Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan cách đây hai tuần, nhưng đang đối mặt một cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế lẫn ngoại giao. Afghanistan có nguy cơ hứng chịu thảm họa nhân đạo nghiêm trọng, khi nguồn tài trợ quốc tế, vốn là trụ cột chính cho nền kinh tế nước này, đã bị cắt dưới áp lực của Mỹ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chặn hơn 370 triệu USD tiền viện trợ cho Afghanistan do "thiếu rõ ràng trong cộng đồng toàn cầu" về việc công nhận Taliban. Washington cũng đã đóng băng khoảng 7 tỷ USD tiền dự trữ của chính phủ Afghanistan trong các ngân hàng Mỹ.
"Vòng kim cô tài chính" này sẽ không được nới lỏng chừng nào cộng đồng quốc tế còn chưa công nhận Taliban là lực lượng cầm quyền ở Afghanistan. Đây được coi là kịch bản đòi hỏi nỗ lực hợp tác của cả Mỹ và Trung Quốc.
Zhu Yongbiao, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Lan Châu, cho biết Washington và Bắc Kinh hoàn toàn có thể phối hợp với nhau để "dìu dắt" Taliban hòa nhập với cộng đồng quốc tế. Nếu để Taliban hoài nghi vào khả năng hội nhập quốc tế, nước này có nguy cơ rơi vào tình trạng cô lập và trở thành mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa cực đoan.
"Muốn đạt được mục tiêu đó, Mỹ và Trung Quốc nên hỗ trợ Afghanistan dựa trên các điều kiện thực tế và không nên tìm cách áp đặt những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt lên Taliban một cách mù quáng theo các tiêu chuẩn phương Tây", Zhu nói. "Chúng ta nên xem xét kỹ hơn liệu Taliban có thực sự sẵn sàng thay đổi hay không".
Ông thêm rằng điều kiện tiên quyết để Trung Quốc và Mỹ có thể cùng nhau giúp Taliban cắt liên hệ với các tổ chức khủng bố là Washington phải thay đổi quan điểm về Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM).
Bắc Kinh đổ lỗi cho ETIM gây ra các cuộc tấn công khủng bố ở Tân Cương, khu vực ở vùng viễn tây Trung Quốc giáp với Afghanistan. Tổ chức này được các chiến binh Duy Ngô Nhĩ thành lập năm 1993 và bị Mỹ liệt vào danh sách nhóm khủng bố nước ngoài năm 2002. Tuy nhiên vào cuối năm ngoái, Washington đã loại ETIM khỏi danh sách khủng bố.
Trung Quốc phản đối động thái trên, đồng thời kêu gọi Mỹ thay đổi quyết định, khẳng định điều này sẽ giúp loại bỏ những trở ngại về hợp tác giữa Washington và Bắc Kinh ở Afghanistan cũng như trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
Trung Quốc không ít lần cáo buộc Mỹ có "tiêu chuẩn kép" về khủng bố. Đây là thông điệp được nhấn mạnh trong cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken hôm 29/8.
Nhưng Washington và Bắc Kinh đã bắt đầu thảo luận về Afghanistan, và đối thoại thì luôn tốt hơn đối đầu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời Ngoại trưởng Vương nói.
Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, với hàng loạt vụ đánh bom khủng bố xảy ra ở Kabul những ngày gần đây, tất cả các bên cần phối hợp hành động và tích cực dìu dắt Taliban. Ông thêm rằng Mỹ cũng nên hỗ trợ kinh tế và nhân đạo cho Afghanistan.
Bắc Kinh lo ngại hỗn loạn ở Afghanistan sẽ tạo ra những rủi ro an ninh ở Tân Cương. Trung Quốc hồi cuối tháng 7 đón một phái đoàn Taliban, mô tả nhóm là một lực lượng chính trị quan trọng ở Afghanistan.
Trung Quốc đã lên tiếng phản đối áp đặt trừng phạt lên Afghanistan, cho rằng việc gây thêm áp lực sẽ không thể xoa dịu cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, họ chưa công nhận Taliban là một chính phủ hợp pháp.
Gu Dingguo, chuyên gia tại Đại học Sư phạm Hoa Đông nghiên cứu về các láng giềng của Trung Quốc, nhận định Bắc Kinh sẽ tiếp tục phản đối quan điểm của Mỹ về ETIM và Tân Cương, nhưng không gian hợp tác giữa đôi bên vẫn còn.
"Trung Quốc có thể đồng ý hợp tác với Mỹ cung cấp viện trợ nhân đạo và kinh tế cho Afghanistan, nhưng Bắc Kinh tin rằng Washington chính là nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng nên họ cần dẫn dắt và đảm nhận phần lớn nỗ lực hỗ trợ đó", Gu cho hay.
Srikanth Kondapalli, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, Ấn Độ, đánh giá cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung sẽ khiến việc hợp tác trong các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng để tái thiết Afghanistan khó thành công, nhưng đôi bên có thể phối hợp chống khủng bố.
"Nếu Afghanistan một lần nữa trở thành điểm trú chân cho khủng bố quốc tế, có khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ mở kênh liên lạc", Kondapalli dự đoán. Hai bên có thể "chia sẻ thông tin tình báo và trong trường hợp này, họ sẽ giúp các quốc gia trong khu vực xích lại gần nhau để chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Nhà nước Hồi Giáo Khorasan (IS-K)".
Vũ Hoàng (Theo SCMP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét