Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

Kiệt sức vì chôn cất nạn nhân Covid-19 ở Indonesia

Công nhân đào mộ ở nghĩa địa Jakarta kiệt sức vì chôn cất hơn 100 thi thể nạn nhân Covid-19 mỗi ngày, cạnh đó là nỗi lo bị nhiễm virus.

Chỉ mới buổi trưa nhưng những người đào mộ tại nghĩa địa Rorotan đã chôn 23 thi thể bệnh nhân Covid-19, sau khi bắt đầu công việc lúc 7h ngày 26/6. Ít hất hai máy xúc được huy động vì đất trong khu vực này rất cứng, khiến việc đào mộ bằng xẻng gặp khó khăn.

6 người đào mộ mặc áo bảo hộ màu trắng khiêng những cỗ quan tài từ xe cứu thương và xếp thành hàng gần nghĩa địa. Có ngày lên tới 10 xe cứu thương xếp hàng tại đây. Tất cả công nhân đào mộ trông kiệt sức, chân dính đầy bùn. Ít nhất 10 công nhân đào mộ làm việc tại nghĩa địa này mỗi ngày.

Bên cạnh họ, các thành viên gia đình nén tiếng khóc, đọc kinh cầu nguyện cho người đã khuất. Việc này thi thoảng bị gián đoạn khi nhân viên nghĩa trang phun chất khử trùng vào người họ, trong khi máy xúc đào những ngôi mộ mới xung quanh.

Công nhân đào mộ chôn cất nạn nhân Covid-19 tại nghĩa trang Rorotan ở Jakarta, Indonesia cuối tuần qua. Ảnh: Anadolu.

Công nhân đào mộ chôn cất nạn nhân Covid-19 tại nghĩa trang Rorotan ở Jakarta, Indonesia cuối tuần qua. Ảnh: Anadolu.

Một khoảng lặng ngắn ngủi diễn ra khi chiếc quan tài nhỏ màu trắng bọc ni lông xuất hiện từ phía sau xe cứu thương. "Là một đứa trẻ. Đào mộ mới đi", vài người đào mộ hét lên.

Một chiếc máy xúc nhanh chóng đào phần đất bùn ở cuối dãy mộ mới, kích thước chỉ bằng một nửa so với những ngôi mộ xung quanh. Đây là đứa trẻ đầu tiên được chôn cất trong ngày.

"Chúng tôi luôn cảm thấy buồn hơn khi chôn cất một đứa trẻ. Các cháu còn nhỏ quá", công nhân đào mộ Darsiman, 48 tuổi, cho biết, thêm rằng hầu hết những người được chôn cất tại nghĩa địa ở Bắc Jakarta đều trên 30 tuổi.

Từ khi nghĩa địa Rorotan đi vào hoạt động hai tháng trước, những công nhân đào mộ đã chôn 900 thi thể. Hai tuần qua, số lượng thi thể được đưa đến tăng lên đáng kể, khi Indonesia đối mặt đợt bùng phát mới của đại dịch đã giết chết hơn 56.000 người. Ca nhiễm Indonesia tuần trước vượt hai triệu và ca hàng ngày vượt 20.000 trong vài ngày qua, mức cao nhất từ khi dịch bùng phát.

"Tôi nghĩ đến cuối ngày hôm nay sẽ có hơn 1.000 thi thể được chôn cất ở đây", Darsiman nói

Có 180 bệnh nhân Covid-19 được chôn cất ở thủ đô Jakarta hôm 23/6, mức cao nhất từng được ghi nhận. Một ngày sau đó, Jakarta ghi nhận kỷ lục 7.505 ca nhiễm mới. Kể từ tháng 3 năm ngoái, 8.112 người đã chết vì Covid-19 ở Jakarta.

Darsiman, một công nhân đào mộ với hơn 20 năm kinh nghiệm, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, ngồi giữa những ngôi mộ quan sát nhóm của mình và các nhóm khác làm việc. Áo bảo hộ màu trắng và khẩu trang của ông bị lấm lem bùn đất.

"Thật quá mệt mỏi. Mỗi ngày chúng tôi bắt đầu làm việc lúc 7h và kết thúc lúc 22h hoặc 23h", Darsiman nói. "Bằng giờ này hôm qua chúng tôi đã chôn tới 40 người và đến giờ nghỉ đã chôn được 78 người".

Darsiman làm việc tại nghĩa trang Budi Dharma trước khi chuyển đến Rorotan. Chính quyền Jakarta đã mở khu đất rộng ba hecta này chỉ để chôn cất nạn nhân Covid-19, do ca nhiễm ở thủ đô tiếp tục tăng cao và không gian chôn cất nạn nhân đã cạn kiệt. Hiện đây là khu chôn cất nạn nhân Covid-19 chính ở Jakarta.

Ivan Murcahyo, người đứng đầu Văn phòng Lâm nghiệp và Công viên Thành phố Jakarta, cho biết nghĩa trang này đủ để chôn khoảng 6.000 thi thể. Họ đã chuẩn bị trước để ứng phó tình hình bởi theo kinh nghiệm, số người chết do Covid-19 sẽ tăng sau một tháng kỳ nghỉ kết thúc. Indonesia đang phải vật lộn với sự gia tăng ca nhiễm sau kỳ nghỉ lễ Idul Fitri, nghi lễ kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo tháng trước.

"Nhưng chúng tôi không bao giờ ngờ rằng sẽ tăng nhanh như vậy mỗi ngày. Hai tuần qua, chúng tôi chứng kiến số người chết tăng lên, hơn 100 người được chôn cất ở Jakarta mỗi ngày. 120, 150, rồi 180", Ivan nói.

Darsiman nói rằng ông chưa bao giờ quen với việc phải đối mặt nhiều cái chết mỗi ngày.

"Tôi đã nhìn thấy quá nhiều thi thể được đưa đến và chôn cất tại nghĩa trang này. Tôi thường tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu tôi là một trong số họ", ông nói. "Tôi không sợ người chết vì các bệnh viện đã có phương pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, mà tôi sợ gia đình họ. Họ đến nghĩa trang để đưa tiễn và tôi rất sợ vì tôi không biết họ có nhiễm virus không".

Darsiman luôn giữ khoảng cách với vợ và hai con vì sợ bản thân có thể mang virus về nhà.

Công nhân đào mộ mặc đồ bảo hộ màu trắng ngồi cạnh các hố chôn mới được đào ở nghĩa trang Rorotan. Ảnh: NurPhoto.

Công nhân đào mộ mặc đồ bảo hộ màu trắng ngồi cạnh các hố chôn mới được đào ở nghĩa trang Rorotan. Ảnh: NurPhoto.

Các nghĩa trang công cộng khác, như Bambu Apus ở Đông Jakarta, vẫn dành không gian để chôn cất nạn nhân Covid-19. Hơn 1.200 nạn nhân Covid-19 đã được chôn ỏ Bambu Apus từ tháng 1.

Công nhân đào mộ Endang Leo cho biết trong vài tuần qua, họ chôn khoảng 10 nạn nhân Covid-19 mỗi ngày tại đây.

"Thật mệt mỏi nhưng chúng tôi phải giữ sức khỏe, vì nếu chúng tôi đổ bệnh, ai sẽ chôn cất họ", ông cho hay.

Endang chỉ hy vọng họ có thể được bảo vệ nhiều hơn vì không được cấp khẩu trang, áo bảo hộ hay găng tay khi chôn cất.

Jakarta là tỉnh ghi nhận số người chết vì Covid-19 cao nhất, tiếp theo là Trung Java, Đông Java, Tây Java và Lampung. Ngày càng nhiều người từ các tỉnh này kêu cứu trên mạng xã hội và các nhóm trò chuyện, mong được hỗ trợ tìm oxy, máu và các phòng chăm sóc tích cực (ICU) cho người thân hoặc bạn bè mắc Covid-19.

Irma Hidayana, người đồng sáng lập dự án dữ liệu công dân LaporCovid-19, tin rằng số người chết thực sự do Covid-19 ở Indonesia cao hơn nhiều con số được công bố.

Khi ca nhiễm tăng lên đáng kể, các bệnh viện đã hết giường và ICU. Từ ngày 14/6, 43 bệnh nhân đã liên hệ với LaporCovid-19 để yêu cầu hỗ trợ tìm chỗ trong bệnh viện. 4 người trong số họ đang trong tình trạng nguy kịch và cần gấp một phòng ICU. Nhiều người không còn lựa chọn nào khác ngoài điều trị tại nhà.

Tổng thống Joko Widodo khẳng định những hạn chế đi lại hiện có vẫn là lựa chọn tốt nhất để không gây tổn hại cho nền kinh tế, cũng như các hoạt động chính trị và xã hội. Chuyên gia y tế chỉ trích quyết định này, đồng thời kêu gọi chính phủ hành động triệt để để cứu đất nước và ngăn chặn virus lây lan.

Hermawan Saputra thuộc Tổ chức Chuyên gia Y tế Công cộng Indonesia (IAKMI) cho biết cuộc khủng hoảng đã trở nên trầm trọng hơn sau lễ Idul Fitri và do biến chủng Delta dễ lây lan hơn.

"Chúng ta đang trong tình huống rất đáng lo ngại. Với tình trạng này, chúng tôi khuyến nghị phong tỏa khu vực để ngăn chặn virus lây lan sang các đảo khác", Hermawan nói.

Huyền Lê (Theo Guardian)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét