Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2021

Trung Quốc siết quản lý ngành giải trí

Giới chức Trung Quốc mạnh tay chấn chỉnh ngành giải trí "hỗn loạn", cam kết xóa bỏ ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa người nổi tiếng tới giới trẻ.

Cam kết này là một phần của chiến dịch quốc gia nhằm bảo vệ "an ninh chính trị và ý thức hệ" trên không gian mạng trong bối cảnh hàng loạt ngôi sao truyền thông, người nổi tiếng Trung Quốc thời gian gần đây liên tiếp phải đối mặt các cáo buộc hiếp dâm, trốn thuế cùng những hành vi sai trái khác.

Trong một bài đăng trên trang web của mình ngày 28/8, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), cơ quan giám sát chống tham nhũng hàng đầu Trung Quốc, cho biết nhà chức trách quyết tâm trấn áp "mạnh tay" vì lợi ích của giới trẻ.

Ca sĩ Trung Quốc gốc Canada Ngô Diệc Phàm tại lễ trao giải của iHeartRadio ở Toronto năm 2018. Ảnh: Reuters.

Ca sĩ Trung Quốc gốc Canada Ngô Diệc Phàm tại lễ trao giải của iHeartRadio ở Toronto năm 2018. Ảnh: Reuters.

Bài viết liệt kê chi tiết những hành vi sai trái "gây sốc" của một số ngôi sao Trung Quốc, bao gồm các hoạt động tội phạm và những hành vi cực đoan trong văn hóa hâm mộ người nổi tiếng. Bài đăng cũng dẫn lại những chỉ trích trong giới giải trí và học thuật về các phương tiện độc hại mà ngành công nghiệp này sử dụng để thúc đẩy lượng truy cập trực tuyến cho các ngôi sao, những phương pháp mà theo CCDI là mang đến "các giá trị không chính xác" cho giới trẻ.

Bài viết được đăng một ngày sau khi Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) nêu 10 lĩnh vực cần chấn chỉnh trong cộng đồng người hâm mộ. CAC yêu cầu chính quyền các địa phương hủy bỏ tất những hình thức xếp hạng người nổi tiếng và thắt chặt kiểm soát các cơ quan quản lý, quảng bá hình ảnh cho người nổi tiếng.

Các cộng đồng người hâm mộ trực tuyến cũng phải được các công ty, đơn vị liên quan đến người nổi tiếng chấp thuận. Mặt khác, những nền tảng trực tuyến không kịp thời ngăn chặn các "cuộc chiến" giữa những cộng đồng người hâm mộ các ngôi sao khác nhau cũng sẽ bị phạt.

CAC đã cố gắng dập tắt "tình trạng hỗn loạn" trong các fan club trực tuyến từ hồi tháng 6 như một phần trong chiến dịch chấn chỉnh văn hóa hâm mộ người nổi tiếng ngày càng độc hại ở Trung Quốc.

Trong một số trường hợp, nhiều fan hâm mộ bị bạo hành trực tuyến, bị công bố thông tin cá nhân, họ có xu hướng chi tiêu quá mức cho thần tượng hay thậm chí lén bám đuôi thần tượng.

Hồi đầu tháng, những người hâm mộ ca sĩ Trung Quốc gốc Canada Ngô Diệc Phàm đã lên tiếng bênh vực thần tượng của mình sau khi anh này bị buộc tội hiếp dâm, tuyên bố đã lên kế hoạch cướp ngục để giải thoát thần tượng.

Tencent và Weibo đã đóng cửa các nhóm trực tuyến nơi một số người hâm mộ bày tỏ "tin tưởng vào Ngô Diệc Phàm và sẽ chờ đợi ngày anh được thả".

Trong quá trình "dọn dẹp", CAC đã xóa hơn 15.000 "tin nhắn gây hại", đóng hơn 4.000 tài khoản mạng xã hội và 1.300 nhóm, đồng thời xóa 39 ứng dụng.

Ngô Diệc Phàm chỉ là một trong hàng loạt tên tuổi đình đám của làng giải trí Trung Quốc vướng bê bối những tuần gần đây.

Hôm qua, nữ diễn viên Trịnh Sảng bị yêu cầu nộp phạt 46,1 triệu USD vì tội trốn thuế. Hồi đầu tháng, bạn gái cũ của ca sĩ Hoắc Tôn cáo buộc anh ngoại tình và khoe khoang về chiến tích tình trường. Dù vậy, bài viết của CCDI không đề cập đến nữ diễn viên kiêm đạo diễn tỷ phú Triệu Vy, người mà trong tuần qua, mọi dấu tích trên mạng của cô đều bị xóa sạch không rõ lý do.

Nhằm củng cố lại ngành công nghiệp giải trí, hàng chục nghệ sĩ Trung Quốc đã tham gia một khóa học kéo dài hai ngày do chính quyền tổ chức tại Bắc Kinh hồi tháng trước để nâng cao đạo đức nghề nghiệp, nhận thức về luật pháp và lịch sử đảng.

Giới chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng lên án mạnh mẽ hành vi khuyến khích người hâm mộ phô trương sự giàu có, thao túng các bình luận trên mạng xã hội, tạo các chủ đề trực tuyến để lèo lái dư luận hay sử dụng phần mềm can thiệp nhằm tăng lưu lượng truy cập dữ liệu liên quan đến thần tượng.

Hồi tháng 5, nhà chức trách Trung Quốc bất ngờ đình chỉ phần mới nhất của chương trình truyền hình thực tế thần tượng mang tên "Thanh xuân có bạn" sau khi truyền thông nhà nước chỉ trích việc người hâm mộ đổ xô đi mua sữa của nhà tài trợ chương trình nhằm lấy mã QR trên bao bì sản phẩm để bình chọn cho các thí sinh. Người hâm mộ mua nhiều đến mức cuối cùng một lượng sữa lớn bị bỏ đi, gây lãng phí.

Vũ Hoàng (Theo SCMP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét