Giới chức Canada và miền tây nước Mỹ cảnh báo người dân đề phòng khi đợt nắng nóng kỷ lục ập tới làm nhiệt độ tăng vọt.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) ngày 26/6 phát cảnh báo nắng nóng với các bang Washington và Oregon, cùng một số khu vực thuộc bang Idaho, Wyoming và California, do nhiệt độ sẽ tăng đột ngột trong ngày 26-27/6 và cả tuần sau.
"Đây có thể là một trong những đợt nắng nóng kéo dài và khắc nghiệt nhất được ghi nhận trong lịch sử tại vùng nội địa ở khu vực tây bắc nước Mỹ", NWS cho biết và dự báo toàn khu vực sẽ ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục hàng ngày và hàng tháng, thậm chí mức nhiệt kỷ lục trong lịch sử có thể bị xô đổ.
Thành phố Seattle thuộc bang Washington sẽ hứng chịu nhiệt độ 100 độ F (38 độ C) trong hai ngày cuối tuần, trong khi mức nhiệt ở Portland, bang Oregon được dự báo lên tới 108 độ F (42 độ C), phá vỡ kỷ lục 107 độ F được lập vào năm 1981.
Một số khu vực chịu ảnh hưởng của đợt nắng nóng lần này vốn nằm ở nơi có khí hậu ôn hòa, dân địa phương không lắp điều hòa nhiệt độ. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự an toàn của người cao tuổi, người vô gia cư và các nhóm khác đặc biệt dễ tổn thương trong thời tiết khắc nghiệt.
Nắng nóng khiến nông dân hối hả thu hoạch các loại trái cây trước khi chúng thối rữa. Giới chức quản lý thủy sản đang tìm cách bảo vệ cá hồi đỏ, loài nằm trong nguy cơ tuyệt chủng, khỏi nguy cơ ảnh hưởng do nước sông quá ấm.
Nhiều cửa hàng "cháy" điều hòa và quạt, một số bệnh viện dừng hoạt động tiêm vaccine Covid-19 ngoài trời, nhiều thành phố mở các trung tâm làm mát, các trận đấu bóng chày bị hủy hoặc dời lịch đến cuối tuần, các đơn vị dịch vụ công chuẩn bị đối phó nguy cơ mất điện.
Giới chức hạt Multnomah thuộc bang Oregon yêu cầu các tình nguyện viên giúp đỡ nhân viên của các trung tâm làm mát. Portland General Electric thông báo đã bố trí 120 đội kỹ thuật để ứng phó với các sự cố mất điện vào cuối tuần, song cho biết chưa lường trước được tình trạng mất điện do nắng nóng.
James Bryant, một cư dân sống tại thành phố Seattle, quyết định mua điều hòa để đề phòng nắng nóng kỷ lục. Phần lớn nhà dân tại Seattle không lắp điều hòa. "Nhà tôi đã nóng rồi, mà nhiệt độ trong vài ngày tới sẽ tăng thêm. Tôi có con và phải đảm bảo rằng chúng không bị nóng quá", Bryant nói.
Chính phủ Canada cũng ban hành cảnh báo nắng nóng với các khu vực thuộc tỉnh tây British Columbia, Alberta và Saskatchewan, lãnh thổ Yukon và Các Vùng lãnh thổ Tây Bắc.
"Tôi muốn nói là phá kỷ lục, song thời tiết nghiền nát kỷ lục thì đúng hơn", chuyên gia khí hậu Canada David Phillips nói. "Vùng phía tây Canada thậm chí còn nóng hơn Dubai".
Đợt nắng nóng diễn ra sau khi chính phủ Mỹ công bố số liệu cho thấy 88% diện tích miền tây nước này đang trong tình trạng hạn hán do biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ. Mực nước các hồ chứa ở mức thấp nhất lịch sử, giới chức toàn khu vực đã ban hành quy định hạn chế sử dụng nước.
Giới chuyên gia lo ngại hạn hán do biến đổi khí hậu làm cạn các hồ chứa và góp phần khiến mùa cháy rừng diễn ra sớm hơn. "Tây nam nước Mỹ đang trong thời kỳ hạn hán kéo dài, còn gọi là siêu hạn hán, mà chúng tôi chưa từng thấy trong hồ sơ theo dõi suốt thiên niên kỷ qua", John Abatzoglou, chuyên gia khí hậu và thời tiết tại Đại học California, cho biết.
Kristie Ebi, chuyên gia về hiện tượng nóng lên toàn cầu, cho biết hiệu ứng "vòm nhiệt" quy mô lớn sẽ thường xuyên xuất hiện tại khu vực tây bắc Thái Bình Dương trong tương lai, khi biến đổi khí hậu tái định hình các mô hình thời tiết trên toàn thế giới.
"Từ các bằng chứng trên khắp thế giới, chúng tôi hiểu rằng biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất, cường độ và thời gian của các đợt nắng nóng kéo dài. Chúng ta sẽ phải quen với điều này trong tương lai", Ebi nói.
Nguyễn Tiến (Theo Aljazeera)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét