Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

Lính Mỹ phá hủy hơn 70 máy bay trước khi rời Kabul

Các binh sĩ Mỹ vô hiệu hóa hàng chục máy bay, xe bọc thép và tổ hợp phòng không tại sân bay Kabul trước khi rời Afghanistan.

73 máy bay tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul bị quân đội Mỹ vô hiệu hóa trước khi rút hoàn toàn khỏi Afghanistan ngày 30/8, tướng Kenneth McKenzie, tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm quân đội Mỹ, cho biết. "Những chiếc máy bay đó sẽ không bao giờ cất cánh được nữa. Không một ai có thể vận hành được chúng", ông nói.

Các binh sĩ Mỹ bỏ lại khoảng 70 xe thiết giáp chống mìn MRAP, mỗi chiếc giá khoảng một triệu USD, cùng 27 xe đa dụng Humvee. Toàn bộ số phương tiện này đều bị vô hiệu hóa trước khi lực lượng Mỹ rời khỏi sân bay Kabul.

Binh sĩ Mỹ chuyển trực thăng CH-47 lên vận tải cơ C-17 ở sân bay Kabul, Afghanistan ngày 28/8. Ảnh: USAF.

Binh sĩ Mỹ chuyển trực thăng CH-47 lên vận tải cơ C-17 ở sân bay Kabul, Afghanistan ngày 28/8. Ảnh: USAF.

Lính Mỹ cũng bỏ lại hai hệ thống phòng không C-RAM, vốn được dùng để bảo vệ sân bay Kabul trước các cuộc tập kích bằng rocket. Tổ hợp C-RAM đã bắn hạ 5 quả pháo phản lực do tổ chức Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), nhánh Afghanistan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, phóng vào sân bay Kabul hôm 30/8.

"Chúng tôi quyết định cho các tổ hợp C-RAM hoạt động đến phút cuối. Phá hủy các hệ thống này là thủ tục phức tạp và tốn nhiều thời gian, do đó chúng tôi vô hiệu hóa để chúng không bao giờ hoạt động được nữa", tướng McKenzie nói.

Gần 6.000 binh sĩ Mỹ tới sân bay Kabul để bắt đầu chiến dịch di tản đường không hôm 14/8. Taliban tiến vào thủ đô Kabul sau đó một ngày mà gần như không vấp phải sự kháng cự nào, hoàn thành tiến trình kiểm soát quyền lực tại Afghanistan.

Lực lượng Mỹ sau đó phối hợp với Taliban để đảm bảo cho chiến dịch di tản đưa khoảng 123.000 công dân nước ngoài và người Afghanistan rời khỏi quốc gia Trung Á. Vận tải cơ C-17 thực hiện chuyến bay cuối cùng từ Afghanistan vào đêm 30/8, chở theo đại sứ Mỹ cùng binh sĩ nước này, kết thúc chiến dịch quân sự kéo dài 20 năm tại quốc gia Trung Á.

Nguyễn Tiến (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét