Tháng 4/2020, giới chức Nga nói rằng tỷ lệ tử vong vì Covid-19 nước này thuộc diện thấp nhất thế giới. Nhưng giờ đây, tỷ lệ đó cao nhất châu Âu.
Vào giai đoạn đầu đại dịch, truyền thông Nga thường đưa tin về các nước phương Tây chật vật kiềm chế Covid-19, trong khi tình hình dịch tại nước này được "kiểm soát tốt". Trong cuộc họp ngày 28/4/2020, Anna Yurievna Popova, người đứng đầu Cơ quan giám sát, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor) báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin rằng Nga nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thấp nhất thế giới.
Các vận tải cơ Nga thậm chí đưa thiết bị y tế và đồ bảo hộ cá nhân đến Italy và Mỹ, được cho là nhằm thể hiện sự hào phóng và sẵn sàng ứng phó Covid-19 của Moskva.
Tuy nhiên, Nga cuối cùng lại gánh hậu quả vì những tuyên bố, hành động đầy lạc quan này. Theo Paul Stronski, chuyên gia cấp cao tại Chương trình Nga và Á-Âu thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, với thông điệp người Nga ít bị tổn thương hơn so với các nước khác, giới chức Nga đã khiến người dân trở nên tự mãn, chủ quan trong cuộc chiến chống đại dịch.
Khi đại dịch tiếp tục kéo dài, không ít người Nga lại tặc lưỡi, phó mặc cho số phận và phớt lờ trách nhiệm cá nhân trong chung tay ứng phó Covid-19.
Mặc dù Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine Covid-19 sau khi cấp phép vaccine Sputnik V vào tháng 8/2020, mới chỉ 33% dân số Nga được tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày 27/10. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 43% ở Azerbaijan, 56% ở Argentina, hay 76% ở Trung Quốc.
"Nhiều người dân không còn nghiêm túc để tâm đến Covid-19 sau khi được nói đi nói lại rằng đại dịch đã chấm dứt", Denis Volkov, giám đốc Trung tâm Levada, một tổ chức thăm dò độc lập, cho hay. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hơn một nửa dân số Nga không có kế hoạch đi tiêm.
Hệ quả là Nga gần đây liên tục ghi nhận kỷ lục buồn về Covid-19. Hôm 28/10, giới chức y tế nước này báo cáo thêm 40.096 ca nhiễm, mức tăng kỷ lục từ khi đại dịch bắt đầu, nâng tổng số người nhiễm lên hơn 8,3 triệu. Số trường hợp tử vong cũng tăng cao chưa từng thấy là 1.159 người, nâng tổng số người chết vì Covid-19 lên hơn 235.000. Nga hiện là nước ghi nhận tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất châu Âu.
Toàn bộ 255.000 giường bệnh được bố trí cho bệnh nhân Covid-19 tại Nga đã được lấp kín. Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko kêu gọi đội ngũ nhân viên y tế tiêm chủng và đến làm việc, đồng thời thuyết phục các bác sĩ về hưu trở lại để khắc phục tình trạng thiếu nhân viên. Khoảng 700 bác sĩ Nga được báo cáo tử vong vì Covid-19 trong 6 tháng đầu năm nay.
Mối nghi ngờ bao trùm vaccine Sputnik V được cho là do tâm lý ngần ngại vaccine vốn tồn tại trong công chúng Nga, cùng sự thiếu tin tưởng vào giới chức. Sputnik V được đưa ra thị trường một năm trước khi các nhà phát triển hoàn thành giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng. Họ còn chần chừ cung cấp dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), khiến hoài nghi gia tăng.
Giới chuyên gia Nga từng thảo luận rằng liệu tỷ lệ tiêm có gia tăng hay không nếu chính phủ cho phép triển khai vaccine do nước ngoài sản xuất. Trên thực tế, nhiều người Nga đã tới những nước khác, như Serbia và Armenia, để tiêm các loại vaccine khác. Tuy nhiên, việc Moskva từng chỉ trích các vaccine phương Tây được cho là làm gia tăng tâm lý ngần ngại tiêm chủng nói chung.
Trong công tác chống dịch, chuyên gia Stronski đánh giá giới chức Nga không rút ra bài học từ sai lầm của mình, khác với Trung Quốc hay Italy, những nước từng bị Covid-19 tấn công mạnh mẽ nhưng sau đó tổ chức chiến dịch tiêm chủng thành công, đồng thời áp dụng các biện pháp ứng phó dịch hiệu quả.
"Cách tiếp cận của chính phủ Nga thiếu tập trung và thường hời hợt. Việc lập kế hoạch kém, thiếu nguồn lực và nhận thức hạn chế của công chúng về cách kiểm soát sự lây lan virus là những yếu tố dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay, với sự xuất hiện của biến chủng Delta rất dễ lây lan", Stronski phân tích.
Sau nhiều tháng ứng phó đại dịch thiếu quyết liệt, giới chức Nga giờ đây thừa nhận tình hình nghiêm trọng và sai lầm trong công tác truyền thông. "Chúng tôi phải thành thật rằng chiến dịch truyền thông trong cuộc chiến chống Covid-19 của chính quyền đã thất bại", Phó chủ tịch Hạ viện Nga Pyotr Tolstoy phát biểu hôm 16/10.
Trong nỗ lực kiềm chế dịch bệnh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn đề xuất cho dân nghỉ làm một tuần, từ ngày 30/10 đến 7/11. Tuy nhiên, thay vì ở nhà để tránh lây lan virus, nhiều người Nga tận dụng cơ hội này để đi du lịch trong và ngoài nước, khiến giới chức tỏ ra vô cùng thất vọng.
Tình hình ngày càng tồi tệ dường như thúc đẩy Tổng thống Putin tích cực chỉ đạo chống dịch quyết liệt hơn. Hôm 24/10, Putin ban hành một loạt sắc lệnh nhằm tăng tốc xét nghiệm nCoV trên toàn quốc, giảm thời gian hoạt động của các nhà hàng và địa điểm công cộng khác, đồng thời áp dụng quy định cách ly nghiêm ngặt hơn với các ca nhiễm.
Để tăng cường tiêm chủng, Putin còn cho phép những người chịu tiêm được nghỉ hai ngày hưởng lương. Tỷ lệ tiêm chủng vài ngày gần đây đã bắt đầu tăng ở những nơi như Moskva, nhưng phần lớn nhiệm vụ chống dịch vẫn do giới chức địa phương phụ trách.
Tại thủ đô Moskva, tâm điểm đại dịch ở Nga, Thị trưởng Sergei Sobyanin ban lệnh phong tỏa một phần từ ngày 28/10 đến 7/11. Toàn bộ người lao động không thiết yếu được đề nghị ở nhà, các doanh nghiệp không thiết yếu và trường học cũng phải đóng cửa. Thành phố cũng sẽ sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để xác định những người vi phạm quy định phòng dịch và phạt tiền. Tuy nhiên, giải pháp này thường không đạt hiệu quả khả quan tại Nga.
Chuyên gia Stronski đánh giá tình hình Covid-19 ở Nga hiện nay là lời nhắc nhở với toàn thế giới rằng mọi quốc gia đều đối mặt nguy cơ chật vật ngăn chặn một đại dịch nguy hiểm và rất dễ lây lan.
"Mối nghi ngờ bao trùm, tâm lý phó mặc cho số phận và sự tự mãn khiến thực tế nghiệt ngã này trầm trọng thêm", ông nhận định.
Ánh Ngọc (Theo Carnegie Endowment)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét