Các nhà nghiên cứu Nam Phi cho hay biến chủng mới C.1.2, mang đặc điểm của các chủng Alpha, Beta và Gamma, đang xuất hiện ở nhiều quốc gia.
Nhà virus học Penny Moore, chuyên gia của Viện Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm Nam Phi, cùng nhóm nghiên cứu cho hay họ nhận thấy biến chủng mới C.1.2 đã xuất hiện ở 7 quốc gia trên thế giới.
Hiện các nhà khoa học chưa rõ biến chủng mới này có nguy hiểm hơn không, nhưng nó mang những đột biến của các biến chủng khác có khả năng lây truyền cao và khả năng né tránh phản ứng của hệ miễn dịch như Alpha, Beta và Gamma.
Virus có nhiều đột biến hơn không có nghĩa là nguy hiểm hơn. Một số đột biến có thể làm suy yếu virus và chính sự kết hợp này ảnh hưởng tới việc virus có hiệu quả hơn hay không. Một đột biến bổ sung có thể loại bỏ ảnh hưởng của đột biến khác.
"Chúng tôi đang đánh giá tác động của biến chủng này với quá trình trung hòa kháng thể sau khi nhiễm nCoV hoặc sau khi tiêm vaccine Covid-19 ở Nam Phi", nhóm nghiên cứu viết trong báo cáo đăng trên Medrix.org hôm 26/8.
"Biến chủng này được phát hiện trong làn sóng Covid-19 thứ ba tại Nam Phi từ tháng 5 và được phát hiện ở 7 quốc gia khác tại châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Đại Dương. Việc xác định một biến chủng nCoV mới thường liên quan tới các đợt bùng phát mới".
Hiện còn quá sớm để Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp biến C.1.2 vào nhóm biến chủng đáng quan tâm hoặc đáng lo ngại, nên nó vẫn chưa được đặt tên theo bảng chữ cái Hy Lạp.
WHO đã nêu tên 4 biến chủng vào nhóm đáng lo ngại bởi tính dễ lây nhiễm, dễ gây bệnh nặng, dễ trốn tránh xét nghiệm, vaccine hoặc các phương pháp điều trị, gồm Alpha hay còn gọi là B.1.1.7, Beta (B.1.351), Gamma (P.1) và Delta (B.1.617.2).
Maria van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của WHO, lưu ý hiện có rất ít ca Covid-19 nhiễm biến chủng C.1.2.
"Tới nay mới khoảng 100 ca nhiễm C.1.2 được ghi nhận trên toàn cầu, trong đó ca nhiễm sớm nhất được báo cáo hôm 21/5 từ Nam Phi", bà cho hay. "Thời điểm này, C.1.2 dường như không tăng lưu hành trong cộng đồng".
Kerkhove nhấn mạnh WHO sẽ cập nhật trên trang web của tổ chức và mở họp báo nếu có thay đổi liên quan tới C.1.2. "Việc giám sát và đánh giá các biến chủng đang diễn ra, đóng vai trò cực kỳ quan trọng để tìm hiểu sự phát triển của loại virus này, trong cuộc chiến chống Covid-19 và đề ra chiến lược tương ứng", bà nói, cho hay tới nay Delta vẫn là chủng trội toàn cầu.
Biến chủng Beta lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi và lây lan ra một số nước, nhưng nó sau đó nhanh chóng bị chủng Delta lấn lướt. Các nhà khoa học từng cảnh báo nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới nguy hiểm hơn Delta nếu các nước không thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine và dỡ bỏ các biện pháp hạn chế quá sớm.
Hồng Hạnh (Theo CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét