Trung Quốc chỉ trích Mỹ và phương Tây vì cáo buộc thực hành thương mại thiếu công bằng và cưỡng ép kinh tế trong đánh giá định kỳ của WTO.
Trả lời họp báo ngày 28/10, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn kịch liệt chỉ trích những bình luận do Mỹ và các đồng minh đưa ra trong đợt đánh giá định kỳ ba năm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) về những sách lược thương mại Trung Quốc. Ông gọi các đánh giá từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Anh, Australia và Canada là "vô lý" và "thiếu chuẩn mực".
Theo ông Vương, những phàn nàn từ Mỹ cùng phương Tây nhắm đến lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ và quyền tiếp cận thị trường đều không nằm trong phạm vi diễn đàn hoặc lĩnh vực WTO giám sát. Ông không xem khiếu nại là đánh giá công bằng, thay vào đó chỉ nên là đề xuất cho Trung Quốc.
"Buộc Trung Quốc làm tròn những ràng buộc vượt ngoài phạm vi WTO, nhưng nêu ra trong khuôn khổ WTO, là bất công, vô lý và không thể chấp nhận", Thứ trưởng Trung Quốc nhận định.
Bắc Kinh lưu ý sẽ xem xét nghiêm túc mọi quan ngại của các nước trong phạm vi WTO để hoàn thành cam kết với tư cách thành viên.
Trước đó, trong đợt đánh giá thành viên WTO lần thứ tám đối với Trung Quốc, Mỹ cùng các đồng minh và đối tác nhận định ở nước này tồn tại thương mại thiếu công bằng và tình trạng "cưỡng ép kinh tế". Trung Quốc nhận 2.562 câu hỏi từ 39 thành viên WHO, tăng 16% so với đợt đánh giá năm 2018.
Cuộc đánh giá năm nay trùng với mốc 20 năm Trung Quốc gia nhập WTO. Trong vài năm qua, Trung Quốc chịu sức ép ngày càng lớn từ phương Tây về việc thực hiện cam kết thành viên. Các nước nhận định Trung Quốc đang hưởng lợi không công bằng nhờ tư cách nền kinh tế đang phát triển.
Trong khi đó, ông Vương khẳng định Trung Quốc đã đáp ứng mọi cam kết với WTO và nước này vẫn là nền kinh tế đang phát triển. Ông lưu ý phát triển thiếu cân bằng và không đảm bảo chất lượng vẫn là vấn đề nổi cộm và khó giải quyết.
Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc phủ nhận cáo buộc nước này không duy trì mở cửa nền kinh tế và cải cách bảo hộ doanh nghiệp nhà nước. Ông khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho đầu tư độc lập từ nước ngoài hoặc đàm phán đầu tư qua thỏa thuận song phương, thỏa thuận tự do mậu dịch hoặc trong khuôn khổ WTO.
Trung Nhân (Theo SCMP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét