Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

Mỹ có thể hoãn thử siêu tên lửa để tránh chọc giận Nga

Nhà Trắng dường như đã lệnh cho Lầu Năm Góc hoãn thử tên lửa siêu vượt âm trước khi Biden họp thượng đỉnh với Putin hồi tháng 6.

Quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên hôm qua tiết lộ nhân viên cấp cao của Nhà Trắng đã liên hệ với Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng để yêu cầu cơ quan này hoãn thử tên lửa siêu vượt âm, với lý do vụ thử có thể gửi tín hiệu sai lầm hoặc phá hỏng cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin diễn ra tại Thụy Sĩ hồi tháng 6.

"Điều này là bình thường trong quá trình chuẩn bị các cuộc gặp. Phía Nga cũng không có hành động gây hấn nào trước sự kiện", quan chức giấu tên nói thêm.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết thông tin này "không chính xác", trong khi Lầu Năm Góc từ chối bình luận. Không bên nào tiết lộ nhân viên nào của Nhà Trắng đã gửi yêu cầu tới Lầu Năm Góc và ai ở Bộ Quốc phòng Mỹ xử lý vấn đề đó.

Tên lửa mang phương tiện lướt siêu vượt âm rời bệ phóng ở Cơ sở Thử nghiệm Tên lửa Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii tháng 3/2020. Ảnh: US Navy.

Tên lửa mang đầu đạn siêu vượt âm của Mỹ trong vụ thử ở Hawaii tháng 3/2020. Ảnh: US Navy.

Tổng thống Biden và người đồng cấp Nga Putin hôm 16/6 gặp nhau tại Geneva, Thụy Sĩ. Hai ngày trước cuộc gặp, hải quân Nga tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn trên Thái Bình Dương, cách quần đảo Hawaii khoảng 500-800 km, buộc Mỹ phải triển khai khẩn cấp 3 tiêm kích tàng hình F-22 giám sát, đồng thời điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đến gần Hawaii để đối phó.

Sau hội đàm tại Thụy Sĩ, lãnh đạo Mỹ và Nga đã thông qua tuyên bố chung, tái khẳng định cam kết đối với nguyên tắc "không thể có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và nó không bao giờ nên xảy ra", thống nhất các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí sẽ được khởi động và tổ chức ở cấp liên cơ quan.

Tuy nhiên, đến ngày 19/7, hơn một tháng sau cuộc gặp, Bộ Quốc phòng Nga thông báo hộ vệ hạm Đô đốc Gorshkov đã thử thành công tên lửa siêu vượt âm Zircon nhằm vào mục tiêu trên bờ biển Barents ở miền bắc nước này.

Đến ngày 28/7, không quân Mỹ tiến hành vụ thử tên lửa siêu vượt âm AGM-183A từ máy bay B-52 trên thao trường ngoài khơi bang California. Tuy nhiên, vụ thử thất bại khi tên lửa AGM-183A rơi xuống biển do gặp trục trặc động cơ.

Vũ Anh (Theo Politico)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét