Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

Lý do Mỹ bị chê ứng phó chậm chạp vụ sập chung cư

Báo Trung Quốc chê Mỹ xử lý yếu kém khi cứu người dưới đống đổ nát, nhưng đội cứu nạn Mỹ phải tuân thủ quy trình chặt chẽ, khoa học.

Số người tử vong trong vụ sập tòa nhà chung cư 12 tầng ở Surfside, hạt Miami - Dade, bang Florida, Mỹ tính đến ngày 27/6 tăng lên con số 9, trong khi tổng số mất tích vẫn gần 160 trường hợp. Đội cứu hộ đã tiến hành chiến dịch tìm kiếm cứu nạn suốt ba ngày qua ở hiện trường, nhưng chưa phát hiện thêm người nào sống sót.

Trong bài viết ngày 27/6, Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Global Times, tờ báo thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sảnTrung Quốc, cho rằng khả năng ứng cứu của Mỹ trong tình huống khẩn cấp "tệ hơn là người ta nghĩ", khi đống đổ nát từ tòa nhà sập hầu như còn nguyên sau 5 ngày.

"Không có kỹ thuật hay phương pháp nổi bật nào có thể sử dụng khẩn cấp để phá vỡ thế bế tắc. Nhiều nhân viên cứu hộ bất lực đứng nhìn. Thật đáng tiếc. Giải cứu càng chậm nghĩa là hy vọng những người bị chôn vùi phía dưới sống sót càng mất dần", Hồ Tích Tiến viết.

Tốc độ tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát cũng khiến người thân của họ ngày càng bức xúc. Ngày 27/6, một nhóm thân nhân những người gặp nạn đã đòi kéo đến hiện trường, buộc lực lượng chức năng phải đưa họ đến một điểm tập trung khác để tránh cản trở công tác cứu hộ.

Nhân viên cứu hỏa tìm kiếm nạn nhân ở hiện trường vụ sập chung cư Florida trong điều kiện bất lợi những ngày đầu. Ảnh: New York Times.

Nhân viên cứu hỏa tìm kiếm nạn nhân ở hiện trường vụ sập chung cư Florida trong điều kiện bất lợi những ngày đầu. Ảnh: New York Times.

Trả lời các gia đình có người thân mất tích trong vụ sập nhà, đội phó đội cứu hỏa Miami Raide Jadallah giải thích lý do ông không thể trả lời câu hỏi lặp đi lặp lại là đội cứu nạn đã tìm được bao nhiêu nạn nhân.

"Chúng tôi không chỉ tìm kiếm nạn nhân, được chứ? Chúng tôi còn tìm kiếm thi thể", ông nói. Theo Jadallah, mỗi khi tìm thấy một thi thể, lực lượng cứu hộ lại phải dọn dẹp khu vực đó và đưa thi thể ra ngoài.

"Câu hỏi là tại sao mọi thứ lại lâu như vậy", ông giải thích tiếp. "Điều chúng tôi đang làm là đảm bảo mọi thứ được xử lý một cách đúng đắn, cặn kẽ nhất".

Do nhiều người mất tích là người Do Thái, đội còn phối hợp với một tu sĩ Do Thái giáo để đảm bảo không phạm vào những điều kiêng kỵ trong tín ngưỡng của nạn nhân. Lực lượng tìm kiếm còn gặp điều kiện bất lợi trong vài ngày đầu sau thảm họa. Mưa giông liên tục và một số đám cháy nhỏ khiến việc xác định vị trí nạn nhân thêm khó khăn.

Lãnh đạo Cơ quan Cứu hỏa và Cứu hộ hạt Miami - Dade Alan Cominsky cũng nhấn mạnh các nhân viên của mình đều nóng lòng tìm thấy người sống sót, song mọi hoạt động ở hiện trường cần được tiến hành một cách chắc chắn và đúng quy trình, tránh gây thêm thảm kịch đáng tiếc.

Ông cho hay phần sụp đổ của tòa nhà trải rộng, gạch đá chồng chất lên nhau với độ nén rất lớn. Các mảng bê tông cần được ổn định và chống đỡ cẩn thận mỗi khi lực lượng tìm kiếm tiếp cận một địa điểm mới.

"Nếu phát hiện một khoảng không giữa đống đổ nát, chúng tôi cần đảm bảo tạo điều kiện tối đa nếu có nạn nhân sống sót trong đó. Đội không thể cứ lao đầu vào và điên cuồng di chuyển mọi thứ. Cách làm này chỉ dẫn đến kịch bản xấu nhất", ông nói.

Chung cư 12 tầng bị sập ở Mỹ

Khoảnh khắc chung cư 12 tầng đổ sập. Video: AP.

Tính chất phức tạp của hiện trường từng đẩy đội cứu hộ vào cảnh khó xử khi lửa bùng phát trong đống đổ nát vào ngày 25/6, một ngày sau thảm họa. Tuy nhiên, đội cứu hộ đã đưa ra một quyết định bất thường, đó là không phun nước để dập lửa, mà để mặc đám cháy bốc lên, trong khi họ cố gắng tìm ra nguồn phát hỏa và cô lập nó.

Billy McAllister, quan chức cứu hỏa địa phương, cho biết cách làm này đảm bảo đống đổ nát không sụt lún thêm vì sức nặng của nước chữa cháy. Đội cứu nạn khi đó đã phải lội giữa biển nước ngập ngang đùi, do sự kết hợp giữa mưa lớn, nước ngầm dâng lên và nước chữa cháy từ trước đó.

Ông nói khu vực sụp đổ khó chống chịu thêm nếu lính cứu hỏa phun một lượng lớn nước dập lửa. Nếu các mảng bê tông trở nên mất ổn định và sụp xuống, những người sống sót đang mắc kẹt bên trong sẽ không có bất cứ cơ hội nào.

Theo Maggie Castro, thành viên cơ quan cứu hỏa và cứu hộ địa phương, đội tìm kiếm cũng không thể sử dụng cần cẩu lớn để di dời những mảnh tường đổ nát. Bà lưu ý hiện trường phần lớn bao gồm những mảng vỡ và gạch đá kích thước nhỏ, được chống trụ mong manh bởi chính những thanh xà còn lại trong công trình. "Chỉ cần nâng một mảng bê tông, dù cẩn thận đến mấy, những mảng còn lại sẽ trượt xuống và khiến toàn bộ hiện trường mất ổn định", bà cảnh báo.

Mọi quyết định di dời đều cần tính toán kỹ nhằm tránh hiệu ứng dây chuyền. Castro cho biết đội cứu hộ phải giải quyết từng lớp một. Luôn có khoảng 6-8 đội tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường, trong khi hàng trăm nhân viên túc trực sẵn sàng tăng viện và thay đổi luân phiên. Từ khi thảm họa xảy ra vào nửa đêm 24/6, chưa ngày nào lực lượng cứu hộ tạm ngừng làm việc.

Máy móc hạng nặng được huy động ngày 25/6 để di dời các mảng công trình đổ vỡ. Ảnh: New York Times.

Máy móc hạng nặng được huy động ngày 25/6 để di dời các mảng công trình đổ vỡ. Ảnh: New York Times.

Các đội tìm kiếm liên tục phối hợp cùng kỹ sư và sử dụng thiết bị sóng âm để đảm bảo an toàn. Theo Maggie Castro, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo cấu trúc không đổ sụp mất kiểm soát và đè lên cả người cần được cứu lẫn nhân viên cứu hộ.

Các đội tìm kiếm còn đào một hào sâu khoảng 12 m, rộng hơn 6 m và dài gần 40 m để tăng khả năng tìm kiếm người sống sót lẫn thi thể các nạn nhân.

Dù tốc độ tìm kiếm không như gia đình các nạn nhân kỳ vọng, giới chuyên gia đánh giá đội cứu hộ đang tiếp cận hiện trường một cách khoa học. Earl Tilton, giám đốc hãng tư vấn tìm kiếm cứu nạn Lodestar, đồng tình rằng việc đào bới hấp tấp chỉ tăng nguy cơ nhân viên cứu hộ lẫn các nạn nhân bị thương hoặc thiệt mạng. Ở một số trường hợp giải cứu trong đô thị, nhân viên cứu hộ có lúc mất cả tuần mới tìm thấy người sống sót.

"Dịch chuyển sai mảnh vỡ vào sai thời điểm chỉ khiến đống cấu trúc sụp xuống và nghiền nát nạn nhân", Tilton nhận định.

Trung Nhân (Theo NYTimes/ KTLA)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét