Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2021

Dân Đức, Pháp biểu tình chống hạn chế ngăn Covid-19

Hàng nghìn người Đức và Pháp biểu tình phản đối phong tỏa hay giấy thông hành Covid-19, dù tình hình đại dịch vẫn diễn biến phức tạp.

Hàng nghìn người thuộc phong trào Querdenker, tập hợp những người chống vaccine, hoài nghi Covid-19 và các phần tử cực hữu, ngày 28/8 kéo nhau tới thủ đô Berlin để biểu tình phản đối phong tỏa, bất chấp lệnh cấm của cảnh sát. Họ hô khẩu hiệu "Chúng tôi là nhân dân" khi tuần hành qua khu Prenzlauer Berg và Mitte ở thủ đô Đức.

Giới chức triển khai hơn 2.000 cảnh sát đối phó đoàn biểu tình. Đến tối, khi trời đổ mưa, cuộc biểu tình kết thúc, cảnh sát cũng dùng hơi cay để giải tán những người vẫn cố tình nán lại.

Cùng lúc đó, một đám đông vài nghìn người cũng tuần hành thể hiện sự ủng hộ các biện pháp hạn chế của chính phủ nhằm ngăn virus lây lan và phản đối phong trào Querdenker. Cảnh sát cho hay họ cũng phải giải tán đoàn tuần hành này khi đám đông trở nên quá lớn, không đảm bảo giãn cách xã hội.

Đức báo cáo 3.931.406 ca nhiễm và 92.628 ca tử vong, tăng lần lượt 6.426 và 8 ca trong 24 giờ qua.

Tại Pháp, 222 cuộc biểu tình nổ ra ngày 28/8 với sự tham gia của tổng cộng hơn 160.000 người để phản đối giấy thông hành Covid-19, cho rằng đây là hạn chế bất công với người chưa tiêm vaccine. Đây là tuần thứ 7 liên tiếp các cuộc biểu tình như vậy xảy ra tại Pháp. Ba cảnh sát bị thương trong các vụ đụng độ và 16 người bị bắt.

"Vaccine không phải giải pháp", Helene Vierondeels, một người tham gia cuộc biểu tình của phe cánh hữu ở Paris, cho biết. "Chúng ta nên dừng việc đóng cửa các bệnh viện cũng như việc tiếp tục các biện pháp hạn chế".

Cảnh sát chống bạo động Pháp vây quanh một người đàn ông tham gia biểu tình phản đối giấy thông hành Covid-19 ở Paris ngày 28/8. Ảnh: AFP.

Cảnh sát chống bạo động Pháp vây quanh một người đàn ông tham gia biểu tình phản đối giấy thông hành Covid-19 ở Paris ngày 28/8. Ảnh: AFP.

Tại Bordeaux, một số người biểu tình cho biết họ phản đối tiêm vaccine cho con em mình dù chỉ còn vài ngày nữa năm học mới tại Pháp sẽ bắt đầu. Một người biểu tình cho rằng không có yếu tố nào biện minh cho việc tiêm vaccine Covid-19 hàng loạt và ví điều này không khác hành vi hiếp dâm.

Tổng số người biểu tình tại Pháp ngày 28/8 giảm nhẹ so với trước đó một tuần, khi 175.000 người xuống đường biểu tình. Bộ Nội vụ Pháp cho biết khoảng 200.000 người xuống đường tuần hành trong những ngày cuối tuần trước đó.

Các cuộc biểu tình quy tụ những người ủng hộ thuyết âm mưu, phản đối vaccine lẫn các cựu thành viên phong trào áo vàng phản đối chính phủ, cùng những người lo ngại hệ thống giấy thông hành Covid-19 sẽ tạo ra một xã hội hai tầng lớp bất công.

Pháp, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, ghi nhận thêm 17.590 ca nhiễm và 74 ca tử vong, tổng số là 6.728.858 và 114.157.

Giới chức Pháp áp dụng chính sách giấy thông hành Covid-19 từ giữa tháng 7, theo đó những người muốn tới nhà hàng, nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại lớn hoặc đi tàu hỏa đường dài phải xuất trình chứng nhận đã tiêm vaccine hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV.

Chính phủ Pháp khẳng định việc áp dụng chính sách giấy thông thành Covid-19 là cần thiết để khuyến khích tiêm vacicne và tránh nguy cơ phong tỏa toàn quốc lần thứ 4. Hầu hết các bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện ở Pháp là những người chưa tiêm vaccine.

Ấn Độ báo cáo 32.694.188 ca nhiễm và 437.860 ca tử vong, tăng lần lượt 45.058 và 457.

Quốc gia Nam Á tiêm hơn 10 triệu mũi vaccine trong ngày 27/8, vượt mốc trước đó là 9,2 triệu. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gọi đây là kỳ tích quan trọng.

Ấn Độ tiêm khoảng 628 triệu mũi vaccine. Hơn một nửa trong số 944 triệu dân số trưởng thành ở Ấn Độ đã tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, 15% trong số này đã hoàn thành liệu trình. Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm cho toàn bộ dân số trưởng thành vào tháng 12.

Sản lượng vaccine Ấn Độ tăng vọt trong tháng 8, chủ yếu nhờ Viện Huyết thanh Ấn Độ. Đơn vị này mỗi tháng sản xuất khoảng 150 triệu liều vaccine AstraZeneca bản nội địa.

Australia ghi nhận thêm 1.122 ca nhiễm trong 24 giờ qua, mức tăng kỷ lục từ khi Covid-19 xuất hiện tại nước này, trong đó 993 ca tử vong, tăng hai ca.

Phần lớn các ca nhiễm mới được ghi nhận ở New South Wales, bang đông dân nhất Australia. Bất chấp số ca nhiễm tăng cao, giới chức New South Wales cho biết sẽ nới lỏng một số hạn chế vào tuần tới và cho phép tổ chức các đám cưới với 5 khách tham dự.

Trong khi đó, các quan chức bang Victoria láng giềng áp hạn chế nghiêm ngặt hơn và hy vọng biện pháp này có thể dập tắt đợt bùng phát. Hơn một nửa dân số Australia phải tuân thủ lệnh phong tỏa kéo dài nhiều tuần qua.

Australia đang chạy đua để tiêm vaccine Covid-19 sau nhiều tháng trì hoãn vì thiếu nguồn cung sản phẩm của Pfizer, trong khi đó dân chúng không đồng ý sử dụng vaccine của AstraZeneca. Với tốc độ hiện tại, 80% dân Australia có thể được tiêm chủng vào giữa tháng 11.

New Zealand, nước láng giềng của Australia, ghi nhận 3.380 ca nhiễm, tăng 83 ca, trong đó gồm 26 ca tử vong.

Chính phủ New Zealand ngày 27/8 thông báo gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến hết tháng này nhằm ngăn đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên sau nửa năm. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết biện pháp này "nhằm kiểm soát biến chủng Delta và mở cửa trở lại an toàn".

Thủ tướng Ardern nói hầu hết các biện pháp hạn chế cấp độ 4 vẫn tiếp tục được áp dụng tại thành phố Auckland, nơi ghi nhận đa số các ca nhiễm, trong hai tuần nữa. các khu vực còn lại ở New Zealand sẽ chuyển sang biện pháp hạn chế thấp hơn, ở mức ba, sau ngày 31/8.

Với hạn chế cấp độ ba, các địa điểm công cộng vẫn đóng cửa, hạn chế đi lại trong khu vực, cấm tụ tập ngoại trừ tang lễ và đám cưới. Quán ăn và các tiệm bán lẻ chỉ được phép giao hàng hoặc cho phép qua nhận hàng.

New Zealand bắt đầu phong tỏa toàn quốc từ 17/8 sau khi phát hiện ca nhiễm nCoV cộng đồng đầu tiên kể từ tháng 2. Bệnh nhân được xác nhận nhiễm biến chủng Delta với khả năng lây nhiễm cao.

Philippines báo cáo 1.935.700 ca nhiễm và 33.008 ca tử vong, tăng lần lượt 19.441 và 167 ca.

Vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong bối cảnh biến chủng Delta tiếp tục hoành hành tại đây. "Chúng tôi dự báo số ca nhiễm tiếp tục tăng trong những ngày tới", Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire nói.

Chính phủ Philippines ngày 28/8 quyết định kéo dài lệnh hạn chế ở vùng thủ đô đến ngày 7/9. Một số doanh nghiệp có thể phục vụ tại chỗ với 50% công suất, song các cửa hàng, dịch vụ chăm sóc cá nhân và hoạt động tôn giáo vẫn bị đình chỉ, phát ngôn viên Tổng thống Philippines Harry Roque cho biết trong thông cáo.

Vùng thủ đô Manila, bao gồm 16 thành phố với dân số hơn 13 triệu người, đang là tâm dịch của Philippines với số ca nhiễm chiếm 1/3 và số ca tử vong chiếm 1/4 tổng số toàn quốc. Số ca nhiễm cũng tăng ở 9 tỉnh và 6 thành phố khác của Philippines.

Chính phủ Philippines hy vọng phục hồi kinh tế bằng chương trình tiêm chủng được bắt đầu hồi tháng 3, dự kiến tiêm chủng cho mọi người dân vào tháng 1/2022. Bộ Tài chính Philippines cho biết nước này tới nay đảm bảo tổng cộng 194,89 triệu liều vaccine Covid-19, đủ để tiêm cho khoảng 100,5 triệu dân.

Nguyễn Tiến (Theo Reuters, AFP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét