Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu 5 đề xuất để quốc tế hỗ trợ châu Phi tái thiết và phát triển, ứng phó và phục hồi sau đại dịch,
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tối 28/10 tham dự phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến về hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và Liên minh Châu Phi với chủ đề "Tăng cường đoàn kết vì hòa bình và an ninh trong môi trường xung đột đang thay đổi", theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Theo Chủ tịch nước, châu Phi đã đạt các thành tựu nổi bật khi ngày càng gắn kết với các khu vực khác, phát triển và hội nhập. Tuy nhiên, nhiều nước châu Phi vẫn phải gánh chịu hậu quả của chủ nghĩa thực dân và chế độ nô lệ, cũng như bất ổn, xung đột, khủng bố, bạo lực cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và nguồn nước, khiến đà phát triển của châu lục bị kìm hãm.
Để cộng đồng quốc tế có thể chung tay hỗ trợ các nước châu Phi tái thiết và phát triển đất nước, ứng phó và phục hồi sau đại dịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 5 đề xuất, gồm các quốc gia trong châu lục cần phát huy năng lực làm chủ, nâng cao tính tự cường, trao quyền hơn cho phụ nữ, thanh niên; tiếp tục vun đắp quan hệ hữu nghị, mở rộng hợp tác, hội nhập; LHQ và Liên minh Châu Phi cần tiên phong hợp tác; thúc đẩy toàn diện và hiệu quả quan hệ đối tác chiến lược giữa HĐBA LHQ và Hội đồng Hòa bình và an ninh Liên minh Châu Phi; mở rộng hợp tác giữa các tổ chức khu vực, thúc đẩy trao đổi, hợp tác toàn diện giữa ASEAN và Liên minh Châu Phi; và tăng cường an ninh lương thực.
"Trong khuôn khổ hợp tác Nam – Nam, Việt Nam là đối tác hàng đầu của nhiều nước châu Phi về hợp tác sản xuất lương thực, thương mại nông sản... Chúng tôi sẽ tiếp tục xu thế hợp tác chiến lược này", Chủ tịch nước nhấn mạnh. "Việt Nam luôn sát cánh cùng các nước châu Phi vượt qua khó khăn, mở rộng hợp tác hiệu quả, hướng tới hòa bình và phát triển, hỗ trợ vật tư y tế chống đại dịch Covid-19".
Ông nhấn mạnh việc nhiều sĩ quan, bác sĩ quân y của Việt Nam đang làm việc tại các phái bộ LHQ ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và sắp tới sẽ hiện diện tại các phái bộ khác ở châu lục. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đồng thời chia sẻ mong muốn của Việt Nam sớm trở thành quan sát viên ở Liên minh châu Phi.
Huyền Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét