chú ý tới nó. Tại các trạm trung chuyển lớn hơn, phức tạp hơn, không thể đảm bảo có người sử dụng AED kịp thời trong giờ cao điểm.
"Giả sử tôi bất ngờ ngã xuống lúc này, liệu có người nào trong bán kính 1-2 km tìm được AED và cứu tôi không? Tôi không dám chắc", đại diện bán hàng nói.
Nhiều công ty và người dân đều cho rằng đột tử rất khó xảy ra với họ. Trong những năm gần đây, chỉ sau khi nhiều vụ đột tử liên tiếp xảy ra ở công sở, các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc mới trang bị máy AED và bộ sơ cứu.
Ngày 27/11/2019, nghệ sĩ giải trí Đài Loan Godfey Gao đột tử lúc đang ghi hình cho một chương trình ở Ninh Ba, miền đông Trung Quốc. Hôm đó, khi người bán máy AED rời sân khấu sau buổi trình diễn kỹ thuật sơ cứu, anh mới phát hiện tin nhắn dồn dập hỏi mua AED.
Ngày 18/12/2020, một học sinh 10 tuổi ở quận Phong Đài, Bắc Kinh, đột tử khi đang trong giờ chạy bộ, sau đó mọi trường học lân cận đều lắp AED.
Mỗi thảm kịch xảy ra đều dẫn tới sự gia tăng đột biến doanh số bán hàng AED, nhưng nó cũng nhanh chóng giảm xuống tới khi xảy ra thảm kịch tiếp theo.
"Có quá nhiều câu chuyện như thế", đại diện bán hàng nói đầy buồn bã.
Sau khi nghỉ việc bác sĩ tại Trung tâm Y tế Khẩn cấp Bắc Kinh, ông Jia Dacheng, 72 tuổi, trở thành thành viên "Đội phổ biến kiến thức sơ cấp cứu" do Hiệp hội Bác sĩ Trung Quốc thành lập. Ông tuyên truyền kiến thức sơ cứu cơ bản suốt 40 năm qua.
Jia là bác sĩ đầu tiên ở Trung Quốc thúc đẩy sử dụng AED. Năm 1996, giới y sĩ Trung Quốc lần đầu biết tới thiết bị này sau khi một nhà mày sản xuất ở Mỹ cung cấp AED cho Trung tâm Y tế Khẩn cấp Bắc Kinh. Sau khi kiểm tra, Jia nhận ra một người không cần biết gì về y học cũng có thể sử dụng nó thành thạo trong vài phút.
Tuy nhiên, trên chặng đường phổ biến thiết bị này, Jia thường bị hoài nghi là muốn lừa tiền người khác. Wang Su, bác sĩ tim mạch tại bệnh viện Anzhen Bắc Kinh, viết nhiều bài báo phổ biến kiến thức suốt nhiều năm, nhưng rất khó để thu hút độc giả.
Ông đã thử nhiều phương pháp, như đăng bài trên những nền tảng mạng xã hội phổ biết, viết bài trên những tài khoản nhắm mục tiêu tới người cao tuổi, cũng như thêm nhiều hình ảnh minh họa rực rỡ để thu hút độc giả, những đều vô ích. Các bài viết về "cách sử dụng AED" đều không thu hút nhiều lượt xem như những bài viết "uống trà đánh bại Covid-19".
Ngoài ra, một yếu tố khác khiến người Trung Quốc ít khi can thiệp khi thấy người gặp nạn đó là sợ bị kiện tụng. Nhiều người giúp đỡ người khác lúc nguy cấp sau đó bị chính người mà họ đã giúp đỡ kiện với lý do là thủ phạm. Từ đó, xã hội Trung Quốc hình thành quy luật bất thành văn là "không giúp người lạ".
Tuy nhiên, chính quyền đãý thức được sự quan trọng của việc phòng ngừa đột tử. Đại biểu Meng Lingyue của hội đồng nhân dân Bắc Kinh đầu năm 2020 đề xuất đưa AED vào chương trình giảng dạy bắt buộc trong trường học. Cảnh sát, lính cứu hỏa, nhân viên vệ sinh, bảo vệ cũng phải học kỹ thuật sơ cứu và cách sử dụng AED.
Video tuyên truyền sử dụng AED cũng được phát đi trên một số tuyến xe buýt ở Bắc Kinh. Tháng 10/2020, chính quyền thành phố thông báo sẽ lắp đặt AED tại các ga tàu điện. Theo kế hoạch, mỗi trạm sẽ được cung cấp AED, 80% nhân viên của các trạm thuộc tuyến tàu điện ngầm số 1 sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo vào cuối năm 2022.
Gọi nhau là "đối tác ưu tiên", Nga và Trung Quốc dường như muốn gửi thông điệp rằng họ sẽ bắt chặt tay nhau chống lại áp lực từ phương Tây.
Bất chấp những đồn đoán về một "trục chống Mỹ" đang nổi lên, tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị trực tuyến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 29/6 phủ nhận việc hai nước đang tìm kiếm một liên minh chính trị và quân sự theo kiểu Chiến tranh Lạnh.
Thay vào đó, hai lãnh đạo ca ngợi mối quan hệ song phương "trưởng thành, ổn định và vững chắc", đồng thời nhấn mạnh đối phương luôn là "đối tác ưu tiên" của mình.
Dù vậy, việc hội nghị trực tuyến diễn ra chỉ 6 tuần sau thượng đỉnh Mỹ - Nga và tuyên bố dài mà hai lãnh đạo đưa ra rõ ràng đang nhắm đến Tổng thống Mỹ Joe Biden, giới chuyên gia đánh giá.
Tổng thống Biden hai tuần trước gặp người đồng cấp Nga Putin ở Geneva, Thụy Sĩ, trong nỗ lực nhằm làm ổn định mối quan hệ khó khăn giữa Washington và Moskva cũng như ngăn chặn Moskva đi vào quỹ đạo ảnh hưởng của Bắc Kinh.
"Một số quốc gia sử dụng ý thức hệ để vạch ra ranh giới, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, áp đặt những biện pháp trừng phạt đơn phương, làm lung lay nền tảng pháp lý của hệ thống quan hệ quốc tế, bao gồm cả lĩnh vực kiểm soát vũ khí", tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin có đoạn. "Thế giới càng rối ren, Trung Quốc và Nga càng cần tăng cường hợp tác chiến lược".
Tuyên bố cho rằng trước những nghịch cảnh hiện nay, cả hai bên cần củng cố hợp tác về chính trị, an ninh, quân sự, kinh tế, năng lượng và công nghệ, "bảo vệ các lợi ích chung trên trường quốc tế", đồng thời "tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa đa phương" nhằm duy trì cán cân quyền lực toàn cầu.
"Nga cần một Trung Quốc thịnh vượng và ổn định cũng như Trung Quốc cần một nước Nga mạnh mẽ và thành công. Nga và Trung Quốc đều coi nhau là những đối tác ưu tiên", tuyên bố nhấn mạnh.
Thời Ân Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định trong bối cảnh liên minh phương Tây do Mỹ dẫn dắt ngày càng đối đầu gay gắt với cả Trung Quốc và Nga, việc hai nước "nhận thấy tính cấp bách của việc tăng cường mối quan hệ" là lẽ tự nhiên.
"Mối quan hệ đó sẽ càng được củng cố hơn nữa nếu thế đối đầu Mỹ - Trung và Mỹ - Nga tiếp tục trở nên căng thẳng", ông nói.
Theo Danil Bochkov, chuyên gia tại Hội đồng Vấn đề Quốc tế Nga, rất hiếm khi cụm từ "đối tác ưu tiên" xuất hiện trong các văn bản chính thức giữa đôi bên, dù giới lãnh đạo và quan chức hai nước lâu nay vẫn rất coi trọng quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung.
"Ý tưởng trên đòi hỏi cả hai quốc gia cần dành sự quan tâm cụ thể đến các cuộc tiếp xúc lẫn nhau", đặc biệt về vấn đề phản ứng trước Covid-19 và các cáo buộc vi phạm nhân quyền, "trong khi vẫn ưu tiên mối quan hệ quốc tế của họ với những nước khác", ông cho hay.
Trong một cuộc phỏng vấn trước hội nghị thượng đỉnh với Biden ở Geneva, Putin đã lên tiếng bảo vệ Trung Quốc trước những cáo buộc từ quốc tế rằng Bắc Kinh ngược đãi người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Ông ca ngợi "mức độ tin cậy và hợp tác cao trong mọi lĩnh vực" giữa hai nước khi mà thế giới đang có "một cuộc đối đầu với Trung Quốc".
Bochkov lưu ý rằng mối quan hệ gần gũi giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin là nền tảng quan trọng của quan hệ song phương, giúp "Moskva và Bắc Kinh có thể thảo luận những vấn đề nhạy cảm nhất một cách chân thành và cởi mở". Lãnh đạo Nga - Trung đã gặp nhau trên 25 lần và từng gọi nhau là "người bạn thân thiết nhất".
Mỹ cùng các đồng minh những năm gần đây nhiều lần bày tỏ quan ngại trước mối quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Nga và Trung Quốc, đặc biệt là về hợp tác quân sự.
Dù Bắc Kinh và Moskva từng cam kết cải thiện hợp tác quân sự, bao gồm thông qua "gia tăng số lượng và quy mô các cuộc diễn tập chung", tuyên bố mới nhất khẳng định quan hệ đối tác Nga - Trung không phải "một liên minh chính trị - quân sự như thời kỳ Chiến tranh Lạnh".
Điểm nổi bật khác của hội nghị giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập là việc gia hạn Hiệp ước Láng giềng Tốt đẹp và Hợp tác Thân thiện, theo đó đôi bên đồng ý gác lại tranh chấp biên giới và không tuyên bố chủ quyền với những vùng lãnh thổ tranh chấp.
Theo một điều khoản trong hiệp ước, hai bên sẽ tham vấn ngay lập tức nếu xuất hiện các mối đe dọa đối đầu quân sự. Bochkov cho rằng điều khoản này nhằm đảm bảo hai quốc gia vẫn thân thiện trong trường hợp có xung đột.
"Đây là một công thức hợp tác rất thoải mái giữa Nga và Trung Quốc, nhằm chắc chắn rằng dù có những động thái điều động quân sự, hai nước vẫn sẽ không trở thành đối thủ của nhau", ông nhận xét.
Zhang Xin, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, cho biết Bắc Kinh và Moskva sẽ tìm cách "thách thức và làm lung lay 'quyền lực cũng như tính chính danh tuyệt đối' của các nước phương Tây đối với thông lệ quốc tế".
"Trung Quốc và Nga có thể thúc đẩy hợp tác phát triển vũ khí công nghệ cao nhằm tạo đối trọng với Mỹ. Thêm vào đó, sẽ có các cuộc tập trận quân sự chung, đặc biệt là những cuộc tập trận tầm xa của lực lượng hải quân hoặc không quân, ở đó họ có thể tiến vào các vùng không gian mà trước đây đôi bên hiếm khi xuất hiện", Zhang đánh giá.
"Họ cũng sẽ cùng nhau kiên quyết phản đối việc Nga và NATO triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu cùng châu Á - Thái Bình Dương thông qua cả những biện pháp cứng rắn lẫn mềm mỏng", ông nói thêm.
Dù quan hệ song phương ngày càng sâu sắc, vẫn còn quá xa vời khi nhắc tới một liên minh quân sự chống Mỹ, do những hạn chế nhất định của mối quan hệ Nga - Trung, ông Thời cho hay.
"Hợp tác quân sự chủ yếu vẫn là từ Nga cung cấp cho Trung Quốc những thiết bị và công nghệ quân sự tiên tiến. Hơn nữa, các cuộc tập trận chung cũng có khả năng được tiến hành trên nhiều khu vực biển và đất liền khác nhau", Shi nói. "Nhưng tôi không nghĩ Nga sẽ thể hiện mối quan hệ quân sự thân thiết với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan hay Trung Quốc sẽ cho thấy mối quan hệ chặt chẽ với Nga về vấn đề Ukraine. Trung Quốc và Nga sẽ không sẵn sàng khơi dậy một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn với phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Đây là một trong những lợi ích quốc gia quan trọng của hai nước".
Theo Artyom Lukin, phó giáo sư tại Đại học Liên bang Viễn Đông của Nga, hiện vẫn tồn tại một số căng thẳng trong quan hệ Nga - Trung, như việc Moskva không hài lòng trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở khu vực Trung Á.
"Nhưng đến giờ, những khác biệt đó hầu như chỉ có ý nghĩa ngoại biên đối với quan hệ song phương. Trong tương lai gần, sẽ còn nhiều điều hơn nữa giúp Nga và Trung Quốc đoàn kết với nhau", ông nhấn mạnh.
Indonesia7 người chết, 11 người mất tích, sau khi phà chở khách chìm ngoài khơi Bali lúc biển động.
Hàng chục người sống sót được vớt khỏi mặt nước vào tối 29/6, sau khi phà KMP Yunicee chở 57 hành khách và thủy thủ chìm xuống biển ở khu vực gần cảng Gilimanuk, mũi phía tây hòn đảo nghỉ mát nổi tiếng Bali.
Phà bị chìm khi đi qua một eo biển hẹp từ đảo Java. 11 người tới nay vẫn mất tích, trong khi giới chức xác nhận đã vớt được thi thể 7 người.
"Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm người mất tích", trưởng ban cứu hộ và tìm kiếm Bali Gede Darmada cho hay. "Đêm qua, cuộc giải cứu bị cản trở bởi tầm nhìn hạn chế và sóng lớn".
Hiện chưa rõ nguyên nhân chìm phà. Tai nạn hàng hải thường xuyên xảy ra ở Indonesia, đất nước hơn 17.000 hòn đảo, nơi nhiều người sử dụng phà và các loại thuyền để di chuyển bất chấp tiêu chuẩn an toàn kém.
Năm 2018, khoảng 160 người chết đuối sau vụ chìm phà ở một trong những hồ sâu nhất thế giới trên đảo Sumatra. Hơn 300 người chết đuối năm 2009 trong vụ chìm phà ở khu vực giữa Sulawesi và Borneo.
Dù thế giới đang tăng tốc tiêm chủng Covid-19, hầu hết chưa đồng ý tiêm cho trẻ em, khiến đây trở thành đối tượng tấn công của biến chủng Delta.
Tại Anh, nơi năm học kéo dài tới giữa tháng 7, 250.000 trẻ em đã phải nghỉ học từ tuần trước do dương tính với nCoV. Nhiều trường học cũng đóng cửa, đánh dấu tuần học bị gián đoạn nhiều nhất kể từ khi đất nước tái mở cửa hoàn toàn các lớp học từ hồi tháng 3, nhờ chiến dịch tiêm chủng Covid-19 thành công.
Israel, quốc gia dẫn đầu thế giới về tiêm chủng, nhưng mới chỉ tiêm cho 2-4% trẻ em từ 12-15 tuổi, cũng chứng kiến số ca nhiễm nCoV trong hệ thống giáo dục tăng gấp ba lần. Nguyên nhân phần lớn được cho là bởi biến chủng Delta, lần đầu xuất hiện tại Ấn Độ, len lỏi trong các trường học.
Các bác sĩ cho biết những người đã tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ có mức độ an toàn cao trước biến chủng nCoV mới này. Tuy nhiên, trẻ em dưới 12 tuổi chưa đủ điều kiện tiêm.
Theo giáo sư dịch tễ học Joshua Petrie tại Đại học Michigan của Mỹ, cùng với tỷ lệ tiêm cho thanh thiếu niên thấp, sự trỗi dậy của biến chủng Delta có thể làm gia tăng nguy hiểm đối với những trẻ em chưa tiêm chủng. "Hiện nay, trẻ em có lẽ là nhóm dễ bị nhiễm virus nhất", Petrie nhận định.
"Đây là một trong những giai đoạn nguy hiểm nhất trong đại dịch đối với những người chưa tiêm chủng, bao gồm số lượng lớn dân số nhỏ tuổi", Taylor Nelson, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Missouri của Mỹ, nêu quan điểm đồng tình.
Mỹ, nơi đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 cho 2/3 dân số, cũng không tránh khỏi sự tấn công nhanh chóng của Delta, biến chủng có khả năng lây nhiễm cao hơn 60% so với biến chủng Alpha xuất hiện lần đầu tại Anh.
Biến chủng Delta giờ đây chiếm 20% số ca nhiễm mới tại Mỹ, tăng mạnh so với mức 10% hai tuần trước. Giới khoa học còn đang lo ngại một biến chủng mới được xác định gần đây có tên Delta Plus, cũng xuất hiện ở Ấn Độ, thậm chí có thể lây nhiễm mạnh hơn.
"Virus lan như cháy rừng tại những cộng đồng có ít người được tiêm chủng hơn", Nelson nhận xét. Tại khu vực phía nam bang Missouri mà Nelson sinh sống, biến chủng Delta được cho là nguyên nhân khiến số ca nhiễm nCoV nhập viện tăng gấp 6 lần tại một trung tâm y tế.
Sau một đợt bùng phát ở hạt Mesa, Colorado, giới chuyên gia ước tính hơn một nửa tổng số ca nhiễm nCoV chưa bình phục tại bang này hiện nay là do biến chủng Delta. Theo Sở Y tế Cộng đồng và Môi trường Colorado, hơn 90% ca nhiễm nhập viện chưa tiêm vaccine Covid-19.
Tình trạng lây nhiễm đáng báo động thúc đẩy chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày càng nỗ lực tăng tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 cho thanh thiếu niên, đặc biệt sau khi Nhà Trắng tuần trước thừa nhận họ có thể không đạt mục tiêu tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 cho 70% người trưởng thành Mỹ tính đến ngày quốc khánh 4/7.
Một số chuyên gia y tế đặc biệt lo ngại cho các học sinh tại những bang phía nam. "Rất nhiều khu vực ở phía nam vừa có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn, vừa ghi nhận số ca nhiễm biến chủng Delta ngày càng tăng. Đây lại là nơi trẻ em sẽ trở lại trường học sớm hơn những khu vực khác. Tất cả yếu tố đó kết hợp lại khiến trẻ em có nguy cơ lây nhiễm cao hơn", Rebecca Wurtz, giáo sư chính sách y tế tại Đại học Minnesota, giải thích.
Bất chấp mối đe dọa từ biến chủng Delta, Robin Lake, giám đốc Trung tâm Đổi mới Giáo dục Cộng đồng thuộc Đại học Washington, cho rằng các lớp học trực tiếp vẫn nên là ưu tiên vào năm học tới, bởi việc giảng dạy từ xa sẽ để lại những lỗ hổng kiến thức trầm trọng. "Chúng ta phải đưa trẻ em trở lại trường học càng sớm càng tốt", Lake nêu ý kiến.
Để điều này diễn ra một cách an toàn, khi năm học mới khai giảng vào mùa thu, giáo sư Petrie đánh giá cần áp dụng những biện pháp phòng dịch vốn đã trở nên quen thuộc, được triển khai trong suốt năm học 2020-2021, dù thực tế là nhiều bang và địa phương đã gỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang.
"Chúng tôi vẫn sẽ áp dụng tất cả biện pháp như trong một năm rưỡi qua, như đeo khẩu trang và thông gió", chuyên gia cho hay, đồng thời nhấn mạnh mức độ lây nhiễm virus trong cộng đồng tại địa phương sẽ giúp xác định chính xác biện pháp phù hợp.
Tuy nhiên, bất kể tình hình đại dịch ở địa phương ra sao, chuyên gia Nelson vẫn cho rằng tiêm chủng là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ em, ít nhất là đối với nhóm đủ điều kiện tiêm vaccine Covid-19. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng dự kiến mở rộng quy định sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 cho trẻ em vào mùa thu năm nay hoặc đầu năm sau.
"Đáng tiếc thay, tôi nhận thấy chúng ta không phải đang ở giai đoạn cuối của đại dịch, nên cần tăng khả năng miễn dịch cho trẻ em càng nhiều càng tốt", Nelson khuyến nghị.
Bé gái xấu số đã bị con trăn quấn chết trong lúc mẹ và bạn trai ngủ say. Cặp đôi sau đó đã nhận về sự trừng trị của pháp luật vì bất cẩn gây ra cái chết của đứa trẻ.
Sự việc đáng tiếc này xảy ra vào tháng 7/2009, nạn nhân là bé gái 2 tuổi, sống ở Oxford, Florida, Mỹ, bị một con trăn Miến Điện dài gần 2,6m giết chết. Chủ nhân của con vật hung tợn ấy không ai khác chính là mẹ ruột của em Jaren Hare và bạn trai Charles Darnell. Jaren đã mua con trăn ấy trong một lần đi chơi ở chợ trời hồi năm 14 tuổi, hẳn cô cũng không ngờ 7 năm sau, con vật lại quay sang đoạt mạng con gái mình.
Chân dung cặp đôi Jaren và Charles đã góp phần gây ra cái chết của bé gái 2 tuổi.
Bé gái bị con trăn của gia đình giết chết.
Bé gái 2 tuổi xấu số bị tấn công khi đang nằm trong cũi. Cơ thể bị con vật hung tợn quấn chặt và trên trán có nhiều vết cắn. Các nhà điều tra sau đó phát hiện con trăn Miến Điện này đã bị Jaren và bạn trai Charles bỏ đói trong suốt 1 tháng qua. Cặp đôi chỉ nhốt nó vào một thùng chứa nước không đậy nắp mà chỉ che lại bằng chiếc khăn bông, cố định nó bằng một sợi dây buộc lỏng lẻo.
Công tố viên cho rằng đây không chỉ đơn thuần là một vụ tai nạn đáng tiếc mà cái chết của bé gái chính là kết quả đến từ sự bỏ bê của cặp đôi. Nuôi con trăn to lớn trong nhà không khác gì "Tử thần", ấy vậy mà Jaren và Charles lại không hề có biện pháp cứng rắn để bảo vệ sự an toàn của con nhỏ.
Tồi tệ hơn, con trăn được cho là đã bò ra khỏi thùng chứa nước 5 lần chỉ trong vòng 4 tuần trước khi vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra. Thậm chí, 1 đêm trước khi giết chết bé gái 2 tuổi, con vật này cũng đã lẻn ra khỏi nơi cư trú của nó trước khi được Charles tìm thấy nó đang bò dọc hành lang.
Con trăn Miến Điện đoạt mạng bé gái 2 tuổi.
Sáng hôm sau, Charles phát hiện con trăn đang quấn xung quanh cơ thể bất động của con gái bạn gái và cố gắng nuốt chửng đứa trẻ. Charles lập tức dùng con dao đâm vào cơ thể con trăn nhiều nhát, nỗ lực lôi nó ra xa nhưng mọi thứ đã quá muộn. Đứa trẻ đã trút hơi thở cuối cùng trước khi được ứng cứu.
"Con của chúng tôi chết rồi. Con trăn ngu ngốc của chúng tôi đã bò khắp nhà vào giữa đêm và giết chết con bé" - Charles không giấu được sự xúc động khi gọi báo cấp cứu.
Charles ôm bạn gái an ủi sau cái chết của con gái cô.
Khám nghiệm tử thi xác định bé gái 2 tuổi chết vì ngạt thở bởi vì con trăn không có nọc độc, nó chỉ đoạt mạng con mồi bằng những cú siết chặt quanh cơ thể cực mạnh. Trước đó, gia đình và bạn bè đã đề nghị được giúp đỡ cặp đôi sửa lại nơi nuôi nhốt con trăn để đảm bảo an toàn cho cả gia đình. Jaren và Charles đều thất nghiệp nên mọi người lo họ không có đủ tiền mua thức ăn cho con vật. Thế nhưng, tất cả lời đề nghị đều bị cặp đôi gạt bỏ.
Bữa ăn cuối cùng của con trăn trước khi tấn công bé gái là một con sóc chết mà cặp đôi tìm thấy trên đường. Các chuyên gia pháp lý mô tả thất bại của cặp đôi trong việc nuôi nhốt con trăn không khác gì đặt một khẩu súng đã nạp đạn bên cạnh con gái họ, sẵn sàng đoạt mạng đứa trẻ bất cứ lúc nào.
Bất chấp lời biện hộ của luật sư cặp đôi, nói rằng mọi chuyện chỉ là tai nạn ngoài ý muốn, tòa án đã đưa ra phán quyết cuối cùng vào tháng 8/2011. Jaren và Charles nhận về mức án 12 năm tù giam vì hành vi giết người cấp độ 3, ngộ sát và bỏ bê trẻ em.
Marcus Danielsson ăn thẻ đỏ trực tiếp sau tình huống phạm lỗi rùng rợn với Besyedin.
Phút 97 của hiệp phụ thứ nhất giữa Thụy Điển và Ukaraine trong khuôn khổ vòng 1/8 Euro 2020 chứng kiến một pha phạm lỗi ghê rợn của trung vệ mang áo số 24, Marcus Danielsson đối với tiền đạo Artem Besyedin bên phía Ukraine.
Từ pha phát động tấn công bên phần sân nhà của hậu vệ Ukraine, bóng tìm đến Yarmolenko, pha chuyền bóng bằng đầu sau đó của tiền vệ mang áo số 7 đặt Marcus Danielsson và Artem Besyedin vào một tình huống tranh chấp 50/50. Trung vệ bên phía Thụy Điển ham bóng, xoạc cao chân trúng đầu gối phải của cầu thủ đối phương khiến anh này đổ gục xuống sân và tỏ ra cực kỳ đau đớn. Hình ảnh cho thấy cẳng chân của Besyedin như bị bẻ cong
Ban đầu, vị vua áo đen chỉ rút thẻ vàng cảnh cáo nhưng sau khi trực tiếp tham khảo VAR, ông bèn rút lại quyết định của mình và tặng cho chủ nhân pha vào bóng ác ý một chiếc thẻ đỏ trực tiếp. Thụy Điển chỉ còn chơi với 10 người trên sân từ phút 99
Các cầu thủ Thuỵ Điển phản đối vì cho rằng Danielsson chỉ ham bóng
Bản thân Danielsson tỏ ra không phục với quyết định của trọng tài
Cầu thủ bị phạm lỗi cũng không thể tiếp tục thi đấu và phải rời sân ngay sau đó
Thi đấu thiếu người, Thuỵ Điển co cụm phòng ngự để kéo đối thủ vào loạt đá luân lưu nhưng không thành công. Phút 120+1', Zinchenko tạt đẹp cho Artem Dovbyk đánh đầu ghi bàn thắng vàng, ấn định tỷ số 2-1 cho Ukraine