Vụ đánh bom sân bay Kabul đánh dấu thời khắc đau thương nhất cho hồi kết của hai thập kỷ hiện diện quân sự Mỹ ở Afghanistan sau quyết định của Biden.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết chấm dứt toàn bộ hiện diện quân sự Mỹ ở Afghanistan vào ngày 31/8. Khi hạn chót rút quân khỏi Afghanistan ngày càng gần, cổng Abbey của sân bay quốc tế Hamid Karzai tại thủ đô Kabul càng trở nên đặc biệt.
Với công dân nước ngoài và nhiều người Afghanistan, lối đi tạm thời giữa tường rào và công sự chống bom này là lối thoát khỏi Kabul, tháo chạy trước tương lai bất định dưới chính quyền mới Taliban. Lượng người chờ đợi mỗi ngày nhiều vô kể. Họ chen lấn suốt hàng giờ liền, chấp nhận bì bõm trong kênh thoát nước thải dưới chân bức tường chống nổ, với hy vọng được qua công Abbey và đặt chân vào sân bay.
Vào ngày 26/8, niềm hy vọng đó biến thành tấn bi kịch. Vào khoảng 17h, một vụ nổ lớn làm rung chuyển cổng Abby. Cuộc đánh bom tự sát khiến 13 quân nhân Mỹ thiệt mạng, 18 người Mỹ bị thương và khoảng 160 người Afghanistan tử vong. Những hình ảnh đẫm máu tại hiện trường cho thấy số thương vong có thể còn tăng lên.
Cuộc tấn công đã đánh dấu một trong những thời khắc bạo lực và đen tối nhất trong hồi kết 20 năm quân đội Mỹ tham chiến ở Afghanistan. Với những người Afghanistan vẫn kéo đến cổng Abbey bất chấp cảnh báo nguy cơ tấn công từ phiến quân Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), kẻ thù không đội trời chung với Taliban, vụ thảm sát báo hiệu tương lai đẫm máu sẽ tiếp diễn sau khi Mỹ rút khỏi nước này.
Người Mỹ cũng đối diện tương lai đầy rủi ro. Đây là lần đầu tiên trong hơn một năm qua, quân nhân nước này tử trận tại Afghanistan. Vụ khủng bố được coi là điềm báo rằng Mỹ khó thoát khỏi những bất ổn và mối đe dọa nảy sinh từ chính vùng đất họ dành suốt hai thập kỷ qua cho sứ mệnh chống khủng bố xuyên quốc gia.
Các hệ quả từ cuộc tấn công, trực tiếp lẫn gián tiếp, có khả năng định hình cả nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Lãnh đạo Mỹ đã đánh cược một phần lớn vốn liếng chính trị của mình khi kiên quyết rút quân khỏi Afghanistan, dù dự đoán được kịch bản hỗn loạn và đau thương khi lính Mỹ rời đi.
Đây là lựa chọn khó khăn mà ông đã chấp nhận để trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên, và có thể là duy nhất, đủ dũng cảm để thật sự kết thúc "cuộc chiến bất tận" ở Afghanistan.
Ông theo đuổi đến cùng kế hoạch mình đã đề ra, chấm dứt hiện diện quân sự của Mỹ tại Afghanistan trước khi bước sang tháng 9, ngay cả khi lực lượng Taliban chiến thắng như chẻ tre rồi kiểm soát toàn bộ Kabul. Ông giữ nguyên lập trường bất chấp chỉ trích lẫn cảnh báo về nguy cơ khủng bố tái xuất.
Vụ đánh bom khủng bố ở sân bay Kabul được coi là một trong những kịch bản xấu nhất với chiến dịch rút quân. Tổng thống Biden đã đứng ra nhận trách nhiệm, với tư cách cá nhân, cho thảm kịch ở thủ đô Afghanistan.
"Tôi xin gánh trách nhiệm sâu sắc nhất cho những diễn biến vừa qua", ông tuyên bố giữa phòng họp Cánh Đông của Nhà Trắng, với gương mặt toát lên nhiều lo âu.
Tổng thống Mỹ xác định đây là tội ác của nhóm khủng bố IS-K, nhánh hoạt động tại Afghanistan của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đồng thời thề truy lùng những kẻ chủ mưu vụ đánh bom. Không quân Mỹ hôm nay cũng tung đòn không kích, tiêu diệt một chiến lược gia của IS-K.
Nhưng mối lo ngại của giới chức Washington không dừng ở vụ đánh bom tự sát. Việc IS-K chớp thời cơ ra tay cho thấy Afghanistan vẫn có nguy cơ là nơi trú ẩn cho khủng bố để thực hiện các cuộc tấn công vào lợi ích Mỹ.
Vụ đánh bom đẫm máu ngày 26/8 diễn ra giữa lúc sự quan tâm của dư luận quốc tế và Mỹ đang đổ vào Kabul. Trước và sau cột mốc này, tồn tại hai hình ảnh trái ngược của chính phủ Mỹ. Trong vài ngày qua, chính phủ Biden đã cố gắng đẩy nhanh tốc độ sơ tán và cứu vãn hình ảnh trước công chúng. Thông điệp xuyên suốt từ Nhà Trắng là chiến dịch di tản có quy mô lịch sử vẫn được quản lý và kiểm soát tốt hết mức.
Ngày 20/8, Tổng thống Biden khẳng định "Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới đủ khả năng triển khai nguồn lực to lớn đến nửa kia thế giới với mức độ chính xác cao đến vậy".
Ngày 23/8, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan tiếp tục trấn an dư luận. Ông lập luận tình trạng quá tải ở các trung tâm chuyển tiếp người tị nạn ở nước thứ ba là do chiến dịch sơ tán đang diễn ra với tốc độ vượt kỳ vọng.
Một ngày trước vụ tấn công, Ngoại trưởng Antony Blinken thông báo quân đội Mỹ và đối tác đưa hơn 82.300 người khỏi Kabul chỉ trong 10 ngày. Ông lặp lại thông điệp của Biden, tiếp tục nhấn mạnh khắp thế giới chỉ có Mỹ đủ sức tổ chức và thực hiện một sứ mệnh với mức độ phức tạp và quy mô chưa từng có tiền lệ.
Khi quả bom phát nổ trước cổng Abbey, ảo ảnh về sự an toàn của chiến dịch cuối cùng đã sụp đổ, đúng với lo ngại của chính giới chức Mỹ. Bản thân Ngoại trưởng Blinken ngày 25/8 xác nhận với báo giới lực lượng Mỹ đang hoạt động trong "môi trường thù địch" và rủi ro tấn công khủng bố vô cùng cao.
Bước ngoặt bi kịch còn là lời cảnh báo Mỹ đang đánh cược quá lớn vào vành đai an ninh của Taliban ở bên ngoài sân bay Kabul, trong bối cảnh lực lược này còn chưa thể kiểm soát hoàn toàn tình hình. Với quyết định không thay đổi hạn chót rút quân, Washington sẽ phải tăng tốc hơn nữa chiến dịch sơ tán.
Vụ đánh bom khiến các nhóm khủng bố nhận thấy sân bay Hamid Karzai là mục tiêu khả thi và con đường di tản của những người Afghanistan đang tuyệt vọng càng thêm nguy hiểm. Cổng Abbey có thể trở thành cột mốc lịch sử, đánh dấu ngày đen tối nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden.
"Đây là ngày cuộc rút quân hỗn loạn và tổ chức kém sụp đổ trong bi kịch và chết chóc. IS-K sẽ không chấm dứt bạo lực chỉ vì Taliban tuyên bố chiến tranh đã kết thúc", Michael Kugelman, chuyên gia về khu vực Nam Á của Trung tâm Wilson, nhận định.
Trung Nhân (Theo TIME)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét