Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

Sức ép tị nạn Afghanistan bủa vây Biden

Mỹ đã rút hết quân khỏi Kabul, nhưng hàng nghìn người tị nạn mà họ di tản khỏi Afghanistan khiến Biden đối mặt làn sóng chỉ trích mới.

Tổng thống Joe Biden những ngày qua phải đương đầu với làn sóng chỉ trích bỏ mặc đồng minh Afghanistan, khiến chính phủ thân phương Tây nhanh chóng sụp đổ trước Taliban. Giờ đây, sau khi sơ tán hàng nghìn người Afghanistan có nguy cơ bị đe dọa dưới chính quyền Taliban, ông tiếp tục chịu sức ép chính trị khi mở đường cho họ tái định cư trên đất Mỹ.

Các chính trị gia đảng Cộng hòa, dẫn đầu bởi cựu tổng thống Donald Trump, trong tuần qua liên tục chỉ trích Biden về vấn đề này. Siết quy định nhập cư từng chiếm vị trí trọng yếu trong chính sách suốt nhiệm kỳ của Trump, trong khi nhiều thành viên đảng Cộng hòa phản đối ý tưởng đưa người tị nạn Afghanistan tới Mỹ vì lo ngại nguy cơ an ninh và xáo trộn xã hội.

Phe Cộng hòa đang lên kế hoạch biến vấn đề người tị nạn Afghanistan thành một chủ đề tranh luận cho cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022. Chiến dịch rút quân nhiều tranh cãi của Biden trong những tháng qua cũng có thể trở thành mục tiêu công kích chính trị.

Nghị sĩ Cộng hòa Matt Rosendale cho rằng hỗn loạn ở Afghanistan không thể tạo cớ cho "cơn lũ nhập cư" vào Mỹ. Ông muốn vận động Thống đốc Greg Gianforte, một người cùng đảng Cộng hòa, từ chối tiếp nhận mọi trường hợp chưa được kiểm tra lý lịch xin tị nạn ở bang Montana.

Lính thủy quân lục chiến Mỹ hướng dẫn người tị nạn qua cổng sân bay Kabul vào ngày 25/8. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Lính thủy quân lục chiến Mỹ hướng dẫn người tị nạn qua cổng sân bay Kabul vào ngày 25/8. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

"Chúng ta cần đảm bảo những ai được đặt chân đến đây thật sự mong mỏi góp sức, chứ không tấn công đất nước", Rosendale tuyên bố.

Nhà Trắng đang khẩn trương đối phó với sức ép công kích này. Tổng thống Biden không muốn vướng phải những thách thức mà ông từng gặp phải với chương trình tái định cư người tị nạn Syria vào năm 2015. Phe Cộng hòa thời điểm đó quyết liệt chính trị hóa vấn đề, thúc đẩy bất bình trong dư luận Mỹ, tương tự cách họ đang tiếp cận vấn đề Afghanistan.

Quan chức chính quyền Biden đã trao đổi từ trước với lãnh đạo các bang và địa phương về mức độ nghiêm ngặt trong thẩm tra lý lịch người xin tị nạn. Tương tự, chiến lược vận động ở cấp cộng đồng đang được một số tổ chức bảo vệ quyền lợi người tị nạn tiến hành. Họ kỳ vọng những nỗ lực này sẽ giải tỏa nỗi hoài nghi nhắm vào chương trình tái định cư liên bang.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ được chỉ định điều phối phân bổ người tị nạn Afghanistan về các bang. Một quan chức cấp cao tiết lộ những người xin tị nạn sẽ trải qua quy trình thẩm tra an ninh gắt gao, gồm đối chiếu dữ liệu sinh trắc học lẫn lý lịch, với sự tham gia của các chuyên viên tình báo, hành pháp và chống khủng bố. Trong thời gian thẩm tra, người tị nạn sẽ được lưu lại nước thứ ba như Qatar hoặc Kuwait.

Theo một số nguồn tin chính phủ, nhiều trường hợp người tị nạn Afghanistan được di tản khi đang trong giai đoạn xét duyệt thị thực. Nhóm này đã rất gần bước kiểm tra an ninh. Quy trình đánh giá lý lịch có thể mất trung bình 12 - 24 tháng.

Hàng nghìn người tị nạn Afghanistan đã được định cư tại Mỹ, tập trung ở các bang có đông đồng hương là California, Texas và Virginia. Nghiên cứu về người tị nạn nhập cư vào Mỹ trong vài thập niên gần đây cho thấy đây là nhóm dân số có tỷ lệ phạm tội thấp và chưa từng liên quan tới mối đe dọa nội địa nào.

Dù vậy, chia rẽ chính trị vẫn là rào cản lớn cho chương trình tái định cư người tị nạn Afghanistan. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong số 19 thành phố sẵn sàng đón nhận người tị nạn Afghanistan, chỉ một thành phố có thị trưởng là thành viên đảng Cộng hòa.

Từ ngày 14/8, Mỹ đã sơ tán hơn 114.000 người khỏi Afghanistan, trong đó khoảng 5.000 người là công dân Mỹ. Giới chức Nhà Trắng ước tính khoảng 80.000 người đáp ứng các điều kiện nhập cảnh. Con số này đặt phe bảo thủ tại Mỹ vào tình trạng báo động.

Steve Cortes, cựu cố vấn của Trump, cho rằng nước Mỹ đã "trả giá ngoài sức tưởng tượng vì chủ nghĩa toàn cầu trong chính quyền Bush và Obama". Tucker Carlson, người dẫn chương trình Fox News và ủng hộ nhiệt thành cựu tổng thống, còn cho rằng nước Mỹ "sẽ bị xâm lược".

Tổng thống Joe Biden ngày 29/8 dự lễ đón linh cữu 13 quân nhân Mỹ thiệt mạng trong vụ khủng bố sân bay Kabul vào tuần trước. Ảnh: AP.

Tổng thống Joe Biden ngày 29/8 dự lễ đón linh cữu 13 quân nhân Mỹ thiệt mạng trong vụ khủng bố sân bay Kabul vào tuần trước. Ảnh: AP.

Thượng nghị sĩ Texas Ted Cruz viết trên Twitter rằng ông ủng hộ sơ tán người Afghanistan có công với Mỹ, nhưng không chấp nhận tình trạng "nhập cư mất kiểm soát".

Trong thông cáo tuần qua, Trump lo ngại rằng "hàng nghìn phần tử khủng bố" đã trà trộn vào dòng người sơ tán bằng đường hàng không rời Kabul. "Không có bước thẩm tra nào. Joe Biden đã đưa bao nhiêu khủng bố vào nước Mỹ? Chúng ta sẽ không bao giờ biết rõ được", cựu tổng thống Mỹ viết.

Nhà Trắng cũng thừa nhận những thách thức chính trị rất lớn mà họ phải đối mặt trong nỗ lực tiếp nhận người tị nạn Afghanistan. "Một bộ phận người Mỹ, thậm chí một số người ở quốc hội, không muốn người nước khác đến tị nạn ở đây", thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói. Tuy nhiên, bà khẳng định chính quyền Biden cam kết tiếp tục truyền tải rõ thông điệp người nhập cư là một phần bản sắc Mỹ và Tổng thống sẽ không thay đổi chính sách.

Giới chuyên gia cũng cho rằng thách thức chính trị lần này của Biden không nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng tị nạn Syria năm 2015. Phần lớn người được di tản lần này từng hỗ trợ quân đội Mỹ hoặc đồng minh trong suốt hai thập kỷ qua, điều tạo ra thiện cảm để các thành phố Mỹ chấp nhận tiếp nhận họ.

"Lòng trung thành là phẩm chất vô cùng quan trọng", Bill Canny, giám đốc Cơ quan Di trú và Tị nạn thuộc Hội nghị Giám mục Công giáo Mỹ, chia sẻ.

Dự luật tăng cường thị thực đặc cách cho công dân Afghanistan được thông qua vào giữa tháng 8 phần nào phản ánh rõ tâm lý cử tri, khi chỉ có 16 nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối. Thống đốc một số bang Cộng hòa như Arkansas, Utah và Oklahoma cũng đánh tiếng sẵn sàng chào đón người Afghanistan. Ít nhất 65 nghị sĩ Dân chủ còn yêu cần chính phủ nhận tối thiểu 200.000 hồ sơ tị nạn trong năm tài khóa 2022.

Lầu Năm Góc đã bố trí 4 căn cứ quân sự ở Virginia, New Jersey, Texas và Wisconsin làm nơi lưu trú và xét duyệt người di tản từ Afghanistan. Tại đây, người tị nạn sẽ được hỗ trợ thủ tục và định hướng văn hóa, trong thời gian các tổ chức bảo trợ tìm nơi định cư cho họ trên đất Mỹ.

Trước khi hòa nhập vào cộng đồng mới, người Afghanistan phải xét nghiệm Covid-19 và cách ly nếu dương tính. Một số cơ sở tập trung đã bắt đầu tiêm vaccine.

"Việc chủ động bảo vệ những người yếu thế, trong đó có người tị nạn, sẽ mang lại nhiều lợi ích quốc gia cho chính nước Mỹ, khi vừa thúc đẩy động lực kinh tế tron nước, vừa củng cố hình ảnh toàn cầu, tăng cường quyền lực mềm và góp phần ổn định khu vực Trung Đông", chuyên gia Kemal Kirişci và Fulya Memisoglu nhận định trong bài viết trên website của Viện Brookings.

Trung Nhân (Theo Politico)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét