Từ bị kịch liệt bác bỏ, giả thuyết nCoV lọt từ phòng thí nghiệm của Trump ngày càng được quan tâm và trở thành "vũ khí chính trị" của ông.
Trong cuộc vận động đầu tiên kể từ khi mãn nhiệm tại bang Ohio tối 26/6, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra hả hê khi nói rằng giả thuyết của ông được chứng minh là đúng đắn. Cựu tổng thống nói ông tin nCoV được tạo ra trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, nơi đầu tiên bùng phát Covid-19 ở Trung Quốc.
"Tôi đã nói nó đến từ Vũ Hán. Nó thoát ra từ phòng thí nghiệm đó", Trump nói với những người ủng hộ đang đội mũ đỏ in dòng chữ Make America Great Again (Đưa Mỹ vĩ đại trở lại) tại buổi vận động ở Wellington.
Trump thêm rằng mọi người giờ nhìn nhận giả thuyết của ông theo một cách khác thay vì bác bỏ. "Giờ họ nói rằng rất có thể nó đến từ phòng thí nghiệm Vũ Hán", ông nói.
Khi Trump nói về giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm và việc các nhà khoa học đang nghiêm túc xem xét khả năng này, đám đông phía dưới reo hò thể hiện sự tán thành.
Cựu tổng thống và người ủng hộ ông từng bị chế giễu vì giả thuyết virus lọt từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Thậm chí cách đây vài tháng, nhiều nhà báo của Washington Post, New York Times và nhiều đơn vị truyền thông khác vẫn bác bỏ giả thuyết. Các nhà khoa học Mỹ cũng không ngoại lệ.
Trong cuộc họp báo ngày 30/4/2020, khi còn là tổng thống Mỹ, Trump đã đề cập tới giải thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Khi đó, virus đang hoành hành mạnh ở Mỹ và sẽ sớm làm đảo lộn nền kinh tế, cũng như phá hỏng triển vọng chính trị của Trump. Hiện tại, hơn 600.000 người Mỹ đã chết vì Covid-19.
Nguồn gốc của nCoV vẫn chưa được xác định và ý tưởng rò rỉ từ phòng thí nghiệm vẫn chỉ là một giả thuyết chưa được chứng minh. Tuy nhiên, giả thuyết này đang ngày càng trở nên hợp lý hơn, một phần do các giả thuyết nguồn gốc khác cũng chưa được chứng minh.
Một báo cáo tình báo Mỹ tháng trước nói rằng ba nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Vũ Hán đã phải nhập viện vào tháng 11/2019, ngay trước thời điểm virus bùng phát ở thành phố này. Thông tin lập tức xuất hiện trên khắp phương tiện truyền thông Mỹ và khiến dư luận chú ý.
Sau đó, các thành viên nhóm điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từng đến Vũ Hán vào đầu năm nay, và các nhà khoa học bắt đầu nói nhiều hơn về giả thuyết virus bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm.
Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC rằng "nhiều khả năng virus có nguồn gốc tự nhiên, nhưng chúng tôi sẽ để ngỏ tất cả khả năng cho đến khi bạn khẳng định chắc chắn về nguồn gốc của nó".
Tháng trước, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu tình báo Mỹ điều tra về nguồn gốc virus và kết quả dự kiến được công bố vào cuối mùa hè này. Những người làm việc tại phòng thí nghiệm Vũ Hán đã lên tiếng bác bỏ giả thuyết, trong khi giới chức Trung Quốc tỏ ra phẫn nộ với các cáo buộc từ bên ngoài.
Nhiều nhà khoa học từng nói rằng nCoV có nguồn gốc từ động vật và nhiều khả năng bắt nguồn từ dơi. Nhưng cho đến nay, nguồn gốc này vẫn chưa được chứng minh. Trong khi đó, ngày càng nhiều người nói về giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Trump, đặc biệt là những người bình luận bảo thủ. Theo một khảo sát của Morning Consult, 46% người theo đảng Cộng hòa nói họ quen thuộc với giả thuyết này, so với chưa tới 25% người theo phe Dân chủ.
Trump đang tận dụng những đánh giá ban đầu về nguồn gốc virus của ông ấy cho mục đích chính trị. "Ông ấy muốn nói 'hãy nhìn xem, tôi đã đúng. Mọi người đã không nghe tôi và giờ nó đã trở thành sự thật'", David Cohen, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Akron ở Mỹ, nói.
Giới quan sát cho rằng Trump khó có thể thuyết phục những người theo phe Dân chủ hoặc có thêm người ủng hộ mới dựa vào giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, Trump đang sử dụng giả thuyết tranh cãi này để cho những người ủng hộ thấy ông đã thắng những người từng chỉ trích mình. Và điều này khiến Trump và những người ủng hộ hài lòng.
Paul Rickey, một kỹ sư ủng hộ Trump ở Grafton, bang Ohio, đã rất hào hứng và ủng hộ nhiệt tình giả thuyết nguồn gốc Covid-19 của Trump.
"Tôi nghĩ Trump cảm thấy được minh oan và chắc chắn mọi người ở đây đều cảm thấy như vậy", Rickey nói.
Nhiều người tại buổi vận động hôm 26/6 của Trump nói họ ước các nhà khoa học nghiêm túc xem xét giả thuyết này sớm hơn. "Nó đến từ một phòng thí nghiệm. Nó còn có thể đến từ nơi nào khác sao?", James Cropp, công nhân nhà máy ở Wellington, nói.
Cropp và nhiều người khác đã thảo luận về những giả thuyết khác nhau hay về nghiên cứu "thăm dò chức năng", thí nghiệm nhằm tăng khả năng lây nhiễm và mức độ nguy hiểm của virus phục vụ mục đích khoa học. Gần như tất cả đều đồng thuận rằng Trump đã đúng, nhưng giới truyền thông phớt lờ ông.
"Ông ấy hoàn toàn chính xác", Hope Baros, người ủng hộ Trump ở Knox, bang Indiana. Bà đã cùng chồng là Jeff tham gia cuộc vận động và thảo luận về giả thuyết nguồn gốc virus.
"Chắc chắn 100%", Jeff nói về giả thuyết của Trump.
"Truyền thông luôn muốn tạo ra sự thật của riêng họ và không dựa vào khoa học", Michael Barnes, một nhà thầu sống ở Valparaiso, bang Indiana, nói.
Nhiều người khác tham gia sự kiện của Trump nói rằng họ vui mừng khi thấy khoa học "bắt kịp" phân tích của Trump về nCoV và nguồn gốc của nó. Hayley Keith, một thợ cắt tóc ở Wellington, nói những người theo chủ nghĩa tự do từng chế giễu Trump về điều này.
"Trước đây họ nói 'ông ấy bị điên', cũng như chỉ trỏ và nói chúng tôi như vậy. Tôi không muốn nói rằng tôi đã nói với bạn rồi mà, nhưng...", cô nói rồi đột nhiên im lặng. Cô biết mình đã nói rõ quan điểm riêng, như cách Trump đã làm khi đứng trên sân khấu tối 26/6, trong khi phía dưới người ủng hộ reo hò cổ vũ.
Thanh Tâm (Theo BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét