Chiếc FC-31 lần đầu tiên bay thử nghiệm với một số cải tiến để trở thành mẫu tiêm kích tàng hình chủ lực trên tàu sân bay của Trung Quốc.
Ảnh xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc gần đây cho thấy tiêm kích tàng hình FC-31 thực hiện chuyến bay thử ở một địa điểm không được tiết lộ. Đây được xác định là mẫu tiêm kích hạm tàng hình mới của Trung Quốc, phát triển từ nguyên mẫu FC-31 do Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương chế tạo.
Mẫu máy bay mới có một số sửa đổi để vận hành trên tàu sân bay, bao gồm cánh có thể gập lại và hệ thống móc kéo để vận hành cùng máy phóng. Nguyên mẫu tiêm kích này có nắp buồng lái ngắn hơn FC-31, phía dưới có thể gắn một cụm cảm biến tương tự Hệ thống Ngắm mục tiêu Quang điện (EOTS) của tiêm kích F-35.
Biên tập viên Thomas Newdick và Tyler Rogoway của Drive nhận định nguyên mẫu tiêm kích hạm mới dường như là biến thể thứ hai của FC-31, với một số cải tiến bao gồm phần đuôi nhỏ hơn, bề mặt nhẵn và thân ít góc cạnh hơn. Hãng sản xuất chưa đặt tên cho nguyên mẫu tiêm kích hạm mới, một số nguồn tin cho biết máy bay có thể được gọi là J-21 hoặc J-35.
Mẫu tiêm kích hạm bay thử được trang bị móc kéo và gần như chắc chắn sẽ vận hành trên tàu sân bay Type-003, tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc. Type-003 dự kiến được trang bị máy phóng điện từ (EMALS), thay vì sử dụng thiết kế cầu nhảy như tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông, song có thể chưa được trang bị lò phản ứng hạt nhân.
Việc biến FC-31 thành tiêm kích hạm đòi hỏi thay đổi về khí động học, trang bị thêm thiết bị tạo lực nâng trên cánh. Hệ thống điều khiển chuyến bay phải thích ứng với đặc thù vận hành trên biển, khung máy bay phải được gia cố để chịu áp lực khi cất cánh bằng máy phóng và đáp xuống sàn tàu sân bay bằng hệ thống cáp hãm đà.
Ngoài ra, gầm máy bay cần được gia cố và gắn móc cáp hãm đà. Tiêm kích hạm có thể sử dụng nhiều bộ phận bằng composite để tránh bị ăn mòn khi hoạt động trên biển, cánh của chúng cần có cơ cấu cho phép gấp lại để xếp gọn trong không gian chật hẹp của tàu sân bay.
Hải quân Trung Quốc đang cần một mẫu tiêm kích hạm đa năng mới, do dòng J-15 gặp trục trặc vì hệ thống điều khiển bay thiếu ổn định và từng xảy ra hai vụ tai nạn chết người liên quan tới lỗi này.
J-15 là một trong những tiêm kích hạm nặng nề nhất thế giới, khiến chúng phải bỏ bớt nhiên liệu và vũ khí để có thể cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của Trung Quốc.
Trung Quốc được cho là đã dừng dây chuyền sản xuất J-15 sau khi xuất xưởng 24 chiếc năm 2017. Tuy nhiên, một số nguồn tin năm 2020 cho biết một lô J-15 mới bắt đầu được chế tạo để đáp ứng nhu cầu xây dựng các không đoàn tàu sân bay mới.
Nguyễn Tiến (Theo Drive)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét