Những người trồng cây coca bao vây và bắt 180 binh sĩ Colombia tham gia chiến dịch chống ma túy, nhốt họ hai ngày rồi mới thả.
Tướng Omar Sepulveda, tư lệnh Sư đoàn 2 lục quân Colombia, cho biết 6 trung đội với 180 binh sĩ dưới quyền đã bị những nông dân trồng cây coca "bắt cóc" ngày 26/10 tại thị trấn Tibu, đông bắc Colombia.
Những người nông dân phản đối việc phá hủy đồn điền coca, loại cây phi pháp dùng để điều chế cocaine mà họ dựa vào để kiếm sống. Họ mang theo dao rựa và gậy gộc bao vây nhóm binh sĩ, sau đó nhốt họ vào một ngôi trường.
Ngày 28/10, những người trồng coca thả nhóm binh sĩ nói trên sau khi Tổng thống Ivan Duque kêu gọi họ "đơn phương lùi bước" và "không cản trở lực lượng chính phủ thi hành công vụ", văn phòng thanh tra nhân quyền của chính phủ Colombia cho biết trong thông cáo cùng ngày.
"Họ ổn và được trang bị vũ khí. Họ muốn tránh đối đầu và tôi đánh giá cao tính chuyên nghiệp của họ", Tổng thống Duque nói về nhóm lính trong một cuộc họp báo trước đó. "Tuy nhiên, hành động của nông dân không thể tiếp diễn ở đất nước này. "Nếu họ không thả người nhanh, giới chức sẽ coi đó là vụ bắt cóc".
Đại diện của nhóm nông dân trồng coca, tự nhận là Junior, nói với kênh W Radio rằng họ bắt 180 binh sĩ để phản đối vì "chính phủ chưa thực hiện lời hứa" giúp họ thay thế các đồn điền trồng cocaine bằng các loại cây hợp pháp khác.
Tibu thuộc vùng Catalumbo là nơi có diện tích canh tác coca lớn nhất thế giới, lên tới hơn 40.000 hecta, theo số liệu của Liên Hợp Quốc. Các nhóm phiến quân Colombia cùng băng đảng tại đây tranh giành nguồn thu từ buôn bán ma túy dọc theo đường biên dài và lỏng lẻo với Venezuela.
Colombia đang trả qua thời kỳ bạo lực nhất sau khi nhóm Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) giải giáp sau thỏa thuận năm 2016, chấm dứt hầu hết các cuộc giao tranh. Tổng thống Duque, nhậm chức từ năm 2018, tăng gấp đôi nỗ lực kiềm chế buôn bán ma túy.
Binh sĩ Colombia phá hủy các đồn điền trồng cây coca, vốn là nguồn kiếm sống duy nhất của hàng nghìn nông dân và lao động nhập cư. Các cuộc đụng độ giữa người trồng cây coca và binh sĩ Colombia thường xuyên diễn ra.
Colombia là nước ghi nhận nạn buôn cocaine ra nước ngoài nghiêm trọng nhất thế giới, với kỷ lục 1.010 tấn năm 2020, chủ yếu được tuồn sang Mỹ. Khoảng 42% dân số Colombia đang trong tình trạng nghèo đói và hơn 16% thất nghiệp do ảnh hưởng của Covid-19.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét