Yu Chen, 23 tuổi, cảm nhận tim đập bất thường và thấy khó thở sau hai tuần liên tục tăng ca tới quá nửa đêm.
Chen suýt chết vào nửa đêm một ngày tháng 2. Khoảng 3h sáng, Chen vẫn làm việc tăng ca tại nhà. Hơn hai tuần liên tục, anh thức khuya nhưng vẫn dậy sớm vào sáng hôm sau. Cứ buồn ngủ là Chen lại châm một điếu thuốc, giữ cho mình tỉnh táo.
Nhưng đêm hôm đó, trái tim của Chen không chịu làm thêm giờ. Chen cảm thấy không khỏe, ngả lưng một chút để nghỉ ngơi nhưng đầu óc vẫn quay cuồng nghĩ về công việc. Anh cảm thấy tim mình ngừng đập trong giây lát, rồi đập lại nhưng rất chậm.
Chen bắt đầu khó thở, mắt hoa lên, nhìn thấy những chấm nhỏ li ti. Anh ngồi dậy, hít thở sâu, nằm xuống sau vài phút nhưng lại tiếp tục thấy khó thở. "Phải chăng tim mình sắp ngừng đập?", ý nghĩ này lóe lên trong đầu Chen.
Anh từng xem nhiều bản tin về thanh niên đột tử do suy tim. Muốn gọi xe cấp cứu nhưng sợ cả nhà lo lắng, Chen quyết định mặc áo khoác, lái xe tới phòng cấp cứu gần nhất.
"Thật đáng tiếc nếu mình chết đi như thế này, mình tiết kiệm bao nhiêu tiền mà chưa có lúc nào để tiêu", Chen tự nhủ trong lúc lái xe.
Tới viện, bác sĩ chẩn đoán Chen bị đánh trống ngực, chỉ định ít thức khuya, hạn chế cà phê và thuốc lá. Nhưng nhiều người Trung Quốc không may mắn như Chen.
Ngày 3/12/2020, một nhân viên 27 tuổi của hãng điện tử gia dụng Gome đột tử trong hội nghị tổng kết cuối năm. 6 ngày sau, một nhân viên 47 tuổi công ty SenseTime, doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo, chết trên ghế băng ngoài phòng tập thể dục của công ty ở Thượng Hải.
Cuối năm 2020, một nữ nhân viên 22 tuổi làm ở bộ phận mua hàng của trang thương mại điện tử Pinduoduo đột tử trên đường đi làm về lúc 1h30 sáng.
Những cái chết do đột tử xảy ra ở một số ga tàu điện ngầm tại Bắc Kinh, trong khi những ca tương tự xảy ra trong văn phòng của Alibaba, ByteDance, JD, Meituan và những công ty Internet khác, lĩnh vực buộc người lao động thường xuyên làm việc quá sức, đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông.
Một nhân viên làm việc quá sức đột tử trong phòng tắm khách sạn lúc đi công tác, trong khi một người khác lại qua đời khi đang chơi thể thao sau giờ làm việc. Một người chết lúc đang đi bộ quanh nhà, một người thức dậy lúc 2h sáng, kêu rên đau ngực và bắt đầu sùi bọt mép. Người nữa ngồi trước máy tính, khi tim ngừng đập, tin nhắn vẫn tiếp tục nhảy đến qua WeChat.
Đột tử thường do mất chức năng tim cấp tính, như đau tim hoặc ngừng tim, có thể do hút thuốc, rượu bia, thức khuya, làm việc nhiều giờ hoặc căng thẳng.
Ngày trước, đây là căn bệnh "của người già", nhưng trong thập kỷ qua, tuổi đời nạn nhân ngày càng trẻ. Li Yuehua, bác sĩ hơn 40 năm công tác tại bệnh viện Tân Hoa Thượng Hải, cho biết trong những năm 1980, bệnh nhân đau tim mà bà điều trị thường ngoài 60, 70 tuổi. Sau đó là 40 và 50. Gần đây, có người mới 26 tuổi.
Theo một nghiên cứu năm 2006 được tiến hành với hơn 670.000 người tại 4 thành phố lớn ở Trung Quốc, các chuyên gia phát hiện 284 ca đột tử do ngừng tim trong số 2.983 ca tử vong.
Một nhà kinh doanh thiết bị y tế ước tính số người đột tử do ngừng tim mỗi năm "chắc chắn phải trên một triệu", nhưng không có thống kê chính xác. Thông thường, bác sĩ không thể chẩn đoán kịp thời ngừng tim là nguyên nhân tử vong.
Khi gặp sự cố về tim, Chen đang làm việc cho một công ty nhà nước nhưng nhận thêm việc thiết kế đồ họa 3D lúc rảnh rỗi. Làm xong việc cơ quan lúc 16h, Chen tiếp tục làm các dự án hoạt hình tới 2-3h sáng. Sau đó, anh sẽ ngủ vài tiếng trước khi bắt đầu làm việc bình thường lúc 8h.
Bây giờ Chen đã nghỉ việc, mở xưởng phim hoạt hình riêng. Dù hiện tại chỉ làm một công việc, lối sống của Chen không thay đổi nhiều.
"Nếu tôi không thể thích ứng với lối sống này ở độ tuổi 20, nó sẽ chỉ tệ hơn khi tôi già đi. Nếu tôi không thể sống quá 30 tuổi, thì hãy cứ để vậy đi", Chen nói.
Một nghiên cứu tại bệnh viện Trung Nam, thành phố Vũ Hán, cho thấy bệnh nhân được điều trị trong vòng ba phút sau khi ngừng tim đột ngột có tỷ lệ sống sót hơn 70%, còn sau 4 phút, tế bào não bắt đầu chết đi. Sau 5 phút, tỷ lệ sống sót giảm còn 60% và sau 10 phút, giảm xuống gần bằng 0%.
Ở Trung Quốc, xe cấp cứu mất trung bình 15 phút từ bệnh viện tới nơi có bệnh nhân, quá muộn để cứu chữa người bệnh. Nhưng người có mặt ở hiện trường có thể giúp đỡ kịp thời. Khi cơn đau tim đột ngột xảy ra, các tín hiệu điện giữ cho tim đập đúng nhịp bị nhiễu, khiến cơ tim nhầm lẫn và sợi cơ tim đập không đồng bộ, dẫn tới tim co giật.
Máy khử rung tim tự động AED phát đi xung điện tử mạnh, giúp loại bỏ tín hiệu gây nhầm lẫn, giúp tim đập lại đúng nhịp và ai cũng có thể vận hành.
AED được thúc đẩy tại nhiều nước phát triển suốt nhiều năm, nhưng rất hiếm ở Trung Quốc. Theo một báo cáo tháng 8/2020 của Tạp chí Y học Cấp cứu Trung Quốc, Mỹ có 700 AED cho mỗi 10.000 người, Nhật Bản là 276. Thâm Quyến có mật độ AED cao nhất Trung Quốc, với 17,5 thiết bị trên 10.000 dân.
Những người mong muốn người dân Trung Quốc biết tới AED nhiều hơn cho hay việc quảng bá công nghệ rất khó khăn. Một nhân viên bán AED, người đồng thời chỉ dạy kỹ thuật sơ cứu, cho biết "nhiều công ty mua AED chỉ để làm màu".
Một số công ty lắp đặt thiết bị này để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, sau đó khóa lại, giao chìa cho nhân viên bảo quản. Nhiều công ty khác lắp đặt AED mà không lập kế hoạch huấn luyện cho nhân viên, bao gồm khóa học cơ bản và bồi dưỡng hàng năm, khiến thiết bị này không khác gì vật trang trí.
AED tại nơi công cộng thậm chí còn hiếm hơn. Năm 2019, nhật báo Kinh doanh Bắc Kinh đưa tin tiến sĩ Tian Ying, Trung tâm Tim mạch bệnh viện Triều Dương, Bắc Kinh, đã hợp tác với các nhà sản xuất AED, đề xuất tặng một lô AED lắp đặt cho các trạm tàu điện ngầm nhưng cuối cùng chỉ nhận được câu trả lời: "Không có chính sách, không có giấy phép, không có nơi đặt máy". Từ đó, mỗi khi xảy ra bất kỳ ca tử vong nào tại tàu điện ngầm, các chuyên gia sơ cứu đều đề nghị gia đình nạn nhân kiện công ty tàu điện ngầm.
Kể cả một số trạm tàu điện ngầm ở Bắc Kinh có trang bị AED, không phải hành khách nào cũng chú ý tới nó. Tại các trạm trung chuyển lớn hơn, phức tạp hơn, không thể đảm bảo có người sử dụng AED kịp thời trong giờ cao điểm.
"Giả sử tôi bất ngờ ngã xuống lúc này, liệu có người nào trong bán kính 1-2 km tìm được AED và cứu tôi không? Tôi không dám chắc", đại diện bán hàng nói.
Nhiều công ty và người dân đều cho rằng đột tử rất khó xảy ra với họ. Trong những năm gần đây, chỉ sau khi nhiều vụ đột tử liên tiếp xảy ra ở công sở, các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc mới trang bị máy AED và bộ sơ cứu.
Ngày 27/11/2019, nghệ sĩ giải trí Đài Loan Godfey Gao đột tử lúc đang ghi hình cho một chương trình ở Ninh Ba, miền đông Trung Quốc. Hôm đó, khi người bán máy AED rời sân khấu sau buổi trình diễn kỹ thuật sơ cứu, anh mới phát hiện tin nhắn dồn dập hỏi mua AED.
Ngày 18/12/2020, một học sinh 10 tuổi ở quận Phong Đài, Bắc Kinh, đột tử khi đang trong giờ chạy bộ, sau đó mọi trường học lân cận đều lắp AED.
Mỗi thảm kịch xảy ra đều dẫn tới sự gia tăng đột biến doanh số bán hàng AED, nhưng nó cũng nhanh chóng giảm xuống tới khi xảy ra thảm kịch tiếp theo.
"Có quá nhiều câu chuyện như thế", đại diện bán hàng nói đầy buồn bã.
Sau khi nghỉ việc bác sĩ tại Trung tâm Y tế Khẩn cấp Bắc Kinh, ông Jia Dacheng, 72 tuổi, trở thành thành viên "Đội phổ biến kiến thức sơ cấp cứu" do Hiệp hội Bác sĩ Trung Quốc thành lập. Ông tuyên truyền kiến thức sơ cứu cơ bản suốt 40 năm qua.
Jia là bác sĩ đầu tiên ở Trung Quốc thúc đẩy sử dụng AED. Năm 1996, giới y sĩ Trung Quốc lần đầu biết tới thiết bị này sau khi một nhà mày sản xuất ở Mỹ cung cấp AED cho Trung tâm Y tế Khẩn cấp Bắc Kinh. Sau khi kiểm tra, Jia nhận ra một người không cần biết gì về y học cũng có thể sử dụng nó thành thạo trong vài phút.
Tuy nhiên, trên chặng đường phổ biến thiết bị này, Jia thường bị hoài nghi là muốn lừa tiền người khác. Wang Su, bác sĩ tim mạch tại bệnh viện Anzhen Bắc Kinh, viết nhiều bài báo phổ biến kiến thức suốt nhiều năm, nhưng rất khó để thu hút độc giả.
Ông đã thử nhiều phương pháp, như đăng bài trên những nền tảng mạng xã hội phổ biết, viết bài trên những tài khoản nhắm mục tiêu tới người cao tuổi, cũng như thêm nhiều hình ảnh minh họa rực rỡ để thu hút độc giả, những đều vô ích. Các bài viết về "cách sử dụng AED" đều không thu hút nhiều lượt xem như những bài viết "uống trà đánh bại Covid-19".
Ngoài ra, một yếu tố khác khiến người Trung Quốc ít khi can thiệp khi thấy người gặp nạn đó là sợ bị kiện tụng. Nhiều người giúp đỡ người khác lúc nguy cấp sau đó bị chính người mà họ đã giúp đỡ kiện với lý do là thủ phạm. Từ đó, xã hội Trung Quốc hình thành quy luật bất thành văn là "không giúp người lạ".
Tuy nhiên, chính quyền đã ý thức được sự quan trọng của việc phòng ngừa đột tử. Đại biểu Meng Lingyue của hội đồng nhân dân Bắc Kinh đầu năm 2020 đề xuất đưa AED vào chương trình giảng dạy bắt buộc trong trường học. Cảnh sát, lính cứu hỏa, nhân viên vệ sinh, bảo vệ cũng phải học kỹ thuật sơ cứu và cách sử dụng AED.
Video tuyên truyền sử dụng AED cũng được phát đi trên một số tuyến xe buýt ở Bắc Kinh. Tháng 10/2020, chính quyền thành phố thông báo sẽ lắp đặt AED tại các ga tàu điện. Theo kế hoạch, mỗi trạm sẽ được cung cấp AED, 80% nhân viên của các trạm thuộc tuyến tàu điện ngầm số 1 sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo vào cuối năm 2022.
Hồng Hạnh (Theo Sixth Tone)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét