Với nhiều người bị suy giảm miễn dịch hay bệnh nhân ghép tạng, tiêm vaccine không phải lối thoát khỏi Covid-19 dành cho họ.
Bác sĩ Robert Montgomery, 61 tuổi, có nhiều lý do để ông tìm mọi cách tiêm vaccine Covid-19 càng sớm càng tốt. Là bác sĩ phẫu thuật cấy ghép tại một bệnh viện đông đúc ở New York, các bệnh nhân của ông nằm trong số những người dễ nhiễm virus nhất.
Đại dịch đã gây ra thiệt hại khủng khiếp đối với những bệnh nhân được cấy ghép. Năm ngoái, chỉ riêng tại thành phố New York, gần 2.000 bệnh nhân đã chết vì nhiễm Covid-19. Trong khi đó, với cúm mùa thông thường, số trường hợp bệnh nhân cấy ghép tử vong chỉ là từ một đến hai ca, theo bác sĩ Montgomery.
Bản thân ông cũng là một bệnh nhân cấy ghép. Trái tim đang đập trong lồng ngực Montgomery không phải trái tim mà ông được sinh ra cùng. Vì vậy, Montgomery đã vô cùng thất vọng khi dù đã tiêm hai mũi vaccine Covid-19, cơ thể ông vẫn không thể sản sinh lượng kháng thể cần thiết giúp ngăn chặn virus.
Các loại thuốc giúp chống đào thải bộ phận được cấy ghép cũng ngăn cơ thể nhiều bệnh nhân tạo ra kháng thể bảo vệ.
Nghiên cứu gần đây từ Trường Y Đại học Johns Hopkins cho thấy chỉ 17% người được ghép tạng có kháng thể sau khi tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên và tỷ lệ này tăng lên 52% sau mũi tiêm thứ hai.
Dù vaccine Covid-19 hoạt động rất hiệu quả với đại đa số mọi người, khoảng 10 triệu người Mỹ có hệ thống miễn dịch bị tổn hại do thuốc hoặc bệnh tật có thể không được bảo vệ tốt như phần đông.
"Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc với chúng tôi", Michele Nadeem-Baker, bệnh nhân mắc ung thư bạch cầu lympho bào mạn tính không thuyên giảm, cho biết. Bà đã tiêm hai mũi vaccine vào tháng ba và tháng 4 nhưng gần như chắc chắn rằng bà không được bảo vệ trước Covid-19.
Với Nadeem-Baker, bệnh nhân tại Viện Ung thư Dana-Farber ở Boston, Covid-19 vẫn không khác gì thời kỳ tồi tệ nhất của nó. Bà luôn phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và tránh xa đám đông.
"Thật không dễ dàng gì khi phải tiếp tục sống như thế này", bà nói.
Cách vượt qua nghịch cảnh của bác sĩ Montgomery là ông tự đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng tiêm liều vaccine thứ ba. Với ông, nó có tác dụng. Sau mũi tiêm thứ ba, kết quả xét nghiệm cho thấy hệ thống miễn dịch đã tạo ra kháng thể và tế bào T có khả năng bảo vệ lâu hơn. Montgomery hài lòng rằng ít nhất ông phần nào đã được bảo vệ.
Nhưng không phải ai cũng tìm được sự yên tâm giống như Montgomery. "Các bệnh nhân của chúng tôi đang rất hoảng loạn và họ có quyền cảm thấy như vậy. Không có hướng dẫn cụ thể nào dành cho họ cả", ông nói.
Cho đến khi có kết quả thử nghiệm lâm sàng chính thức, tiến sĩ Dorry Segev tại Trung tâm Y tế Johns Hopkins vẫn khuyên các bệnh nhân của ông rằng hãy "tiêm vaccine và hành động như người chưa tiêm". Họ nên thực hiện tất cả các biện pháp mà Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo, như tiếp tục đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.
Khi CDC hồi tháng trước đột ngột dỡ bỏ các khuyến nghị về đeo khẩu trang cho người đã tiêm vaccine, "thế giới nhanh chóng trở nên kém an toàn hơn đối với những người bị ức chế miễn dịch", tiến sĩ Segev nói. Giờ đây, những việc đơn giản như đi mua hàng tạp hóa cũng trở nên đáng sợ với các bệnh nhân cấy ghép bởi họ không biết người không đeo khẩu trang bên cạnh mình có thực sự an toàn hay không.
Segev đang nghiên cứu hiệu quả của việc tiêm liều vaccine thứ ba, hy vọng "cuối cùng chúng ta có thể làm được điều gì đó cho những bệnh nhân cấy ghép".
Trong cơn tuyệt vọng, không ít bệnh nhân cấy ghép bắt đầu đi tiêm mũi bổ sung. Họ chỉ cần đến trung tâm tiêm chủng nhưng không thừa nhận mình đã được tiêm trước đó. Theo Segev, việc làm này tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì thế, ông khuyến cáo các bệnh nhân tốt hơn cả là nên đăng ký tham gia các cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Điều may mắn là theo giới chuyên gia, hầu hết những người bị suy giảm miễn dịch khác đều sẽ được bảo vệ tốt hơn so với các bệnh nhân cấy ghép. Vaccine dường như cũng an toàn với họ và hầu hết họ đều có một mức bảo vệ nhất định.
Song hiện tại, không có cách gì để biết được mức độ an toàn của một người nào đó. Giới chuyên gia cho hay đối với dân số nói chung, những người được bảo vệ hơn 90% bởi vaccine, họ không cần phải lo lắng.
Với những người bị suy giảm miễn dịch, lúc này, không có cách nào khả dụng để biết liệu họ có được bảo vệ hay không. Theo tiến sĩ Gil Melmed, chuyên gia tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai ở Los Angeles, các xét nghiệm kháng thể chỉ có tính nhất thời và không thực sự mang nhiều ý nghĩa. CDC không khuyến nghị mọi người làm xét nghiệm này.
Kháng thể trong cơ thể người có khả năng suy giảm theo thời gian và không rõ đâu là mức độ kháng thể giúp tạo ra lớp bảo vệ. Vaccine tạo ra tế bào T, thường được gọi là lính gác của hệ thống miễn dịch, dường như có khả năng bảo vệ lâu dài hơn, song không có thử nghiệm đại trà nào giúp kiểm chứng điều này.
Để đảm bảo an toàn, người bị suy giảm miễn dịch nên "xây dựng một bức tường bảo vệ" bằng cách tiêm vaccine và chắc chắn rằng những người xung quanh họ cũng đã được tiêm phòng, tiến sĩ Rajesh Gandhi, chuyên gia dịch tễ học tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho hay.
"Tôi không nghĩ chúng ta đã sẵn sàng gạt đi những biện pháp phòng ngừa", tiến sĩ Joshua Katz, nhà thần kinh học tại Trường Y Đại học Tufts ở Boston, lưu ý. Ông vẫn khuyên các bệnh nhân của mình thực hiện những biện pháp như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.
Với người bị viêm loét đại tràng, vaccine có vẻ an toàn và tỷ lệ bảo vệ vào khoảng 80%, thấp hơn so với những người hoàn toàn khỏe mạnh nhưng vẫn đủ tốt, theo tiến sĩ Samir Parekh, chuyên gia về bệnh đa u tủy xương từ Viện Ung thư Tisch ở New York.
Ông điều hành một cơ quan theo dõi 1.800 bệnh nhân viêm loét đại tràng nhằm tìm hiểu cách cơ thể họ phản ứng với vaccine. Ông cho hay còn quá sớm để xác định liệu bệnh nhân viêm loét đại tràng có trở nên dễ bị nhiễm trùng hơn sau tiêm vaccine không nhưng đến nay ông chưa thấy bất kỳ kết quả xấu nào.
Nadeem-Baker không may mắn rơi vào nhóm những người có tỷ lệ bảo vệ từ vaccine thấp nhất và có nguy cơ mắc Covid-19 cao nhất.
Quyết định của CDC hồi tháng trước dỡ bỏ khuyến cáo đeo khẩu trang với người đã tiêm chủng khiến cuộc sống của bà không thể tồi tệ hơn. Ngay cả những người chưa tiêm chủng cũng cởi bỏ khẩu trang.
"Việc mọi người bỏ khẩu trang ra khiến tôi thêm sợ hãi", Nadeem-Baker chia sẻ thêm rằng bà đặc biệt lo lắng về các biến chủng nCoV được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn.
"Tôi muốn trở lại cuộc sống bình thường như bao người khác nhưng tôi thấy mình như người bên lề vậy", bà nói.
Con trai đang học đại học của Nadeem-Baker đã chuyển ra ngoài sống để bảo vệ bà. Chồng bà mỗi khi ra ngoài trở về đều cởi đồ ngay trước cửa nhà, cho tất cả quần áo vào túi rác rồi đem đi giặt. Chị gái bà đang thực hiện cách ly để sớm đến thăm bà. "Tôi thậm chí còn không thể ôm chị ấy", bà cho hay.
Điều duy nhất khiến bà cảm thấy thoải mái là việc được đi dạo hay lái xe cùng cún cưng và ăn tối trong sân sau với những người bạn đã được tiêm phòng của mình.
Nadeem-Baker ước xã hội có thể hiểu và thông cảm cho những người như bà. "Chúng tôi đang làm điều tốt nhất có thể. Tôi đã quá mệt mỏi vì phải giải thích rồi", bà nói.
Bà đang cân nhắc tham gia một cuộc thử nghiệm lâm sàng để xác định liệu việc tiêm mũi vaccine thứ ba thực sự có tác dụng hay không. "Tôi hy vọng điều gì đó tương tự có thể giúp ích. Tôi chỉ mong có cách nào đó hiệu quả", Nadeem-Baker cho hay.
Vũ Hoàng (Theo USA Today)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét